DÂNG HEO ĐẦU TRẮNG
Truyền thuyết thời xưa kể rằng,
heo (lợn) ở vùng đất Liêu Đông toàn thân là màu đen.
Một hôm, con heo nái của một
nhà nọ ngẫu nhiên đẻ ra một con heo đầu màu trắng, người trong thôn đều cho là
hiếm lạ, nghĩ rằng: trong thiên hạ chắc chỉ có một con heo này, nên nhanh chóng
đem dâng cho hoàng thượng.
Thế là mọi người giống như
đang làm một chuyện vui to lớn, quàng đỏ đeo xanh cho heo, người trong thôn
cũng mặc những bộ áo quần của ngày lễ hội, do thôn trưởng dẫn đầu, thổi kèn
đánh trống, khiêng con heo nhỏ đem dâng cho hoàng thượng.
Đoàn ngũ đi đến phần đất Hà
Đông, thì nhìn thấy heo ở nơi đó phần nhiều là heo đầu trắng vừa béo vừa lớn.
Dân làng ai nấy sắc mặt ửng đỏ, gấp gáp lấy những đồ treo trên con heo nhỏ đầu
trắng xuống, thu lại nhạc khí kèn trống, rất hổ thẹn và từ từ trở về thôn của
mình.
(Hậu
Hán thư)
Suy tư:
Vì thấy mình quá quê độ nên
dân làng đỏ mặt, đỏ mặt là biểu hiệu sự thẹn thùng, xấu hổ, e lệ... nhưng đồng
thời cũng bày tỏ sự “biết mình sai”, dân làng đó là những người còn có lương
tâm, còn có sĩ diện, nghĩa là còn có thể giáo dục, khuyên bảo và thành người tốt...
Cái đáng sợ nhất và cũng nguy
hiểm nhất chính là những người phạm tội hoặc biết mình sai mà không chịu “đỏ mặt”,
nghe lời khuyên bảo mà mặt cứ trân tráo không chút gì là hối hận và thẹn thùng,
thì đúng là “lòng chai dạ đá”. Đã là con người, thì ai cũng biết “đỏ mặt” khi
phạm lỗi, chỉ có ma quỷ và “con cháu” của nó mới không biết thẹn, không biết xấu
hổ khi phạm tội mà thôi, nếu ma quỷ biết xấu hổ mà đỏ mặt, thì chắc chắn là nó
đã xin lỗi Thiên Chúa từ lâu rồi.
Người Ki-tô hữu là người tự trọng
nên không muốn làm việc gì trái với lương tâm, nhìn một hình ảnh lố lăng thì đỏ
mặt, coi một cuộn phim đồi trụy lại càng đỏ mặt xấu hổ hơn, và càng không thích
nghe hoặc nói những lời xấu hổ trâng tráo...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư