Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


81.      THỨC ĂN CỦA CỐNG NGẦM

Vương Phụ là đại thần năm cuối thời bắc Tống, nhà ở của ông ta gần bên một ngôi chùa.

Có một hoà thượng, mỗi ngày đều vớt những hạt cơm từ ống cống của nhà Vương Phụ chảy ra, rửa sạch phơi khô để ăn, qua được mấy năm không ngờ tích trử được một vựa.

Đời Tịnh Đường năm thứ hai, quân Kim đánh phá đô thành bắc Tống là Biện Lương[1](nay là phủ Khai Phong), vợ con của nhà Vương Phụ bị cắt lương thực đói meo, vị hoà thượng ấy bèn lấy cơm đã tích trử được một vựa ấy đem biếu nhà Vương Phụ. Cả nhà lớn nhỏ của Vương Phụ ăn ngon và thấy rất thơm, cám ơn luôn miệng, họ có biết đâu những đồ vật mà họ ăn đó là từ cống ngầm của họ mà ra.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 81 :

Có người khi giàu có thì tiêu xài phung phí không tiết kiệm tích trử phòng khi bệnh hoạn tai nạn đột xuất, nên khi chuyện xảy ra thì than trời than đất.

Có những ngừơi nhiều tiền lắm của khi ăn cơm thì chỉ nhúng đũa vào rồi chê dài chê ngắn, quát tháo nạt nộ, họ không nghĩ đến những người nghèo khó đang ăn xin bên vệ đường…

Hôm nay “nhặt” một việc lành, ngày mai làm một việc tốt, mỗi ngày làm một việc thiện thì sẽ có ích cho mọi người, đó chính là tích trử kho tàng trên trời vậy.

Hôm nay ăn bát cơm đầy thì nên để tâm đến ngày mai đói khát, đó là người khôn ngoan; hôm nay ăn một nửa bát cơm để giúp người nửa bát cơm đó là người thánh thiện; hôm nay rộng tay bố thí thì được Thiên Chúa trả công đời này và đời sau, đó là người con của Thiên Chúa.

Hạt cơm thừa của người giàu có đổ ra lại trở thành hạt ngọc trong tay hoà thượng, cũng vậy việc lành của người Ki-tô hữu thực hiện sẽ trở thành phép lạ đem lại niềm vui cho mọi người…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Nay là phủ Khai Phong.