Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Ông Biên Thiều

ÔNG BIÊN THIỀU
 
 

     Thời đông Hán Hoàn đế, có một người dạy học tên là Biên Thiều, rất có tài nghệ, nhưng rất thích ngủ gục.

     Bởi vì rất mập nên da bụng gấp lại, hành động chậm chạp, tóm lại là dáng vẻ rất mệt nhọc, cho nên các học trò thường cười thầm ông ta.

     Một hôm, Biên Thiều giảng một bài dài nên mệt đứ người, bèn để cho học trò ôm sách đi về, còn mình thì nhắm mắt mà ngủ, tiếng ngáy rất lớn. Học trò bèn tặng cho ông ta một câu vè:“Biên hiếu (tổ) tiên, bụng béo phệ, biếng đọc sách, nhưng ham ngủ”.

     Tiếng cười của học trò làm cho ông thức giấc, sau khi thức dậy thì ông vừa đi vừa suy nghĩ, và nhanh chóng ngâm một câu vè:“Biên là họ, hiếu là chữ, bụng cứng cứng, ngũ kinh hộp, nhưng ham ngủ, nghĩ việc qua…”. Bọn học trò đều kinh sợ, thầy giáo xuất khẩu thành chương, đặt vè và cũng để dạy người !

     Mấy học trò chơi khăm ấy mặt mày đỏ ửng vì xấu hổ, ngoan ngoãn ngồi học bài.
(Hậu Hán thư)

Suy tư:

     Hồi còn nhỏ, đi học tiểu học trường làng do các dì phước dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (dòng Phú Xuân- Huế) dạy, tôi bị dì phước dạy lớp năm quất mười roi giữa sân cột cờ, và ba roi trong lớp vì tội nghịch và phá, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện phá phách và bị ăn đòn ấy. Mà lạ thật, tôi không hề giận dì phước ấy như giận các dì phước khác, càng lớn lên, càng thấy mình bị ăn đòn là...xứng đáng. Khi tôi về lại thăm quê hương dâng lễ mở tay ở làng quê, dì phước ấy đến dự và tặng tôi một áo alba thêu hoa văn rất đẹp, nói: “Mặc dâng lễ để nhớ cầu nguyện cho chị”. Đúng là...dì phước.

     Học trò là học trò, thầy cô là thầy cô, phân biệt rất rõ ràng. Thầy cô là người đem lại tri thức cho chúng ta, công ơn chẳng khác chi cha mẹ. Vậy mà, có những học sinh chận đánh thầy cô giữa đường, có những học trò chơi “oai” hơn đó là “thuê” ba má mắng vốn và chửi thầy cô, bôi nhọ thầy cô, những ba má này quên mất mình là ai, là con của con mình hay là dân đánh thuê chém mướn... và những học trò như thế, chắc chắn sẽ là mối nguy cho đất nước và cho gia đình.

     Thiên Chúa không sai lầm khi ban quyền dạy dỗ cho các thầy cô giáo, Ngài không trực tiếp truyền tri thức và kiến thức cho nhân loại, nhưng thông qua những thầy cô giáo dạy chúng ta biết thế nào là sự vận chuyển của vũ trụ, biết thế nào là kính trên nhường dưới, biết thế nào là nên người công dân tốt. Do đó mà câu “tôn sư trọng đạo” có lẽ cũng cần phải xê xích ngang hàng “thảo kính cha mẹ”, bên “tám lạng bên mười cân” đều quan trọng như nhau.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư