Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Mười tre một lá


MƯỜI TRE MỘT LÁ
Có một văn nhân quê ở Tiền Đường viết một bài “thơ trúc” và đọc cho Tô Đông Pha nghe:
-         “Góp tre ngàn lưỡi kiếm, thẳng đứng vạn cây thương”.
Đông Pha nói:
-      “Cây trúc này hình như rất ít lá !”
Người ấy không hiểu, Đông Pha giải thích, nói:
-         “Mười cây trúc trong thơ của ngài, ngài chỉ bỏ có một lá, không phải là quá ít sao ?”
                                     (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Người ta nói “đừng múa rìu qua mắt thợ”, có nghĩa là đừng đem cái chưa hay của mình đi khoe với những người giỏi về chuyên môn, bởi vì “rìu và thợ” thì luôn đi chung với nhau, bởi vì thợ sống là nhờ vào cái rìu, cũng có nghĩa là thợ sống về chuyên môn chặt cây đốn củi của mình.
     Ở đời có nhiều người thích “múa rìu qua mắt thợ” mà không biết xấu hổ, không biết mắc cở: có người chỉ mới học vỏ vẽ vài miếng võ căn bản thì đã coi mình như “thiên hạ đệ nhất võ lâm” đi đâu cũng vỗ ngực xưng tên; có người mới “đậu” chức linh mục thì đã tự phong cho mình là “chúa”, coi người khác như không có kí-lô-gam nào.
Tôi đã thấy một thầy nọ, mỗi tuần đều đi đến Toà Giám mục để bồi dưỡng thánh kinh với các cha các thầy khác, rất vui vẻ cởi mở với mọi người, ăn to nói lớn xuề xoà thân tình, nhưng khi có danh sách chịu chức linh mục thì đã coi các thầy đồng trang lứa không ra gì, cứ “mày mày tớ tớ” và giờ giải lao thì không cần “ngó ngàng” đến các thầy bạn, mà cứ xum xoe với các linh mục để trò chuyện mà thôi, và đối với các thầy cùng trang lứa thì xa cách như chưa hề quen biết...
Cũng có người mới chịu chức linh mục, dầu thánh nơi tay chưa ráo khô mà đã muốn làm giám mục, có nghĩa là không thèm vâng lời giám mục, coi các linh mục già như bạn bè đồng trang lứa, và có lúc tỏ thái độ “ta đây”...
Có những giáo dân, được cha sở đưa đi học bồi dưỡng khoá giáo lý chỗ này, khoá tu đức chỗ kia, nhưng khi về lại nhà thờ thì coi mình như là...cha phó, thích cãi lại cha sở, tranh luận “sửa lưng” cha sở, vì coi những kiến thức của mình là cao siêu hơn ngài...

“Múa rìu qua mắt thợ” là bày tỏ một tâm hồn kiêu căng và háo thắng, người ta không ai thích kẻ múa rìu qua mắt thợ, nhưng ai cũng thích người khiêm tốn luôn biết giới hạn của mình mà học hỏi với người khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư