Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


58.      NỖI OAN THẠCH SÙNG

Thạch sùng và thằn lằn có vài điểm giống nhau, nhưng chúng nó là hai loại động vật khác nhau.

Tục gọi thằn lằn và rồng là thông gia nên có thể cầu cứu làm mưa.

Vào thời Tống Thần Tông, năm nọ trời hạn hán nên phải cầu mưa, nhưng tìm không thấy thằn lằn nên có người bắt thạch sùng để thay thế và đem bỏ vào trong chậu nước để trẻ em cầm cành liễu cầu nguyện, có một em bé biết như thế liền niệm:

-      “Oan khổ oan khổ, tôi là thạch sùng, tối sầm như ông (ám chỉ đến ông quan chủ trì cầu mưa) cầu làm sao được mưa ngọt chứ ?”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 58 :

        Ở đời có những cái nhìn thì giống nhau nhưng khác nhau, như con thằn lằn và con thạch sùng, như con ba ba và con rùa, như con mực và con bạch tuột, như hai anh em sinh đôi...

        Ở đời cũng có những cái khác nhau nhưng lại giống nhau, như các dòng tu nam nữ tuy khác nhau nhưng lại giống nhau về ba lời khấn tức là ba lời khuyên của Phúc Âm, như các linh mục triều và linh mục dòng dù là khác nhau nhưng thiên chức linh mục vẫn giống nhau, như người Ki-tô hữu dù là khác nhau về dân tộc sắc tộc màu da hay quốc tịch, thì họ vẫn là người Ki-tô hữu được trở nên con Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội...

        Cái giống nhau nhưng khác nhau thường làm cho con người ta bị hiểu lầm, vì ai cũng thích nhìn cái dáng vẽ bên ngoài để phán đoán và để dò xét nhau; trái lại, cái khác nhau nhưng lại giống nhau thì thường làm cho người khác để ý hơn và thích thú hơn, vì họ khám phá ra những chỗ tương đồng trong đời sống khác biệt của nhau, đó chính là tình yêu của Thiên Chúa thôi thúc họ sống yêu thương và phục vụ nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su, cái dáng vẽ bên ngoài khác nhau thì không quan trọng nếu trong tâm của chúng ta có chữ Yêu của Thiên Chúa.

        Nỗi oan của thạch sùng không có gì là ghê gớm vì bên ngoài nó giống thằn lằn, nhưng nỗi oan của người Ki-tô hữu mới là đáng nể hơn, vì chính họ đang trở nên giống Đức Chúa Giê-su hơn khi bị người đời bắt bớ, đánh đập, trù dập và giết chết...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)