39.
NGÀY MAI MẤT TRÂU
Có một nông dân lên trước quan huyện cáo trạng nói là bị mất một con
trâu.
Quan huyện hỏi:
-
“Trâu mất lúc nào ?”
Trả lời:
-
“Ngày mai”.
Sai dịch bụm miệng cười, quan huyện rất giận dữ chỉ sai dịch nói:
-
“Cười cái gì ! Nhất định
là mày ăn trộm trâu của nó”.
Tên sai dịch vung vãy hai tay áo thưa trình rằng:
-
“Tùy ý ngài, lão gia, xin
mời ngài đến lục soát !”
(Tinh tuyển nhã tiếu)
Suy tư 39:
Ngày mai mới mất con trâu,
nghĩa là chưa mất, nên khi bị quan huyện đổ tội là ăn trộm trâu thì người sai dịch
đã ung dung tự tại nói: mời ngài đến lục soát.
Chuyện hôm qua là chuyện đã xảy ra có khi là chuyện buồn và
có khi là chuyện đau thương, nhưng con người không muốn biết hoặc không muốn cộng
tác nên có nhiều tiếc rẻ, hối hận; chuyện hôm nay là chuyện của Thiên Chúa và
con người cùng làm; nhưng chuyện ngày mai là chuyện của Thiên Chúa chứ không phải
của con người, cho nên cứ ung dung tự tại làm theo thánh ý của Thiên Chúa trong
ngày hôm nay thì có phúc rồi vậy.
Có một vài người Ki-tô hữu giàu có nghĩ rằng “trâu ngày mai”
mới mất, nghĩa là sự giàu có của họ sẽ còn lâu lắm mới hết của ăn của để, nên họ
như người phú hộ trong Phúc Âm mà Đức Chúa Giê-su đã nói, họ ăn chơi phè phởn,
họ dửng dưng trước nỗi bất hạnh của người khác, họ khoe khoang tiền bạc còn lâu mới hết.v.v...họ
không biết rằng khi họ làm ngơ trước sự túng thiếu của người nghèo là họ đã “mất
trâu” (linh hồn) rồi, bởi vì cái gì giữ lại thì sẽ mất và cái gì cho đi thì sẽ
còn, không những còn ở đời trong tâm hồn những người nghèo mà còn ở trên trời
trước mặt Thiên Chúa và các thánh nam nữ.
“Trâu ngày mai” mới mất thì không đáng buồn, chỉ buồn cho người
“mất trâu” ngay bây giờ mà chính họ cũng không biết mà thôi.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)