Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Muối sao mà nhạt

MUỐI SAO MÀ NHẠT
 
 

Có người nấu một nồi canh, trước hết múc ra một muỗng nếm nếm, cảm thấy nhạt, bèn đi về phía nồi canh thêm chút muối.

Sau đó cầm muỗng canh đã múc ra trước nếm lại, vẫn cảm thấy nhạt, nói: “Muối ít !” rồi lại đi về phía nồi canh thêm chút muối.

Cứ như thế, nếm một chút nơi muỗng canh, rồi lại đi về phía nồi canh bỏ thêm chút muối, cộng lại trước sau là hơn một lít muối, vậy mà vẫn còn cảm thấy nhạt. Người ấy cảm thấy rất là kỳ quái !
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Có những người dứt khoát không coi phim loại A   nữa, vì coi xong là phạm tội, dù đã dứt khoát không coi, nhưng họ vẫn luôn phạm tội điều răn thứ sáu.

     Lý do dễ hiểu là vì những người ấy kết thân với những bạn nhậu xấu tính, nhậu xong hơi ngà ngà thì bạn bè rủ đi hát kara-oke và coi phim A có mấy “em” hầu hạ phục dịch. Chưa say xỉn cũng chịu không nỗi với những quyến rũ của mấy “em”, chứ đừng nói là say ngà ngà.

     Thì cũng giống như người nấu nồi canh vậy, nếm nơi muỗng mà bỏ muối nơi nồi canh thì làm sao mà mặn cho được. Dứt khoát không coi phim để khỏi phạm tội nhưng lại không chịu xa lánh bạn xấu và chừa tật uống rượu, thì dù bỏ cả bể muối vẫn cứ thấy không mặn; dù cho dứt khoát thề thốt độc địa quyết không phạm tội thì vẫn cứ phạm, mà càng phạm nhiều hơn nữa.

     Phạm tội là do những thói quen xấu không chịu từ bỏ hoặc kiềm chế khắc phục, nhất là rượu, bởi vì rượu thường là con dao hai lưỡi và là cái cớ để biện minh cho hành vi phạm tội của mình: say rồi không biết gì, rượu vào thì lời ra, thế gian vẫn luôn là như thế, thế là mắc bẫy của ma quỷ...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư