Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Lời hay của Cống Phụ


LỜI HAY CỦA CỐNG PHỤ
Trước đây, các sĩ đại phu rất thích nói về thuỷ lợi, có người nói nên rút sạch nước ở Lương Sơn Bạc, đem nó biến thành ruộng trồng lúa.
Có người hỏi ông ta:
-         “Lương Sơn Bạc là một cái đầm hoang dại thời cổ đại, diện tích hơn mấy trăm cây số, nếu bây giờ rút sạch nước của nó để làm ruộng, nhưng đến giữa mùa thu và hè, nước sông dâng lên, thì đem nó chứa vào chỗ nào ?”
May mắn có Liễu Cống Phụ ở nhà, ông ta chậm rãi nói:
-         “Có quan hệ gì chuyện đó, chỉ cần đào một bên Lương Sơn Bạc cái hồ lớn, diện tích lớn nhỏ giống y như Lương Sơn Bạc, thì làm gì mà không chứa nổi mấy thể tích nước ấy chứ ?”
Mọi người đều cười to lên, người nói nên cải tạo Lương Sơn Bạc, chút xíu nữa thì không đất để chui xuống.
                          (Mẫn Thuỷ Yến đàm lục)

Suy tư:
Công đào một cái hồ lớn tương đương với Lương Sơn Bạc thì chẳng khác chi công rút hết nước ở trong đầm Lương Sơn Bạc, rất khó khăn và tốn kém, nhưng chưa chắc đã làm được. Ý của Liễu Cống Phụ là không thể nào làm được chuyện rút hết nước trong đầm Lương Sơn Bạc để làm ruộng vườn.
Với con người thì không thể được, nhưng với Thiên Chúa thì dễ như...ăn cháo.
Chúng ta thường bi quan khi thấy những người say đắm trong tội, và thường cho rằng họ “hết thuốc chữa”; chúng ta cũng thường than thở thanh niên nam nữ thời nay chỉ biết hưởng thụ, sống thác loạn và “hết thuốc chữa”...
Không ai “hết thuốc chữa” như thánh Âu-gút-tin, không ai “hết thuốc chữa” như bà Ma-ri-a Mác-đa-la, như anh trộm bị đóng đinh bên hữu Đức Chúa Giê-su trên núi Sọ, và còn biết bao nhiêu mảnh đời “hết thuốc chữa” nữa. Nhưng chính những con người này đã trở thành mẫu mực cho chúng ta khi họ trở lại với Chúa và sống trong ơn nghĩa của Ngài.
Có nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta cứ đòi hỏi người khác phải theo chuẩn mực đạo đức như mình, cho nên chúng ta thường bi quan trước vấn đề đạo đức của người khác, mà không hiểu rằng, mỗi người là một hoàn cảnh cuộc sống không ai giống ai, và như thế mới thấy rõ tình yêu của Chúa thực hiện trên mỗi người.

Với chúng ta thì không thể cảm hoá một con người, bởi vì chúng ta chỉ nhìn thấy cái khuyết điểm của họ, nhưng với Thiên Chúa thì cái gì cũng có thể, bởi vì Thiên Chúa luôn nhìn thấy những ưu điểm của họ, bởi vì nơi Thiên Chúa không có thiên vị mà chỉ có yêu thương và tha thứ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư