CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
Tin mừng : Lc 14, 1.7-14.
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Anh chị em thân mến,
Con người ta ai cũng có sĩ diện, chức quyền càng cao thì
sĩ diện càng lớn, sĩ diện càng lớn thì nhân cách lại nhỏ đi, cuối cùng trở
thành một kẻ kiêu ngạo làm trò cười cho thiên hạ.
Đức Chúa Giê-su không những là Thiên Chúa làm người,
là Cứu Chúa và là thầy của của nhân loại, mà Ngài còn là nhà tâm lý dạy cho
chúng ta những bài học về cách đối xử với nhau trong cuộc sống hằng ngày, mà trong
bài Tin Mừng hôm nay, chính Ngài đã dạy cho chúng ta hãy sống khiêm tốn với
nhau trong cuộc sống đời thường.
1. Khiêm tốn khi được làm khách
danh dự tiệc
Ở đời, ai cũng có một lúc nào đó được mời đi dự tiệc,
và ai cũng thích được người khác chú ý đến mình trong bữa tiệc, địa vị càng cao
thì càng thích người khác biết đến, càng được nhiều người biết đến thì càng
hãnh diện và cảm thấy mình là người quan trọng, đó chính là mầm móng của kiêu ngạo.
Đức Chúa Giê-su khuyên bảo chúng ta khi được người
khác mời đi dự tiệc thì hãy chọn chỗ ngồi cuối trong bàn ăn, là để cho chúng ta
thấy giá trị đích thực của khiêm tốn không phải là nơi dáng vẻ bên ngoài, nhưng
là tâm tình bên trong của một tâm hồn không
coi địa vị như là một bàn đạp để hãnh tiến, nhưng coi địa vị như một công cụ để
phục vụ tha nhân, chứ không phải là để ăn trên ngồi trước.
Địa vị tự nó không phải là một bức tường ngăn trở chúng
ta đến với Thiên Chúa và với tha nhân, nhưng chính thái độ của chúng ta làm cho
địa vị như là một hố sâu ngăn cách giữa mình với tha nhân, đó là thái độ kiêu
ngạo kẻ cả của mình khi xuất hiện giữa đám đông, chẳng hạn như khi được mời
tham dự các cuộc ăn uống hay những cuộc hội họp của những người khác.
Có những người tranh giành chỗ ngồi nhất trong bàn tiệc,
những người dự tiệc khác cũng đã làm như thế, bởi vì ai cũng coi sĩ diện của
mình lớn hơn nhân cách của người khác.
2.
Khiêm tốn đích thực
Đức Chúa Giê-su tận mắt chứng kiến cảnh người ta đi dự
tiệc tranh giành nhau để ngồi chỗ trên, Ngài không muốn các môn đệ của mình làm
như thế khi được mời dự tiệc, nhưng Ngài muốn dạy các môn đệ và chúng ta sống
có nhân bản hơn trong cuộc sống đời thường, cái nhân bản ấy chính là sống hài
hòa với mọi người, cho dù mình có địa vị và chức vụ cao trong xã hội hay trong
Giáo Hội.
Cái mà Đức Chúa Giê-su đề cập đến chính là “tự nhắc
mình lên” của con người, bởi vì khi tự mình nhắc mình lên thì không những không
có giá trị gì, mà lại còn trở thành kiêu căng lố bịch trước mặt mọi người, và
như thế phẩm cách của họ cũng theo đó mà bị hạ xuống. Người có tâm hồn khiêm tốn
đích thực thì dù được ngồi ở trên, hay ngồi ở cuối cùng thì vẫn là người khiêm
tốn, bởi vì sự khiêm tốn không hệ tại nơi chỗ ngồi rốt cùng hay ngồi chỗ cao hết
trong bữa tiệc, bởi vì có khi ngồi bàn cuối cùng nhưng tâm hồn thì khiêu ngạo phàn
nàn oán trách chủ nhà không nể mình.
Có địa vị hay không có địa vị thì người khiêm tốn vẫn
cứ là người khiêm tốn, ngồi trên bàn cao hay ngồi bàn dưới bàn thấp thì vẫn cứ
là người khiêm tốn như thường, bởi vì sự khiêm tốn chính là học được bài học từ
nơi Thập Giá của Đức Chúa Giê-su, tức là sự hy sinh bỏ mình, và cũng là học khiêm
tốn từ nơi bàn tiệc Thánh Thể trên bàn thờ mỗi ngày khi dâng thánh lễ, đó là
yêu thương và khiêm tốn.
Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta cần có sự khiêm tốn khi
được bạn hữu mời đi ăn tiệc, chính là Ngài nhắm đến bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày
mà chúng ta tham dự, đó là thánh lễ Mi sa. Nơi bàn tiệc thánh này, cái cần phải
có của chúng ta là sự khiêm tốn “chọn chỗ rốt hèn” như chính Đức Chúa Giê-su đã
hết sức khiêm hạ trở nên tấm bánh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
Nơi bàn tiệc thánh này sự khiêm tốn càng nổi nét hơn,
khi mỗi người trong chúng ta biết khiêm tốn phục vụ tha nhân sau khi tham dự
bàn tiệc thánh trên bàn thờ.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.