Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Chia sẻ công tác mục vụ giáo xứ...

Tác giả
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 

CHIA SẺ
CÔNG TÁC MỤC VỤ
GIÁO XỨ
TRONG THỜI ĐẠI NAY
 
Xin tri ân
Linh mục nghĩa phụ Inhaxiô Nguyễn Thới Hòa
Đã cầu nguyện, nâng đỡ và khuyến khích
Những tâm hồn nhiệt thành
Đáp lại lời mời gọi làm linh mục, tu sĩ của Thiên Chúa.
Lời ngõ:
 
Công tác mục vụ tại giáo xứ hay tại bất cứ nơi đâu đều là bổn phận và trách nhiệm của các linh mục, là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để thay mặt Ngài thánh hóa, dạy dỗ và cai quản đoàn chiên mà Thiên Chúa đã trao cho các ngài coi sóc...
 
Công tác mục vụ là một công việc khó khăn đòi hỏi các linh mục không những cần có ân sủng của Thiên Chúa, mà còn cần phải có tri thức và văn hóa, cùng với những đức tính nhân bản mà các ngài đã học và trau dồi trong cuộc sống hằng ngày, bởi vì tất cả những gì chúng ta đã được tiếp thu khi còn ở trong chủng viện, chỉ là một phần nhỏ của cái lớn lao khi chúng ta làm công tác mục vụ trong thực tế.
Với những suy tư và kinh nghiệm nho nhỏ, tôi xin chia sẻ với các anh em linh mục trẻ của tôi trong năm truyền giáo này của Giáo Hội Việt Nam chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

A. GIÁO XỨ
1. Phải xác định cách tích cực Giáo xứ là đại gia đình của mình.
Chịu chức xong thì các linh mục trẻ đầy nhiệt tình sẽ được nhận bài sai của đấng bản quyền địa phương (giám mục địa phận, bề trên dòng...) để đi làm mục vụ, cũng có nghĩa là được chính thức sai đi đến một nơi mà khi còn học trong chủng viện các ngài hằng mong ứơc, đó là làm cha phó (hoặc cha xứ).
Giáo xứ mà các linh mục được sai đến không như trong sách vở mà các linh mục trẻ đã học, nhưng là một giáo xứ với những con người sống động, những con người mà họ rất kỳ vọng vào các linh mục trẻ của mình, với tác phong vui tươi cởi mở với tất cả mọi người, dù linh mục trẻ ấy là cha sở hay cha phó, hoặc bất cứ linh mục trẻ nào. Nơi giáo xứ có nhiều hạng người giàu cũng như nghèo, có người trí thức cũng như có người lao động, có người là giáo sư là bác sĩ.v.v... cũng có những thành phần trong Giáo Hội là các tu sĩ nam nữ, và có khi có gia đình có con cái làm linh mục hoặc tu sĩ trong một hội dòng... tóm lại là một giáo xứ với nhiều tính năng động của nó.
Giáo xứ là một Giáo Hội địa phương được trao phó cho linh mục coi sóc, để giáo xứ dưới sự lãnh đạo của các ngài ngày càng phát triển về đàng nhân đức cũng như về mặt xã hội, có nghĩa là các linh mục coi sóc giáo xứ -trước hết- trên phương diện tinh thần, hướng dẫn giáo dân sống và thực hành tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su mà các ngài đã được huấn luyện, để trở thành vị mục tử chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa trao cho các ngài.
Cho nên, khi nhận được bài sai để đến một giáo xứ nào đó (dù lớn hay nhỏ) thì các linh mục phải cảm tạ ơn Thiên Chúa đã chọn ngài chứ không chọn ai khác để coi sóc giáo xứ ấy, và mau mắn lên đường làm nhiệm vụ...
Giáo xứ là một cộng đoàn lớn và phức tạp, cho nên để cho công việc mục vụ được dễ dàng thuận lợi, thì tâm tình trước tiên mà các linh mục phải có chính là biến cộng đoàn giáo xứ ấy trở thành gia đình của mình, một đại gia đình đúng nghĩa của nó, có như thế các ngài mới có thể vui vẻ lạc quan sống và làm việc bên cạnh các giáo dân của mình.
Có một vài linh mục trẻ khi được bài sai đến một giáo xứ nào đó, nếu giáo xứ giàu thì cười hả hê và thỏa mãn, nếu giáo xứ nghèo ở nơi khỉ ho cò gáy thì lại trách oán bề trên, những linh mục này sẽ không bao giờ coi giáo xứ của các ngài là một đại gia đình của mình, cho nên khi đến giáo xứ thì việc trước tiên là hạch sách giáo dân hoặc đòi điều kiện với cha sở là : chỗ ở phải tiện nghi có máy lạnh, phải có phòng ốc hẳn hoi, phải có chỗ vui chơi giải trí thì mới đến, bằng không thì mặc kệ, như thế tinh thần mục tử vì đàn chiên nơi các ngài không còn nữa, và như thế các ngài coi giáo xứ như là một công ty mà các ngài “buộc” phải đến làm việc, các ngài biến mình trở thành một công chức cao cấp để lãnh lương, chứ không phải là một linh mục đang làm trong vườn nho của Thiên Chúa...
Khi đã xác định được giáo xứ là đại gia đình của mình thì người linh mục không còn đòi hỏi phải có đầy đủ tiện nghi trong sinh hoạt, nhưng các ngài sẽ băn khoăn khi giáo dân của mình dân trí kém, cuộc sống khó khăn, có nhiều người rượu chè cờ bạc, và có nhiều tệ nạn xảy ra cần phải giáo dục họ họ sống đúng với tinh thần của Chúa Giêsu dạy : yêu thương và phục vụ lẫn nhau.
2. Phải tâm niệm Giáo Xứ là cánh đồng truyền giáo của mình.
a. Thăm giáo xứ (cày)
Chắc chắn các linh mục trẻ sẽ cười khi nghe câu ấy, bởi vì giáo xứ đã là nơi truyền giáo của các linh mục, bằng không thì làm linh mục để làm gì, hoặc đấng bản quyền sai mình đến đó để làm gì ! Nếu các linh mục trẻ hiểu được như thế thì Giáo Hội Việt Nam sẽ không lo âu vì các linh mục trẻ của mình ngày càng sống hưởng thụ hơn là làm việc truyền giáo, ngày càng sống xa hoa hơn là phục vụ.
Giáo xứ là cánh đồng truyền giáo của các linh mục, nhưng như thế nào là truyền giáo ? Có một vài linh mục khi đến giáo xứ thì “triển lãm” cái tính sống xa hoa của mình cho giáo dân thấy; có linh mục thì mới đến giáo xứ ngày hôm trước thì hôm sau đã phách lối nạt nộ giáo dân và đặt điều kiện này điều kiện nọ với họ, thì truyền giáo đâu chưa thấy chỉ thấy giáo dân than phiền : ông cha mới khó tính như ông cụ non ! Như thế thì sẽ không còn là truyền giáo nữa, nhưng là đến để làm ông chủ và “truyền” cá tính cộc cằn, hách dịch và kiêu căng của mình cho giáo dân, thật tội nghiệp cho họ, vì họ không nhìn thấy được Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhượng nơi vị mục tử trẻ trung của mình.
Muốn đồng ruộng tốt thì trước hết phải cày rồi sau mới “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Các linh mục cũng phải “cày” trên đồng ruộng giáo xứ của mình, các ngài phải “cày” ngay khi mới đến giáo xứ, “cày” tức là các ngài phải bỏ công sức là đi thăm giáo dân mà chúng ta gọi là “thăm mục vụ”, thăm giáo dân để biết tình trạng con chiên của mình như thế nào, nhà này ra sao nhà nọ thế nào, người này không bao giờ đến nhà thờ, người kia chưa một lần lên rước Mình Thánh khi đi dâng thánh lễ.v.v... đó là “cày” của các linh mục, việc này các linh mục trẻ dễ dàng làm hơn, vì sức còn mạnh và tay chân hoạt bát không ngại đường xa mưa gió nắng nôi...
Kinh nghiệm cho thấy, cha sở nào thường cùng với các đoàn thể (Legio Maria chẳng hạn...) đi thăm giáo dân của mình thì cha sở ấy đã thành công một nửa trong việc xây dựng giáo xứ của mình. Đi thăm giáo dân là để tìm hiểu cuộc sống tâm linh của họ, và có khi, cũng biết thêm đời sống vật chất của họ để thông cảm và khuyến khích họ sống tốt đẹp là một người Ki-tô hữu trong giáo xứ của mình.
Chí ít là một tuần đi thăm một vài gia đình, chương trình thăm ai, nhà nào thì nên có kế hoạch và bàn hỏi với đoàn thể mà mình cùng đi với họ đến thăm giáo dân, họ sẽ rất vui và cho mình biết hoàn cảnh của gia đình giáo dân mà mình đến thăm, nếu không có chuyện cấp bách về mục vụ (như xức dầu bệnh nhân...) thì không nên đi một mình và không nên ngồi quá lâu ở một nhà giáo dân, vì như thế sẽ không tốt cho các linh mục và ảnh hưởng đến công tác mục vụ của mình. Khi đến thăm nhà giáo dân thì thăm hỏi sức khoẻ của họ, phải tế nhị và đừng đụng chạm đến đời sống riêng tư của họ, nhưng hãy thật vui vẻ -có khi pha trò- để cuộc trò chuyện thêm tự nhiên xoá bỏ ngăn cách giữa linh mục và giáo dân. Đừng để họ bận rộn tiếp khách chuẩn bị thức ăn thức uống, nhưng cần phải nói ngay với họ rằng, chỉ uống một ly nước hoặc một ly cà phê (nếu có) và trò chuyện thân tình, rồi cáo từ sau năm hoặc mười phút trò chuyện. Tuy ngắn nhưng ảnh hưởng và ấn tượng lâu dài nơi giáo dân của mình...
Giáo dân cảm thấy xa cách cha sở -vị mục tử- của mình, vì các ngài không chịu bước ra khỏi nhà xứ để đến với họ, vì các ngài cảm thấy mình đến với giáo dân là quá hạ mình nên phải để giáo dân đến với mình trước !? Vì thế mà khi có nghe tin giáo dân nọ cần được xức dầu thì có một vài cha sở không biết giáo dân đó là ai !!!
Đừng ngại đi đến thăm giáo dân, cũng như người nông dân không ngại trời nắng trời mưa khi cày ruộng, bởi vì phải cày trước đã rồi mới gieo hạt hoặc cấy lúa, “cày” chính là việc đi thăm giáo dân của cha sở, bởi vì khi đi thăm giáo dân là cha sở đã làm một chiếc cầu bê tông cốt sắt chắc chắn để nối liền nhà thờ với họ, nối liền cha sở với giáo dân, mục tử với con chiên. Đi thăm giáo dân là “”cày” mảnh đất tâm hồn vủa họ cho tơi xốp, vì nó đã cứng khi không thấy được sự quan tâm của người mục tử, và cũng vì miếng cơm manh áo mà họ ít đến nhà thờ...
Đừng ngại đi thăm giáo dân nhưng hãy ngại là chỉ quen biết và đi thăm một hai gia đình thân thiết trong giáo xứ rồi thôi, bởi vì đôi lúc có một vài linh mục vì quá mệt và bận rộn với công việc giáo xứ, mà “trốn” đi đến một nhà giáo dân thân thiết để giải trí và thư giãn với cờ tướng hoặc tán dóc hoặc nghỉ ngơi cả buổi, lâu ngày làm cho giáo dân dị nghị và như thế việc truyền giáo và quản lý giáo xứ sẽ ảnh hưởng rất nhiều...
Khi đã “cày” xong thì chúng ta tiếp tục với câu tục ngữ của cha ông chúng ta “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để áp dụng vào cánh đồng truyền giáo của chúng ta, đó là giáo xứ.
b. Cầu nguyện (nhất nước)
Cầu nguyện, đó là một niềm vui của người Ki-tô hữu được “đặc ân” trò chuyện với Thiên Chúa, là một sức mạnh cho những người cảm thấy mình quá nhỏ bé trong cuộc sống. Các linh mục là những “nhà chuyên môn” của việc cầu nguyện, các ngài có thể cầu nguyện luôn luôn trong mọi lúc dưới bất cứ hình thức nào, vì các ngài là những thầy dạy giáo dân về việc cầu nguyện, khi mà người ta cảm thấy khó khăn khi cầu nguyện vì quá lo ra chia trí vì kế sinh nhai, vì thất tình lục dục, thì các linh mục là những con người mà họ cậy nhờ trong đời sống tâm linh của mình...
Có thể nói: cá cả ngày sống trong nước thế nào, thì các linh mục cả ngày sống trong ơn sủng của Thiên Chúa cũng như thế, tức là cầu nguyện.
Cầu nguyện rất cần thiết cho giáo xứ mình phục vụ cũng giống như nước rất cần cho đồng ruộng, không cầu nguyện thì các linh mục không thể làm cho tâm hồn tín hữu nguội lạnh thành nóng lên vì tình yêu của Thiên Chúa; không cầu nguyện thì các dự án, các cuộc thăm viếng chỉ là đánh trống bỏ dùi mà thôi, bởi vì cầu nguyện là “nước” nên nếu không nước thì đồng ruộng truyền giáo sẽ cháy khô.
Dâng thánh lễ là lúc cầu nguyện tuỵêt với nhất, và chỉ có khi dâng thánh lễ, thì người linh mục mới cảm thấy được hết tất cả những hồng ân mà Thiên Chúa đã làm cho mình và cho nhân loại, đó chính là tình thương cao cả nhất mà chính linh mục là người thứ nhất cảm nghiệm được, bởi vì nếu khi linh mục dâng thánh lễ mà không cảm nhận được sự cao quý và cao cả của Thiên Chúa, thì chẳng khác chi một diễn viên sân khấu.
Bởi vì có một vài linh mục khi cử hành thánh lễ thì chỉ thích chú trọng đến những cử điệu bên ngoài: dang hai tay thật rộng hết cở khi đọc lời cầu nguyện, giọng nói uốn lưỡi mất tự nhiên và cung giọng lên xuống sao cho truyền cảm để thu hút mọi người, vì thế cho nên không lạ gì có một vài linh mục cử hành thánh lễ như là diễn kịch trên sân khấu, nhưng diễn cũng không đạt vì những cử chỉ mà các ngài làm đều không diễn tả được là hành vi thánh, đôi lúc làm cho giáo dân thấy việc cử hành thánh lễ là một việc làm bất đắc dĩ của các linh mục, làm cho xong, làm cho qua, làm cho mau để hết...cục nợ !
Cầu nguyện là nước tưới trên cánh đồng truyền giáo của các linh mục, kinh nghiệm của thánh Gioan Maria Vianney đã cho chúng ta thấy được điều ấy: từ một giáo xứ khô cằn (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) ngài đã làm cho nó sinh động tốt tươi cách kỳ diệu bằng lời cầu nguyện liên lĩ của mình. Cũng vậy, cầu nguyện là một sức mạnh kỳ diệu làm đổi mới mọi sự, mà theo suy nghĩ của con người sẽ không bao giờ làm được, nhưng việc gì mà con người không thể làm được, thì Thiên Chúa lại làm được.
Thánh lễ là giây phút hạnh phúc nhất của người Ki-tô hữu nói chung, và của các linh mục nói riêng, bởi vì càng suy tư đến mầu nhiệm hiến tế nơi bàn thánh, thì chúng ta càng thấy được Thiên Chúa quá ư là khiêm tốn và rất mực yêu thương nhân loại, cách riêng các linh mục, bởi vì chính linh mục –chứ không ai khác- diễn tả lại cuộc hi tế ngày xưa trên đồi Golgôtha của Chúa Giê-su. Trong mỗi một thánh lễ mà chúng ta –những linh mục- dâng lên Thiên Chúa có biết bao là hồng ân mà nhân loại được hưởng nhờ, có biết bao linh hồn được ơn nhận biết Thiên Chúa là Cha rất nhân từ. Nói như thế để mỗi người trong chúng ta cảm nghiệm được rằng: tôi chỉ là một đầy tớ vô dụng, một dụng cụ bất xứng, và là một con người đầy những xấu xa hơn tất cả mọi người trên thế gian, vậy mà Thiên Chúa đã chọn tôi như là một khí cụ tình yêu của Ngài.
Chúng ta phải lợi dụng hồng ân trong thánh lễ để cầu nguyện cho giáo xứ của mình, tức là cho cánh đồng truyền giáo, mà trên cánh đồng ấy có không biết bao nhiêu là cỏ dại, sâu trùng, bọ xít làm hư hoại những hạt lúa tốt tươi của chúng ta.
Trong thánh lễ, chúng cầu nguyện cho em bé lem luốt hôm qua đứng bên vệ đường khóc vì đói được cơm ăn; chúng ta nhớ đến khuôn mặt của một giáo dân ngày hôm qua đã bị mọi người chửi mắng vì say rượu để cầu nguyện cho họ; chúng ta cũng nhớ đến những cô gái đứng gốc cây bên đường chờ khách, để cầu nguyện cho họ được có cuộc sống tốt đẹp hơn, và còn biết bao nhiêu là những người mà chúng ta phải nhớ đến họ trong thánh lễ để cầu nguyện cho họ... Như thế, cầu nguyện là phương thế tuyệt vời nhất, để cho cánh đồng truyền giáo của chúng ta ngày càng xanh tươi tốt đẹp hơn, và sẽ không một cây lúa (giáo dân) nào mà không được mát lòng nhờ lời cầu nguyện của chúng ta.
Tiếp đến, Phụng Vụ các giờ kinh mà ngày xưa chúng ta gọi là kinh nhật tụng, đóng một vai trò quan trọng thứ hai sau thánh lễ trong việc cầu nguyện của các linh mục.
Thời nay Giáo Hội khuyên các tín hữu cũng nên đọc giờ kinh phụng vụ theo cách của giáo dân, bởi vì đó là những lời ca ngợi, tán tụng, tạ ơn và cầu xin tuyệt vời nhất, mà Giáo Hội đã yêu cầu các linh mục, là những người đã được tuyển chọn thay mặt nhân loại đọc để chúc tụng Thiên Chúa, cho nên nếu được thì trong giáo xứ của mình, cha sở có thể tổ chức để giáo dân yêu thích dùng phụng vụ các giờ kinh để cầu nguyện, và các ngài cũng nên đọc chung với giáo dân ít nữa là giờ Kinh Sáng sau (hoặc trong thánh lễ) và giờ Kinh Chiều.
Đây là cách cầu nguyện chung giữa cha sở với giáo dân của mình, bởi vì các linh mục rất ít khi đọc kinh chung với giáo dân, buổi sáng khi giáo dân cùng nhau đọc kinh lần chuổi thì không thấy cha sở hoặc cha phó cùng đọc chung với họ, chỉ đợi khi gần giờ lễ rồi mới ra khỏi phòng và đi thẳng vào phòng thánh để chuẩn bị dâng lễ, lễ xong thì cũng “biến” đâu mất, rất ít khi trò chuyện với giáo dân, hỏi thăm quan tâm: “ông X... đâu rồi, sao mấy ngày nay không thấy đến nhà thờ; bà H... nghe nói bệnh phải không; Anh B..., con anh ra sao rồi tìm được việc làm chưa.v.v...” Mấy câu hỏi quan tâm đơn sơ sau thánh lễ ấy, là chất xúc tác để giáo dân không còn thấy ông cha sở của mình là cao cao sang sang nữa, nhưng rất thân tình như người trong nhà và làm cho giáo dân yêu mến nhà thờ hơn, đó là bí quyết truyền giáo xưa cũng như nay: tiếp xúc và quan tâm đến mọi giáo dân của mình.
Đọc kinh Phụng Vụ chung với giáo dân là cầu nguyện chung với họ, là nói cho họ biết giáo xứ chúng ta cần thêm nhiều lời cầu nguyện của mọi người, để xin Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho mỗi con chiên của Ngài trong giáo xứ này, và thế là giáo dân “thấy” được trong tâm hồn của vị mục tử của mình đầy ắp sự lo lắng, thương yêu giáo dân của ngài, và chắc chắn Thiên Chúa cũng sẽ nhậm lời và chúc lành cho công cuộc truyền giáo của các ngài.
Nước cần thiết cho đồng ruộng như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng rất cần thiết cho việc truyền giáo như thế.
c. Tổ chức (nhì phân)
Có một vài linh mục trẻ rất có óc tổ chức giáo xứ của mình, những linh mục này tôi biết là ngoài việc các ngài có thiên khiếu về tổ chức ra, thì trong số các ngài còn có một vài linh mục tham gia sinh hoạt phong trào hướng đạo, nên cách tổ chức của các ngài rất có thứ tự lớp lang đàng hoàng.
Một cánh đồng kiểu mẫu không những năng suất cao mà còn là cách phân bờ phân đê làm sao cho hợp lý, để khi nước được bơm vào thì cả cánh đồng đều có nước giống nhau, chứ không phải cùng một cánh đồng mà chỗ này bơm nước một ngày, chỗ kia bơm nước ngày khác, đó là vì nhà nông không được học qua kỷ thuật về nông nghiệp tiên tiến. Ở Đài Loan nền nông nghiệp của họ thật tuyệt vời, thấy ruộng đồng của họ mà mê tơi vì nó bằng phẳng, thứ tự lớp lang, sạch sẽ, nhìn thấy là muốn xuống ruộng làm nghề nông, đó chẳng qua là nền nông nghiệp của họ đã đạt đến mức hoàn hảo.
Trong một giáo xứ, việc tổ chức các đoàn thể là điều cần thiết, từ ban hành giáo cho đến các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể, hội Lêgiô Maria, hội Con Đức Mẹ, hội các bà mẹ Công Giáo, hội cha gia đình, thanh niên.v.v... đều rất cần thiết cho sự truyền giáo của cha sở cũng như sự phát triển của giáo xứ, nhất là gây tình đoàn kết giữa các giáo dân với nhau cũng như giữa giáo dân và cha sở cha phó...
Có một vài cha trẻ nhưng tâm hồn thì đã già, cho nên thích an nhàn hưởng thụ hơn là tổ chức các sinh hoạt trong giáo xứ, mà nếu giáo xứ nào đã có các đoàn thể rồi, thì các ngài cũng ít quan tâm vì không phải “con của mình đẻ ra”, mặc kệ bây sinh hoạt hay không tuỳ tiện !?
Tổ chức là khâu quan trong trong việc quản lý cộng đoàn, cha sở phải làm sao để tất cả giáo dân của mọi thành phần trong giáo xứ tham gia các hội đoàn, để qua các sinh hoạt này mà cha sở truyền đạt lòng đạo đức kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân cho các con chiên của mình, bởi vì sẽ rất thiếu sót khi giáo dân thèm muốn có một hội đoàn hợp với lứa tuổi của mình, để chia sẻ những kinh nghiệm về cách sống đạo cho người khác, cũng như muốn học hỏi kinh nghiệm sống Lời Chúa nơi những giáo dân khác, mà cha sở thì cứ tà tà “để đó coi đã”, cái “tà tà” này là biểu hiệu của một tâm hồn không mấy thiết tha với giáo xứ mà mình đang coi sóc.
Tôi đã thấy một vài linh mục đã không làm gì sau mấy năm ở giáo xứ, bởi vì các ngài có một quan niệm rất “kỳ quặc” là mình không ở đời ở kiếp đây thì tổ chức đoàn thể này nọ làm gì cho mệt óc mệt xác chứ ! Thế là giáo xứ của các ngài ngày càng tẻ nhạt, giáo dân đến đi lễ vì bổn phận rồi về, họ không coi giáo xứ là nơi để họ lui tới học hỏi với cha sở cách sống đạo, cũng như nơi các giáo dân khác, bởi vì giáo xứ của họ không có một hội đoàn nào để họ tham gia sinh hoạt.
Thiên Chúa –đã vì thương yêu- mà chọn chúng ta làm những người thay mặt Ngài để dạy dỗ giáo dân biết sống đạo, và khi chọn ai thì nhất định Ngài cũng ban cho họ sự khôn ngoan để lãnh đạo, nghĩa là với sự khôn ngoan ấy, chúng ta tổ chức giáo xứ thành cánh đồng truyền giáo cho hợp với thời đại khoa học, hợp với đà tiến hoá của xã hội mà không làm cho giáo dân phải thốt lên: ông cha sở quá cấp tiến.
Khi đã tổ chức được các đoàn thể rồi thì cha sở phải hy sinh thêm rất nhiều thời gian cho các đoàn thể, bởi vì cha sở, cha phó là đầu tàu, là hạt nhân làm nổ tung các tâm hồn bấy lâu nguội lạnh với việc nhà Chúa, thì nay đã hăng hái tham giá cách tích cực các hội đoàn trong giáo xứ. Cha sở sẽ còn rất ít giờ để đọc sách và giải trí, nhưng tham gia sinh hoạt các đoàn thể là một niềm vui của ngài, bởi vì có việc để làm thì tốt hơn là không có việc gì để làm, rồi sinh ra những điều không tốt cho đời sống tu đức của linh mục.
Các linh mục là những người được đọc nhiều sách với nhiều đề mục, nhưng –đối với linh mục- thì tất cả đều là lý thuyết trên sách vở, duy chỉ có một điều đối với các ngài thì nó không còn là lý thuyết nữa nhưng là thực hành, đó là truyền giáo. Truyền giáo không phải là lý thuyết nhưng là phải thực hành, và đó chính là nghề chuyên môn của các ngài, do đó, người ta sẽ cừơi và trách các linh mục khi các ngài dửng dưng với công tác tổ chức các hội đoàn trong giáo xứ của mình.
Có một vài linh mục khi được phái đến coi sóc một giáo xứ nào đó thì thích xây dựng nhà thờ, phòng ốc, sân chơi, vườn hoa kiểng.v.v... đương nhiên tất cả những công việc này cũng đều là vì giáo xứ mà làm, để cho giáo xứ có bộ mặt đẹp đẽ và bề thế hơn. Nhưng, khi nhà thờ chưa xuống cấp mà đập tan nát ra xây lại; giáo dân không có chỗ để đi đứng sinh hoạt, thì lại xây cái vườn hoa kiểng to đùng đùng chiếm cả một khoảng lớn của nhà thờ; hoặc giáo dân thì nghèo cơm ngày ba bữa chưa đủ no, mà cha sở đập phá nhà thờ cũ để xây mới thì có hợp thời không...
Cái nên xây trước hết chính là xây dựng tâm hồn của giáo dân, làm cho tâm hồn của họ trở thành đền thờ của Thiên Chúa thật sự, chứ không phải chỉ đến nhà thờ đi lễ đi kiệu, nhưng khi ra khỏi nhà thờ thì tâm hồn của họ lại trở thành nơi ở của ma quỷ ? Xây dựng tâm hồn của các giáo hữu trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần thì không có gì hay cho bằng tổ chức các đoàn thể trong giáo xứ của mình, thông qua các đoàn thể chúng ta sẽ thấy nhiều điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm nơi họ. Tổ chức các cộng đoàn hoạt động hữu hiệu, thì cha sở sẽ có một ngày bội thu trong niềm vui của người ra đi gieo giống trên ruộng mình, và vui mừng gặt hái thành quả ôm trong lòng, vác trên vai mà đi về nhà Cha...
 
d. Làm việc không biết mệt (tam cần)
Ruộng lúa, dù đã trổ đòng đòng, nhưng nếu không chuyên cần làm cỏ thì sẽ trở về với hai bàn tay trắng, cũng vậy, tổ chức thật khoa học nhưng không thường xuyên giáo huấn dạy dỗ quan tâm đến giáo dân thì cũng chẳng thu hoạch được gì.
Có những linh mục làm việc không biết mệt mỏi, các ngài làm việc bất kể ngày đêm, dù mưa to gió lớn, dù ban đêm hay ban ngày, mà hể có người cần đến các ngài là a lê đi ngay đến để ban các bí tích cho họ, sự chuyên cần này được Thiên Chúa trả công rất bội hậu, mà trước mắt là giáo xứ của các ngài ngày càng có nhiều người đến tham dự thánh lễ hơn, và chính bản thân của mỗi người giáo hữu cũng rất muốn cộng tác với một cha sở nhiệt thành, vì các linh hồn mà phải hy sinh tất cả những chuyện riêng tư cá nhân...
Không chuyên cần làm việc thì các linh mục cũng đừng trông mong giáo dân cộng tác với mình, và các ngài cũng đừng trách cứ giáo dân sao mà xao nhãng việc đạo đức, lễ lạy không đến nhà thờ; không làm việc cách tích cực thì cha sở đừng trông mong giáo dân thân thiện với ngài, bởi vì cha sở nhạy cảm một nhưng giáo dân nhạy cảm gấp đôi các ngài, nhất là trong việc nhìn xem cha sở mình có tích cực làm việc mục vụ hay không rồi sau đó mới cộng tác.
Có một vài linh mục trẻ khi được sai phái đến làm cha phó một họ đạo nào đó thì khoáng trắng cho cha sở, còn mình thì làm việc cách tiêu cực, cha sở phân công thì làm mà không phân công thì thôi, ngồi chơi xơi nước hoặc làm việc không mấy có trách nhiệm. Đương nhiên trách nhiệm là của cha sở, nhưng trên cương vị cha phó hay cha phụ tá cũng đều có trách nhiệm trong phạm vi của mình, mà trách nhiệm này trước hết chính là phần vụ của linh mục tức là làm công việc truyền giáo dù cho làm cha sở hay cha phó, cha phụ tá hay làm bất cứ chức vụ nào chăng nữa cũng đều phải làm bổn phận của một linh mục.
Chúa Giê-su đã làm việc không biết mệt mỏi, đôi chân Ngài rảo khắp miền Galilêa để rao giảng, tìm và chữa lành những người đau yếu tật nguyền, cho nên có rất nhiều người đã đi theo Ngài mà không thiết đến ăn uống[1] sự chuyên cần tích cực này rất đáng để cho chúng ta noi theo, và coi đây là một phương pháp, một bí quyết để thành công trong việc truyền giáo của mình.
Làm việc tác dụng rất nhiều trên đời sống tu đức của các linh mục, khi làm việc với các đoàn thể trong giáo xứ các linh mục sẽ nhận ra giáo dân của mình có những khả năng mà mình không ngờ đến, họ có thể giúp đỡ mình trong việc điều hành giáo xứ. Một linh mục làm việc nhiều là một linh mục luôn nhạy bén ứng xử năng động trong mọi tình huống của giáo xứ, nhưng cái quan trọng hơn, khi một linh mục dành nhiều thời gian cho việc mục vụ để phát triển giáo xứ, thì chính các ngài đã cảm thấy có một nhu cầu bức thiết hơn xuất hiện trong nội tâm của mình, đó là nhu cầu cầu nguyện, bởi vì càng làm việc càng thấy gánh càng nặng, càng thấy mình quá bất lực, nên cần phải xin Thiên Chúa ban thêm ơn cho mình để điều hành giáo xứ, và chăm nom các linh hồn mà Thiên Chúa đã trao cho mình.
Truyền giáo là mệnh lệnh của Thầy chí thánh –Chúa Giê-su- đã truyền cho các môn đệ của Ngài, trong đó có chúng ta là những linh mục được tuyển chọn để -ưu tiên- thực hành mệnh lệnh ấy. Vì thế không có một lý do gì để chúng ta khoán trắng việc truyền giáo cho người khác,  mà người khác ấy cụ thể là cha sở hay cha phó của mình, hoặc khoán trắng cho giáo dân mà cụ thể là ban hành giáo.
Có một vài giáo xứ có mới các thầy đại chủng viện đến giúp xứ để thực tập mục vụ như dạy giáo lý, tập hát, dạy giúp lễ.v.v... giúp cho cha sở nhiều trong vấn đề mục vụ, đây là việc làm đúng và rất có ích cho các thầy sau này. Nhưng các cha sở (cha phó) phải luôn xác định rằng : các thầy đến để thực tập chứ không phải là đến để làm cha sở hay cha phó, cho nên đừng mỗi cái mỗi giao cho các thầy làm, còn mình thì rảnh tay để đi đánh ping-pong hoặc đánh cờ, hoặc tán ngẫu ở nhà.
Tôi có thấy ở một giáo xứ nọ, trong nhà cha sở có hai, ba thầy giúp xứ, khi có đám tang thì cha sở chỉ dâng lễ an táng, còn liệm xác và đưa ra phần mộ thì ngài lại giao cho một trong các thầy ấy đi ra huyệt mộ làm các nghi thức, còn cha sở ở nhà uống trà. Giáo dân rất không thích như thế, bởi vì không có cha sở thì thôi, chứ đã có cha sở thì cha sở nên đưa ra đến huyệt mộ cho trọn tình trọn nghĩa với người chết là giáo dân của mình, hơn nữa cũng là một việc truyền giáo cho các giáo hữu còn sống, nhất là với gia đình tang chế...
Làm việc chuyên cần là cách khẳng định năng lực quản lý giáo xứ của mình, không một linh mục nào mới chịu chức mà giám mục giao trách nhiệm làm cha sở ngay (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như tân linh mục đã giúp xứ quá lâu mười mấy hai chục năm, nay mới được chịu chức), cho nên phải tập làm việc ngay khi còn làm cha phó hay cha phụ tá, đừng nghĩ rằng bây giờ làm cha phó thì cứ tà tà mà làm, đợi đến khi làm cha sở rồi làm luôn thì lầm to, bởi vì không ai đưa một người không biết làm việc hoặc làm việc cách hời hợt lên làm cha sở, vì như thế có nghĩa là giám mục “đem gánh nặng trút lên đầu giáo dân, bắt họ chịu đựng một ông cha sở không biết làm việc mà chỉ biết hưởng thụ và đòi hỏi”. Do đó không một giám mục hay bề trên nào cho bài sai một linh mục mới chịu chức đi làm cha sở ngay, nhưng phải làm phó hoặc phụ tá một hai năm...
Thiên Chúa là tình yêu, vì yêu mà Ngài làm việc không ngơi nghỉ để giữ gìn công trình sáng tạo của Ngài trong vũ trụ, Ngài làm việc nơi những con người thành tâm thiện chí vì lẽ công bằng và vì tình yêu thương đồng loại, và đặc biệt Thiên Chúa làm việc không ngơi nghỉ nơi các linh mục, là những người cộng tác đắc lực nhất của Ngài. Do đó, khi một linh mục không cảm thấy mình có trách nhiệm chu toàn bổn phận, thì là lãng phí ơn riêng của Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Đừng sợ mình không có tài mà không làm, và cũng đừng lo là mình không có khả năng để làm, nhưng hãy mạnh dạn bắt tay vào việc với tinh thần vui tươi và lạc quan, Thiên Chúa sẽ gởi người tới phụ giúp chúng ta hoàn thành công tác, bởi vì không một người cha nào nhìn thấy con cái vất vả làm không xong việc mà không ra tay giúp đỡ ! Thiên Chúa chắc chắn là một người cha tuyệt vời hơn tất cả mọi người cha trên thế gian này.
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”. Vâng, đó là kinh nghiệm của người xưa và người thời nay, thử hỏi các linh mục lớn tuổi (cha sở) ngài sẽ chia sẻ cho những kinh nghiệm mục vụ đầy những mồ hôi và nước mắt, hãy nhìn những thành quả trong giáo xứ của chúng ta, thì thấy các cha sở trước đã vất vả như thế nào để xây dựng giáo xứ đẹp đẽ như ngày hôm nay, để thấy câu thánh vịnh trên đây thật chí lý và khích lệ cho chúng ta.
e. Suy tư (tứ giống)
 
Các linh mục trẻ thân mến,
Có một vài anh em linh mục trẻ khi lên toà giảng để giảng thì giáo dân không biết ngài giảng cái gì, bởi vì ngài quá ỷ y vào tài lợi khẩu của mình nên chỉ một câu nói mà cứ nói lui nói tới, nói lòng vòng không đầu không đuôi; có một vài linh mục trẻ khi giảng thì không biết đối tượng mình giảng là ai, nên các ngài trích dẫn hết lập luận này đến lập luận kia, hết tổng luận thần học rồi đến tư duy triết lý, làm cho giáo dân nghe ngài giảng mà không hiểu gì cả, thật uổng công cho các ngài soạn bài giảng, và uổng công cho các giáo dân náo nức nghe cha giảng...
Sống là giảng và giảng là sống, sống sao giảng vậy, thì thu hút và đánh động tâm hồn người khác, hơn là lấy y chang bài giảng của người khác để giảng, bởi vì bài giảng của người khác thì chỉ gợi ý cho chúng ta mà thôi, chứ không như chúng ta sống, cho nên một linh mục thiếu suy tư thì cũng rất ít sống theo tinh thần Phúc Âm, và chắc chắn là các ngài không có chất liệu gì của mình để giảng dạy cho giáo dân.

Ruộng cày thật tơi xốp, nước nôi đầy đủ, chuyên cần có thừa, nhưng lúa giống không có hoặc giống xấu thì không thể đạt năng xuất được. Cũng vậy, trên cánh đồng truyền giáo mọi thứ đều được chuẩn bị đầy đủ, cha sở thức khuya dậy sớm để lo việc tổ chức mà không còn giờ để suy niệm về Lời Chúa, hay nói cách khác, cha sở không đào sâu kho tàng ân sủng của Thiên Chúa trong thánh kinh cũng như trong các loại sách thiêng liêng, thì không thể hướng dẫn giáo dân hăng hái tiến bước trên con đường mà mình đã làm sẵn cho họ đi.

Có giáo dân mỗi lần đi họp Legio Mariae về thì nói với nhau: cha linh hướng hôm nay nói gì đâu không ăn nhằm gì tới Legio; có các bạn trẻ thanh niên mỗi lần đến họp hành cũng chẳng thấy cha tuyên uý của mình nói câu gì cho mơi mới chút xíu, cứ lui tới nhắc nhở các bạn trẻ sống làm gương tốt, mà ngài thì không đưa ra những hình ảnh và phương pháp cụ thể để cho các bạn thấy mà học theo...

Suy tư, không nhất thiết là phải ngồi lỳ đóng cửa cả ngày trong phòng để tìm ý tưởng; suy tư, cũng không nhất thiết là phải tra cứu sách này sách nọ cho nó oai, để khi giáo dân có hỏi thì nói mình dọn bài dọn vở để soạn bài giảng căng thẳng cả đầu óc ! Nhưng bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể suy tư và áp dụng vào trong cuộc sống của mình :
-Suy tư khi thấy một tai nạn.
-Suy tư khi thấy một đám ma.
-Suy tư khi thấy một em bé đang khóc vì đói.
-Suy tư khi đọc được một câu chuyện hay.
-Suy tư khi nghe một lời chửi bới của bạn bè.
-Suy tư khi nghe hát một bài hát...
Tóm lại là bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể suy tư, và những suy tư ấy sẽ rất có ích cho cá nhân của mình, cũng như cho cộng đoàn mà mình đang phục vụ.

Càng suy tư thì càng có chất liệu để giảng dạy, mà chất liệu hiệu quả nhất chính là mình sống những gì mình đã suy tư và cảm nghiệm, bởi vì không ai cho cái mà mình không có...

Một linh mục luôn suy tư là một linh mục dễ dàng thông cảm với những khuyết điểm của người khác nhất.
Một linh mục luôn suy tư là một linh mục luôn hoà nhã với mọi người.
Một linh mục luôn suy tư là một linh mục luôn có “bảo bối” là Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để hướng dẫn người khác đi theo mục đích mà Chúa Giê-su cũng như Giáo Hội của Ngài mong muốn.
Trong suy tư các ngài cảm nghiệm được tính liên đới mình với người khác, cảm nghiệm được những thiếu sót sai lầm của người khác cũng chính là thiếu sót và sai lầm của mình hôm qua cũng như ngày mai, và như thế các ngài rất dễ dàng nhận thấy vai trò linh mục mục tử của mình có ý nghĩa phục vụ hơn là lãnh đạo, tìm và chữa lành hơn là trừng phạt và răn đe, yêu thương hơn là kiểu cách, cũng có nghĩa là các ngài sẽ khiêm tốn hơn khi vấp phải vấn đề tế nhị giữa mục tử và giáo dân trong việc quản trị và điều hành giáo xứ.
Một trong những bổn phận của linh mục là giảng dạy, ngoài việc giảng dạy trên toà giảng thì các ngài cũng sẽ giảng dạy nơi các đoàn thể trong giáo xứ như hội Legio Mariae, hội Con Đức Mẹ, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, hội Vinh Sơn.v.v... do đó mà các ngài cần phải suy tư nhiều hơn nữa về vai trò mục tử của mình, về những vấn nạn mà các đoàn thể đã và đang gặp phải...
Có những anh em linh mục trẻ chuẩn bị bài giảng trước cả mười ngày rất công phu, có những linh mục trẻ rất lo lắng khi soạn bài giảng, tất cả các anh em linh mục trẻ này đều có ý thức về bài giảng của mình, ngược lại có một vài anh em linh mục trẻ thấy mình đã đạt đến mức độ xuất khẩu thành bài giảng nên không chuẩn bị bài giảng gì cả, cứ lên toà giảng thì nói thao thao không ý không tứ, không đầu không đuôi và cuối cùng thì giảng như máy bay không có bãi đáp.

Nhưng tệ hơn là có một vài linh mục không thích suy tư, không thích soạn bài giảng, và nếu có soạn thì chỉ chú trọng đến bài giảng ngày chủ nhật mà thôi, cho nên khi họp các đoàn thể thì không có những lời lẽ để giáo huấn họ, mà nếu có nói thì nói chung chung kỳ họp trước cũng như kỳ họp này, không có ý tưởng đào sâu, làm cho giáo dân cảm thấy đơn điệu, và không lạ gì khi các thành viên của các đoàn thể đi họp rời rạc và ngày càng ít đi, dĩ nhiên là có những lý do khách quan khác, nhưng lý do “đi họp chán quá” cũng là vấn đề làm cho chúng ta –các cha sở- phải xét lại cách giáo huấn dạy dỗ của mình.
Tôi thấy có một vài anh em linh mục trẻ, sau khi dâng lễ sáng xong thì xách xe chạy một lèo đến chiều tối mới về, không ngồi yên ở nhà được; có anh em linh mục thì không bao giờ cầm đến một tờ báo hay đọc một cuốn sách thiêng liêng, nếu có đọc thì chỉ năm phút sau là...ngủ gật, thật uổng phí thời giờ. Theo kinh nghiệm bản thân mình, các cha sở (cha phó) nên kiếm việc mà làm hoặc phát huy khả năng của mình như sáng tác nhạc, viết sách, dịch sách; hoặc tay nghề của mình như làm thợ sửa cái bục giảng đang hư, sơn lại cái ghế quỳ.v.v... những công việc ấy sẽ giúp cho các linh mục rất nhiều trong cuộc sống tu đức, những lúc công việc nhà xứ rỗi rảnh thì bắt tay vào làm những việc ấy, để không còn thời gian để suy nghĩ lung tung, xách xe chạy đi tán dóc, coi xi nê, đánh cờ tướng mất cả ngày giờ mà không ích lợi gì cho công tác mục vụ của mình.
Mỗi ngày bỏ ra ít là một giờ để đọc sách và viết xuống những suy tư của mình, một tháng sau đọc lại thì thấy ý tưởng của mình tiến bộ, ý lực dồi dào và súc tích hơn, và mỗi năm sẽ tích luỹ được nhiều vốn liếng suy tư, thì lo gì mà không có chất liệu để giảng dạy chứ, đó là kinh nghiệm mà tôi thường chia sẻ với các anh em linh mục trẻ trong dòng của chúng tôi, và kinh nghiệm này đã giúp tôi có những suy tư rất đời thường nhưng rất thực tế, có ảnh hưởng trên đời sống giáo dân khi giảng dạy.
Suy tư là hạt giống để gieo vào mảnh đất truyền giáo của giáo xứ của mình, bởi vậy nó có giá trị không những cho đời sống tu đức của linh mục, mà còn có ích cho đời sống tâm linh của giáo dân trong giáo xứ của mình.

Có giáo dân than phiền về bài giảng của các linh mục trẻ quá dài và quá thiên về lý thuyết thần học triết lý, mà không đi vào thực tế sống đạo của người Ki-tô hữu, do đó mà họ cảm thấy rất “mệt” khi nghe các ngài giảng.
Tôi còn nhớ sau khi tốt mãn khóa học tại đại chủng viện thánh Tôma (Đài Bắc-Đài Loan) trở về nhà dòng và được sai đi giúp xứ, sau thánh lễ chủ nhật tôi đang ở trong phòng mặc áo của nhà thờ, thì có một giáo dân trung niên đến nói với tôi như sau: “Thưa thầy, nếu sau này thầy làm linh mục, khi giảng lễ thì xin thầy giảng Phúc Âm cách thực tế trong cuộc sống, để chúng tôi còn hiểu được và dễ thực hành, thầy đừng như cha sở hôm nay giảng gì mà tụi tôi không hiểu gì cả...” – Và kể từ hôm đó cho đến nay (và mãi sau này) tôi vẫn luôn nhớ đến lời góp ý chân thành của người giáo dân ấy, thế là tôi bắt đầu suy tư cách thực tế của đời sống làm người với tinh thần Phúc Âm là sống, là chia sẻ, là cảm nghiệm chứ không phải là lý thuyết sách vở...
Giáo dân không hiểu bài giảng của linh mục, thì không thể bắt họ sống tốt tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su, linh mục giảng mà không có tâm tình chia sẻ thực tế, thì không phải là bài giảng “nhớ đời” của giáo dân khi nghe các ngài giảng.
B. GIÁO DÂN
Linh mục được sai đi để phục vụ chứ không để được phục vụ[2], cho nên linh mục phải xác định cho rõ ràng đối tượng mà mình phục vụ chính là giáo dân, họ là những thành phần của dân Thiên Chúa tức là Hội Thánh địa phương mà mình đang phục vụ.
Giáo dân là thành phần dân của Thiên Chúa, tức là những thành phần được tuyển chọn để trở thành một dân tộc thánh, dân tộc được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giê-su, cho nên họ cũng có những đặc ân mà Thiên Chúa ban cho họ qua bí tích Rửa Tội và các bí tích khác mà họ đã lãnh nhận, cho nên linh mục được sai đến là đến với họ, cũng có nghĩa là từ giây phút này đây tôi được sai đến đây để phục vụ, và cộng đoàn giáo xứ này chính là gia đình của tôi chứ, không phải là cộng đoàn mà tôi phục vụ trước đó.
Có một vài linh mục đang phục vụ ở giáo xứ này mà lòng vẫn còn nghĩ đến giáo xứ trước đó, nên một vài tháng lại ghé đến thăm một nhà giáo dân mà mình quen thân và ở đó trọn ngày, hoặc là thỉnh thoảng giáo dân ở giáo xứ ấy có tổ chức gì thì mời riêng ngài đến tham dự...
Tình cảm giáo dân dành cho cha sở cũ của mình là điều đáng quý và đáng trân trọng, nhưng đa phần giáo dân không biết luật lệ Giáo Hội, cho nên có khi tình cảm đi quá đà mà quên mất ngài bây giờ không còn là cha sở của mình nữa, nhưng giáo xứ mình bây giờ đã có mục tử (linh mục) khác coi sóc, cho nên các linh mục trẻ cần phải để ý trong vấn đề rất tế nhị này, bằng không sẽ mang tiếng là cha sở không mặn nồng với giáo xứ mà ngài mới được sai đến.
Tất cả mọi giáo dân trong giáo xứ đều là con chiên bổn đạo của mình, cho nên, họ có quyền đòi hỏi cha sở (cha phó) đối xử bình đẳng với họ như mọi người, họ cảm thấy bức xúc khi cha sở của mình hể rảnh rỗi là đến nhà ông nọ bà kia ăn uống giải trí mà không đi đến các nhà khác. Trong cách đối xử này của cha sở (cha phó) sẽ làm cho việc truyền giáo của ngài, cụ thể là lời giảng dạy- sẽ mất đi sức thu hút và giảm đi sự kính mến của giáo dân nơi các ngài.
1. Kính trọng giáo dân lớn tuổi.

Các bạn linh mục trẻ thân mến,
Một lần nọ, có giáo dân nói với tôi : “Linh mục X... tuy còn trẻ, tuổi chỉ đáng làm cháu bà Y..., vậy mà lớn tiếng la lối với bà ngay trong nhà thờ sau thánh lễ, không biết linh mục ấy có học nhân bản không ?”
Tôi có thể chia sẻ với các linh mục trẻ rằng, phách lối la mắng những giáo dân lớn tuổi đều là thái độ của ma quỷ đội lốt linh mục, bởi vì linh mục là thầy dạy nhân đức, tức là dạy giáo dân của mình biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người, chứ không phải dạy con người ta làm điều xấu xa, mà cái xấu xa nổi bật nhất của ma quỷ chính là dạy con người ta làm đảo lộn trật tự tự nhiên của Thiên Chúa đã đặt sẵn trong vũ trụ và trên con người, mà cái trật tự tự nhiên là con cái phải yêu thương và thảo kính cha mẹ, người nhỏ tuổi phải biết kính nhường người lớn tuổi, trẻ em phải biết lễ phép, mọi người đều phải biết tôn trọng lẫn nhau...
Tôi đã thấy một linh mục trẻ nọ nói với giáo dân đáng tuổi của bố mình rằng : “Ông là đứa ngu, không biết gì cả”. Ông giáo dân tội nghiệp ấy “ngu” cũng phải, vì ông đâu có học phụng vụ như cha sở để thành thạo giúp lễ cho ngài. Chúa Giêsu đã nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta : “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng”[3], lời này của Chúa Giê-su không một ai được miễn trừ, không một ai được viện cớ chức này chức nọ mà mắng anh em chị em là đồ ngu, bởi vì tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau trước mặt Thiên Chúa.
Linh mục là người cần phải có thái độ kính trọng những người lớn tuổi hơn mình, bất luận họ là giáo dân hay người ngoại giáo, tuổi đời của họ cũng đều đáng để cho chúng ta kính trọng; linh mục không kính trọng người lớn tuổi thì không thể dạy giáo dân mình thảo kính cha mẹ; linh mục không tôn trọng người già thì đừng mong giáo xứ của mình có tôn ti trật tự.
Một linh mục biết kính trên nhường dưới là một linh mục rất dễ dàng thân cận với giáo dân của mình, bởi vì nơi ngài người ta thấy được chức linh mục cao quý chứ không thấy con người phàm tục của các ngài, trái lại một linh mục luôn xấc láo với người già cả, kẻ cả với người trang lứa, thì người ta sẽ không nhìn thấy chức linh mục nơi các ngài, nhưng người ta sẽ nhìn thấy ngài là con người với những thói xấu sân si như người thường mà thôi.
Kính trọng người già cả còn là hợp với đạo lý của người Việt Nam chúng ta kính lão đắc thọ, thọ đây có thể là sống lâu ở đời này cũng như được hưởng phúc trường sinh mai sau trên thiên đàng với Thiên Chúa. Là nhà mô phạm, các linh mục luôn tự nói với mình rằng: tôi sẽ là tấm gương sáng cho giáo dân noi theo trong việc kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, do đó mà người linh mục luôn trở thành ngọn đèn sáng, hướng dẫn giáo dân của mình đi theo con đường của Phúc Âm của Chúa Giêsu dạy.
Kính trọng người già cả là biểu lộ một tâm hồn khiêm cung nơi các linh mục, yêu mến và thân tình với họ chính là việc làm chính đáng của người môn đệ Chúa Giê-su, cho nên sẽ rất phản giáo dục và trái với đạo đức nếu chúng ta –các linh mục trẻ- coi thường và khinh dể các vị cao niên trong cộng đoàn giáo xứ của mình.
2. Giới trẻ.
 
a.   Hoà đồng và sống tự nhiên
Trong giáo xứ dù cha sở có lập đoàn thể thanh thiếu niên hay không, thì giáo xứ vẫn có các bạn trẻ ấy, đó là một thực tại không chối bỏ, do đó, để cho các bạn trẻ trong giáo xứ cảm thấy cha sở trẻ trung của mình rất gần gũi thân thương, thì việc trước tiên của linh mục là hoà đồng vui vẻ với các bạn trẻ của mình.

Tuy nhiên “Hoà đồng mà gượng ép thì khó coi, tự nhiên mà sỗ sàng thì sinh ra gương xấu”[4]-  đây là một thực tế mà có một vài linh mục trẻ không để ý, chính vì khi hoà đồng với các bạn trẻ là chúng ta thấy được sức sống của Giáo Hội Chúa Ki-tô nơi họ, do đó, và vì để cho các bạn trẻ có ấn tượng về mình, nên có một vài linh mục trẻ có những hành động khó coi và những lời nói không phù hợp với thiên chức linh mục và mục tử của mình, do đó mà sinh ra gương xấu hoặc là phản tác dụng giáo dục Ki-tô giáo.
Tôi được chứng kiến có một linh mục trẻ nọ, được cha sở giao trách nhiệm giúp ngài chấn chỉnh và hướng dẫn các bạn trẻ thanh niên trong giáo xứ, quan niệm của vị linh mục trẻ này là phải hoà đồng với các bạn trẻ, cho nên mỗi chiều chủ nhật ngài tập họp các bạn trẻ lại được khoảng năm sáu người, khi thì ở một nhà giáo dân mà ngài rất thường lui tới, khi thì tại phòng riêng của ngài với một...can rượu trắng hai mươi lít và uống với họ, các bạn trẻ thấy cha “chịu chơi” nên cũng uống gần hết can rượu, kết quả là cha trẻ say xỉn, các bạn trẻ có men rượu ăn nói lung tung không còn lễ phép lịch sự với cha trẻ nữa, và các bạn ra về nói nhỏ to lần sau không đến nữa...
Nhưng cái hậu quả to lớn nhất của việc hoà đồng này là: sau đó vị linh mục này về nhà thờ dâng lễ chiều chủ nhật thì mắt đỏ kè, giọng lè nhè và dáng đi xiêu vẹo trên bàn thờ khi cử hành thánh lễ, làm cho giáo dân ngao ngán và chửi rủa ông cha trẻ này là: ông cha mất nết !
Hoà đồng không có nghĩa là phải làm như các bạn trẻ, nhưng phải đem cái tinh thần trẻ trung của mình đi với giới trẻ, hướng dẫn họ đến với Chúa Giê-su Ki-tô là chính Đấng làm cho sự hoà đồng của linh mục với giáo dân được kết trái, tức là nhà thờ càng ngày càng có đông các bạn trẻ, và họ sống tốt lành như vị linh hướng trẻ trung của họ vậy. Có rất nhiều cách để chúng ta thu hút các bạn trẻ, mà cách thu hút có hiệu quả lâu dài nhất, chính là đời sống gương mẫu và trung thực của chúng ta.
Thái độ tự nhiên khi hành xử của một linh mục rất là dễ thương và đầy “quyến rủ”, quyến rủ đây không phải như nam nữ quyến rủ trong tình yêu, nhưng chính là sự đơn sơ của các ngài đã làm cho giáo dân không còn cảm thấy xa lạ với các linh mục của mình nữa.
Tuy nhiên, có một vài linh mục có thái độ rất tự nhiên với mọi người, nhưng cái tự nhiên này sẽ biến thái khi các ngài quá tự nhiên với các thiếu nữ cũng như với các phụ nữ, dù gì chăng nữa thì hành động tự nhiên đó cũng sẽ là việc “không thuận mắt” với giáo dân, dù cho các ngài ở nước ngoài hay ở trong nước thì các ngài cũng vẫn là người Việt Nam, thái độ quá tự nhiên “ôm hôn thắm thiết” thì chắc chắn không phải là thái độ của người linh mục, nhất là khi dùng thái độ ấy để đối xử với các thiếu nữ và các phụ nữ, với các bạn trẻ nữ thì càng phải tế nhị hơn thế nữa, “tự nhiên mà sỗ sàng thì sinh ra gương xấu” là ở đó.
Thái độ tự nhiên không kiểu cách của một linh mục là: thấy người lớn tuổi bằng tuổi cha ông mình, thì xưng hô như mình xưng hô với cha ông của mình; thấy người đáng tuổi anh chị mình thì xưng hô như anh chị của mình; thấy người đáng em trai em gái của mình thì đối xử như em trai em gái của mình, làm được như thế thì các linh mục có hai cái lợi: một là xoá khoảng cách giữa mình với giáo dân và làm cho họ thấy linh mục của mình là người dễ mến; hai là tập cho mình đức khiêm tốn với hết mọi người.
Có nhiều linh mục nói rằng phải xưng cha con với mọi người là để giáo dân khỏi lờn mặt ! Suy nghĩ như thế thì quả là chúng ta coi thường giáo dân của mình, bởi vì lờn mặt hay không thì không hệ tại ở cách xưng hô, nhưng chính là hệ tại hành vi thái độ của linh mục đối với giáo dân có diễn tả được tình yêu của Chúa Giê-su hay không mà thôi.
Các bạn trẻ thời nay sống rất tự nhiên thì linh mục càng phải nghiêm trang, nghiêm trang không có nghĩa là bặm môi trợn mắt hoặc là đứng xa xa mà nói chuyện với họ, hoặc là thường trách cứ lời nói hay thái độ của các bạn trẻ, nhưng nghiêm trang chính là lời nói thái độ của mình chừng mực hợp với tư cách của một linh mục, một mục tử và là một người bạn lớn của các bạn trẻ.
Hãy mời gọi các bạn trẻ nên gia nhập vào một đoàn thể nào đó trong giáo xứ, chẳng hạn như Thiếu Nhi Thánh Thể, đoàn Hướng Đạo, ban lễ sinh.v.v... để được huấn luyện có hệ thống, và khi đã vào các đoàn thể rồi thì không còn chuyện mỗi lần họp là mỗi can rượu. Nơi các đoàn thể này, nếu không vì bận mục vụ chung, thì các linh mục trẻ nên đến tham gia với họ như khi đi dã trại hoặc các khóa huấn luyện, bởi vì sự hiện diện của cha sở (cha phó) trong ngày trại, là một sự phấn khởi và niềm vui của các bạn trẻ.
Có một vài linh mục trẻ khi đi trại với các bạn trẻ thì cứ đạo mạo như ông cụ non, không dám xếp hàng sinh hoạt vòng tròn với các bạn trẻ vì sợ dơ áo quần, hoặc đến ngó ngó chỉ chỉ chỏ chỏ rồi đi về, đến cho có lệ...
b.   Giới trẻ và tri thức
Khoa học ngày càng phát triển, tri thức rất cần thiết cho mọi người, và nhất là các linh mục là những người lãnh đạo giáo dân, và lớp trẻ thì ngày càng thông minh và hiểu biết hơn nhiều, do đó mà các linh mục trẻ cần phải biết tế nhị trong hạn chế của mình, dù rằng các bạn trẻ rất kính trọng các linh mục của mình, nhưng không phải vì thế mà các linh mục trẻ coi thường họ.
Giới trẻ ngày nay có rất nhiều việc phải lo phải làm hơn một cha phó ở giáo xứ, đó là chuyện có thật mà chúng ta cần phải nhạy bén trong việc huấn luyện và giáo huấn: các bạn trẻ phải lo học mà giờ học của họ thi dày đặc cả tuần, rảnh rỗi là họ đi thư viện hoặc đi học thêm, vì thế mà họ rất ít có thời giờ để đến nhà thờ sinh hoạt. Vì thế mà các linh mục trẻ phải làm thế nào để khi quy tụ lớp trẻ lại thì làm cho họ thấy mình là một người cha, người bạn, người anh rất biết thông cảm và sẵn sàng chia sẻ với họ về các vấn đề tâm linh cũng như những vấn đề khác.
Nhu cầu hiểu biết của giới trẻ ngày càng nhiều, trình độ của họ ngày càng cao, cách sống của họ ngày càng phức tạp, mà nếu không có kiến thức căn bản thì không thể lãnh đạo và thu hút họ được.
Có một vài linh mục trẻ cứ nghĩ rằng mình đã “đỗ” chức linh mục rồi nên không cần đọc sách đọc vở gì nữa, có đọc chăng là hể gần đến ngày chủ nhật thì lấy sách lễ ra coi Phúc Âm và chuẩn bị bài giảng rồi thì chấm hết, còn biết bao nhiêu là thời gian rảnh rỗi mà các ngài không đọc sách đọc báo, không sưu tầm tài liệu, không coi một quyển sách để mở thêm kiến thức của mình. Các bạn trẻ sẽ thích đến nhà thờ hơn khi các cha sở biết thông cảm và hiểu được những bức xúc của họ, để an ủi và hướng dẫn họ đi theo lý tưởng của mỗi người mà không đánh mất đức tin của mình, đó chính là điều mà mỗi linh mục đều hiểu rõ ràng hơn những người khác.
Linh mục không phải là quyển tự điển bách khoa cái gì cũng biết, nhưng các ngài có thể nói cho các bạn trẻ những vấn đề thời sự của ngày hôm nay đang xảy ra ở trong nước cũng như ở ngoại quốc, các ngài cũng có thể bàn luận với các bạn trẻ về vấn đề cái lợi và cái hại của internet đang xảy ra đối với các bạn trẻ... Đó là những việc mà chỉ cần các linh mục trẻ chịu khó mỗi ngày “để mắt” đến vài tờ báo khoa học, hoặc vài tờ báo thời sự thì biết ngay chứ khó khăn gì đâu.
Các bạn trẻ trong giáo xứ có người thì đang học phổ thông, có người đang học đại học, có người tốt nghiệp đại học, và có người đang làm thầy giáo, bác sĩ, kỷ sư.v.v... cho nên các linh mục trẻ cần phải trang bị cho mình vốn liếng kiến thức, mà kiến thức hay nhất chính là các ngài sống gương mẫu phù hợp với lời giảng của các ngài, điều này làm cho các bạn trẻ thích thú và hãnh diện về các linh mục của mình.
Thiên Chúa không chọn linh mục để các ngài hạch sách nạt nộ giáo dân, Ngài cũng không chọn linh mục để khinh dể người nghèo, nhưng Thiên Chúa chọn linh mục để thay mặt Ngài dạy dỗ và hướng dẫn giáo dân đi trên con đường trọn lành đến với Ngài, và nhất là các ngài giới thiệu khuôn mặt hiền hậu của Chúa Giê-su cho mọi người. Giới trẻ cũng là thành phần của dân Thiên Chúa, tức là dân được tuyển chọn bởi bí tích Rửa Tội, nên giới trẻ cũng đáng được Giáo Hội coi trọng, và như thế, các linh mục cũng phải coi trọng các bạn trẻ, đừng bao giờ nghĩ rằng chúng nó –các bạn trẻ- là con nít, là thành phần hạng thứ trong giáo xứ, nhưng phải yêu thương và nâng đỡ các bạn trẻ khi họ cần lời khuyên bảo của các ngài, giúp cho họ thấy rằng được làm người Kitô hữu thì hạnh phúc vô cùng, và chỉ cho họ thấy rằng, Giáo Hội đang cần đến họ cộng tác để Nước Trời được rộng mở ở trần gian này và viên mãn trên trời mai sau.
 
3. Thiếu Nhi.
 
Một kinh nghiệm nho nhỏ xin chia sẻ với các linh mục trẻ về công tác thiếu nhi trong giáo xứ của mình.
Các em thiếu nhi là mầm non của Giáo Hội, là những đoá hoa làm cho giáo xứ rộn rã tiếng vui cười và sinh động hẳn lên, nhất là vào những ngày chủ nhật khi các em đến nhà thờ để theo học các lớp giáo lý của mình.
a.   Các lớp giáo lý.
Hồi tôi còn giúp xứ ở một nhà thờ tại Saigon, trong giáo xứ chỉ có cha sở và tôi làm hết mọi công việc, vì nhà thờ nghèo, giáo dân cũng nghèo mà đa phần là dân vùng kinh tế mới trở về, tệ nạn là số một của Saigòn nên việc dạy giáo lý cho các em là một vấn đề lớn, quy tụ các em lại thì càng khó hơn, bởi vì không có sân chơi, không có các điều kiện để các em sinh hoạt, nhưng cha sở vẫn cứ tin tưởng mà giao cho tôi dạy tất cả các lớp giáo lý, từ lớp giáo lý vỡ lòng cho đến lớp giáo lý hôn nhân, tôi đều phụ trách, sau này các em lớn đã trở thành giáo lý viên phụ giúp tôi dạy các lớp nhỏ, tôi vẫn còn nhớ cha sở đã nói với tôi như thế này: “Có hai lớp giáo lý quan trọng nhất mà thầy phải đích thân dạy, đó là lớp giáo lý vỡ lòng và lớp “giáo lý bao đồng”, bởi vì lớp vỡ lòng là các em bắt đầu làm quen với Chúa Giê-su và giáo huấn của Ngài, lớp bao đồng là vì các em đã lớn dễ dàng bị cám dỗ với những thói xấu của xã hội, nên thầy phải đích thân dạy để giúp các em trong hai giai đoạn này”.
Giáo lý cho trẻ em, đó là điều quan trọng bậc nhất của cha sở; giáo lý cho trẻ em, đó là chìa khoá mở tâm hồn trong sáng của các em đón nhận Chúa Thánh Thần, cho nên cha sở đừng tiếc công tiếc của đầu tư vào các “ngân hàng” rất có ích cho tương lai sau này của xã hội và Giáo Hội, nhất là của giáo xứ . Đừng coi thường việc dạy giáo lý cho trẻ em, nhưng hãy tôn trọng Chúa Thánh Thần đang ở trong tâm hồn của các em, vì chính Ngài chứ không ai hết, sẽ là Đấng làm cho các em dễ dàng đón nhận những điều mà Chúa Giê-su đã dạy qua Giáo Hội và –quan trọng hơn- qua cha sở và những người cộng tác với ngài trong việc dạy dỗ cho các em.
Mà quả thật như thế, sau này làm linh mục đến giáo xứ nào tôi cũng chú trọng đến hai lớp giáo lý này, dù cho đã có các giáo lý viên, nhưng không phải khoán trắng cho họ, bởi vì chính họ -các giáo lý viên- cũng không muốn như thế, cái họ muốn là cha sở thường xuyên ghé đến họ ít nữa là một tháng một lần.
b. Thánh lễ trẻ em.
Đa phần các linh mục trẻ đều nói: giảng lễ cho tụi nhỏ khó hơn giảng cho người lớn. Đó là một thực tế mà nếu không “khổ tâm” nghiên cứu thì khó mà thu hút trẻ em, để cho chúng đó không xầm xì trò chuyện lúc tham dự thánh lễ.
Thánh lễ cho trẻ em là một vấn đề quan trọng của cha sở, bởi vì hầu như chúng ta chỉ chú tâm đến những thánh lễ dành cho người lớn mà quên đi, hoặc không chuẩn bị gì cho thánh lễ trẻ em, như thế là một thiếu sót lớn không thể chấp nhận được.
Đành rằng chúng ta có đội ngũ giáo lý viên giỏi, đành rằng chúng ta có nhiều phương tiện để giảng dạy Lời Chúa, nhưng chúng ta –cha sở, cha phó- không trực tiếp đứng lớp để dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, cho nên chúng ta cần phải lợi dụng thánh lễ trẻ em này, để giáo huấn và truyền đạt những việc cần làm của thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta, để thống nhất một chương trình từ người lớn đến trẻ em.
Thánh lễ trẻ em, thì xin giao hoàn toàn cho các giáo lý viên chuẩn bị, và cha sở chỉ can thiệp khi các giáo lý viên lúng túng trong các lễ nghi hay giáo lý mà thôi, ngoài ra còn phải để cho các giáo lý viên hướng dẫn các em, và trong thánh lễ cha chủ tế đừng làm gì ngoài chương trình mà các giáo lý viên đã chuẩn bị cho các em, cũng đừng “cắc cớ” hỏi các em về những gì mà các em chưa học hay chưa biết, bởi vì như thế là làm “bẻ mặt” các giáo lý viên và hạ giá các giáo lý viên trước mặt các em. Cứ hồn nhiên đưa ra những câu hỏi mà các em đã thuộc và đã biết, để hướng dẫn các em thực hành trong cuộc sống, đó chính là điều cần thiết hơn là đem kiến thức thần học của linh mục ra hỏi trẻ em...
Tôi đã thấy một linh mục trẻ nọ (học chưa xong chương trình nhưng được chịu chức chui) được cha sở của tôi mời phụ trách dâng thánh lễ cho trẻ em mỗi chúa nhật lúc tám giờ sáng, khi giảng thì ngài khoe với các em rằng ngài học rất giỏi biết ba thứ ngoại ngữ, nào là tiếng La tinh, tiếng Pháp và tiếng Anh, rồi sau đó thì chọc cho các em cười mà không nghe ngài nói gì về nội dung của bài Phúc Âm, hoặc đưa các em đi vào nội dung của thánh lễ...
Giảng cho trẻ em không phải là việc dễ làm, cho nên nếu thấy mình không thích hợp với các em thì cha sở (cha phó) nên mời một linh mục khác có năng khiếu giảng cho trẻ em đến dâng lễ, đừng để thánh lễ trẻ em thành một lớp thần học hay một buổi cầu nguyện theo kiểu của các tu sĩ... bởi vì như thế các em sẽ không phấn khởi tham dự thánh lễ của các em.
Theo kinh ngiệm của tôi, các linh mục trẻ (tốt nhất là lúc đang còn học trong đại chủng viện) nên tham dự các khoá huấn luyện của hướng đạo sinh, các khoá huấn luyện về sinh hoạt trong các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể.v.v... thì các ngài sẽ gặt được nhiều thành quả trong cách sinh hoạt với thanh thiếu niên, và như thế thánh lễ thiếu nhi sẽ sinh động và thu hút các em hơn.
Một kinh nghiệm nho nhỏ nữa xin chia sẻ với các linh mục trẻ, là đối với các em đừng bao giờ chấp tay sau lưng trợn mắt nạt nộ các em, đừng bao giờ làm ra vẻ đạo mạo với các em khi chúng nó đang đùa giỡn, nhưng hãy làm cho các em thấy cha sở là người hiền hoà như Chúa Giê-su, yêu thương và chăm lo cho các trẻ em.
Ở Việt Nam chúng ta, có những nơi trẻ em sợ cha sở hơn sợ...ông kẹ, bởi vì chúng nó thấy cha sở bặm môi bạt tai các thanh thiếu niên, chứ chúng nó chưa thấy cha sở của mình có thái độ thân thiện với trẻ em mà chỉ có nhéo tai và hăm doạ, có em thấy cha sở đi đường kia thì lo chạy trốn, không phải các em làm sự tội mà trốn, nhưng các em chạy trốn vì sợ cha sở, dù cái sợ này các em cũng không hiểu tại sao mà sợ. Một ngày nọ, tôi đi đến một nhà thờ lớn để coi người ta trang hoàng như thế nào nơi bàn thờ thánh cả Giu-se để bắt chước, khi dắt xe đạp vào trong sân nhà thờ rộng lớn thì thấy một tốp các em nhỏ khoảng mười, mười hai tuổi ôm cặp sách chạy tán loạn, vừa chạy vừa la to: “Ông cha ra đó, ông cha ra đó...” và quả thật tôi nhìn vào thì thấy cha sở của nhà thờ đang vừa đi vừa chỉ tay về phía các em hăm doạ, không cho chúng nó vào sân nhà thờ chơi giỡn...
Giáo dục trẻ em thì có rất nhiều cách, nhưng cách hay nhất vẫn làm là dịu dàng và vui vẻ với các em, các em rất dễ thân thiện nhưng đồng thời cũng khó quên những cái bạt tai, và những cái nhéo tai của người lớn không phải là bố mẹ của các em. 
C. CỬ HÀNH PHỤNG VỤ THÁNH
a. Thánh lễ.
-      Cử điệu, giọng nói tự nhiên.
 
Linh mục là người được Thiên Chúa tuyển chọn để -qua các ngài- Thiên Chúa tiếp tục chương trình cứu chuộc của Ngài ở trần gian, nhất là việc cử hành thánh lễ và ban các bí tích cho giáo hữu, cho nên vai trò của linh mục trong Giáo Hội rất là quan trọng, và quan trọng hơn nữa đối với đời sống tâm linh của giáo dân đó chính là thánh lễ.
Giáo dân đến nhà thờ để tham dự thánh lễ tức là đến để chúc tụng, ngợi khen và cám tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ trong cuộc sống, và với đức tin mà họ đã lãnh nhận được, họ tin rằng ơn cứu chuộc đến từ nơi Thánh Giá  trên đồi Calvê ngày xưa ấy vẫn đang tiếp tục hiến tế mỗi ngày trên bàn thờ, và qua linh mục, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hiến tế trên bàn thờ mọi ngày cho đến tận thế.
Cho nên từ cử chỉ động tác cho đến đọc các lời nguyện trên bàn thờ khi cử hành thánh lễ, linh mục chủ tế cần phải ý thức cách trọn vẹn rằng mình đang tiếp tục vai trò thánh thiện của Chúa Giê-su ngày xưa trên đồi Golgotha, tức là dâng hiến Chúa Giê-su trên bàn thờ để xin ơn tha tội cho thế gian. Vì thế mà mỗi ngày, các linh mục luôn tự nhắc nhở mình là phải chuẩn bị chu đáo khi dâng thánh lễ, sự nhắc nhở này cần phải thôi thúc hơn trước khi tiến ra bàn thờ cử hành thánh lễ.
Có một vài linh mục trẻ chỉ chú trọng đến bài giảng sao cho chải chuốc đầy ý đầy tứ, và chú ý giọng lưỡi sao cho truyền cảm, mà không để ý đến thái độ cử chỉ của mình trên bàn thánh khi dâng thánh lễ: có vị thì giang tay rộng hết cở khi đọc lời nguyện, có vị khi đọc lời nguyện hay kinh nguyện Thánh Thể thì đọc nhanh như sợ ai giành đọc, lại có vị thì cử điệu y như là biểu diễn thời trang rất ư là không tự nhiên, đôi lúc làm cho giáo dân cảm thấy khó chịu và lo ra, vì cha chủ tế cứ uốn giọng sửa tướng trên bàn thờ trước mắt họ.
Thiên Chúa ban cho chúng ta hình hài như thế nào thì cứ thế mà làm sáng danh Ngài, Thiên Chúa ban cho chúng ta dáng đứng tướng đi như thế nào thì cứ như thế mà làm đẹp lòng Ngài.
Có một vị linh mục lớn tuổi nọ, sau khi cử hành thánh lễ đồng tế đã nói với vị chủ tế là một linh mục trẻ mới chịu chức được một năm như sau: “Khi đọc lời nguyện cha dang hai tay quá rộng che mất hai cha đồng tế đứng hai bên phải trái của cha...”- Vì để “khẳng định” mình là người được học những môn “thần học phụng vụ” mới, nên các linh mục trẻ “thoải mái” pha chế thêm bớt những điều ngoài quy định của Giáo Hội về cử hành thánh lễ: có vị thì ưa thông báo lúc nào trong thánh lễ thì thông báo, có vị trước khi đọc lời truyền phép thì nhắc nhở “đôi điều” giáo lý về Thánh Thể, có vị thì coi thánh lễ như là dịp để mình khoe khoang cái hay cái kiến thức uyên bác của mình, mà không chú trọng đến điều cốt lõi để giáo dân đắm mình trong ân sủng của Thiên Chúa, đó là cử điệu đoan trang, giọng nói rõ ràng, thái độ cung kính đầy đức tin và một tâm hồn yêu thương.

