Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


4. HIỂU LẦM “HIẾN THẾ”

            Ngu Khiếu Phụ thời Hiếu Võ đế làm tư mã diệu kề cận bên mình hầu hạ.

Một lần nọ, Hiếu Võ đế bình tâm tịnh khí nói với họ Ngu:

-       “Khanh ở trong cung nhậm chức vụ rất quan trọng, sao lại không nghe khanh “hiến thế” cho triều đình nhỉ ?”[1]

Nhà họ Ngu giàu có lại ở bên biển, vừa nghe Hiếu Võ đế nói như vậy thì nghĩ sai rằng muốn ông ta tặng lễ vật, nên vội vàng nói:

-       Mấy ngày nay khí trời quá nóng, đợi mùa thu bắt được cá, nghêu, cua, ba ba thì nhất định đem dâng cho đại vương ?”

Hiếu Võ đế nghe ông ta giải thích sai như thế thì cười ha ha.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 4 :

Cùng một tư tưởng nhưng không phải tất cả mọi người đều lãnh ngộ giống nhau, nhưng tùy theo cá tính, trí tuệ và sự nhạy cảm của cá nhân mà đạt được sự hiểu biết.

Có một vài linh mục khi giảng trong thánh lễ thì phân tích rất chi tiết bài Phúc Âm, các ngài đem tất cả những hiểu biết về thần học thánh kinh ra nói về bài Phúc Âm rồi... đọc kinh tin kính, mà không chỉ cách cho giáo dân đem Lời Chúa hôm nay đi vào trong cuộc sống đời thường, hoặc có chăng nữa thì cũng sơ sài vài câu.

Thần học là lý thuyết, tu đức là thực hành, dạy giáo dân đem cái lý thuyết lồng vào trong cái thực hành thì cuộc sống của họ sẽ đổi mới và có căn bản hơn, bởi vì không phải ai cũng có trình độ để hiểu được lý thuyết thần học, nhưng thực hành tu đức thì chắc chắn mọi người đều hiểu và sẽ thực hành tốt nếu các linh mục dạy cho họ.

Ngu Khiếu Phụ đã hiểu lầm câu nói của Hiếu Võ đế vì nhà vua chỉ nói lý thuyết về  “hiến thế” mà không nói cụ thể công việc. Tai hại thay !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.  
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


[1] Đưa ra kiến nghị có thể thi hành để thay thế các chế độ không hợp lý.