Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


66.   ĐẾN VIẾNG (TANG) CHÚC VUI

        Giải học sĩ đi đến viếng vợ của một người bạn mới chết, vừa tiến vào cửa liền hét lớn:

-      “Chúc mừng, chúc mừng.”

Hét xong liền nói:

-         “Tứ đức không thiếu, thất xuất[1] hoàn bị, tiếng hô ai tai, đại cát đại lợi”.

        Mọi người nghe được liền cười lớn, bởi vì người đàn bà chết này lúc còn sống thì rất là hung hãn đanh đá.

                                                        (Tân thoại chích tuý)

 

Suy tư 66:

        Không ai đi phúng điếu mà nói lời chúc mừng, nhưng thường là nói: thành thật chia buồn cùng gia quyến, cũng không ai gởi điện văn chia buồn mà nói: xin chúc mừng vì bà cụ (ông cụ, ...) đã qua đời...

        Nhưng tất cả đều chia sẻ nỗi buồn cùng tang quyến, đó là sự thường tình của nhân loại...

        Có một vài linh mục hoặc là những người có học và nghiên cứu thêm giáo lý, đã viết trong thiệp báo tin mẹ mình chết như sau :

“Xin hân hoan báo tin cùng....

Mẹ tôi đã được Chúa gọi về sum họp với Ngài trên thiên đàng...”

        Đức tin dạy cho chúng ta biết chết không phải là hết, nhưng là bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống mới này một là ở trên thiên đàng hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, hai là ở trong hoả ngục để đời đời chịu phạt với ma quỷ...ai mà biết được, chỉ có Chúa biết mà thôi.

        Chúng ta tin là như thế và nó sẽ như thế, nhưng cũng đừng quên chúng ta cũng là những con người chứ không phải là thần thánh, và những người mà chúng ta báo tin cũng có những người không phải cùng tôn giáo, người hàng xóm cũng không phải là người công giáo mà chúng ta “báo tin vui” khi mẹ bố mẹ mình chết, thì là phản tác dụng truyền giáo. Hơn nữa đã làm người thì có tử biệt sinh ly, nghĩa là sẽ rất đau buồn khi người thân yêu nhất của mình qua đời.

Người có đức tin là người biết hy vọng vào sự sống lại mai sau và đồng thời cũng rất đau buồn khi mất đi người thân yêu...

        Không ai nhìn thấy đức tin của anh cả, nhưng người ta sẽ cười khi anh báo “tin vui” mẹ anh đã qua đời; không ai cười niềm tin xác loài người sẽ sống lại của anh, nhưng người ta sẽ khó chịu vì anh không bày tỏ một sự đau khổ nào khi người thân yêu của anh mất đi...

        Biểu dương niềm tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại không phải là “báo tin vui” mẹ hoặc là người thân đã chết, nhưng chính là cầu nguyện và dâng lễ thật sốt sắng cho người thân yêu đã qua đời, anh chị em trong gia đình sống hòa thuận yêu thương nhau, đó chính là cách làm chứng và biểu dương niềm tin sống lại vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Thời phong kiến, chồng muốn bỏ vợ thì phải có bảy điều kiện.