Thánh lễ tự nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người Kitô hữu do ân sủng của Thiên Chúa ban cho, nhưng thái độ cử chỉ của vị chủ tế cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự tham dự sốt sắng của giáo dân, bởi vì ân sủng của Thiên Chúa thì vô hình, nhưng cử điệu lời nói của linh mục chủ tế thì hữu hình, cho nên giáo dân sẽ miễn cưỡng đến nhà thờ tham dự thánh lễ với một vị chủ tế mà khi cử hành thánh lễ thì giống như...thầy pháp vẽ bùa, làm cho nhanh, cho qua chuyện. Mặc dù thâm tâm linh mục có đức tin, hiểu biết sự cao quý của thánh lễ hơn giáo dân rất nhiều, nhưng lại không bày tỏ ra dáng điệu cử chỉ đoan trang thánh thiện khi cử hành thánh lễ, thì cũng là một cớ gây vấp phạm cho giáo dân...
-      Trên bàn thờ.
Khi đi dự tiệc chúng ta thấy trên bàn tiệc được bày biện rất đẹp mắt, lịch sự và trang nhã, khiến cho chúng ta vui vui và khen ngợi sự bày biện của nhà hàng.
Cũng vậy, bàn thờ là tượng trưng cho Chúa Giê-su, là nơi để cử hành Thánh Thể, là trung tâm của thánh lễ và nơi quy tụ giáo dân lại, đó là một dấu hiệu hữu hình của thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô.
Tôi đã thấy có một vài linh mục trẻ đã làm cha sở, phòng ngủ của các ngài sang trọng và sạch sẽ hơn phòng thánh, bàn làm việc của ngài rất trật tự, bàn ăn của ngài thì sạch sẽ bày biện đẹp mắt hơn bàn thờ dâng lễ nhất là khi có khách. Có những cha sở làm cái bàn thờ rất đắc tiền, bằng đá cẩm thạch hoặc gỗ quý, nhưng trên bàn thờ khi cử hành thánh lễ thì quá lộn xộn không ngăn nắp trật tự: khăn thánh thì ố vàng nhăn nhó, chén thánh thì đã bạc màu, sách lễ thì quá cũ và gáy sách đã mất, thậm chí có nhiều trang không đọc rõ chữ, khi các ngài chuẩn bị đọc lời truyền phép thì dĩa thánh và chén thánh trên bàn thờ đều để không ngay ngắn trật tự, không giống sự ngăn nắp trên bàn ăn của các ngài, thật không xứng đáng là bàn thờ tế lễ Thiên Chúa. Thánh Gioan Maria Vianney sống rất khó nghèo, nhưng áo lễ của ngài thì đẹp lộng lẫy, chén thánh dĩa thánh của ngài rất sang trọng, những khăn thánh rất sạch sẽ, bởi vì ngài ý thức rằng mình đang tế lễ Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất cao sang vô cùng.
Chúng ta chỉ chú trọng đến việc xây nhà thờ thật cao to lộng lẫy, làm bàn thờ thật đắc tiền, nhưng đồ dùng cho việc trực tiếp hiến tế là dĩa thánh, chén thánh, áo lễ, khăn thánh thì lại coi thường. Có giáo dân nọ than phiền với tôi về việc nhà thờ kia cha sở cái gì cũng mua sắm rất đắc tiền, nhưng chén thánh dĩa thánh và khăn thánh thì quá tồi tệ, cái áo lễ đã bạc màu, áo trắng dài (alba) thì cáu bẩn lâu ngày không giặt, không biết ngài bỏ tiền đâu cả mà không thay cái mới hơn để dùng cho việc thờ phượng Thiên Chúa ? Giáo dân không tiếc tiền với nhà thờ thì tại sao cha sở lại tiếc tiền với Thiên Chúa !?
Giáo dân ngày xưa và giáo dân ngày nay khác nhau về trình độ giáo lý, cũng như hiểu biết về thánh lễ hoặc về những việc liên quan đến lễ nghi của Giáo Hội, giáo dân ngày nay bức xúc khi thấy một linh mục dâng thánh lễ không nghiêm trang, cảm thấy buồn lòng khi nghe một linh mục trẻ măng lên giọng cha chú dạy đời giáo dân, và rất bực mình khi thấy một linh mục trẻ ăn nói xấc láo với giáo dân đáng cha chú của mình. Cho nên khi cử hành thánh lễ -có hay không có giáo dân tham dự- thì linh mục cần phải nhớ rằng mình đang đứng trước ngai toà Thiên Chúa để cử hành thánh lễ, để nhờ đó mà mọi cử điệu của ngài sẽ luôn là cử điệu của Chúa Giê-su trong nhà tiệc ly và trên đồi Golgotha: khiêm tốn và yêu thương.
Có một vài linh mục trẻ được phái đi làm cha phó, trên mặt còn phảng phất nét hào quang và thoả mãn của ngày chịu chức, đã hùng hổ tuyên bố trên toà giảng với giáo dân rằng: “Thần học mà cha học là thần học mới, phụng vụ mà cha học là phụng vụ đổi mới”, và thế là mấy em giúp lễ hoặc mấy dì phước dọn phòng thánh của nhà thờ phải mệt đứ người vì cha sở làm lễ thì đơn giản, còn cha phó trẻ làm lễ thì phải thêm cái này bớt cái kia cho phù hợp với phụng vụ mới !?
Thánh lễ là trung tâm của người Ki-tô hữu, do đó vai trò chủ tế của linh mục rất quan trọng, bởi vì nơi các ngài, Thiên Chúa đã trao quyền tế lễ, để nhân danh Chúa Giê-su và Hội Thánh cử hành hiến tế tạ ơn. Quyền tế lễ này không một ai trên mặt đất này thay thế được, nên vai trò của linh mục càng quan trọng gấp bội, và giáo dân vì đức tin, vì Giáo Hội, vì Thiên Chúa mà chấp nhận chúng ta như là những đại diện Chúa Giê-su. Nếu chức tư tế này có thể thay thế -thì có lẽ- giáo dân sẽ thay một người khác đạo hạnh, khiêm tốn và nhân đức hơn chúng ta nhiều để cử hành thánh lễ cho họ.
Cho nên chúng ta -những linh mục trẻ- đường truyền giáo còn dài, cần phải khiêm tốn và luôn trau dồi đức hạnh cũng như trí tuệ của mình mỗi ngày, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh ấy.
b. Cử hành bí tích.
Hồi tôi còn giúp xứ, cha sở của tôi đã chỉ cho tôi cách làm bản đồ địa bàn giáo xứ và ghi chú rất cặn kẻ chi tiết tên tuổi, địa chỉ, tên đường, hẽm, số nhà và đánh dấu những ký hiệu thật dễ nhớ, ngài giải thích: “Phải chi tiết như thế, để khi có ai kêu đi xức dầu bệnh nhân thì hỏi rõ tên và tự mình đi cũng được, khỏi phiền giáo dân”. Và quả thật phương pháp này rất có lợi cho cha sở cũng như cho tôi là thầy giúp xứ biết rõ hơn về giáo dân trong họ đạo...
Giáo dân nhờ các linh mục để lãnh nhận các bí tích mà Chúa Giê-su đã lập ra, để chuyển ban ơn cứu độ của Ngài cho họ, cho nên cũng có thể nói cách chắc chắn rằng làm linh mục là vì phần rỗi của giáo dân.
Đời sống tâm linh của giáo dân rất cần đến các bí tích chữa lành, cứu sống và kiện khang, đó là bí tích Giải Tội, bí tích Thánh Thể và bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Ba bí tích này chỉ có các linh mục mới được cử hành, cho nên chúng ta  -các linh mục- cần phải đáp ứng nhu cầu của giáo dân khi họ mong muốn lãnh nhận các bí tích này.
Có một vài cha sở từ chối thẳng thừng với giáo dân khi họ gõ cửa xin ngài ngồi toà giải tội ngoài giờ quy định. Tại sao chúng ta từ chối không ban bí tích Giải Tội cho họ chứ, tại sao chúng ta từ chối một tội nhân muốn làm hoà với Thiên Chúa chứ, tại sao chúng ta từ chối đón nhận họ trở về với đời sống mới trong bí tích hoà giải chứ ? Có một vài giáo dân đã nhiều năm không đến toà cáo giải, nay nhờ ơn Thiên Chúa giúp họ ăn năn hối cải trở về với Ngài, nếu chúng ta từ chối ban bí tích hoà giải cho họ, thì vì mặc cảm, vì tức giận, vì thất vọng họ lại sa ngã trong tội thì sao ? Càng suy nghĩ tôi càng thấy sợ hãi vì vai trò của linh mục là chữa lành, là cứu sống, là hoà giải tội nhân với Thiên Chúa, bây giờ lại từ chối người anh em đang cần đến mình để về với Thiên Chúa là cha nhân từ !
Chúng ta là mục tử nhưng chúng ta không học gương Chúa Giê-su đi tìm con chiên lạc trở về, chúng ta là thầy thuốc tâm hồn nhưng chúng ta không học gương Chúa Giê-su là nhân ái và chữa lành bệnh tật trong tâm hồn của giáo dân, giáo dân gọi chúng ta là cha nhưng chúng ta chưa bày tỏ cho họ thấy lòng quảng đại của người cha như ý Thiên Chúa muốn.
Dù cho giáo xứ có quy định giờ ngồi toà cáo giải, dù cho mỗi ngày chúng ta –linh mục- ngồi toà trước và sau thánh lễ, thì chúng ta cũng cần phải luôn vui vẻ, sẵn sàng khi có giáo dân đến xin xưng tội ngoài những giờ ấy, bởi vì những quy định ấy phần nhiều là dành cho giáo dân thường xuyên đi đến nhà thờ hoặc giáo dân nhiệt tình, nhưng không phải giáo dân nào cũng đợi đúng giờ mới đi xưng tội, mà trong giáo xứ vẫn còn có những giáo dân thánh thiện muốn đi xưng tội ngay sau khi đã ăn năn thống hối tội mình.
Linh mục nghĩa phụ (bố đỡ đầu) của tôi đã dạy tôi rằng : “Sau này thầy làm linh mục thì đừng bao giờ từ chối giáo dân khi họ đến xin xưng tội hoặc mời đi xức dầu bệnh nhân bất kể giờ giấc nào trong ngày, bởi vì làm linh mục là để ban bí tích và phục vụ, mà khi giáo dân cần đến mình thì tại sao lại từ chối, thế thì làm linh mục để làm gì ?” Lời dạy này của ngài vẫn ngày ngày ở trong tâm hồn tôi và càng suy nghĩ thì càng thấy là thấm thía, cho nên từ đó, khi đã làm linh mục thì hể nghe chuông điện thoại reo có người mời đi xức dầu hoặc đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, là tôi vội vàng đi ngay dù đang tiếp khách hay làm việc viết lách, hoặc chuông cửa reo có người muốn xưng tội là tôi vội vã xuống ngay nhà thờ với nụ cười trên môi, để cho họ thấy là mình không làm phiền cha sở.
Và đó là bí quyết để giáo dân thích đến toà cáo giải hơn, khi họ có vấn đề nan giải với Thiên Chúa và với tha nhân.
Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu này được thể hiện rõ ràng nhất nơi các linh mục nói chung và các cha sở cha phó nói riêng, bởi vì linh mục là Chúa Ki-tô thứ hai, nghĩa là nơi các ngài phải có một tình thương yêu mọi người, nhất là những người đau yếu linh hồn, như Chúa Giê-su đã tỏ lòng thương yêu đám đông dân chúng theo Ngài...
Một linh mục trẻ nói với tôi với giọng chưa hết tức tối : “Anh coi, mở mắt là kêu là réo, họ không biết giờ này là em đang đọc kinh sao, xưng tộì thì từ từ, chết liền đâu mà sợ”, tôi cũng thấy một linh mục trẻ đã không mau mắn ngồi toà cho một giáo dân vì ngài đang bận tiếp khách, đến khi tiễn khách về thì không thấy người giáo dân ấy nữa, vì ông ta đợi quá lâu...
Thánh Vinh Sơn dạy rằng : “Đức ái cao hơn mọi việc, bỏ Chúa thì được Chúa”. Ý nghĩa của câu nói này thì cha Vincent Lebbe[5] giải thích cho các con cái ngài như sau :  “Cầu nguyện là công việc cần thiết nhưng Đức Ái thì cao hơn, khi các con đang cầu nguyện (đọc kinh phụng vụ, lần hạt Mân Côi...nói tắt là cầu nguyện) mà nếu có người muốn gặp các con để xin giúp đỡ, để xin xưng tội, để bàn việc khẩn cấp.v.v... thì các con hãy tạm ngưng cầu nguyện nhưng đồng thời nội tâm vẫn kết hợp với Thiên Chúa để đi thi hành bác ái, vì tha nhân mà phục vụ”[6]. Câu nói đầy tinh thần bác ái này của thánh Vinh Sơn thiết tưởng rất thích hợp cho các cha sở, cha phó và những người làm công tác truyền giáo, bởi vì khi chúng ta “tạm bỏ Chúa” để thi hành bác ái vì danh Ngài thì hiệu quả càng cao, và chúng ta lại được Thiên Chúa không phải nơi kinh nguyện nhưng là nơi tha nhân, họ là những hình ảnh sống động của Ngài...
Từ chối người tội lỗi đến xin hòa giải với Thiên Chúa trong bí tích Giải Tội, là linh mục tự tay mình xô hối nhân xuống hố tội lỗi, và trách nhiệm này các linh mục phải trả lời trước mặt Thiên Chúa trong ngày thẩm phán của Ngài, bởi vì chính các linh mục là người hiểu rất rõ về tình yêu của Thiên Chúa  và sự công bằng của Ngài hơn các giáo dân.
b. Xin lễ và bỗng lễ.
Đây là việc tế nhị dù rằng có quy định rõ ràng của Giáo Hội và của đấng bản quyền địa phương, nhưng giáo dân vẫn cảm thấy như có một cái gì đó ngăn họ đến với Thiên Chúa khi nói đến số tiền (bổng lễ) mà cha sở quy định cho giáo dân. Giáo dân hiểu rất rõ rằng không thể dùng tiền để mua thánh lễ, vì đó là phạm thánh và là gương mù để cho những người ghét Giáo Hội có cớ để nói xấu và chỉ trích Giáo Hội của mình.
Cũng vì chuyện xin lễ và bỗng lễ mà có nhiều giáo dân không đến nhà thờ, và đối với họ việc xin lễ và bổng lễ là một cách giúp đỡ cho Giáo Hội và cha sở của mình sinh sống, không có gì phải nói, nhưng cái mà họ không mấy phấn khởi khi đi xin lễ nơi cha sở là vì cha sở có những quy định mà –đối với họ- giống như mua bán thánh lễ, làm mất đi ý nghĩa cao quý của việc xin lễ.
Tại giáo xứ nọ, giáo dân hầu hết là nghèo khổ chưa ăn bữa trưa đã lo bữa tối, giáo dân phần đông làm nghề nuôi tôm, nhưng gặp lúc thất mùa vì mưa lụt, lại càng khổ hơn. Có giáo dân bòn mót được năm mươi ngàn đồng (VN) giữ lại hai chục ngàn để mua gạo cho gia đình, vị giáo dân này đến cha sở để xin lễ giổ giáp năm cho ba mình, cha sở từ chối không nhận tiền lễ ba mươi ngàn đồng, người giáo dân năn nỉ với ngài là nhà hết gạo rồi bán tháo bán đổ mẻ tôm mất mùa được năm chục ngàn, con giữ lại hai chục ngàn để mua gạo cho gia đình, nhưng cha sở đã không động lòng thương xót đòi cho bằng được bổng lễ năm chục ngàn, vị giáo dân nghèo khổ này đành phải về nhà đem nốt hai mươi ngàn đồng bạc để mua gạo ấy đến xin lễ giỗ cho ba của mình...
Tôi được biết là người giáo dân hơn bốn mươi tuổi có hiếu với ba mình này đã rơm rớm nước mắt, vì thương ba và tủi cho cảnh nghèo của mình, và chắc chắn trong tâm họ sẽ nghĩ không tốt về cha sở của mình.
Giáo luật về bổng lễ Giáo Hội chỉ định rất rõ ràng, nhưng có một vài cha sở đã không làm đúng như luật Giáo Hội dạy. Giáo luật dạy rằng : “Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo cả khi không có bổng lễ”[7]. Không một ai nhẫn tâm trước cảnh khốn khó của người khác, huống chi là một linh mục của Chúa Giê-su, làm linh mục không bao giờ đói cả, mà nếu ngài có đói một ngày cũng không sao, hơn là cả gia đình giáo dân phải nhịn đói để xin lễ giỗ cho ba của mình. Tấm lòng của giáo hữu với cha sở thì quá lớn nhưng cha sở trên đây tính từng đồng và –nói theo tu đức- ngài đã không có tâm hồn thương xót người nghèo như là một người cha nhân từ và một mục tử chân chính của Chúa Ki-tô.
Đạo lý của Chúa Giê-su là ở chổ biết yêu thương người thân cận như chính mình, giúp đỡ người nghèo đói là giúp đỡ cho Ngài, điều này các linh mục hiểu rõ hơn bất cứ người nào trên mặt đất này, và sự giúp đỡ yêu thương này các linh mục rất có nhiều cơ hội để thực hiện, cụ thể là vui vẻ dâng lễ cho những giáo dân nghèo không có tiền làm bổng lễ để xin lễ cho người thân của mình.
Có một vài linh mục mà tôi quen biết đã rất hào phóng làm việc bác ái với giáo dân của mình, các ngài không nhận bổng lễ khi giáo dân có đám tang, đám cưới, bởi vì quan niệm của các ngài là : họ là con chiên của mình, đời người có một lần (đám ma, đám cưới) mình là cha sở phải chia buồn (đám ma) và chia vui (đám cưới) với họ bằng cách dâng lễ và cầu nguyện cho họ, đó là bổn phận của một cha sở... Ôi, tâm tình đầy yêu thương giáo dân của các linh mục này đã làm cho tôi suy nghĩ và quyết tâm học theo gương của các ngài khi làm linh mục, và bây giờ tôi đã và đang thực hiện điều ấy: không bao giờ nhận bổng lễ hoặc bất cứ lễ vật nào khác của giáo dân khi có đám cưới hoăc đám tang. Đó cũng là một cách truyền giáo rất thực tế mà chúng ta- các linh mục trẻ- cần phải khai thác với tất cả sự yêu thương.
Có một vài cha sở lại bày ra luật lệ của mình để chất gánh nặng lên vai giáo dân: các ngài ấn định lễ có hát và lễ không có hát với bổng lễ khác nhau, lễ nhiều tiền là làm ngay theo ý người xin, và lễ ít tiền thì bỏ vào cái hòm phía trước nhà thờ mỗi tuần cha sở mở ra một lần để làm lễ theo ý họ.
Đành rằng tiền chi phí điện nước, ca đoàn, giúp lễ là phải có (nên công khai danh mục chi phí này để họ biết mà làm theo đó, lâu ngày thành thói quen) nhưng phần bổng lễ dành cho cha sở thì nên vui vẻ chân tình nói với họ rằng người chết là giáo dân của tôi, tôi có bổn phận phải dâng lễ cầu nguyện cho họ nên không nhận bổng lễ, nếu mỗi cha sở biết làm như thế thì không những ngài có uy tín với giáo dân, lại còn là một mục tử tốt lành dưới con mắt họ, bởi vì không phải ngày nào cũng có người chết cũng như không phải ngày nào cũng có đám cưới mà sợ không có gì ăn !
Có một vài cha sở trẻ rất là không tế nhị về điểm này: có vị thì lên tòa giảng nói khéo để giáo dân xin lễ, có vị nói thẳng lớn tiếng với giáo dân là không biết giữ đạo vì không biết xin lễ, lại có vị thì chỉ trích thẳng mặt với giáo dân có thân nhân ở nước ngoài là keo kiệt vì họ chỉ xin đúng số tiền quy định.v.v... nếu không tế nhị và nếu không có tâm hồn quảng đại thì chúng ta –các linh mục- sẽ là người gây chia rẻ trong giáo xứ của mình về việc bổng lễ: người giàu và người nghèo, mà người phân biệt đối xử trước nhất chính là cha sở khi ngài quy định lễ hát, lễ không hát và lễ ít tiền trong giáo xứ của mình.
Giáo dân không có tiền để xin lễ hoặc xin lễ không đúng với số bổng lễ quy định thì đã sao, bởi vì không một tiền bạc vật chất nào trên thế gian này có thể mua nổi một thánh lễ Misa, thì tại sao chúng ta lại đòi cho đúng năm mươi ngàn đồng khi gia đình giáo dân ở nhà con cái thiếu ăn ? Nếu không vì lễ giáp năm của bố mình thì chắc chắn người giáo dân ấy sẽ không xin lễ với giá không đúng với số tiền đã quy định, nhưng vì chữ hiếu mà xin lễ và vì con cái không có cơm ăn mà phải giữ lại gần nửa số tiền đã bán tôm. Chúa Ki-tô đã chết trên thánh giá để trở nên của lễ toàn thiêu vô giá dâng lên Chúa Cha xin Ngài tha tội cho thế gian, thì tại sao chúng ta lại kỳ kèo với người giáo dân nghèo của mình cho đúng với số tiền đã quy định chứ ?
Chúng ta là linh mục tức là những mục tử của giáo dân, mà mục tử thì phải hy sinh –có khi hy sinh tính mạng- để đàn chiên được béo tốt, là đi tìm nơi nào có đồng cỏ tươi tốt để cho chiên ăn chứ không phải bắt chiên mà ăn thịt.
Giáo dân Việt Nam chúng ta có thói quen tốt lành là xin lễ rất nhiều, đến nổi có cha sở làm không hết lễ cho một năm, cho nên có những lúc tôi và các anh em linh mục trong dòng nói đùa với nhau rằng: làm linh mục ở Việt Nam sướng hơn ở ngoại quốc, mà đúng như thế, vì giáo dân Việt Nam chúng ta rất kính trọng các linh mục, kính trọng quá mức. Còn giáo dân ở nước ngoài thì họ vẫn kính trọng linh mục theo cách của họ, họ vẫn yêu thương các linh mục của họ, dù cha sở của họ là người bản địa hay là người ngoại quốc họ đều yêu quý như nhau, nhưng họ ít có thói quen xin lễ như ở Việt Nam, có giáo xứ quanh năm cha sở chỉ làm vài lễ theo ý giáo dân xin, có giáo xứ mỗi tuần cũng có xin lễ vài ba ngày.v.v... cho nên –xét cho cùng- cha sở ở Việt Nam sung sướng hơn làm cha sở ở ngoại quốc nhiều, xét về mặt xin lễ.
Giáo xứ của tôi phụ trách là một giáo xứ có thể nói được là có tổ chức quy mô và dân trí cao của giáo phận, vì vị trí của giáo xứ gần các trường đại học nổi tiếng nên đa số các giáo sư công giáo đều ở tại giáo xứ của tôi, tri thức vì trình độ trên đại học và tiến sĩ, thạc sĩ của giáo dân chiếm ¾ giáo xứ, còn lại là đang học đại học hoặc trung học. Tri thức là như thế, nhưng giáo lý thì không thể so với các giáo dân ở Việt Nam chúng ta, và việc xin lễ thì càng hiếm hơn nữa, bởi vì họ ít có thói quen xin lễ...
Nói như thế để cho các linh mục trẻ của chúng ta hiểu rằng, ở Việt Nam, nếu một năm các cha sở trẻ làm “miễn phí” một vài lễ thì chắc chắn là không chết đói so với giáo dân của mình đem năm chục ngàn đến xin lễ mà trong nhà không có gì ăn.
Có giáo dân nói với tôi là cha sở của họ rất là phân biệt người nghèo người giàu, bởi vì thấy người lao động chân lấm tay bùn vào nhà xứ xin gặp cha sở thì ngài không có thái độ vồn vã chào hỏi, ghi sổ lễ xong là nói: tôi bận. Nhưng nếu có người giàu có trong giáo xứ vào gặp ngài thì ngài rất vồn vã, tự tay rót nước mời khách và ngồi trò chuyện rất lâu.v.v...
Có lẽ cha sở có việc của ngài, và giáo dân nghèo có lẽ mặc cảm với cái nghèo của mình nên nghĩ ra như thế chăng ? Tuy nhiên đây là một thực tế có thật mà giáo dân rỉ tai nhau nói như thế.
Con người ta nhân vô thập toàn, các linh mục cũng thế, nhưng cái mà mỗi người chúng ta cần phải đạt cho được trong cuộc sống của mình, đó là nên thánh, các linh mục tu sĩ nên thánh trước và kéo theo giáo dân nên thánh với mình, đó là bổn phận và trách nhiệm của người tu hành mà cụ thể là các linh mục, tu sĩ nam nữ. Giáo dân kính trọng các linh mục và các linh mục tu sĩ nam nữ là ở chỗ họ luôn luôn nêu gương sáng cho mọi người, mà người Trung Hoa có câu như sau: “dĩ thân tác tắc” nghĩa là lấy mình làm gương, mà muốn “dĩ thân tác tắc” thì chúng ta nên công khai cuộc sống của mình, công khai cuộc sống của mình là hoà đồng với hết mọi người, giàu cũng như nghèo, là tiếp đón vui vẻ với mọi giáo dân không phân biệt một ai, bất luận họ đến nhà xứ với lý do gì thì cũng đều coi họ như người trong gia đình, thân tình tự nhiên mà không kiểu cách đạo mạo như ông chủ...
Hãy nói nguyên tắc làm việc của mình cho rõ ràng với giáo dân, bởi vì nguyên tắc nào cũng phải làm cho giáo dân càng ngày càng đến gần Thiên Chúa hơn, cho nên chẳng còn gì vui thích bằng khi giáo dân nói cho nhau nghe: cứ tới cha sở đi, đừng ngại gì cả, vì ngài rất bình dân hoà đồng và sẵn sàng ngổi toà giải tội lúc nào cũng được. Chúng ta đừng sợ giáo dân quấy rầy mình, bởi vì họ rất tôn trọng các linh mục, nếu họ có đến thì chỉ có những dịp này: xin xưng tội, hôn phối, an táng và đem quà đến chia sẻ với cha sở của mình mà thôi, không một giáo dân nào ngày ngày đều đến nhà cha sở trò chuyện, cũng không có giáo nào quý cha sở đến mức ngày ngày đến hầu chuyện với ngài...
Xin lễ là việc đạo đức thánh thiện và bày tỏ lòng quảng đại của giáo dân đối với Giáo Hội, cũng như đối với các cha sở và cha phó hay bất cứ linh mục nào của Giáo Hội, nhưng việc xin lễ sẽ mất đi ý nghĩa của nó nếu chúng ta –các linh mục- không đặt tình thương yêu trên số tiền xin lễ của giáo dân, bởi vì của lễ thì không thể nào quý trọng bằng tâm hồn yêu thương của người xin lễ...
D. MỘT NGÀY CỦA LINH MỤC
Đây là kinh nghiệm của cá nhân tôi về một ngày sống của mình, xin chia sẻ với quý linh mục trẻ để có thể giúp cho các ngài được chút gì chăng ?
Đời sống của linh mục thì cũng giống như đời sống của những người khác, cũng là làm việc, ăn uống, ngủ, giải trí, học hành và kinh nguyện, nhưng nói như thế không phải là đời sống của một linh mục hoàn toàn giống như của người khác, bởi vì linh mục có những công việc của ngài mà không ai có thể làm giùm được, cũng như người khác có công việc của họ mà không ai có thể thay thế được.
Từ sáng sớm ngài đã thức dậy lúc 4, 5 giờ để đọc Kinh Sách và suy tư cho thánh lễ mà ngài chuẩn bị cử hành sáng nay, đây là giây phút yên tĩnh nhất và có thể nói là dễ chịu nhất trong ngày, sau khi tập vài bài thể dục để giữ gìn sức khỏe, làm vệ sinh cá nhân và nếu được thì tắm nước lạnh để cho tinh thần sảng khoái, sau đó ngồi vào bàn viết đọc sách, suy tư cho đến khi chuông nhà thờ đổ thì xuống nhà thờ cùng đọc kinh lần hạt với giáo dân. Ngài sẽ ngồi trong tòa giải tội để đợi giáo dân đến làm hòa với Thiên Chúa, nếu không có giáo dân đến xưng tội thì ngài sẽ ngồi ở đó để đọc kinh, đây là hình ảnh đẹp của bức tranh “mục tử nhân lành” của giáo xứ: con cái đọc kinh, cha sở ngồi bên cạnh canh chừng và bảo vệ đoàn chiên của mình bằng bí tích Giải Tội, giáo dân thấy cha sở ngồi trong tòa, tay đang lần hạt (hoặc đọc sách thiêng liêng) làm cho họ thêm phần an ủi và vui tươi, và họ rất an lòng vào xưng tội để chuẩn bị tâm hồn tham dự thánh lễ cách sốt sắng...
Giờ lễ Misa đã đến, ngài thật nghiêm trang và thánh thiện tiến ra bàn thờ, và mời gọi giáo dân hãy chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để cử hành mầu nhiệm thánh.
Trong thánh lễ, ngài dẫn đưa giáo dân của mình đến bàn tiệc thánh bằng lời giáo huấn đã chuẩn bị hợp với ý lễ ngày hôm đó, và trong bài giảng, ngài chia sẻ cho giáo dân biết những gì mà ngài đã cảm nghiệm, đã suy tư và đã sống, để qua ngài, các giáo dân dễ dàng đến với Chúa Ki-tô hơn.
Thánh lễ xong, ngài quỳ lại hai ba phút để tạ ơn Thiên Chúa, vì những ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trong thánh lễ, sau đó ngài chuyện trò ít phút với giáo dân, hỏi thăm sức khỏe và công ăn việc làm của họ và con cái họ, ai đau yếu cần đưa Mình Thánh Chúa, ai bệnh nặng muốn ngài đến nhà cho giải tội, có ai nằm bệnh viện cần ngài đến an ủi..v... tất cả những hành vi và thái độ ấy được ngài thực hiện với cả tâm hồn yêu mến và chăm lo, chỉ cần vài phút ấy thôi, ngài đã làm cho giáo xứ của mình trở thành một đại gia đình đúng nghĩa yêu thương của nó.
Buổi sáng sau thánh lễ, ngài sẽ tranh thủ vừa điểm tâm vừa đọc báo số ra hằng ngày, hoặc ngài sẽ coi truyền hình để biết thêm tin tức trong nước cũng như những tin tức của thế giới. Sau đó ngài chính thức làm việc: đi thăm giáo dân, dạy giáo lý hôn phối, trả lời thư, đọc sách, hoặc làm những việc gì khác mà ngài đã lên chương trình cần phải làm trong ngày.
Linh mục trẻ, linh mục đẹp trai, linh mục có tiền, linh mục có địa vị, linh mục có học thức.v.v... tất cả những danh từ ấy người đời gán cho các linh mục, vì họ thấy đời sống của các linh mục thật cao sang và hưởng thụ hơn người khác, đó là sự thật trên một số linh mục. Cho nên, nếu trong ngày mà các linh mục không có việc làm thì sẽ như thế nào ? Thưa, các linh mục sẽ chạy xe đi chơi, đi uống cà phê, đi giải trí, đi đấu láo và đi uống rượu, nếu không là như thế thì các ngài sẽ coi phim trên video, trên TV hoặc trên internet đến nổi quên cả đi xức dầu cho bệnh nhân, và cuối cùng thì...
Các linh mục trẻ thân mến,
Hãy kiếm việc mà làm đừng để cho mình rảnh rỗi, đó là một kinh nghiệm mà các linh mục trẻ thử đi hỏi các vị linh mục đàn anh xem sao, các vị ấy cũng sẽ trả lời như thế : kiếm việc mà làm. Có người sẽ cười việc gì mà kiếm ? Thì tôi xin trả lời là việc của nhà xứ, việc của các đoàn thể, việc của cá nhân linh mục (học hành, đọc sách.v.v...), tóm lại là đừng để cho mình ở không mà không làm gì cả, bởi vì mối thứ bảy trong bảy mối tội đầu là : làm biếng, bởi vì tất cả các tội, các tệ nạn xã hội cũng đều từ đó mà ra không loại trừ một ai cả...
Tôi vẫn thường cảm nghiệm rằng: nếu  một linh mục mà không làm gì cả ngoài việc cử hành thánh lễ, các bí tích, đi thăm bệnh nhân.v.v... thì đời sống tu đức của linh mục ấy sẽ không được triển nở tốt đẹp, bởi vì không phải ngày nào cũng có người sắp chết để đi xức dầu thánh cho họ, không phải ngày nào cũng đi cho kẻ liệt (người bệnh) rước Mình Thánh Chúa, cũng không phải ngày nào từ sáng đến tối ngồi trong tòa giải tội, và cũng không phải ngày nào cũng họp hành. Cho nên ngoài những giờ ấy ra, nếu chúng ta –các linh mục- không tự kiếm việc làm thì chắc chắn sẽ có nhiều điều không tốt  xảy ra cho đời sống tu đức và vai trò mục tử của chúng ta.
Có linh mục ngoài việc mục vụ ra thì dùng thời gian rảnh rỗi tự mình sửa điện trong nhà thờ, có linh mục thì làm thợ mộc đóng vài cái kệ để sách hoặc làm bục giảng rất đẹp, có linh mục thì viết sách, dịch sách, lại có linh mục thì dạy học hoặc đi học thêm.v.v... tất cả những việc làm ấy sẽ chiếm khoảng trống thời gian không cần thiết của linh mục, và sẽ là nguồn cảm hứng cảm nghiệm của các ngài trong cuộc sống, để qua suy tư các ngài có đủ chất liệu cần thiết để giảng dạy cho giáo dân của mình...
Tối đến, trong khuôn viên nhà thờ ngài có thể vừa đi vừa lần hạt Mân Côi cũng như để suy tư, sau đó ngài ngồi vào bàn làm việc viết xuống những suy tư của mình đã cảm nghiệm hoặc vừa mới nảy sinh trong ý tưởng của mình.
Buổi tối công việc tạm lắng xuống và khi ngồi trước bàn viết, lắng đọng suy tư thì dễ cảm nghiệm được ơn Thiên Chúa đã ban cho mình trong một ngày qua. Đây là giây phút hoàn toàn dành cho mình, mọi ý tưởng sẽ như giòng suối chảy ra làm tâm hồn phấn khởi hân hoan. Mặc dù đang yên tĩnh nhưng ngài vẫn sẵn sàng nghe điện thoại khi có người gọi đến mà không bực mình, bởi vì ngài luôn luôn trong tư thế “sẵn sàng” để đứng dậy và mau mắn đi đến với người hấp hối để xức dầu thánh cho họ, hoặc trả lời những câu hỏi mà giáo dân –qua cú điện thoại- hỏi chúng ta là những cha sở, cha phó về những sinh hoạt trong giáo xứ...
Một ngày của linh mục sẽ chấm dứt khi chuông đồng hồ gõ mười hai giờ đêm, và ngài bình an phó thác giấc ngủ trong tay Thiên Chúa đã yêu thương ngài cách đặc biệt.
E. LỜI KẾT
Trên đây là những kinh nghiệm mục vụ, mà tôi đã áp dụng vào đời sống của một linh mục dòng đang làm công tác mục vụ ở giáo xứ, dù là linh mục của dòng tu, nhưng khi làm mục vụ tại giáo xứ thì cũng đều như các linh mục khác là đem ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho mọi người.
Khi mà xã hội càng ngày càng phát triển, con người ngày càng văn minh tiến bộ và cuộc sống của họ ngày càng mong muốn hưởng thụ vật chất hơn của ăn tinh thần, trong đó cũng có những người Kitô hữu là giáo dân của chúng ta. Họ ngợp mắt trước những thú vui thế gian, họ ngưỡng mộ những minh tinh màn bạc và thích có đời sống hưởng thụ sung sướng, thì vai trò linh mục của chúng ta càng quan trọng hơn nhất là nơi giáo xứ của mình, bởi vì chính chúng ta là những người có trách nhiệm bảo vệ chân lý đức tin và làm cho nó được phát triển đến với mọi tâm hồn.
Giáo Hội Việt Nam chúng ta rất tự hào vì có rất nhiều ơn gọi làm linh mục, tu sĩ nam nữ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp bách là rao giảng Lời của Thiên Chúa cho mọi người, vì thế chúng ta –những linh mục- cần thấy rõ vai trò của mình hơn để vì Thiên Chúa vì Giáo Hội mà hy sinh chính bản thân của mình cho công cuộc truyền giáo ngay trong giáo xứ của mình.
Giáo dân ngày càng trưởng thành trong cách sống đạo thì chúng ta không thể nói với họ rằng : lời cha (cha sở) là lời của Thiên Chúa khi mà chúng ta đem những điều bất hợp lý đặt lên vai của giáo dân, chúng ta lại càng không thể như một chủ nhân ông chỉ tay năm ngón với thái độ hách dịch khi tiếp xúc với giáo dân, bởi vì giáo dân ngày nay không như giáo dân của thế kỷ trước, họ sống đức tin giữa đời nhiều hơn là ở trong nhà thờ, họ tìm thấy Thiên Chúa nơi chợ búa hơn là nơi một thánh đường lộng lẫy hùng tráng nhưng cha sở thì quá hưởng thụ vật chất hơn cả họ.
Truyền giáo tức là đem cái đạo của mình tin mình sống mình thực hành nói cho người khác biết để họ cùng tin cùng làm như mình.
Truyền giáo là bổn phận của những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mà trách nhiệm hướng dẫn giáo dân truyền giáo là của các linh mục.
Truyền giáo là diễn lại đời sống yêu thương và hy sinh của Chúa Giêsu ngay trong đời sống của mình.
Truyền giáo ở giáo xứ của mình không đòi hỏi phải lặn lội mất ăn mất ngủ mất sức khỏe, như đi khai phá thêm những cánh đồng truyền giáo mới, cho nên xét cho cùng, chỉ cần các linh mục có một tinh thần nhiệt thành với công tác mục vụ, một tâm hồn khiêm tốn khi làm mục vụ, một quả tim yêu thương và sự hy sinh khi làm mục vụ thì có thể biến giáo xứ của chúng ta trở thành một đại gia đình mà trong đó mọi giáo dân biết yêu thương và kính trọng nhau.
Linh mục sẽ là người của mọi người khi ngài biết sống hòa đồng và lắng nghe, ngài cũng sẽ là người mà giáo dân lấy làm hãnh diện vì lòng khiêm tốn và sự tận tụy trong công tác mục vụ giữa giáo dân của ngài...
Năm truyền giáo sẽ qua đi nhưng công cuộc truyền giáo sẽ phải vẫn còn và tiếp tục cho đến ngày Chúa Giê-su lại đến, và việc truyền giáo đạt kết quả hay không là do chúng ta –các linh mục- cộng tác với ơn thánh của Thiên Chúa ban cho trong bí tích truyền chức thánh, có nghĩa là chúng ta phải tích cực thi hành sứ mạng và sứ vụ mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi Giáo Hội để tiếp tục công việc cứu độ của Chúa Kitô cho đến ngày Ngài lại đến.
Bài chia sẻ đến đây là chấm hết, nhưng nó vẫn cứ còn tiếp tục trong cuộc sống truyền giáo của chúng ta là những linh mục của Chúa Ki-tô, mỗi lời nói mỗi việc làm đều phản chiếu lại tình thương của Chúa Ki-tô trên giáo dân của mình, như chính Ngài đã bôn ba lặn lội đi tìm con chiên lạc và chữa lành cho họ.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô linh mục,
Chúa đã đến trong thế gian để loan báo tin vui Nước Trời,
để đi tìm và chữa lành
để an ủi
những con chiên lạc, những con chiên bệnh hoạn,
khổ đau
và cuối cùng đã chết trên thập giá
với tất cả tình yêu và tha thứ
để cứu chuộc nhân loại tội lỗi.

