Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Chỉ có một bình


CHỈ CÓ MỘT BÌNH
Có người được mời làm khách, ông ta rất nghiện rượu, uống từ bình này đến bình khác mà vẫn còn muốn uống.
Chủ nhà cười nói:
-         “Tôi kể câu chuyện nghe chơi: có một người đi buôn bán đồ bình khí, trên đường đi đột nhiên gặp phải một con cọp đang há to miệng nhảy vồ đến, người ấy kinh hoảng đem một bình khí ném vào nó, con cọp không lùi bước, lại ném thêm một bình khí nữa, nhưng con cọp vẫn không lùi bước.
“Sau khi vác tất cả các bình khí ném hết chỉ còn lại một bình, người ấy lớn tiếng nói: súc sinh, súc sinh, mày đi cũng là bình này, mày không đi cũng chỉ có bình này !”
                                     (Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Người tế nhị là người biết “nhìn trước coi sau” khi tiếp xúc hay khi đến một nơi nào đó, nhìn trước coi sau không phải là để…ăn trộm, cũng không phải là đề phòng người khác hãm hại, nhưng là nhìn xem đối tượng muốn gì, có thể là họ không muốn mình nói chuyện lâu giờ vì họ bận nhiều công việc, có thể là họ muốn mình đừng nói chuyện của ai trước mặt họ, nhưng vì tế nhị mà họ không nói ra, cho nên người tế nhị càng phải tế nhị hơn nữa.
     Có người mãi mê nói chuyện xấu người khác mà không nhìn thấy nét mặt của người đối diện thay đổi, có ngừơi mãi mê khoe khoang thành tích của mình mà không nhìn thấy người đối diện đang ngoạy ngọ muốn bỏ đi, lại có người oang oang la hét khi trong nhà người ta có bệnh nhân đang cần được nghỉ ngơi.
     Tế nhị là một phép lịch sự mà ai cũng biết, bởi vì đó là nét văn minh của con người, cho nên không có luật trừ cho ông to bà lớn, cho ông cha bà phước miễn ngoại lệ.
     Có nhiều linh mục cứ mỗi lần gặp nhau là ăn to nói lớn, cười vang lên bất kể có người khác đứng bên, các ngài không nhìn thấy sự khó chịu của các giáo dân trẻ, giáo dân già đang khó chịu nhìn ông cha sở của mình, chắc chắn trong lòng họ cũng nói rằng: “Cha cố gì mà ăn nói không giữ mồm giữ miệng !”.

     Hai chữ linh mục, tự nó cũng đáng được người ta kính trọng, huống hồ là bản thân linh mục, nhưng nếu không chịu xem xét lại hành vi cử chỉ của mình, thì các ngài cũng như bao ngừơi khác mà thôi, không ai muốn kính trọng các ngài nữa, và như thế cũng có nghĩa là Lời Chúa đang bị stop lại, vì chính các mục tử của Chúa đã làm cho giáo dân ngao ngán trước cái không tế nhị của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư