Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Chia sẻ với em: Linh Mục Chúa Ki-tô thứ hai


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 
CHIA SẺ VỚI EM :

LINH MỤC

CHÚA KI-TÔ THỨ HAI

(ALTER CHRISTUS)


Em thân mến,

Có một vài lần, hoặc ít nữa là một lần, em có nghe nói đến câu: “Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai”, câu nói này không phải tự nhiên mà có, nhưng căn cứ vào những đặc ân bởi bí tích truyền chức thánh, bởi việc tham dự trọn vẹn vào chức tư tế của Chúa Giê-su Ki-tô, mà người linh mục được trở nên một alter Christus, tức là trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai.

Như vậy đủ biết rằng, thiên chức linh mục thật là cao quý, và người được Thiên Chúa chọn làm linh mục lại càng phải hiểu như thế để sống cho ra mình là một alter Christus, nhất là trong xã hội tục hóa và khoa học hôm nay, xã hội mà Đấng Thiên Chúa đang bị bỏ ra bên lề cuộc sống của con người, xã hội mà Đấng yêu thương đang từng ngày bị đóng đinh vào thập giá vì những xúc phạm của nhân loại, và trong đó, có một vài alter Chiritus đóng đinh Ngài cách nặng nề hơn, khi mà họ không trở thành một Chúa Ki-tô thứ hai cho mình và cho mọi người.

“Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai” là tiếp nối bài “Chia sẻ với em, người muốn đi tu làm linh mục”, trong tâm tình yêu mến Chúa Giê-su và Hội Thánh của Ngài, trong tâm tình của một người bất xứng được chọn làm linh mục của Ngài, anh xin chia sẻ những tâm tình “Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai” mà anh đã cảm nghiệm được trong đời sống linh mục của mình.
 
-----------------------------------------------------------

 
LINH MỤC
NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN GIỮA MUÔN NGƯỜI

Trong “Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống các Linh Mục” , thánh công đồng Va-ti-can II đã dạy như sau: "Chức vụ Linh Mục liên kết với chức Giám Mục, nên cũng được tham dự vào quyền bính mà chính Chúa Ki-tô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người. Vì vậy chức linh mục của các ngài dù giả thiết có qua những Bí Tích khai sinh đời sống Ki-tô giáo, nhưng lại được một bí tích riêng in dấu đặc biệt khi các ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu. Như thế các ngài nên giống Chúa Ki-tô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Ki-tô là Đầu mà hành động”[1].

Chính sự tương quan trong việc xức dầu thánh hiến này, mà người linh mục được trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai, nhất là được thể hiện qua hành động của mình bằng lời cầu nguyện và việc cử hành các bí tích cho các tín hữu.

Linh mục là người được chọn giữa muôn người bởi vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít[2], và như thế có thể nói được rằng, chính các linh mục là những người –xét về phương diện trần thế- có đủ phẩm chất để được chọn, nhưng xét về phương diện là loài tạo vật trước mặt Thiên Chúa, thì linh mục cũng chỉ là những con người bất xứng như những người bất xứng khác mà thôi. Cho nên, được chọn vào hàng tư tế, chia sẻ vào phần việc tế lễ của Chúa Giê-su Ki-tô là một hồng ân vô giá của người linh mục, chứ không phải để trở thành người cai trị, hay như một chủ nhân ông giữa cộng đoàn mà Thiên Chúa đã trao phó cho mình.

Được chọn giữa muôn người không phải vì bản thân người linh mục ưu tú, cũng không phải vì sự đạo đức thánh thiện của các ngài, nhưng là do tình yêu của Thiên Chúa tuyển chọn, Ngài chọn ai thì đồng thời Ngài cũng sẽ ban ơn cho họ được chu toàn bổn phận của mình. Giữa rất nhiều vị tiên tri loan báo việc Đấng Cứu Thế đến, nhưng Thánh Thần chỉ chọn một mình ông già Si-mê-on, người được gọi là công chính, để ông được tận mắt ẳm bồng Đấng Cứu Thế mà muôn dân trông đợi[3], đó là một hồng ân cao quý mà chính ông đã thốt lên:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa
xin để tôi tớ này
được an bình ra đi
vì chính mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân...”[4].

Qua mọi thời đại, thiên chức linh mục vẫn luôn là bảo vật hấp dẫn nhiều thanh niên chọn làm lý tưởng cho cuộc đời mình, nhưng có rất ít thanh niên đi hết con đường lý tưởng tận hiến nầy, bởi vì không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em[5], cho nên để đạt được lý tưởng linh mục của mình, chính người thanh niên phải quyết tâm phấn đấu hướng lên đỉnh trọn lành của chức linh mục với tâm hồn thiện hảo, bởi vì không phải Thiên Chúa chọn cho dân Ngài một quân vương, Ngài cũng không chọn cho dân Ngài một vị bác học thông thái, nhưng là chọn cho dân Ngài một vị mục tử như lòng Ngài mong ước, mà mục tử như lòng Ngài mong ước không phải là các linh mục của Tân Ước sao ?

1-  Tư tế của Tân Ước

Trong thư gởi tín hữu Do Thái, tác giả đã cho chúng ta thấy chức vụ thượng tế không phải ai cũng có thể tự phong tự chọn cho mình, ngay cả Chúa Giê-su, chính Thiên Chúa Cha đã chọn Ngài làm thượng tế như lời đã viết: “Cũng vậy, không phải Ðức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Ðấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê”[6]. Như thế thì đã quá rõ ràng, Chúa Giê-su chính là vị thượng tế đầu tiên của Tân Ước, vị thượng tế của Tân Ước không phải như các thượng tế của Cựu Ước một năm vài lần lên đền thánh Giê-ru-sa-lem để tiến dâng lễ vật như luật Môi-sen đã dạy, nhưng chính Ngài dâng một lần là đủ để cứu chuộc tội lỗi của nhân loại, một lần duy nhất trên Thánh Giá ở đồi Golgotha, và sẽ được tái diễn hằng ngày trên các bàn thờ khắp thế giới bởi tay các tư tế của Tân Ước –linh mục- nối tiếp chức tư tế đời đời của Chúa Giê-su.

Tư tế của Tân Ước chính là người làm lại hy tế của Chúa Giê-su trên thập giá, tức là hy sinh bản thân mình, đổ máu và cuối cùng là chết đi để trở nên hiến tế cho Thiên Chúa, đó chính là cái làm cho các các tư tế của Tân Ước  trở thành Chúa Ki-tô thứ hai (alter Christus) nơi các linh mục của Chúa Giê-su, bằng không thì các linh mục cũng chỉ là những thầy thượng tế của Cựu Ước, chỉ dâng lễ vật chiên bò mà không dâng chính bản thân của mình.

Chúa Giê-su, Đấng là thượng tế đời đời đã không ngừng mời gọi, và ban ơn cho những tâm hồn quảng đại hiến dâng cuộc sống của mình để trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai tại trần gian, và để tiếp tục công việc mà Ngài đã làm trước khi về trời ngự bên hữu Đấng Cao Cả[7]: đó là rao giảng tin vui Nước Trời và chữa lành những tâm hồn đau yếu tật nguyền, nhất là lấy đời sống yêu thương và quảng đại của mình, để hướng dẫn và đoàn chiên quy hướng về Chúa Giê-su trong sự hiệp nhất và yêu thương.

“Thật vậy, Đấng thánh hóa là Đức Giê-su, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc”[8], do đó mà người tư tế của Tân Ước chính là người được thánh hóa bởi ân sủng nơi chức tư tế đời đời của Chúa Ki-tô, cho nên ngôn hành của các ngài là ngôn hành của Chúa Ki-tô, đời sống của các ngài là phản ảnh lại đời sống của Chúa Ki-tô, tư tưởng và suy nghĩ của các ngài là tư tưởng và suy nghĩ của Chúa Ki-tô, chính vì những điều ấy mà các tư tế của Tân Ước trở thành một Chúa Ki-tô thứ hai giữa trần gian này, không phải cho mình nhưng là cho thế gian.

Nét nổi bật nơi các tư tế của Tân Ước chính là được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến để các ngài trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai, có quyền tế lễ, quyền tha tội, quyền giáo huấn, và để các ngài không những luôn luôn được kết hợp với Chúa Giê-su, mà còn luôn là người đại diện của Ngài giữa cộng đoàn dân Thiên Chúa, bởi vì ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy,và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy[9].

Được xức dầu thánh hiến để trở nên tư tế của Tân Ước và là một Chúa Ki-tô thứ hai tại trần gian, thì cũng có nghĩa là các linh mục đã hoàn toàn thuộc về Chúa Giê-su, sống trong Chúa Giê-su và sống với Chúa Giê-su, như lời thánh Phao-lô đã cảm nghiệm và hân hoan nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”[10], đó chính là một hồng phúc, một ân huệ lớn lao vượt quá trí khôn của con người...

2-  Linh mục được chọn vì con người.

Được chọn giữa muôn người, không phải để các linh mục trở thành món “hàng độc quý hiếm” để trong tủ kiếng làm quảng cáo, cũng không phải các linh mục tự cho mình trở thành nhân vật quan trọng nên cần phải khác với mọi người, nhưng được chọn giữa muôn người là vì con người và cho mọi người, cho nên cần phải luôn khiêm tốn nhận mình là người bất xứng, không đáng được Thiên Chúa chọn làm tư tế của Tân Ước, như lời thánh Phao-lô đã tâm sự: “Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô”[11], đó chính là điều mà các linh mục cần phải luôn tâm niệm trong mỗi giây phút của cuộc đời mình.

Linh mục được chọn vì con người, cho nên quyền năng mà linh mục được Thiên Chúa trao ban cũng là vì con người: quyền năng tha tội, quyền năng làm cho có Chúa Giê-su trên bàn thờ để tế lễ Chúa Cha, đó chính là sự chung phần với Chúa Giê-su[12] để trở thành một Chúa Ki-tô thứ hai, và là dấu chỉ hữu hình của Chúa Giê-su hiện diện, khi cộng đoàn dân Thiên Chúa họp nhau lại để tế lễ và cầu nguyện, dưới sự chủ tọa của linh mục, chứ không phải được trao cho quyền năng để cai trị hoặc đánh đuổi đoàn chiên của Chúa. Vì phần ích đời đời của con người, và vì để tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giê-su ở trần gian này, mà hàng tư tế của Tân Ước được thiết lập, để biết cảm thương những nỗi yếu hèn và bất hạnh của tha nhân, như Chúa Giê-su đã cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta[13] không phải chỉ một hạn kỳ nhất định, nhưng là vĩnh viễn, như lời của Đấng đã nói về Chúa Ki-tô: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê”[14].

Là người được chọn giữa muôn người và vì con người, và “Trong sự phục vụ Giáo Hội của các thừa tác viên có chức thánh, chính Chúa Ki-tô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài với tư cách là Đầu của thân thể, là chủ chăn của đàn chiên, là vị đại tư tế của hy lễ cứu chuộc, là thầy dạy chân lý”[15], cho nên mọi ngôn hành của linh mục dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào, cũng đều phải phản ảnh lại ngôn hành của vị đại tư tế là Chúa Giê-su, nhất là trong khi cử hành thánh lễ và các bí tích, các ngài phải luôn ý thức mình đang trở thành một Chúa Ki-tô thứ hai (alter Christus) hiện diện giữa cộng đoàn dân Thiên Chúa, để qua việc cử hành phụng vụ thánh, mà ơn sủng từ trời cao đổ xuống trên mọi tín hữu.

Cửa thiên đàng đã đóng lại sau khi nguyên tổ phạm tội, nhưng nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, sự chết và sống lại của Chúa Giê-su mà từ nay, cửa thiên đàng rộng mở sẵn sàng đón nhận tất cả những người tin vào Chúa Giê-su và sống trong ân sủng của Ngài.

Linh mục, vì phần rỗi của con người mà được Chúa Giê-su thiết lập trên nền tảng yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, chính Ngài đã thấy trước sự bất toàn của thánh Phêrô, đã thấy sự phản bội của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đã thấy sự tán loạn của các môn đệ khi Ngài bị bắt, và bị điệu tới trước dinh thầy cả thượng tế, trước quan Phi-la-tô. Và qua mọi thời đại -cho đến ngày Ngài lại đến- Ngài cũng thấy trước những bất trung, yếu hèn, tội lỗi của các linh mục trong tương lai, nhưng Chúa Giê-su vẫn cứ chọn các ngài và thiết lập bí tích Truyền Chức Thánh, để qua các môn đệ bất toàn đó mà ơn cứu độ được tiếp tục giữa trần gian: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”[16], và lệnh truyền này –qua miệng các linh mục- được lập lại trong mọi thánh lễ Misa hằng ngày đang từng giây từng phút được cử hành trên khắp thế giới, để nhiều người được ơn sủng, được chữa lành và được sự sống đời đời.

“Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?”[17].

Con người không là gì cả, chỉ là tạo vật được dựng nên từ bùn đất và sẽ trở về với tro bụi mà thôi. Nhưng nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giê-su mà con người –qua Giáo Hội và trong Giáo Hội- nhờ chính bàn tay đã được thánh hiến của linh mục, mà được trở thành tạo vật mới nơi bí tích Rửa Tội, làm con Thiên Chúa và được tham dự vào sự sống đời đời với Chúa Giê-su trong Nước Trời.

Nhờ sự thông phần vào chức vụ tư tế của Chúa Ki-tô, mà bí tích Truyền Chức Thánh ghi một dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa[18] nơi người đã lãnh nhận nó là các linh mục, tuy nhiên chính bản thân con người linh mục vì được tạo dựng bởi bùn đất, nên luôn hướng về đất, có nghĩa là các ngài cũng có những yếu đuối mỏng dòn bởi xác thịt, bởi tội lỗi, cho nên các ngài cũng có những lúc sai lầm, và ngã quỵ trước những cám dỗ của thế gian và mưu mô của ma quỷ, nhưng nhờ ân sủng của bí tích Truyền Chức Thánh, nhờ tình yêu của Đấng đã chọn các ngài, và nhờ sự cầu bàu đặc biệt của Mẹ Maria, mà các linh mục của Chúa Giê-su vẫn luôn biểu hiện mình là những con người ưu tuyển dù nhiều lần vấp ngã, để qua những kinh nghiệm phong phú khi vấp ngã ấy, mà các linh mục sẽ làm cho anh chị em của mình thêm vững mạnh hơn[19] trong đức tin của họ, đó vẫn là một mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa đối với nhân loại, mà con người chỉ biết cúi đầu cảm tạ và tin tưởng vào quyền năng và tình yêu của Người mà thôi.

Con người ngày nay vẫn luôn dùng mọi lý thuyết, mọi mưu mô, để đánh phá công trình cứu chuộc của Thiên Chúa nơi Giáo Hội trần thế của Người, mà cụ thể nhất là nhắm vào các linh mục của Chúa Giê-su, bởi vì các linh mục là những thầy dạy đức tin, làm cho con người ta hiểu biết về Đấng Thiên Chúa tạo dựng và tình yêu của Người, bởi vì các linh mục là những mục tử dẫn dắt đoàn chiên đến nơi đồng cỏ xanh tươi đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa, nơi mà hòa bình của Thiên Chúa ngự trị, đó chính là yêu thương và tha thứ cho nhau.

Vì được chọn giữa muôn người và cho con người, nên các linh mục của Chúa Ki-tô trở thành đích điểm cho ma quỷ tấn công, và có thể nói, mỗi bước chân của các linh mục đều bị rình rập bởi cơn cám dỗ, sự nguy hiểm ngày đêm rình rập các ngài, và nếu không có ơn Chúa giúp, thì không một linh mục nào có thể đứng vững và làm tròn trách nhiệm bổn phận của mình, trách nhiệm và bổn phận này vốn đã rất cao quý và nặng nề. Bởi sự cao trọng và trách nhiệm nặng nề ấy mà Giáo Hội qua nghi lễ truyền chức linh mục, và qua sự đặt tay của giám mục, đã khẩn khoản cầu xin Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần cho các thầy chuẩn bị chịu chức linh mục như sau : “Lạy Chúa, xin đổ đầy Thánh Thần xuống trên những người mà Chúa đã khấng nâng lên hàng linh mục, để họ xứng đáng đứng trước bàn thờ Chúa một cách không thể chê trách, để họ loan báo tin mừng của Nước Chúa, chu toàn thừa tác vụ chân thật của Chúa, dâng lên Chúa những lễ vật và những hy lễ thiêng liêng, đổi mới Dân Chúa bằng Phép Rửa của sự tái sinh, để chính họ có thể tới gặp Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa và là Chúa của chúng con, Con Một Chúa vào ngày giáng lâm thứ hai của Ngài, và họ được lãnh nhận phần thưởng của sự trung thành quản lý chức thánh của mình, nhờ lượng nhân hậu vô cùng của Chúa”[20]. Một lời nguyện hết sức cảm động, lột tả được hết tất cả mọi yếu hèn của con người và luôn cầu xin sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần, để các linh mục được luôn chu toàn sứ mệnh chủ chăn của mình là giảng dạy, thánh hóa và cai quản, cũng có nghĩa là trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai cho trần gian và vì trần gian.

3-  Linh mục: người của hòa giải và tha thứ.

Chúa Giê-su Ki-tô là vị đại tư tế và là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người[21], Ngài chính là Đấng hòa giải và tha thứ của nhân loại trước tòa Thiên Chúa tối cao, Ngài, như lời thánh Phê-rô tông đồ nói: “Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa”[22], chính cái chết của Ngài –cái chết tự nguyện vì yêu thương- rất đẹp lòng Chúa Cha, và nhờ Máu Ngài đổ ra mà nhân loại chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là “Áp-ba ! Cha ơi !”[23].

Linh mục, người được chọn giữa muôn người, qua bí tích Truyền Chức Thánh đã trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai ở giữa mọi người, chính ngài sẽ dùng bàn tay đã được xức dầu thánh hiến để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa, chính ngài sẽ dùng bàn tay đã được xức dầu thánh hiến để tha thứ, để ban ơn và chúc lành cho mọi người, ngài thật sự là hình ảnh Chúa Giê-su đang hiện diện giữa mọi người, với một niềm cảm thông sâu xa vô hạn với những nổi khổ đau trong tâm hồn và nơi thân xác của những anh chị em của mình.

Để trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, Chúa Giê-su đã mang thân phận con người như chúng ta, không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ tha nhân. Và để tiếp tục công việc cứu độ ấy cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang, thì Chúa Giê-su không chọn một thủ lĩnh là thiên thần để tiếp nối sứ mạng quan trọng và vinh dự ấy, nhưng Ngài đã chọn những con người bất toàn để trao cho sứ mạng hòa giải và tha thứ, đó là các tư tế của Tân Ước, những người được chọn giữa con người và cho con người, “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội”[24]. Cho nên, chính các linh mục của Chúa Ki-tô là những người rất biết cảm thông những đau khổ của người khác, các ngài luôn là niềm vui và an ủi của tha nhân, là sự hòa giải của mọi người, bởi vì chính các ngài vừa mang trên mình một sứ mệnh hòa giải giữa mọi tâm hồn, và giữa các tâm hồn với chính Thiên Chúa từ bi nhân hậu qua bí tích Hòa Giải, vừa có sứ mệnh dẫn dắt đoàn chiên đi đến sự hiệp nhất với nhau qua việc tham dự cử hành bí tích Thánh Thể.

Là hiện thân của sự hòa giải và tha thứ giữa anh chị em với nhau, các linh mục không những qua cung cách sống của mình phải biểu hiện lòng nhân ái của Chúa Giê-su, từ lời nói cho đến việc làm của các ngài, mà còn là người thực hiện hành vi hòa giải và tha thứ ấy qua sự phục vụ tha nhân như Chúa Giê-su –vị thượng tế đích thực- đã đến để phục vụ chứ không đòi người khác phục vụ mình.

Có một vài linh mục dâng thánh lễ mà nét mặt vẫn còn sắc giận với người này người nọ, các ngài đem cả giận hờn vào trong thánh lễ nơi bài giảng, và có khi trút lên đầu em bé giúp lễ dễ thương khi em chỉnh sai cái quạt máy nơi cung thánh. Sự hòa giải không phải chỉ là lời nói xin lỗi rồi thôi, cũng không chỉ hòa giải người này với người nọ, nhưng còn là hòa giải giữa mình với người khác, giữa mình với giáo dân…

Con người thời nay đau khổ quá nhiều, và sự đau khổ này, qua mọi thời đại, đều giống nhau bởi chiến tranh tàn phá, bởi phân biệt chủng tộc, bởi phân biệt giai cấp, bởi chủ nghĩa hưởng thụ, sự giàu nghèo, bất công, chia rẻ, bệnh tật và các tệ nạn.v.v...do người khác hoặc do chính bản thân mình tạo nên. Khi mà sự đau khổ xảy đến cho con người, thì các linh mục chính là nơi mà họ tìm đến để xin một lời khuyên, một lời an ủi, một sự chúc lành, vì họ tin tưởng linh mục chính là sứ giả của Thiên Chúa, là người thay mặt Chúa Giê-su đem niềm vui và an ủi đến cho họ, những lúc này, chính họ càng nhận ra rằng, linh mục chính là một Chúa Ki-tô thứ hai đang đồng hành với họ, chia sẻ và cảm thông những nổi khổ đau của họ.

LINH MỤC, CHÚA KI-TÔ THỨ HAI
KHI CỬ HÀNH THÁNH LỄ VÀ CÁC BÍ TÍCH

Trong hiến chế tín lý về Giáo Hội “Ánh sáng muôn dân”,  thánh công đồng Va-ti-can II dạy rằng: “Chức linh mục thừa tác không những có chức năng đại diện cho Chúa Ki-tô –Đầu của Giáo Hội- đối diện với cộng đoàn tín hữu, nhưng còn có nhiệm vụ hành động nhân danh toàn thể Giáo Hội khi dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của Giáo Hội, và nhất là khi dâng Thánh Lễ”[25]. Mà quả thật là như vậy, ở đâu có linh mục thì ở đó quy tụ được thành phần những kẻ tin vào Chúa Giê-su, và khi linh mục cử hành thánh lễ thì chính ngài là một Chúa Ki-tô thứ hai đang dang tay trên thánh giá, không phải để diễn kịch, nhưng là để hiến tế, ban ơn, tha tội và quy tụ con cái Chúa đang tản mát khắp nơi[26] về một mối.

Các linh mục khi ý thức được chức thánh mà mình đã lãnh nhận, không phải chỉ nhất thời theo nhu cầu của hoàn cảnh, nhưng là vĩnh viễn, thì các ngài cũng ý thức rằng, bổn phận và trách nhiệm của mình không phải chỉ một thời hạn ngắn, nhưng là liên tục không ngừng cho tới khi Chúa Giê-su lại đến, dù cho khi không thi hành phận vụ cử hành các bí tích. Bởi vì, ơn thánh bởi bí tích Truyền Chức Thánh không ngừng tuôn đổ xuống trong tâm hồn nhiệt thành của các ngài, và Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động nơi các ngài, để các ngài –bất kì lúc nào- cũng luôn đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của đoàn Dân Chúa đã trao phó cho mình cai quản, thánh hóa và giáo huấn. Do đó, nét nổi bật nhất mà người tín hữu nhìn thấy Chúa Ki-tô nơi các ngài, là lúc các ngài cử hành các Bí Tích và Thánh Lễ, vì chính khi cử hành các Bí Tích và Thánh Lễ, thì dù cho vị linh mục đó là ai, là già hay trẻ, là mới chịu chức hay chịu chức đã lâu, thì các ngài vẫn là vị tư tế của Tân Ước, là chủ tế của cuộc hiến tế không đổ máu trên bàn thờ, là Đầu của một cộng đoàn đang hiện diện, và là một Chúa Ki-tô thứ hai đang cử hành các mầu nhiệm thánh.

A. CỬ HÀNH THÁNH LỄ

Bữa tiệc nào cũng có hai phần: giới thiệu, trò chuyện thân tình và ăn uống, và một vị chủ tiệc.

Hi tế nào cũng có hai giai đoạn: chúc tụng, tạ ơn, cầu xin và hiến dâng lễ vật, và một vị chủ tế.

Thánh Lễ nào cũng có hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, và một vị tư tế.

Thánh Lễ chính là bữa tiệc Nước Trời, là hi tế của Chúa Giê-su hiến dâng lên Chúa Cha, cho nên phụng vụ tự nó là một việc thánh thiêng mà con người –qua Giáo Hội- cử hành cách công khai để tôn vinh Thiên Chúa, và cảm tạ tình yêu thương của Ngài dành cho nhân loại, cho nên, thánh công đồng Va-ti-can II dạy rằng: “Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức tư tế của Chúa Giê-su Ki-tô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ..... Do đó, vì là công việc của Chúa Ki-tô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh...”[27]. Là vị tư tế được chọn giữa con người để thay mặt Chúa Ki-tô, chủ tế những buổi hội họp phụng tự của Dân Chúa, người linh mục phải luôn luôn xét thấy mình bất xứng với chức vụ thánh, mà Chúa Ki-tô đã ủy thác để tiếp nối sứ mạng của Ngài tại trần gian. Các linh mục phải luôn làm cho tư tưởng và hành vi của mình tỏa nét sáng ngời của Chúa Ki-tô khi cử hành Phụng Vụ Thánh, mà cụ thể là việc cử hành Thánh Lễ và các Bí Tích.

Có nhiều giáo dân đến nhà thờ để tham dự các nghi thức Phụng Vụ hoặc Thánh Lễ, với ý thức và lòng cảm tạ sâu xa đối với tình thương hải hà của Thiên Chúa, nhưng đôi lúc chính họ cảm thấy thất vọng, và như bị xúc phạm đến tận sâu xa trong đức tin của mình, khi họ thấy linh mục chủ tế không chuẩn bị cho việc cử hành thánh lễ, họ thấy ngài dâng thánh lễ theo thói quen lập đi lập lại cách máy móc không có tâm tình cử hành phụng vụ thánh, tùy tiện phát ngôn trong thánh lễ không theo quy định của Giáo Hội về lễ nghi, và tệ hại hơn nữa là chính việc cử hành Phụng Vụ Thánh cách vô hồn ấy của một số linh mục, làm cho giáo dân giảm thiểu lòng yêu mến việc thờ phượng Thiên Chúa, mà khi lòng mến đã giảm bớt thì đức tin cũng từ từ tắt ngúm nơi họ luôn.

Giáo dân khi tham dự thánh lễ thì chỉ biết linh mục là vị đại diện của Chúa Ki-tô để dâng thánh lễ tạ ơn mà thôi, như thế cũng đủ lắm rồi, nhưng chính linh mục phải làm cho họ biết rõ ràng hơn không phải ngài chỉ là đại diện Chúa Giê-su mà thôi, nhưng còn là một Chúa Ki-tô thứ hai đang cử hành hiến tế tạ ơn, tiếp tục hy lễ Thập Giá ngày xưa trên núi Sọ. Trong đôi bàn tay của linh mục, cũng một tấm bánh ấy, cũng một chén rượu nho ấy, cũng một lời nói ấy mà tất cả đã trở nên Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su –vị đại tư tế muôn đời- làm lễ vật cao quý dâng lên Chúa Cha để cứu chuộc và tha tội cho nhân loại. Không còn hình ảnh nào thánh thiêng cho bằng, không có giây phút nào trang nghiêm cho bằng khi linh mục hai tay nâng Mình Máu Chúa Giê-su lên cao, để tất cả mọi loài trên trời dưới đất chiêm ngắm và thờ lạy.

Vì sự cao cả ấy của thiên chức linh mục, mà tất cả những ai được gọi phục vụ bàn tiệc của Chúa, phải nêu gương sáng ngời trong cách ăn nết ở của mình, để Chúa Ki-tô “yên lòng” ở trong đôi bàn tay của linh mục, và để các Ki-tô hữu càng thấy rõ sự cao cả của mầu nhiệm hy tế hơn, bởi đó mà thánh Gioan Ca-pét-ra-nô linh mục nói rằng: “Đúng là thiên hạ sẽ chà đạp giáo sĩ nào hoen ố và nhớp nhơ, chìm ngập trong vũng bùn thói hư tật xấu, bị xích xiềng tội ác trói buộc, và nên như phân dơ hôi hám khiến bị coi là chẳng còn ích lợi chi cho mình hay cho người khác nữa. Thánh Ghê-gô-ri-ô nói: “Sống mà đáng khinh thì dĩ nhiên giảng cũng đáng chê”[28], người ta có lý do của họ khi phê phán linh mục cử hành Thánh Lễ không trang nghiêm không sốt sắng, bởi vì họ đã nhận ra sự cao quý của Thánh Lễ, còn linh mục tại sao không nhận ra điều ấy khi cử hành Thánh Lễ ?

1. Bài giảng

Bài giảng là một phần quan trọng của thánh lễ, nó không thể tách rời khỏi thánh lễ để tự do cho người này kẻ nọ lên chia sẻ hay giảng thay cho linh mục, nhưng phải là những người đã được nhận lãnh chức linh mục (hoặc ít nữa là các thầy Phó Tế được phép của linh mục giảng trong thánh lễ do ngài chủ tế), vì chính các ngài đã nhận quyền thánh hóa, cai quản và giảng dạy từ nơi Giáo Hội, qua việc xức dầu hiến thánh của giám mục của mình.

Khi giảng dạy là linh mục giảng lời của Chúa Giê-su, vì ngài chính là vị tư tế của Tân Ước, là người được chọn giữa loài người để rao giảng ơn cứu độ cho mọi người. Do đó khi giảng dạy thì linh mục đừng bao giờ quên rằng, mình là một Chúa Ki-tô thứ hai đang ngồi giữa đám đông dân chúng mà giảng cho họ biết về Nước Trời, là chia sẻ cho họ về những gì mà mình cảm nghiệm về Lời Chúa mà mình đã biết và sống như mình đã cảm nghiệm, bởi vì không ai cho cái mà mình không có, nhưng cho cái mà mình đang có và có cách phong phú chính là Lời Chúa mà mình suy tư hằng ngày, như Chúa Giê-su đã có lần nói với các môn đệ: “Ai tự mình giảng dạy thì tìm vinh quang cho chính mình”[29], mà linh mục thì không tự mình giảng dạy, nghĩa là ngài không giảng dạy theo kiểu của con người hay làm là tâng bốc người này, đá đảo người nọ, không đặt gánh nặng trên vai người này, không hô hào ủng hộ người nọ, nhưng là giảng dạy theo ý muốn của Thiên Chúa, tức là là tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình.

Bài giảng trong Thánh Lễ rất quan trọng, giờ đây không còn là con người của linh mục giảng nữa, mà là Chúa Giê-su đang giảng cho dân chúng, bài giảng đầu tiên và là mẫu mực cho các bài giảng khác của các linh mục sau này, chính là “bài giảng Phúc cho”[30] trên núi của Chúa Giê-su, Ngài không thịnh nộ khi giảng cho dân chúng, Ngài cũng không lý luận thần học cao siêu cho dân chúng nghe, nhưng Ngài giảng bình dị thực tế với hoàn cảnh của dân chúng, lời của Ngài tuy đơn sơ nhưng có uy quyền, và Ngài đến đâu cũng có đám đông người tuôn đến để nghe Ngài giảng, sức thu hút mãnh liệt đó chính là Chúa Giê-su đã giảng những gì mình đã sống và thực hành những gì mình đã cảm nghiệm.

Người ta dễ dàng nhận ra một bài giảng có chiều sâu nội tâm, khiến cho họ cảm nhận sâu sắc Lời Chúa và dễ thực hành trong cuộc sống của họ, vì bài giảng ấy đã được chính người giảng –linh mục- đã cảm nghiệm và đã sống. Cũng qua bài giảng mà người giáo dân có thể “thấy” được đời sống bên trong cũng như bên ngoài của linh mục, vì ngài sống sao giảng vậy: đơn sơ, chân thành, hừng hực lửa yêu mến phát xuất tự trong tâm của ngài, hoặc là, to tiếng nạt nộ những giáo dân trễ nãi việc nhà xứ, phê bình chỉ trích những giáo dân lâu nay không đến nhà thờ...

Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai đang hiện diện giữa cộng đoàn khi cử hành Thánh Lễ, dù cho hôm đó ngài giảng không thu hút giới trẻ, nhưng ngài vẫn là linh mục của Chúa Ki-tô; dù cho ngài không có tài lợi khẩu, nhưng ngài vẫn là người phát ngôn chính thức Lời Chúa, vì ngài đã được chọn và được xức dầu thánh hiến, để trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai giữa loài người.

Giáo dân vẫn còn buồn và âm thầm chịu đựng, khi thấy một vài linh mục biến tòa giảng thành nơi phát biểu thành tích ông này bà nọ đóng góp cho nhà thờ, và quảng cáo không công cho tổ chức này đoàn thể nọ; họ vẫn còn mang một tâm trạng không mấy phấn khởi, khi thấy một vài linh mục dùng Lời Chúa để biện minh cho hành động thiếu đức bác ái hoặc bàu chữa cho sự nóng nảy của mình. Cho nên, thật đáng phấn khởi và vui mừng khi linh mục chủ tế đã chuẩn bị sẵn sàng để cử hành Thánh Lễ, ngài sẽ là trung tâm chú mục của những giáo dân hiện diện, và lòng sốt mến tham dự thánh lễ nơi họ càng tăng lên gấp bội khi linh mục trang nghiêm, sốt sắng, đem Lời Chúa hôm nay đã đánh động tâm hồn mình như thế nào thì chia sẻ cho những người tham dự biết, để họ cũng được học hỏi cách sống Lời Chúa của ngài, chính những lúc như thế, ngài –linh mục- thật sự là một Chúa Ki-tô thứ hai đang rao giảng Tin Mừng Nước Trời cách thân thương giữa đoàn chiên của mình.

2. Thánh Thể

Có một số giáo dân không muốn đi tham dự thánh lễ ngày chủ nhật, là vì họ cảm thấy rằng, mình đi lễ mà không rước Mình Thánh Chúa thì vô ích quá, bởi vì họ cảm nhận được sâu sắc thánh lễ chính là bữa tiệc Nước Trời, nếu đi dự tiệc mà không ăn uống gì cả, thì thật là...vô duyên, thế là họ không đi tham dự thánh lễ. Cách suy nghĩ như trên của một số giáo dân chắc chắn là không đúng tí nào cả, nhưng ít nữa cho chúng ta biết rằng: Thánh Thể chính là của ăn của uống nuôi sống linh hồn chúng ta, là sự hiệp nhất của mọi Ki-tô hữu, và linh mục chính là một Chúa Ki-tô thứ hai đang là dấu chỉ hữu hình hiệp nhất của cộng đoàn Dân Chúa.

Đọc trên bài viết nọ, có linh mục nói như thế này: “Chịu chức được 5 năm thì linh mục run rẩy trong tay Chúa Giê-su, sau 5 năm thì Chúa Giê-su run rẩy trong tay linh mục”, câu nói nghe ý nhị mà chua chát thấm tận tâm hồn, lột tả được tâm trạng của những người sau nhiều năm tháng làm linh mục.

Thánh lễ tạ ơn đầu tay nào của linh mục cũng trang nghiêm cảm động, làm cho các tín hữu tham dự như thấy được Chúa Giê-su đang cử hành thánh lễ, từng cử chỉ, từng lời nói của tân linh mục khoan thai, khiêm tốn, thánh thiện, cẩn trọng, sốt sắng làm cho bầu khí vốn trang nghiêm càng trang nghiêm thêm, vốn sốt mến càng sốt mến hơn, bởi vì tân linh mục luôn ý thức và hiểu rõ công việc mình đang làm là của Chúa Giê-su đã làm ngày xưa trong bữa tiệc ly với các môn đệ, và hiến tế mình đang cử hành đây chính là hiến tế trên Thập Giá của Chúa Giê-su, và đây là hi tế đầu tiên mà mình cử hành với tư cách là tư tế của Tân Ước, và là một Chúa Ki-tô thứ hai đang cử hành phụng vụ thánh.

Nhưng một hoặc hai năm sau thì tâm tình thánh thiện ấy dần dần biến mất nơi một vài tư tế của Tân Ước, có một vài linh mục cử hành thánh lễ theo một thói quen nhất định, có khi làm cho xong bổn phận, nên từng cử chỉ và lời nói của ngài gây sốc cho giáo dân tham dự thánh lễ, và làm cho Chúa Giê-su run rẩy trong tay của ngài, vì đời sống nội tâm của ngài chứa đầy những tư tưởng của thế gian, vì cuộc sống của ngài chưa lột tả được đời sống của một Chúa Ki-tô thứ hai, nên việc cử hành thánh lễ của ngài như là một diễn viên diễn xuất không đạt chất lượng.

Những người tham dự thánh lễ do cha thánh Pi-ô cử hành đều nói: “Thấy nét mặt và cử chỉ của ngài, chúng tôi như thể trông thấy Chúa Ki-tô đang phải thương khó trên bàn thờ thực sự. Đức tin của chúng tôi nhờ thế càng thêm vững vàng, lòng ăn năn sám hối càng thêm quyết chí, lòng mến Chúa ngày càng gia tăng. Đi dự lễ của ngài mấy lần cũng không chán”[31].

Giây phút linh thiêng và trang trọng nhất của thánh lễ là lúc truyền phép của linh mục, chính lúc này đây, khi cầm bánh thánh trên tay, linh mục chủ tế phải run rẩy sợ hãi vì mình đang làm một việc mà ngay cả các thiên thần cũng không được phép làm, đó là làm cho tấm bánh và rượu nho trở thành Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su. Cả thiên đàng đang ở đây, đang run rẩy quỳ gối sấp mình thờ lạy Thánh Thể sau lời đọc truyền phép của linh mục, ai mà không run sợ trước mầu nhiệm hết sức cao cả vượt qua tất cả mọi trí khôn của loài người, và ai có thể làm được điều mà linh mục đang làm ? Không ai được phép làm cả, chỉ có linh mục mà thôi, bởi vì linh mục được chọn để trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai, tiếp tục công việc cứu độ của Chúa Giê-su ở trần gian này.

Thánh Thể là nguồn ân sủng dồi dào của các linh mục, cho nên không thể tách Thánh Thể ra khỏi đời sống của các ngài, lại càng không thể để cho Chúa Giê-su run rẩy trong đôi tay của mình khi cử hành Thánh Lễ, nhưng hãy làm cho Chúa Giê-su vui mừng trong tay của mình bằng cách đắm mình sâu trong mầu nhiệm tình yêu mà mình sắp cử hành, bằng cách luôn ý thức vai trò mà mình đang đảm nhiệm: vai trò của Chúa Giê-su tư tế, vai trò tư tế của Tân Ước và vai trò của vị chủ tế đang cử hành mầu nhiệm thánh.

Khi linh mục cử hành thánh lễ với đôi tay dang ra cầu nguyện, thì như một Môi-sen trong Cựu Ước đã dang hai tay ra cầu nguyện cho dân Ít-ra-en bất trung được chiến thắng người A-ma-lếch[32], và như Chúa Giê-su bị đóng đinh dang tay trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, hình ảnh cảm động này, làm cho chúng ta không thể không nhớ đến lời của Chúa Giê-su khi Ngài nói với ông Ni-cô-đê-mô: “Như ông Môi-sen đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”[33].

B. CỬ HÀNH CÁC BÍ TÍCH

Ngoại trừ thánh lễ ra, thì không có nơi nào linh mục trở nên một Chúa Ki-tô thứ hai cho bằng khi các ngài cử hành ban các Bí Tích cho giáo hữu. Thật vậy, các Bí Tích không phải do con người lập ra, nhưng do chính Chúa Giê-su đã lập ra vì con người, cho con người, để chuyển thông ơn của Thiên Chúa cho nhân loại, và tùy nhu cầu ơn ích của người lãnh nhận mà ban cho họ những ơn cần thiết. Do đó mà khi cử hành các Bí Tích thì linh mục không nhân danh chính mình, nhưng là nhân danh Chúa Giê-su là Đầu của Giáo Hội, là vị tư tế tối cao đầy quyền năng để ban ơn, chữa lành và tha tội qua thừa tác vụ linh mục mà ngài đã lãnh nhận.

Vì sự quan trọng của các Bí Tích mà Giáo Hội dạy rằng: “Quả thật, các Bí Tích ban ân sủng, nhưng việc cử hành các Bí Tích còn nhằm chuẩn bị các tín hữu đón nhận ân sủng đó một cách hữu hiệu...”[34]. Bởi vì các Bí Tích được gọi là Bí Tích Đức Tin, nên việc cử hành các Bí Tích cần được khuyến khích cộng đoàn Dân Chúa tham dự, để họ thấy và hiểu được những dấu chỉ và ơn thánh nơi các Bí Tích mà họ đón nhận. Vì Bí Tích quan trọng như thế, nên mỗi lần cử hành các Bí Tích thì linh mục phải cử hành như một Chúa Giê-su thứ hai đang đưa tay đụng đến mắt người mù để họ được sáng, như Chúa Giê-su chúc lành cho con trẻ và như Chúa Giê-su ngước mắt lên trời cầu nguyện với Chúa Cha trước khi chữa lành cho dân chúng.v.v...  nghĩa là ngài –linh mục- phải nghiêm trang sốt sắng, không la lớn tiếng khi giáo dân làm không đúng quy định, bởi vì có khi chính ngài làm cho giáo dân cảm thấy linh mục cử hành bí tích như làm bùa phép, vì ngôn hành của ngài không nghiêm trang, không cẩn trọng và sốt sắng, làm cho xong việc...

Những vị đạo sĩ của các tôn giáo như đạo Lão, hoặc như các hòa thượng của đạo Phật, họ vẫn lấy nước “phép” rảy trên lễ vật, dùng tay huơ huơ như làm phép, và miệng đọc lâm râm những kinh khó hiểu, và chúng ta –người Công Giáo- gọi đó là dị đoan bùa phép tà đạo; nhưng nếu các linh mục của Hội Thánh Công Giáo không nghiêm trang sốt sắng khi cử hành các Bí Tích, thì người ta cũng cho đó là dị đoan, mê tín, làm hại đến đức tin của tin hữu, và nhất là không thể hiện được mình là Chúa Ki-tô thứ hai đang chúc lành, tha tội và ban ơn thiêng liêng cho những người lãnh nhận Bí Tích.

Bởi vì “Bí Tích là dấu bên ngoài chỉ ơn ích bên trong” cho nên, mặc dù linh mục không nghiêm trang sốt sắng, không có tâm tình cử hành Bí Tích, thì Bí Tích vẫn thành sự, ơn của Thiên Chúa vẫn xuống trên người lãnh nhận nó, nhưng không làm cho những người hiện diện sốt sắng, và có khi phản tác dụng đối với giáo huấn của linh mục. Vì là “dấu chỉ bên ngoài” nên bên ngoài của linh mục cũng như của người nhận lãnh Bí Tích, ít nữa là phải sạch sẽ gọn gàng, đứng đắn theo như quy định của Giáo Hội. Có một vài linh mục khi ban Bí Tích Giải Tội thì không ngồi trong tòa cáo giải, chỉ ngồi nơi phòng khách giáo xứ (mặc dù được phép) nhưng hối nhân cũng cảm thấy như bị hụt hẩng, khi ngài mặc áo mai-ô (áo lót) quần pyjama để ban bí tích Giải Tội, hoặc là khi ngài đang tưới cây làm vườn thì cũng mặc đồ lao động dơ bẩn đó, khi có giáo dân đến xin xưng tội, thì ngài ngồi ngay trên tảng đá kiểng trong vườn để ban bí tích Giải Tội, đương nhiên là bí tích vẫn thành sự, nhưng hỏi có mấy giáo dân lấy đó làm gương mẫu ! Không phải thời chiến tranh, cũng không phải thời bách hại đạo, thì ít nữa linh mục cũng luôn bày tỏ sự yêu mến và tôn trọng Bí Tích mà mình sắp sửa cử hành.

1.   Bí tích Rửa Tội.

“Nhờ phép Rửa Tội chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được sinh lại làm con Thiên Chúa, được trở thành chi thể của Chúa Ki-tô, được gia nhập vào thân thể Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội”[35].

Ai giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, chính Chúa Giê-su, qua việc đổ nước thanh tẩy nhân danh Chúa Ba Ngôi của linh mục.

Ai sinh ta lại làm con Thiên Chúa, chính Chúa Giê-su, qua tay linh mục tái sinh ta làm con Thiên Chúa.

Ai làm cho chúng ta trở thành chi thể của Chúa Giê-su, chính Ngài, qua tay linh mục, nhờ bí tích Rửa tội sáp nhập chúng ta vào thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô.

Ai trao sứ mạng loan truyền Phúc Âm cho chúng ta, chính Chúa Giê-su, qua Giáo Hội và nhờ linh mục, chúng ta trở thành những môn đệ của Chúa Giê-su, và có bổn phận làm chứng cho Chúa Giê-su trong chính cuộc sống của mình.

Nơi bí tích Rửa Tội, chính linh mục làm cho chúng ta được trở nên con của Thiên Chúa, chính ngài nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, nhân danh Giáo Hội, nhân danh cộng đoàn và nhân danh mình, đón nhận một thành viên mới vào trong đại gia đình Giáo Hội, thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô.

Linh mục, ngài thật sự là một người cha tinh thần của người giáo hữu khi cử hành bí tích Rửa Tội cho họ, và có thể nói, trong bí tích Rửa Tội linh mục đã sinh ra người giáo hữu để họ được làm con Thiên Chúa, và ngài cũng là một mục tử khi ngài dùng bánh Hằng Sống và các ân sủng của Thiên Chúa để dưỡng nuôi linh hồn của họ, để trên đường về quê trời, linh hồn họ được mạnh khỏe, đủ sức đề kháng những cám dỗ do ma quỷ và tội lỗi gây ra. Thật vậy, nơi bí tích Rửa Tội, linh mục là một Chúa Ki-tô thứ hai đang ghi dấu Thánh Giá cứu độ trên trán, để từ đây họ thuộc hẳn về Ngài và Ngài là gia nghiệp và nơi nương náu của họ, bất khả phân ly, và chỉ có tội lỗi mới làm cho họ xa cách Thiên Chúa mà thôi.

2.   Bí tích Thêm Sức

“Phép Thêm Sức hoàn tất ân sủng của phép Rửa Tội. Đây là bí tích ban Chúa Thánh Thần, làm chúng ta bén rễ sâu vào sự làm con cái Thiên Chúa, sáp nhập chúng ta vào Thân Thể Chúa Ki-tô cách mật thiết hơn, khiến mối liên lạc của chúng ta với Giáo Hội thêm chặt chẽ, kết hợp chúng ta nhiều hơn vào sứ mạng của Giáo Hội, và giúp chúng ta làm chứng cho đức tin Ki-tô giáo bằng lời nói và việc làm”[36].

Ví tính chất quan trọng của bí tích Thêm Sức mà Giáo Hội cho phép các linh mục được ban bí tích này cho giáo hữu khi họ nguy tử, bởi vì Giáo Hội không muốn một người con nào của Giáo Hội –dù nhỏ bé- phải lìa đời mà không được được Chúa Thánh Thần kiện toàn bằng hồng ân đầy đủ của Chúa Ki-tô[37].

Vì không hiểu giáo lý cách rõ ràng, mà có nhiều người Ki-tô hữu không biết tìm linh mục đến để ban bí tích cho các em nhỏ trong cơn nguy tử, bởi vì họ cứ nghĩ rằng: các em nhỏ không cần lãnh bí tích Thêm Sức, và chỉ có các giám mục mới có quyền ban bí tích Thêm Sức, bởi vì linh mục là người trực tiếp chăm sóc linh hồn của giáo hữu, nên ngài cũng có những năng quyền mà Giáo Hội ban cho, để mưu ích cho linh hồn các giáo hữu của mình.

Mặc dù chỉ có Đức giám mục mới có quyền ban bí tích Thêm Sức, nhưng linh mục đóng vai trò Chúa Ki-tô và là cộng sự viên của hàng giám mục trong ba phận vụ thánh[38] là cai quản, thánh hóa và giảng dạy, nên các linh mục cũng được giáo luật cho phép ban bí tích Thêm Sức khi ngài Rửa Tội cho những người lớn tuổi, nguy tử[39], và giám mục của mình ủy quyền cho cử hành bí tích Thêm Sức trong những trường hợp đặc biệt, như giám mục trắc trở không đến được, người lãnh nhận bí tích Thêm Sức quá đông.v.v...

Dù là Đức giám mục hoặc linh mục ban bí tích Thêm Sức, thì hiệu quả ơn Thánh Thần vẫn giống nhau, bởi vì tất cả đều được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến để trở nên mục tử của Chúa Giê-su, và khi linh mục cử hành bí tích này, thì ngài vẫn là Chúa Ki-tô thứ hai đang hiện diện giữa dân thánh.

3.   Bí tích Thánh Thể.

Ở đâu có linh mục thì ở đó có thánh lễ và có Chúa Giê-su Thánh Thể, dù một linh mục dâng thánh lễ trong một ngôi nhà tranh vách đất, thì giáo dân vẫn cứ đến tham dự, bất chấp mọi khó khăn, họ đến để được gặp gỡ, được rước Chúa Giê-su vào lòng, họ đến vì chỉ có linh mục mới làm cho có Thánh Thể trên bàn thờ, vì Thánh Thể nuôi sống và làm cho đức tin của họ ngày càng kiên cường vững mạnh thêm.

“Mỗi khi trao Chúa Giê-su Thánh Thể cho giáo dân, con hãy ý thức trao cả đời con, thời giờ của con, sức khỏe, tài năng, tiền của, nghĩa là máu thịt con cùng với Mình Máu Thánh Chúa làm của nuôi mọi người và mỗi người không phân biệt ai[40], lời dạy này thật là chính đáng cho các linh mục của Chúa Giê-su, tức là những Chúa Ki-tô thứ hai đang quy tụ Dân Chúa và phân phát lương thực Hằng Sống cho họ ăn.

Trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân không như phát một cái bánh quy cho họ ăn, nhưng là trao ban Chúa Giê-su Thánh Thể cho họ, và cũng là trao ban ý chí tâm tình cuộc sống của mình cho họ với cử chỉ khoan thai, nhẹ nhàng, từ tốn như Chúa Giê-su đã làm trong bữa tiệc ly với các môn đệ. Có những nhà thờ, vì giáo dân lên rước lễ quá nhiều chăng, nên có những linh mục trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân như phát bánh, và có người ví von nói rằng: cha (linh mục) cho rước lễ giống như xĩa bài ba lá ! Nghĩa là tay ngài đưa nhanh vùn vụt, có khi giáo dân chưa kịp thưa a-men thì ngài đã “xĩa” Mình Thánh xuống trong tay rồi, họ cảm thấy linh mục “phát thí” cho họ Mình Thánh Chúa, chứ không cảm thấy linh mục trao ban Mình Thánh Chúa cho họ.

Khi cử hành bí tích Thánh Thể và khi cho giáo dân rước lễ, thì linh mục là Chúa Ki-tô thứ hai đang trao ban mình cho mọi người.

4.   Bí tích Giải tội.

Lòng thương xót của Thiên Chúa được bày tỏ rõ ràng nhất nơi bí tích Giải Tội, qua thừa tác vụ của Hội Thánh là linh mục. Với quyền năng Chúa ban và Hội Thánh ủy thác, các tư tế của Tân Ước có quyền tha tội cho các tội nhân khi họ đến làm hòa với Thiên Chúa và tha nhân nơi tòa cáo giải.

Ai, ai có quyền tha tội ? Thưa, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội, nhưng quyền này, Chúa Giê-su đã ủy thác cho Giáo Hội qua các linh mục, khi Ngài nói với Phê-rô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”[41], nếu không có linh mục thì ai sẽ thay mặt Thiên Chúa tha tội cho chúng ta ?

Nét độc đáo nơi bí tích Giải Tội chính là một tội nhân thú tội với một tội nhân, một con người xin ơn tha thứ nơi một con người. Đó chính là mầu nhiệm mà trí óc con người không hiểu thấu, đó là tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, nếu Chúa Giê-su không thiết lập hàng linh mục, nếu Chúa Giê-su không thiết lập bí tích Giải tội, thì con người làm thế nào để giao hòa với Thiên Chúa ? Do đó mà nơi bí tích Giải Tội này, người linh mục thể hiện ra mình là một Chúa Ki-tô thứ hai đang đưa tay chúc lành và tha tội cho hối nhân, chính ngài với lời khuyên bảo, với việc phán đoán về đức tin và luân lý, và với ơn riêng Chúa ban, sẽ làm cho hối nhân tự sửa đổi cuộc sống của mình theo tinh thần Phúc Âm.

Có một số giáo dân “ngán” đến tòa giải tội, vì họ nói “càng xưng tội thì càng thêm tội”, tội đó chính là giận hờn ông cha sở quát tháo trong tòa giải tội, đó là tội trách thầm ông cha sở giải tội lần này cũng như lần trước, tội nào cũng khuyên bảo như nhau, mà không bày cho họ cách thế để chống trả và tránh tội.v.v... Chúa Giê-su không trách mắng người phụ nữ ngoại tình, nhưng Ngài khuyên bảo bà từ nay đừng phạm tội nữa; Chúa Giê-su cũng không nạt nộ ông Gia-kêu lùn, nhưng Ngài chúc phúc cho ông và gia đình ông...

Trong tòa giải tội, người Ki-tô hữu tìm được sự bình an trong tâm hồn, tìm được lại tình yêu của Thiên Chúa mà mình đã đánh mất vì những tội lỗi của mình đã phạm. Bởi vì, linh mục -Chúa Ki-tô thứ hai- đã trở thành vị thẩm phán đầy lòng bao dung trước khi ngày phán xét chung kết của Thiên Chúa đến.

5.   Bí tích Xức Dầu Thánh (Xức dầu bệnh nhân).

Thánh Gia-cô-bê tông đồ dạy rằng: “Trong anh em có người đau yếu ư ? Hãy gọi các trưởng lão của Giáo Hội tới để cầu nguyện cho người đó, sau khi đã xức dầu cho người đó nhân danh Chúa...”[42], và Giáo Hội đã dạy rằng: “Chỉ có các tư tế (giám mục hoặc linh mục) mới được ban bí tích Xức Dầu bệnh nhân”[43]. Chỉ có giám mục và linh mục mới được cử hành bí tích Xức Dầu bệnh nhân mà thôi, nhưng chính các linh mục là những người được sai đến trực tiếp với đoàn chiên của Chúa, để tận mắt nhìn thấy chiên của mình đau yếu, tận tay nắm lấy bàn tay xương xẩu vì bệnh hoạn của giáo dân mình để cầu nguyện và chúc lành cho họ.

Hình ảnh một linh mục cúi xuống sát bên tai bệnh nhân để nghe họ nói và an ủi họ, và nhắc nhở họ nhớ đến tình yêu của Chúa Giê-su, cầm tay họ để như là chổ dựa thân thiết cuối cùng của họ, đó là hình ảnh của Chúa Giê-su đang đứng sát bên quan tài con trai của bà góa thành Na-im, tay Ngài vịn vào quan tài và truyền cho người thanh niên đã chết đứng dậy. Thật vậy, linh mục là Chúa Ki-tô thứ hai đang đứng sát bên bệnh nhân, xức dầu thánh cho họ, để cho họ vững mạnh trong đức tin, được ơn Chúa nâng đỡ trong những giây phút ngặt nghèo nhất của kiếp sống con người.

Người ta mời linh mục đến để xức dầu cho bệnh nhân và chắc chắn là linh mục không bao giờ trì hoãn, như viên quan bách đội trưởng đến mời Chúa Giê-su về nhà ông để chữa bệnh cho tên đầy tớ của mình[44]. Trong các Phúc Âm, Chúa Giê-su đã quan tâm rất nhiều đến những người bệnh hoạn và chữa lành cho họ, bởi vì Ngài đến trần gian là vì để loan báo tin mừng Nước Trời, đồng thời cứu chữa linh hồn và thân xác của con người. Công việc này của Chúa Giê-su cũng đang được các linh mục –những Chúa Ki-tô thứ hai- đang tiếp tục thực hiện cách tích cực nơi những người đau yếu bệnh hoạn, và qua việc phục vụ này mà nhiều người được ơn chết lành, và được ơn hoán cải sau khi bình phục.

6.   Bí tích Truyền Chức Thánh.

“Chức thánh là bí tích nhờ đó mà sứ mạng được Chúa Ki-tô ủy thác cho các tông đồ sẽ có thể tiếp tục được thi hành trong Giáo Hội cho đến tận thế, cho nên đây là bí tích của thừa tác vụ tông đồ. Bí tích này gồm ba bậc: chức giám mục, chức linh mục và chức phó tế”[45].

Bí tích Truyền Chức Thánh là bí tích của sự hiệp thông giữa Giáo Hội và Chúa Giê-su qua các tông đồ và những người kế vị các ngài trong chức giám mục, cũng như được trao ban cho các linh mụcvà phó tế, để ai nấy theo chức vụ mình đã lãnh nhận mà phục vụ đoàn Dân Chúa giữa trần gian này.

Chúa Giê-su –qua việc thiết lập bí tích Truyền Chức Thánh- và các linh mục –qua bí tích Truyền Chức Thánh- đã có sự giống nhau về sứ vụ, tuy rằng Chúa Giê-su vẫn cứ là vị Đại tư tế thông ban quyền tư tế cho linh mục. Chúng ta đối chiếu trong các sách Tin Mừng thì sẽ thấy những gì mà Chúa Giê-su đã làm, thì hầu như đều được các linh mục thực hiện lại ngay tại trần gian này, để cho chúng ta thấy rằng, linh mục, quả là một Chúa Ki-tô thứ hai đang hiện diện trên mặt đất này. Chúng ta thử so sánh đối chiếu một vài sự việc giống nhau giữa Chúa Giê-su và linh mục như sau:

-      Chúa Cha đã sai Chúa Giê-su đến trong thế gian[46] – Giám mục cũng sai phái linh mục đi truyền giáo.

-      Chúa Giê-su ban cho chiên của Ngài sự sống đời đời [47] – linh mục cũng ban cho chiên của ngài ơn sủng của Thiên Chúa.

-      Chúa Giê-su là mục tử nhân lành, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đàn chiên[48] - Các linh mục cũng là những mục tử nhân lành, dám hy sinh mạng sống vì chiên của mình.

-      Chúa Giê-su còn có những chiên khác không thuộc ràn này, Ngài cũng phải đưa chúng về[49] - Linh mục cũng có những con chiên lạc, những con chiên chưa biết Chúa, ngài cũng phải đi tìm chúng trở về và lo cho chúng được no nê ân sủng.

-      Chúa Giê-su cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy...[50] - Linh mục cũng lập lại như thế khi truyền phép trong thánh lễ...

Và còn có rất nhiều việc tương quan giữa Chúa Giê-su và linh mục, nếu chúng ta chịu khó đọc trong các sách Tin Mừng.

Không có bí tích Truyền Chức Thánh thì không có giám mục, không có linh mục và không có các phó tế, và đương nhiên là sẽ không có Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng Phê-rô và các tông đồ. (Có hay không có Giáo Hội khi không có bí tích Truyền Chức Thánh, đó là việc của Thiên Chúa), nhưng chúng ta tin chắc rằng, bí tích Truyền Chức Thánh cũng là nẳm trong kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Do đó mà các linh mục càng phải thấy sự cao quý của thiên chức linh mục mà mình đã lãnh nhận, không phải như một công chức, nhưng là như một mục tử tốt lành của Thiên Chúa; không phải như một người làm thuê, nhưng là như một người con trong nhà được quyền thừa kế và sử dụng các ơn lành của Thiên Chúa cho anh chị em mình.

“Do bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục đã được thánh hiến theo hình ảnh của Chúa Ki-tô, Tư Tế tối cao và vĩnh cửu để rao giảng Phúc Âm, để làm các chủ chăn của các tín hữu, và để cử hành việc phụng tự linh thánh như những tư tế đích thực của Tân Ước”[51]. Cho nên, chúng ta không lạ gì khi tự nơi các linh mục có một sức thu hút mãnh liệt bởi tư cách đoan trang, nghiêm túc, hiền lành và nhân ái, phản ảnh lại sự hiền lành của vị mục tử tối cao là Chúa Giê-su Ki-tô.

Có lẽ vì chức linh mục quá cao sang và cao trọng, mà có một vài linh mục cảm thấy mình phải sống xa cách giáo dân kẻo họ làm hư mất chức linh mục của mình, hoặc phải sống cao cao sang sang bên trên để giáo dân phải kính trọng mình và phục vụ mình ! Cả hai loại suy nghĩ trên đều không đúng với giá trị của thiên chức linh mục, bởi vì Chúa Giê-su vẫn “lăn lộn” với dân chúng mà họ đâu có làm cho Ngài phải quên mất sứ mạng cứu chuộc của mình; bởi vì chức linh mục được lập ra là để phục vụ, như Chúa Giê-su đã phục vụ và phục vụ cho đến chết trên Thập Giá. Cứ nhìn xem Chúa Giê-su thi hành chức vụ linh mục thế nào, thì làm theo thế ấy, nhứt định là sẽ đạt đến thành công, vì Chúa Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống...

7.   Bí tích Hôn Phối.

Hiện nay, ở nước ngoài, cụ thể là ở Taiwan, có những đôi tân hôn không phải là Công Giáo, nhưng họ vẫn đến xin phép được cử hành nghi thức hôn phối tại nhà thờ, tức là xin được linh mục chúc lành cho họ. Không phải là họ muốn đến nhà thờ để quay phim chụp hình cho đám cưới thêm xôm trò, nhưng thật sự họ muốn được linh mục công giáo chúc lành cho họ trong ngày cưới của mình, vì họ tin rằng, linh mục chúc lành chính là ơn trên chúc lành cho họ.

Bí tích Hôn Phối là do Chúa Giê-su lập ra để kết hợp hai người nam và nữ đã lãnh nhận phép Rửa Tội làm thành một cộng đoàn cho cả cuộc đời[52], và qua bí tích này mà Chúa Giê-su chúc lành cách đặc biệt cho họ.

Thông thường tất cả những người Công Giáo đều đến nhà thờ để cử hành thánh lễ hôn phối (nếu họ không bị ngăn trở), và linh mục người đại diện cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội, cho cộng đoàn Dân Chúa và cho cá nhân, chứng kiến và chúc lành cho đôi tân hôn để họ trở nên một cộng đoàn hợp pháp sống trong ân sủng của Thiên Chúa, và đây chính là điều kỳ diệu của bí tích Hôn Phối mà linh mục –mặc dù là người chứng kiến- nhưng có vai trò rất quan trọng trong thánh lễ Hôn Phối: quan trọng trước tiên là ngài cử hành thánh lễ, và trong thánh lễ ngài cầu xin Thiên Chúa đổ ơn lành xuống trên đôi tân hôn, để họ được chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình; quan trọng thứ hai là trong bái giảng, chính ngài giáo huấn, nhắc nhở động viên đôi tân hôn sống làm sao để trở thành một gia đình Nazaret thứ hai, nghĩa là sống yêu thương, hòa thuận và biết kiên nhẫn chịu đựng những khuyết điểm của nhau.

Có một vài linh mục khi giảng lễ hôn phối thì kể những chuyện cười cho vui, hoặc đọc lên những bài thơ tình để ca ngợi tình yêu, chẳng có gì là sai cả, nhưng không đi vào trọng tâm mục đích của thánh lễ hôn phối, là đem Lời Chúa áp dụng trong đời sống hôn nhân, để không những chỉ giảng cho đôi tân hôn mà thôi, nhưng còn là nhắc nhở, khuyến khích và giảng dạy cho những người đang hiện diện trong thánh lễ hôn phối ấy.

Là một Chúa Ki-tô thứ hai đang hiện trong thánh lễ hôn phối, cũng với đôi tay ấy -đôi tay đã được xức dầu thánh hiến- ngài làm phép đôi nhẫn cưới và chúc lành cho đôi tân hôn, để họ được tràn đầy ơn phúc của Chúa, sống hạnh phúc bên nhau cho đến bách niên giai lão.

LỜI KẾT

Em thân mến,
Trên đây là những suy tư và cảm nghiệm của anh về “Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai” mà anh đã chia sẻ với em, bởi vì em muốn sau này trở thành một linh mục tốt lành thánh thiện để phục vụ Chúa Giê-su nơi tha nhân, và để rao giảng Lời Chúa cho mọi người. Tất cả chia sẻ của anh trên đây chỉ là những cảm nghiệm nho nhỏ trong đời sống linh mục của anh, sau này, khi em được vào học trong Chủng Viện, hay trong một học viện của một dòng tu nào đó, thì em sẽ được dạy dỗ, được đọc những tác phẩm vĩ đại nói về thiên chức linh mục và sự cao quý của linh mục, thì em sẽ yêu mến thiên chức linh mục và thông cảm với các linh mục là những người đang ngày đêm canh giữ đàn chiên mình cho khỏi sói rừng là ma quỷ và những cám dỗ.

Ngay bây giờ, nếu em vẫn con ước vọng đi tu làm linh mục để phụng sự Thiên Chúa, thì em hãy tập sống như mình đã là linh mục, tức là tập cầu nguyện, tập đọc sách thiêng liêng, tập chia sẻ vật chất lẫn tinh thần, tập cách ăn nói khiêm tốn, tập có thái độ hiền hòa vui vẻ.v.v...bởi vì nếu khi em đã làm linh mục mà chưa có những kiến thức căn bản đó, thì chức linh mục của em chỉ là gánh nặng cho giáo dân của em mà thôi, và người ta chỉ thấy em làm linh mục là để thụ hưởng hơn là một mục tử tận tụy vì đàn chiên.

Anh thấy có một vài linh mục trẻ, đẹp trai, nhưng giáo dân lại không mấy thích các ngài, kể cả các bạn trẻ nam nữ, đó là điều “quái lạ” đối với anh, vì giáo dân nào lại không thích ông cha của mình trẻ trung đẹp trai chứ ? Lý do như sau:

-      Các ngài ăn mặc trau chuốt hơn cả thanh niên ngoài đời: tóc tai láng cón, áo quần luôn là (ủi) thẳng nếp như là luôn chuẩn bị đi ăn tiệc. “Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai” đâu cần phải trau chuốt như thế.

-      Các ngài ăn uống kén chọn hơn những công tử con nhà giàu có, giáo dân đem biếu thức ăn gì cũng lấy nhưng chê không hợp khẩu vị, thế là bỏ tủ lạnh vài ngày rồi...quăng thùng rác. “Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai” đâu phải như vậy.

-      Các ngài ăn nói thì như ông cụ non, tính tình thay đổi thất thường, vui đó giận đó. “Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai” đâu phải như vậy...

Ngay bây giờ em cố gắng tập sống bình dị với mọi người, thấy khuyết điểm nơi các linh mục thì tự nhủ mình sẽ không như vậy khi làm linh mục, có như thế con người em mới thăng tiến mỗi ngày.

“Linh mục, Chúa Ki-tô thứ hai” không phải là câu nói ba láp như những người có thành kiến với các linh mục đã phê bình, nhưng hể tất cả những ai có đức tin và lòng yêu mến Hội Thánh của Chúa Giê-su thì đều thấy nó có lý, khi họ suy tư về những công việc mà các linh mục đã làm cho chính linh hồn của họ. Chắc chắn bản thân các linh mục không phải là Chúa Ki-tô, nhưng nhờ bí tích Rửa Tội và bí tích Truyền Chức Thánh mà các ngài đã được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su khi cử hành các mầu nhiệm thánh, tức là dâng thánh lễ và ban các Bí Tích cho giáo hữu. Em phải tin điều đó, và suy tư thật nhiều về điều ấy, để biện minh, phản bác những ai cho rằng bí tích Truyền Chức Thánh chỉ là giai cấp thống trị mà Giáo Hội đặt ra để cai trị...

Sau cùng, anh nhắc lại cho em một lần nữa, em hãy cầu nguyện luôn để tìm hiểu thánh ý Chúa muốn em làm gì ? Nếu Ngài muốn em trở thành một linh mục thì em hãy sống thật xứng đáng là linh mục ngay từ bây giờ, trước khi làm linh mục; còn nếu Ngài muốn em sống bậc giáo dân, thì em hãy luôn yêu mến và kính trọng thiên chức linh mục, cũng như quý trọng các linh mục của Chúa Giê-su, và nhớ luôn luôn cầu nguyện cho các ngài, để các ngài luôn xứng đáng là một “Chúa Ki-tô thứ hai” của mọi người và cho mọi người. Em cũng nhớ luôn cầu nguyện cho anh.

Lạy Đức Chúa Giê-su linh mục,
vì yêu thương nhân loại tội lỗi
mà Chúa đã lập ra bí tích Truyền Chức Thánh,
để Giáo Hội Chúa được tồn tại đến khi Chúa lại đến,
để Giáo Hội tiếp tục sứ mạng cứu độ của Chúa
ở trần gian,
và để dâng lễ hi tế cứu chuộc
để thế gian, nhờ Giáo Hội Chúa
mà được hưởng những ơn lành Chúa ban cho.

Xin Chúa ban cho các linh mục của Chúa,
là những người mà Chúa đã chọn,
không phải để cai trị, nhưng là để phục vụ,
không phải để hưởng thụ, nhưng là để chia sẻ với tha nhân những vui buồn.

Xin ban cho các ngài có tâm hồn cao thượng,
Yêu thương và cảm thông,
để các ngài trở nên một “Chúa Ki-tô thứ hai” giữa đời và cho đời,
để các ngài đưa tay chúc phúc cho người bất hạnh,
nói lời an ủi với người khổ đau,
bênh vực những người bị áp bức,
để họ nhìn thấy Chúa,
trong mọi lời nói và việc làm của các ngài. Amen.

 
Lễ thánh I-nha-xi-ô
Bổn mạng Lm. Nghĩa Phụ.
31.7.2006
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



[1] SL về Chức Vụ và Đời Sống các linh mục, số 2.
[2] Mt 20, 16.
[3] Lc 2, 25-32.
[4] Lc 2, 29-32.
[5] Ga 15, 16.
[6] Dt 5, 5-6.
[7] Dt 1, 3b.
[8] Dt 2, 11a.
[9] Mt 10, 40.
[10] Gl 2, 20a.
[11] Ep 3, 8.
[12] Ga 13, 8b.
[13] Dt 4, 15.
[14] Dt 5, 6b.
[15] Sách Giáo lý công giáo, 1548.
[16] Lc 22, 19b.
[17] Tv 8, 5.
[18] Sách Giáo lý công giáo, 1582.
[19] Lc 22, 32b.
[20] Lời nguyện ban bí tích Truyền Chức Thánh của nghi lễ Bi-giăng-tin, Sách Giáo lý công giáo, 1587.
[21] Dt 3, 1b.
[22] 1 Pr 3, 18.
[23] Rm 8, 15b.
[24] Dt 5, 1.
[25] Sách Giáo lý công giáo, 1552.
[26] Kinh Tiền Tụng 3.
[27]CĐ Vat. II. Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 7.
[28] Kinh Sách, bài đọc 2, kính thánh Gioan Ca-pét-ra-nô linh mục.
[29] Ga 7, 18a.
[30] Mt 5, 1-12.
[31] Những người lữ hành trên đường hy vọng, trang 149.
[32] Xh 17, 11-12.
[33] Ga 3, 14-15.
[34] Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 59.
[35] Sách Giáo lý Công Giáo, số 1213.
[36] Sách GLCG, số 1316.
[37] Sách GLCG, số 1314.
[38] Sắc lệnh Truyền Giáo, số 39.
[39] Giáo luật, điều 883, 2&3.
[40] Đường Hy Vọng 377.
[41] Mt 16, 19.
[42] Gc 5, 14-15.
[43] Sách GLCG số 1516.
[44] Mt 8, 5-13.
[45] Sách GLCG số 1536.
[46] Ga 3, 17.
[47] Ga 10, 28.
[48] Ga 10, 11.
[49] Ga 10, 16.
[50] Mc 26, 26-28.
[51] Sách GLCG số 1564.
[52] Sách GLCG số 1601.