Ngày hôm nay,
Qua chúng con –là những linh mục-
Chúa cũng đang đi tìm và chữa lành, an ủi,
những người con của Chúa đang bôn ba giữa đời:
đang đau khổ vì không nhà để trú,
đang thất vọng vì thấy đời quá bất công,
đang buồn phiền vì bị phân biệt đối xử
đang đói khát vì không có gì ăn...
Họ đang chờ một lời an ủi của chúng con,
đang chờ nụ cười chào hỏi thân tình của chúng con,
để thấy lóe lên niềm hy vọng
hy vọng của tình người
được thắp lên từ nơi chúng con,
và từ đó
họ nhận ra được dung mạo của Chúa nơi chúng con
là yêu thương, là tha thứ, là phục vụ...
Mọi ngày của linh mục đều là thánh lễ
thánh lễ hi sinh và đền tội,
hi sinh chính mình và đền tội cho tha nhân...
Viết xong ngày 1.10.2004
Lễ thánh Têrêxa Hài Đồng
Taipei-Taiwan
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 


[1] Mt 14, 13-21.
[2] Mt 20, 28.
[3] Mt 5, 22.
[4] Xem “Công, Dung, Ngôn, Hạnh của linh mục Chúa Kitô” cùng tác giả.
[5] Linh mục Vincent Lebbe là đấng sáng lập 4 cộng đoàn tu hội : 1. Hội dòng Tiểu Đệ thánh Gioan Tẩy Giả (CSJB). 2. Hội dòng Tiểu Muội thánh Têrêxa Hài Đồng (CST). 3. Hội Trợ Tá truyền giáo – Bỉ (SAM). 4. Hội Vincent Lebbe quốc tế phục vụ (ICA).
[6] Xem “Xuân Phong Thập Niên” tác giả Lm. Alexandre Tsao, csjb. Bản dịch Việt ngữ tập I (photocopy) của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
[7] Giáo luật về “bổng lễ”, điều 945 tiết 2.