Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


86.      ĐẤT KHÔNG THỂ TẢI                       

Năm thứ nhất thời đông Tấn Nguyên Hưng, Hoàn Huyền từ Giang Lăng đánh vào thủ đô của Tấn là Kiến Đường, giết tư mã Nguyên Hiển, chuyên chế triều chính.

Năm sau bức An đế nhường ngôi, tự lập đời Tấn, quốc hiệu là Sở.

Một hôm, Hoàn Huyền đang ngủ trên giường, đột nhiên giường gãy rớt xuống đất. Thị trung[1] Đoàn Trung Văn đập đít ngựa nói:

-      “Thánh đức thâm hậu, ngay cả đất cũng có chút ít gánh chịu không kém”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 86 :

Khi nghe bề dưới khen quá cái thực tài của mình thì bề trên nên xét lại và đề phòng, vì đó vừa là lời nịnh vừa là lời “khen khơm”, là con dao hai lưỡi vừa đâm vừa đỡ của người nịnh.

Đã giết người lại còn soán ngôi người ta thì không thể là “thánh đức thâm hậu”, giường bị gãy rơi xuống đất thì chỉ có đau lưng chứ không thể khen đất gánh chịu, người nịnh hót lời lẽ luôn trơn tru như mỡ…heo.

Có một vài giáo dân khen cha sở trước mặt mọi người là “thánh đức thâm hậu”, làm cho cha sở đỏ mặt đỏ mày vì ngài thấy không xứng đáng với lời khen ấy, cho nên lời khen ngợi cũng phải “uốn lưỡi bảy lần” vậy.

Chúng ta chưa là thánh nên không thể là “thánh đức đầy mình”, nhưng chúng ta đang tập làm thánh ngay tại trần gian này, cho nên ngôn hành của chúng ta phải sao cho đúng với con người của mình là Ki-tô hữu.

Người ta thường vỗ tay khen hay chứ không vỗ đít ngựa khen hay, bởi vì đó là sự chế giễu; người Ki-tô hữu không cần vỗ tay khen hay nhưng vỗ ngực ăn năn sám hối khi người khác khen mình…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tên quan phục vụ bên cạnh  nhà vua, được coi như là tiểu thừa tướng.