Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


100.      CẢM NGHĨ TRƯỚC KHI LÀM THƠ

Vào thời Đường Triết Tôn, có một người là con cháu của hoàng tộc thích làm thơ, nhưng làm thơ thì lại thô kệch.

Một hôm, người ấy lại làm một cảm nghĩ trước khi thi vận:

-      “Ngày ấm nhìn ba chức, gió cao đấu hai nhà ngang, mọt trèo ra trắng khoát, ruồi chết tăng màu tím, bát thính gió tỳ bà, vứt bánh tiếp Kiến Trang. Trở về ngồi trong phòng, đánh giết lại cản trở sao ?”

Người ta đọc rất lâu mà cũng không hiểu được ý nghĩa của toàn bài thơ, bèn hỏi ông ta:

-      “Bài thơ này nói gì ?”

Người con cháu của hoàng tộc ấy nói:

-      “Vừa rồi tôi thấy trên nhà có ba cài màng nhện, lại thấy hai con chim sẻ vui đùa đấu đá nhau bên hành lang nhà ngang, có một con bị chết mọt, cái bụng trắng hướng lên trời thành chữ “xuất”; con ruồi chết trên dĩa giống chữ “chi”; ăn miếng cơm nghe hàng xóm hát bài “phượng lầu ngô”; ăn bánh bao chưa xong, đột nhiên có tin báo tú tài Kiến An Trang xin tương kiến; sau khi chia tay trở về nhà thì thấy trên cổng có dán một bức “Chung Quỳ đánh ác quỷ”, cho nên tập họp chúng lại thành một bài thơ !”

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 100 :

Thích làm thơ và biết làm thơ thì là không giống nhau, bởi vì có người thích làm thơ nhưng lại không biết cách gieo vận, người biết làm thơ nhưng lại không thích làm thơ…

Có người Ki-tô hữu rất thích cầu nguyện nhưng không biết phải cầu nguyện như thế nào, cho nên khi cầu nguyện thì họ chỉ biết xin với cầu chứ chưa biết ca ngợi tán dương Thiên Chúa, cũng như cảm tạ hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong cuộc sống, cho nên lời cầu nguyện của họ chưa được hoàn hảo cho lắm; lại có người khi cầu nguyện thì cảm thấy không được cầm lòng cầm trí cho lắm nên thường không muốn cầu nguyện…

Cầu nguyện cũng như làm thơ cần phải có tâm hồn yêu mến và nhiệt tình, yêu mến và nhiệt tình là cái căn bản của cầu nguyện, bởi vì không ai cầu xin với lời lẽ hời hợt, cũng như không ai cầu nguyện với tâm hồn không yêu mến.

Thiên Chúa là nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân nghệ sĩ, Ngài cũng là Đấng khai mở tâm hồn và trí tuệ của các nghệ sĩ thi nhân, để họ cảm nghiệm được vẽ đẹp chân thiện mỹ thánh của Ngài mà viết lên những vần thơ tuyệt đẹp.

Thiên Chúa cũng là nguồn cảm hứng và là Đấng để chúng ta trò chuyện khi cầu nguyện, trong những lúc vui cũng như khi buồn, khi hạnh phúc cũng như khi gian khó…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)