Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


23.          PHÚ ÔNG LÀM TRÂU

Đầy tớ của người hàng xóm đưa cho phú ông một mảnh giấy, phú ông một chữ cũng không biết đọc, nhưng vì đang tiếp khách ở trong nhà và vì sĩ diện, nên làm bộ ra vẻ quan trọng cầm tờ giấy ấy để coi.

Ông khách ấy rất tinh mắt, nên nhìn là biết ngay trang giấy ấy viết xin mượn trâu:

-         “Xin mượn một con trâu để dùng, ngày mai sẽ trả lại.”

Chủ nhân coi xong thì bỏ tờ giấy vào trong túi áo, nói với đầy tớ:

-         “Biết rồi, chủ nhân nhà ngươi muốn ta đi, đợi chút ta sẽ tự mình đến.”

Ông khách vội vàng bụm miệng mà cười.

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 23:

Ai cũng nghiệm thấy rằng không biết chữ thật là khổ, khổ mọi thứ, nhất là ở nước ngoài mà không biết chữ của dân địa phương thì khổ vô cùng, đi lạc đường mà không biết chữ thì chẳng biết hỏi ai, hoặc bảng chỉ đường dù to bự chảng cắm trước mặt cũng không biết đường mà đi, không biết chữ thì khổ lắm.

Càng giàu có thì càng phải biết chữ bởi nếu không thì có khi người ta viết thư hăm dọa đòi tiền thì cứ tưởng là người ta mời...đi nhậu, có mà chết sớm; hoặc làm ông này ông nọ mà chỉ biết một chữ ký tên của mình không thôi thì cũng khổ, bởi vì lỡ có cấp trên viết giấy hẹn báo cáo hoặc viết thư riêng mà cứ là tưởng cấp trên mời đi hát ka-ra ô-kê thì có nước mà bị cười cho nhức đầu...

Có một vài người Ki-tô hữu có tính hay khoe khoang: khoe khoang mình mỗi ngày đều có đi lễ nhưng không biết thánh lễ hôm nay cha chủ tế giảng gì; khoe khoang mình thường hay làm việc bác ái giúp đỡ người nghèo, nhưng chỉ được cái miệng nói còn việc làm cụ thể thì không thấy; khoe khoang mình đọc nhiều sách nói về tu đức nhưng cuộc sống thì giống như người ngoại...

Không biết chữ thì làm thân...trâu ngựa tức là chỉ có đi làm đầy tớ đã đành, nhưng thời nay có nhiều người biết chữ nhưng đi làm tội nhân, bởi họ vì ăn cắp chữ nghĩa của người khác làm của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)