92. NÓI KHOÁC LÒI RA CÁI XẤU
Có một nông dân thường hay nói khoác, nói rằng tất cả
các thứ sơn hào hải vị trên thế gian này mình đã ăn qua, có người hỏi:
- “Anh
đã ăn món yến sào chưa ?“
Người ấy lớn tiếng thoá mạ:
- “Thối
mồm, cái đó để cho mày ăn !”
(Giải
Uẩn thiên)
Suy
tư 92:
Yến sào là món ăn của nhà vua, hay ít nữa
là của các nhà quý tộc cở “công tử Bạc Liêu” hoặc các đại gia thời nay đi xe
trăm tỷ mới dám bỏ tiền ra mua ăn, khoe mình đã ăn tất cả các thứ sơn hào hải vị
mà không biết đến món yến sào, thì đúng là ếch ngồi đáy giếng và khoác lác vậy.
Người Pha-ri-siêu và các thầy thông luật
đã khoe khoang là mình đã thuộc làu làu lề luật của Thiên Chúa và tuân giữ từng
nét từng chữ, nhưng luật căn bản nhất của lề luật là bác ái mà các ông cũng
không biết (Lc 10, 29-35), thật là đáng tiếc cho họ vậy.
Có một vài thanh niên tôi mời họ đến nhà
thờ tham dự giáo lý dành cho người lớn, họ cười và nói với tôi:
- “Tụi
con giáo lý thuộc làu làu từ lúc nhỏ, đến bây giờ vẫn còn nhớ không quên, cho
nên khỏi cần đi học lại giáo lý”.
Tôi vừa cười vừa hỏi lại:
- “Vậy
thì Chúa Thánh Thần là ai ?”
Họ trả lời rất “oai”:
- “Chúa
Thánh Thần là thiên thần mà Thiên Chúa đã dựng nên...”
Thật tội nghiệp cho họ không biết tí gì về giáo lý cả,
vậy mà vẫn cứ khoác lác.
Món ăn của người nông dân trên đây thì
không bao giờ có yến sào, và người nông dân ấy cũng không biết yến sào là món
gì cả nên thoá mạ người khác.
Tất cả những người Ki-tô hữu đều biết lề
luật của Chúa đều ở trong hai điều là kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân
cận, cần phải thực hành chứ không phải chỉ là thuộc lòng. Giáo lý của đạo Công
Giáo không phải chỉ là thuộc lòng mấy điều đã học từ nhỏ, nhưng chính là đào
sâu và thực hành mỗi ngày trong cuộc sống của mình về những điều mà mình đã tin
đã nghe và đã biết.
Khoác lác thường bày ra cái đuôi, cái
đuôi đó là sự dốt nát và kiêu ngạo.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)