CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN
Tin mừng : Lc 14, 25-33.
“Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể
làm môn đệ tôi được.”
Bạn thân mến,
Muốn làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su thì phải từ bỏ mọi
sự, đó là một lựa chọn dứt khoát mà Đức Chúa Giê-su đã không ngần ngại tuyên bố
với những người muốn theo Ngài. “Từ bỏ những gì mình có” –theo quan niệm của
giáo dân- thì chỉ có những người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa mới từ bỏ mà thôi,
còn giáo dân thì từ bỏ cũng tốt mà không từ bỏ thì cũng chẳng sao, phải vậy
không ?
Người phải từ bỏ những gì mình có trước hết chính là
những môn đệ của Đức Chúa Giê-su, tức là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội,
không phân biệt ai là người đi tu hoặc không đi tu, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã
nói câu này trong bối cảnh có rất
đông người cùng đi đường với Ngài[1]
(Lc 14, 25) và “trong anh em bất luận là
ai không từ bỏ hết những gì mình có…”[2](Lc
14, 33) chắc chắn trong số những người này vừa có các tông đồ vừa có những
người hâm mộ lời của Ngài giảng dạy, cho nên không thể tách biệt người phải từ
bỏ và người không từ bỏ ra hai bên.
1.
Từ bỏ mọi sự những gì mình có.
Giáo dân hay linh mục, tu sĩ nam nữ đều có bổn phận từ
bỏ mọi sự để vác thập giá đi theo Đức Chúa Giê-su, đó không còn là lời khuyên nữa
nhưng là mệnh lệnh.
Từ bỏ và vác thập giá phải đi đôi với nhau, bởi vì khi
từ bỏ là bạn và tôi phải hy sinh: từ bỏ ăn sung mặc sướng tức là hy sinh không
hưởng thụ; từ bỏ của cải thế gian tức là hy sinh không bon chen kiếm tiền kiểu
đầu tắt mặt tối, mà quên mất nghĩa vụ và bổn phận của người Ki-tô hữu; từ bỏ
thú vui do danh vọng đưa đến, tức là hy sinh sống như không có quyền lực danh vọng.
2. Tử bỏ là vác thập
giá ?
Có một vài linh mục địa phận (triều) nghĩ rằng: mình
chỉ hứa vâng lời giám mục của mình mà thôi, còn sống khó nghèo là của các cha
dòng (tu sĩ), do đó tuy không giàu có như những đại gia, nhưng các linh mục đa phần
là có tiền bạc, rất ít các linh mục địa phận nghèo khó và sống nghèo, cho nên
cái mà linh mục phải từ bỏ trước tiên chính là tiền bạc, để các ngài được thong
dong rao giảng sự nghèo khó mà không bị chống đối, dĩ nhiên đó là cách giảng Lời
Chúa hay nhất cho giáo dân trong thời đại ngày nay.
Cái mà các tu sĩ nam nữ phải từ bỏ chính là cái tôi
kiêu ngạo của mình, bởi vì có một số các tu sĩ nam nữ -đôi lúc- coi giáo dân
như là “công dân hạng thứ trong trong Giáo Hội”, nên có những thái độ và lời
nói không mấy khiêm tốn với họ, và như thế việc truyền giáo sẽ không được thuận
buồm xuôi gió…
Từ bỏ tức là vác thập giá, nếu các mục tử của Chúa biết
vui với người vui và khóc với người khóc, thì đích thị mỗi vị mục tử là mỗi chứng
nhân sáng chói nhất của Tin Mừng.
Bạn thân mến,
Còn chúng ta là những giáo dân thì từ bỏ những gì ? Bởi
vì giáo dân cũng là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, cho nên chúng ta cũng phải từ bỏ
những gì mà Ngài muốn chúng ta từ bỏ .
Từ bỏ cái tôi kiêu ngạo để khiêm tốn chấp nhận thói
quen xấc láo của anh em, thì cũng là vác thập giá mình; từ bỏ thói quen phê
bình người khác để nói lời thông cảm, là hy sinh để được người anh em; từ bỏ
thói quen giận dữ với người khác, để hiền lành vác thập giá theo Đức Chúa
Giê-su…
Đem cái áo mới mua, đem một số tiền bạc cho người khác
thì dễ, nhưng đem cái mình quý nhất cho người khác thì rất khó, cái mình quý nhất
là mạng sống, là cái tôi muốn hưởng thụ trong một xã hội dư thừa vật chất…
Từ bỏ mình cũng là đồng thời vác thập giá mình mà theo
Đức Chúa Giê-su, nếu từ bỏ mà không muốn vác thập giá thì chưa trọn vẹn trở nên
môn đệ của Ngài, cũng như chưa thật sự là anh em bạn hữu của mọi người…
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.