Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


54. TÚ TÀI BIẾU NGỖNG

        Có một tú tài đem một con ngỗng đi biếu học quan.

        Viên học quan nói:

-         “Ta nghĩ rằng nếu nhận ngỗng của anh thì có thể là không có gì để cho nó ăn, thế là nó chết đói sao ? Mà nếu không nhận thì lại thất lễ, làm sao bây giờ chứ ?”

        Tú tài nói:

-         “Xin sư phụ nhận cho, chết đói là chuyện nhỏ, thất lễ mới là chuyện lớn”.

                                                (Chuyện tiếu thời thượng)

 

Suy tư 54:

        Con người nếu có chết đói thì cũng chỉ là chuyện nhỏ, thất lễ mới thật đúng là chuyện lớn. Thật ra đói và lễ cũng quan trọng như nhau.

        Đói là vật chất, lễ là tinh thần.

        Con người ta khi đói thì làm liều, cho nên mới có câu “bần cùng sinh đạo tặc”, cũng có nghĩa là khi đói thì người ta mất tất cả lễ nghĩa, tâm tình cũng biến đổi theo cái bao tử co thắt của mình.

Khi đói thì dùng tiền bạc để mua thức ăn cho hết đói, hoặc kiếm gì đó bỏ vào bụng thì cơn đói không còn nữa, nhưng khi đã thất lễ thì không thể dùng tiền bạc để mua lễ, cũng không thể bỏ gì đó vào bụng thì hết thất lễ, nhưng với những người coi trọng vật chất đồng tiền thì lễ nghĩa đối với họ chỉ là con số không, bởi vì “đồng tiền liền khúc ruột” chứ không phải là lễ nghĩa.

Người hiểu rõ “đói và lễ” hơn ai hết chính là người Ki-tô hữu, họ sẵn sàng đói vật chất để no tinh thần tức là lễ, họ hiểu rằng lễ chính là tôn trọng nhân cách của tha nhân, tức là khiêm tốn chấp nhận những khuyết diểm và những yếu đuối của tha nhân là để nâng cáo giá trị của họ, đó cũng chính là “lễ” và cũng là “tế” mà Đức Chúa Giê-su đã thực hành khi chấp nhận gánh vác những tội lỗi của chúng ta, để thánh hoá và hiến dâng cho Thiên Chúa Cha vậy, do đó mà người Ki-tô hữu vì đức ái, thà chịu đói chứ không vì miếng ăn mà hạ bệ danh dự, giá trị nhân cách của người anh em chị em, tức là thất lễ.

Lễ của người Ki-tô hữu và lễ của người khác không giống nhau là như vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)