CHÚA
NHẬT
LỄ
ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA
(Chúa nhật I thường niên)
Tin mừng : Mt
3, 13-17
“Chịu phép rửa
xong, Đức Chúa Giê-su thấy Thần Khí Thiên Chúa
ngự trên Người”.
Anh
chị em thân mến,
Mùa
giáng sinh sẽ chấm dứt sau chủ nhật lễ Đức Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, cũng có
nghĩa là Ngài đã công khai đi rao giảng tin mừng Nước Trời với sự chứng nhận của
Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Với biến cố này, tôi chia sẻ với anh chị em mấy điểm
sau đây :
1.
Khiêm tốn
của thánh Gioan Tẩy Giả.
Một
con người xuất hiện giữa lúc dân chúng mòn mỏi trông mong đấng cứu thế đến để
giải thoát họ khỏi ách đô hộ của ngoại bang, người ta cho rằng ông Gioan Tẩy Giả
là vị đại tiên tri mà các tiên tri đã loan báo, là người mà dân Do Thái trông đợi,
và người ta đã ùn ùn kéo đến để nghe lời ngài giảng dạy, chịu phép rửa của ngài
để tỏ lòng thống hối ăn năn.
Khi
mà cao trào ngưỡng mộ của quần chúng muốn tôn vinh ông lên cao, thì ông đã thẳng
thắn nói với họ rằng ông không phải là Đấng Mê-si-a; và rõ ràng nhất là trong sự
đối thoại của ông với Đức Chúa Giê-su khi Ngài đến để xin ông làm phép rửa: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa,
thế mà Ngài lại đến với tôi !”- Sự khiêm tốn này của thánh Gioan Tẩy Giả đã
được Thiên Chúa chọn làm người dọn đường cho Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a phải
đến.
Người
khiêm tốn là người luôn nhận thức sâu xa về sứ vụ và trách nhiệm của mình, dù
cho ánh hào quang thành công của mình đang tỏa sáng nơi quần chúng. Thánh Gioan
Tẩy Giả đã có sự khiêm tốn ấy nên Thiên Chúa đã chọn Ngài giữa muôn ngàn người
làm người tiền hô của Đấng Cứu Thế.
2.
Khiêm tốn
của Đức Chúa Giê-su.
Là
Con Thiên Chúa, là Đấng Mê-si-a mà muôn dân trông đợi từng giây từng phút, Đức Chúa
Giê-su đã đến không như vị quân vương oai hùng trên lưng ngựa, nhưng như tất cả
những người thanh niên Do thái khác kéo đến sông Gio-đan xin ông Gioan T ẩy Giả làm phép rửa,
không ầm ĩ, không kèn trống, không có người dẹp đường và tiếng hô vang, Đức Chúa
Giê-su đã âm thầm xuống nước cúi đầu để ông Gioan Tẩy Giả dìm trong nước bày tỏ
sự thống hối ăn năn, dù Ngài không vướng tội nào.
Sự
khiêm tốn này được thấy rõ nhất nơi hang đá Bê-lem: Con Thiên Chúa bỏ trời xuống
thế, vinh quang biến thành tầm thường, Đấng tạo dựng trở thành tạo vật, Đấng cứu
độ lại trở thành như kẻ tội nhân khi nhận phép rửa nơi sông Gio-đan, và cuối
cùng thì chết trên thập giá. Đó là sự khiêm tốn mà chính các thiên thần cũng
còn phải ngạc nhiên và sấp mình kính phục, vang tiếng ngợi khen; sự khiêm tốn
này làm cho ma quỷ phải kinh sợ và hoài nghi: đây có phải là Đấng sẽ đến để
đánh đổ quyền lực tội lỗi của mình chăng ?
Sự
khiêm tốn này đã trở thành nền tảng cho nhân loại trên con đường cứu rỗi, và là
nền tảng hòa bình lâu dài của con người, bởi vì ân sủng của Thiên Chúa chỉ ở nơi
tâm hồn của những người khiêm tốn.
Anh
chị em thân mến,
Làm chứng nhân cho Nước Trời
là sứ mạng và là
bổn phận của những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đó là một vinh dự và là một
niềm tự hào cho chúng ta.
Nhưng
để được Thiên Chúa sáng danh trong cuộc sống của mình, mỗi người chúng ta phải
là một chứng nhân cho Tin Mừng mà Đức Chúa Giê-su rao giảng, Tin Mừng đó là sống yêu thương và hy sinh như chính Đức
Chúa Giê-su đã sống, bởi vì sẽ không là Tin Mừng nếu chúng ta không sống yêu
thương, và sẽ không là niềm vui cho tha nhân nếu chúng ta không biết hy sinh
chính mình, Đức Chúa Giê-su và thánh Gioan Tẩy Giả đã làm như thế khi ở nơi
sông Gio-đan: quên mình đi để danh Thiên Chúa được vinh quang.
Xin
Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.