Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Đệ tử học nghệ

ĐỆ TỬ HỌC NGHỆ
 
 

Truyền thuyết ngày xưa nói rằng: mèo là một loại động vật rất giỏi, mọi người đều nói bản lĩnh của nó thâm sâu không thể đo lường được, nên ồ ạt đến để xin học nghệ. Qua những lớp sàng lọc thì sư phụ mèo mới thu nhận được ba tên đệ tử, đó là: beo gấm, hổ và gấu.

Ngày thứ nhất, giữa hai cây lớn thì sư phụ mèo cột một sợi dây thừng và kêu các đệ tử nhảy qua. Beo gấm nhảy phốc lên không bay qua được; con hổ nhảy một cái vượt qua được; đến phiên con gấu nhảy, sau khi làm một điệu bộ rất đẹp thì nhảy qua, nhưng nó rất là không linh hoạt nên khi vừa xuống thì bị sợi dây vướng chân, thử mấy lần đều không thành công. Con gấu mất đi lòng tin, lợi dụng khi sư phụ không chú ý bèn len lén bỏ về.

Ngày thứ hai, sư phụ mèo lại dạy chúng nó nhảy cao. Con hổ sau khi nghe nội dung học tập thì không lấy làm gì cả, trong lòng nghĩ: mọi người đều nói mèo giỏi, nhưng chẳng qua chỉ có thế mà thôi, ta vừa sinh ra là đã biết nhảy cao rồi, bây giờ lại còn lãng phí thời gian ở đây nữa chứ ?

Quả nhiên, ngày thứ ba, sư phụ mèo chỉ còn lại một mình beo gấm, nó rất phục beo gấm dám quyết tâm học đến cùng, thế là trong ngày đó bày ra bản lãnh điêu luyện: leo cây.

Về sau, con hổ và con gấu nhìn thấy beo gấm leo cây thì ngưỡng mộ mãi không thôi, nhưng khi chúng nó hối hận thì không còn kịp nữa, mà sư phụ mèo cũng không thu nhận đệ tử nữa.

Gợi ý:

     Các em thân mến,
     Con hổ và con gấu một đứa thì không có tính nhẫn nại, một đứa thì bởi vì không khiêm tốn, cho nên bỏ lỡ cơ hội tốt để học tập. Thật ra mấu chốt của học tập thành công chính là thuộc về những ai có thể kiên trì đến cùng, thì người ấy thắng lợi.

     Việc học, ban đầu thì lúc nào cũng khó nhọc và nản chí, nhưng nếu hiểu biết điều mình đang theo đuổi học tập, thì tự nhiên có sự cố gắng và quyết tâm.

     Có nhiều người có cái tính kiêu ngạo như con hổ, họ nói mình là con nhà đạo dòng, đạo gốc, mới sinh ra là đã biết làm dấu Thánh Giá rồi, biết đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng rồi, thế là họ không thèm học giáo lý, không thèm tham gia các buổi học Kinh Thánh, thậm chí còn không thèm nghe cha giảng khi tham dự thánh lễ nữa.

     Học giáo lý thì có khi nản lắm và không hứng thú, nhưng nếu biết mình đang học tập về Đức Chúa Giê-su thì chắc chắn các em sẽ vui vẻ để học, bởi vì Đức Chúa Giê-su chính là Đấng cứu độ chúng ta.

Các em thực hành:
-Cố gắng học giáo lý để biết thêm về Đức Chúa Giê-su.
-Mỗi ngày cố gắng đọc một câu Kinh Thánh.
-Siêng năng cầu nguyện với Đức Chúa Giê-su Thánh Thể.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư