CHÚA
NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN
Tin mừng :
Lc18, 1-8
“Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn,
ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài”
Anh chị em thân mến,
Cầu nguyện là hơi
thở của người Ki-tô hữu, không cầu nguyện thì coi như linh hồn đã chết, cầu
nguyện không chuyên tâm thì coi như linh hồn bị bệnh, không thích cầu nguyện
thì giống như linh hồn không tập thể dục lâu ngày sẽ sinh ra bệnh hoạn.
Đức Chúa Giê-su
trong bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta khi cầu nguyện cần phải kiên tâm nhẫn nại
và tin tưởng, giống như người đàn bà góa trong dụ ngôn của Ngài mà chúng ta vừa
nghe.
Cầu nguyện phải có hy sinh
Ông Môi-sê cầu nguyện
khi dân Ít-ra-en đánh nhau với dân A-ma-lec, mỗi lần Môi-sê giơ tay lên thì dân
Ít-ra-en thắng, khi nào ông Môi-sê vì mỏi mà bỏ tay xuống thì dân Ít-ra-en bị
thua (Xh 17, 8-12). Ông Môi-sê đã cầu nguyện bằng tâm và hy sinh
bằng hành động giơ hai tay lên trong tư thế cầu xin, sự thắng trận của dân
Ít-ra-en –nói được là- tùy thuộc vào lời cầu nguyện và hy sinh của ông Môi-sê.
Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều lời cầu xin với Thiên Chúa, nhưng lời cầu
xin của chúng ta –có những lúc- không phù hợp cho linh hồn của mình nên chưa được
Thiên Chúa nhậm lời; hoặc lời cầu nguyện của chúng ta không thấm nhuần đức tin,
chỉ biết cầu xin mà không có hy sinh, hy sinh và cầu nguyện cần phải đi đôi với
nhau.
Cầu nguyện phải kiên tâm nhẫn
nại
Bà góa đã nhiều lần cầu xin ông quan “không biết sợ trời sợ đất’’ giải
quyết nổi oan cho bà, nhưng không được ông ta giải quyết, bà không bỏ cuộc và cứ
gõ cửa nhà quan xin đòi lại sự công bình cho bà, cuối cùng bà ta được mãn nguyện.
Không phải ông quan là người mau mắn vì dân mà phục vụ, nhưng vì sợ bà lão quấy
rầy nên giải quyết vụ án cho bà.
Chúng ta cầu nguyện nhưng không có kiên tâm bền chí, bởi vì chúng ta chỉ
biết có cầu xin vật chất là những thứ mà chúng ta muốn Thiên Chúa phải thực hiện
ngay sau khi cầu xin, mà không cầu xin cho được rỗi linh hồn và sống như ý
Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa là chủ vũ trụ, Ngài sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của
chúng ta, nhưng trước hết chúng ta phải tìm thấy ý của Thiên Chúa trong lời cầu
xin của mình, đó là lắng nghe Lời Chúa dạy qua sự im lặng của Ngài sau khi
chúng ta cầu nguyện, và kiên tâm tìm ý của Ngài muốn chúng ta làm gì ?
Cầu nguyện cho nhau
Môi-sê đã hy sinh để cầu nguyện cho dân Ít-ra-en thắng trận, lời cầu
nguyện này có sự đóng góp của ông A-a-ron và ông Khu-a (hai người đỡ hai tay
ông Môi-sê) để ông được hoàn thành sứ mệnh cầu nguyện (Xh 17, 12).
Thánh Phao-lô tông đồ xác tín rằng, trong Đức Chúa Giê-su, chúng ta đều
là anh em chị em với nhau, do đó lời cầu nguyện của người này dành cho người
kia, trước mặt Thiên Chúa vẫn là lời cầu nguyện có thế giá nhất, bởi vì khi
chúng ta làm như thế là chúng ta đã noi gương Đức Chúa Giê-su vì Ngài đã cầu
nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất, cầu nguyện cho những người giết mình, cầu
nguyện cho những người vô ơn phụ nghĩa. Do đó, khi chúng ta hy sinh và cầu nguyện
cho tha nhân là chúng ta đã sống trong hiệp nhất của Đức Chúa Giê-su đã dạy.
Anh chị em thân mến,
Kiên tâm khi cầu nguyện, hy sinh khi cầu nguyện và cầu nguyện cho nhau
là chứng từ mạnh mẽ nhất về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm
ấy đang hiện diện sống động trong tâm hồn và trong cuộc sống của người mỗi người
Ki-tô hữu.
Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta phải biết kiên nhẫn khi cầu nguyện là để
chúng ta biết nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, nhưng thực tế là khi chúng ta chỉ
mới cầu nguyện mấy phút thì đã than mệt, mới ngồi mấy phút đã kêu là nóng, mới
quỳ mấy giây đã rên là mỏi chân…
Với thái độ như thế thì chúng ta chỉ có nhiều “khả năng” thất bại, bởi
vì chúng ta không đặt mình vào vị thế mình là loại thụ tạo để cầu nguyện, mà đặt
mình vào vị thế của đấng tạo dựng, nên không lạ gì chúng ta trở về tay không
sau khi cầu nguyện…
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.