Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


26.   MUỐN ĂN TIẾNG CHUÔNG KÊU

Ở thôn nọ có ba lão nông phu, từ trước đến nay không hề biết đến thành thị.

Một hôm, Giáp ngẫu nhiên làm một chuyến đi vô thành thị, sau khi trở về thì khoe với hai lão nông phu kia về những điều mình đã nghe và đã thấy, hai lão kia nghe xong thì trong lòng nổi lên  cay cú muốn đi cho biết, bèn hẹn ngày kia sẽ đi du ngoạn.

Trên đường đi, Giáp nói:

-         “Đi đến nơi đó nhớ không được tuỳ tiện nói lung tung đó nhé, bằng không thì dân thành thị sẽ cười cho, cần phải nghe tôi chỉ bảo.”

Khi đến trong thành, đột nhiên nghe tiếng chuông vang lên, Ất kinh ngạc hỏi:

-      “Cái gì mà tiếng kêu nghe vang quá vậy ?”

Giáp nói:

-      “Đó là tiếng chuông.”

Bính nói:

-         “Để tôi đi đến đó mua nó ăn một bụng cho no càng”.

Giáp cười nói:

-         “Ha ha, anh thật hoang đường ! Cái chuông ấy chẳng qua là dùng đất sét mà đúc, và dùng lửa mà nung thành đấy, làm sao có thể ăn được chứ ?”

Thật ra, Giáp cũng chỉ nhìn thấy cái khuôn bằng đất sét để đúc cái chuông đồng mà thôi, chứ chưa có tận mắt nhìn thấy cái chuông đồng nó kêu như thế nào !

                                                                        (Ứng hài lục)

 

Suy tư 26:

        Thấy cái khuôn đúc chuông thì khác với thấy cái chuông thật, cái khuôn đúc thì bằng đất sét, cái chuông thì bằng đồng gõ kêu nghe thanh thoát và vang xa.

        Thấy người tài giỏi khiêm tốn và thấy người tài giỏi kiêu ngạo thì không giống nhau, người tài giỏi khiêm tốn thì giống như cái chuông đồng tiếng lành vang xa, người tài giỏi kiêu ngạo thì như cái khuôn đúc bằng đất chỉ đắc chí nhất thời và sẽ chẳng còn ai nghĩ đến, và có nghĩ tới chăng nữa thì cũng thương tiếc cho một nhân tài không toả sáng vì sự kiêu ngạo của họ...

        Tiếng chuông đồng vang xa có hạn trong một vùng nhất định, nhưng việc làm của người tài giỏi khiêm tốn thì càng vang xa hơn khắp cùng bờ cõi trái đất, và làm cho tâm hồn mọi người được thanh thoả vì tinh thần và thái độ phục vụ của họ.

        Tài giỏi mà kiêu ngạo thì chỉ hại mình và làm thương tổn người khác, bởi vì nơi họ không có sự thoả mãn của bình an; trái lại, tài giỏi mà khiêm tốn thì luôn tìm cách giúp đỡ tha nhân, xây dựng cộng đoàn, và là người đem lại đoàn kết và sự tín nhiệm nơi người khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)