Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


80.   CÂY KEM CHẠY TRỐN

Có một chàng rể ngốc đi đến nhà vợ, ông cậu mời ở lại dùng cơm, ngẫu nhiên đưa anh ta ăn miếng đông lạnh (bây giờ gọi là kem que), chàng rể ngốc cảm thấy ăn rất ngon, bèn lấy giấy bao lại và cất trong lưng quần, khi về đến nhà thì nói với vợ:

-         “Nhà mẹ của cô có nhiều đồ ăn ngon, tôi đem về một miếng để cô ăn thử coi.”

Nói xong liền đưa tay rờ lưng quần, miếng đông lạnh trong giấy đã tan thành nước, rồi thấy trong quần bị ướt một đám, chàng rể ngốc kinh ngạc la lên:

-         “Đúng là đồ xảo quyệt, vãi một bãi nước tiểu rồi chạy !”

                                                                        (Tiếu phủ)

 

Suy tư 80:

        Câu chuyện cây kem chảy nước mà người lính miền bắc vào chiếm miền nam năm 1975 tưởng như là chuyện tiếu lâm của thời đại, vậy mà trước đây cả hàng ngàn năm nó đã xảy ra ở Trung Quốc rồi, đúng là lịch sử lặp lại.

        Có một câu chuyện lịch sử đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, không những chỉ lặp lại một lần mà là lặp lại hàng ngàn hàng vạn lần trong một ngày, không những ở một nơi cố định mà là ở mọi nơi trên quả địa cầu này, câu chuyện ấy chính là Đức Chúa Giê-su đã hiến tế chính mình làm của lễ đền tội cho nhân loại trên đồi Can-vê chỉ có một lần, nhưng được lập lại nhiều lần bằng thánh lễ Mi-sa khắp nơi trên các bàn thờ trong ngày...

        Câu chuyện cây kem chảy nước của thời đại ngày nay cũng như của ngày xưa thời các vua chúa bên tàu làm cho người nghe cười ra nước mắt vì cái ngu của họ, nhưng câu chuyện xảy ra trên đồi Can-vê ngày xưa đã khiến cho nhân loại đấm ngực ăn năn sám hối vì lỗi của mình mà Đức Chúa Giê-su phải chịu chết trên thập giá, và cũng nhờ câu chuyện lịch sử này mà nhiều người trong nhân loại được ơn cứu độ.

        Cây kem chảy nước thì không còn gì để ăn để hưởng thụ, nhưng cái chết trên đồi Can-vê của Đức Chúa Giê-su đã trở nên lương thực hằng sống cho chúng ta trên đường về quê trời.

        Hai câu chuyện hai ý nghĩa, hai câu chuyện hai thái độ.

        Có câu chuyện đọc để cười rồi chấm hết, có câu chuyện đọc để suy tư và ảnh hưởng của nó kéo dài suốt cuộc sống của chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)