Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Lễ Mẹ Thiên Chúa



 Ngày 1 tháng 1


LỄ ĐỨC MA-RI-A MẸ THIÊN CHÚA

Tin Mừng: Lc 2, 16-21.
“Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su”.

Anh chị em thân mến,
Công đồng Ê-phê-sô (năm 431) đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã chọn Đức Mẹ làm mẹ của Đấng cứu thế là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời đề cao vai trò của Mẹ trong trong việc đồng công cứu chuộc loài người với con mình là Đức Chúa Giê-su.
1. Đức Chúa Giê-su- Thiên Chúa làm người.
Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi cung lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, do đó Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người như chúng ta, chính Ngài là Đấng Mê-si-a mà muôn dân trông đợi, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là Đấng sẽ đến để cứu nhân loại khỏi bóng đêm tội. Chính Ngài trong bản tính Thiên Chúa thì là Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Đức Cha và Đức Chúa Thánh Thần, trong bản tính nhân loại thì Ngài là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a mà công đồng Ni-xê-a (325) đã long trọng tuyên bố và xác tín, và mỗi ngày chúa nhật hay lễ trọng, chúng ta đều tuyên xưng trong thánh lễ.
Đức Chúa Giê-su là Đấng mà thánh Gioan Tiền Hô đã nói: “Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi” (Ga 1, 30b), cũng có nghĩa là với bản tính loài người Đức Chúa Giê-su sinh sau thánh Gioan Tiền Hô, nhưng với bản tính Thiên Chúa thì Ngài đã có trước thánh Gioan Tiền Hô. Và như thánh Gioan tông đồ đã xác quyết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.(Ga 1, 1) ngài đã xác tín Đức Chúa Giê-su là Ngôi Lời tức là Thiên Chúa.
Như vậy, với các chứng cớ xác thực trên thì Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài thật sự là con duy nhất của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, do đó Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Ngài và cũng là Mẹ Thiên Chúa.
2. Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa
Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ, nhưng việc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su là một hồng phúc cho nhân loại, vì qua Ngài mà nhân loại thấy được Thiên Chúa vốn không một ai có thể thấy, qua Ngài chúng ta thấy được tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta.
Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Chúa Giê-su, cho nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời tiên tri I-sai-a đã loan báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Is 7, 14) Đấng Em-ma-nu-en ấy chính là Đức Chúa Giê-su, được Đức Mẹ Ma-ri-a sinh hạ trong hang lừa máng cỏ tại Bê-lem. Chỉ có làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a mới ghi nhớ trong lòng những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực trên con người của Mẹ, và nhất là nơi những lời nói và việc làm của Đức Chúa Giê-su như lời thánh Lu-ca đã viết: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19)
3. Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ của chúng ta
Thánh Gioan tông đồ, người đã tận mắt chứng kiến cái chết của Đức Chúa Giê-su đã tường thuật lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con cùa Bà”, rồi Người nói với môn đệ (thánh Gioan tông đồ): “Đây là mẹ của anh”, kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26-27)
Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ sinh ra mình, nhưng chúng ta lại càng diễm phúc hơn khi có một người mẹ trên trời hằng yêu thương chăm sóc chúng ta, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không những là mẹ mà còn là Đấng cầu bàu cho chúng ta rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ, bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, huống hồ là Đức Mẹ Ma-ri-a, với tấm lòng người mẹ, nhất định Mẹ sẽ không bao giờ để con cái mình phải bơ vơ đau khổ ở đời này.
Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa, là chúng ta trân trọng công việc cộng tác với Đức Chúa Giê-su để cứu chuộc loài người nơi Mẹ, là chúng ta tôn vinh Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ của Ngài, và là kho tàng mọi ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại.
Mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn học hỏi các gương lành của Mẹ, nhất là nhân đức khiêm tốn và vâng phục, chính hai nhân đức này mà Thiên Chúa đã nhắc Mẹ lên tận trời cao trên các thiên thần, và ưu ái đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Lễ Thánh Gia Thất

 



LỄ THÁNH GIA THẤT

Tin mừng: Mt 2, 13-15; 19-23.
“Hãy đem Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai-cập.”

Bạn thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Thánh Gia Thất: thánh cả Giu-se, Đức Mẹ Ma-ri-a và Đức Chúa Giê-su. Đây là một gia đình gương mẫu của mọi gia đình trên thế giới, là nơi xuất phát tình yêu, hạnh phúc và phục vụ.

1. Gia đình là nơi xuất phát tình yêu.
Điểm đầu tiên để có một gia đình hạnh phúc là tình yêu, từ tình yêu nam nữ đến tình yêu vợ chồng, và được kết hợp hài hòa trong tình yêu gia đình giữa cha mẹ và con cái. Khi tình yêu này nguội lạnh thì gia đình sẽ buốt, khi tình yêu này không còn hai nên một thì gia đình sẽ tan vỡ và con cái sẽ là những miếng mồi ngon cho ma quỷ và tội lỗi.
Một gia đình hạnh phúc thì ở đâu trong gia đình cũng đều có dấu ấn hy sinh của chồng vợ, ở đâu trên con của mình cũng đều có dấu ấn hy sinh của cha mẹ. Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta đều thấy rõ diều ấy nơi thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a.

2. Gia đình là nơi nuôi dưỡng và phát huy hạnh phúc.
Nhìn vào trong máng cỏ, bạn có thấy tâm hồn mình ấm áp không, bạn hãy nhìn Ba Đấng thật kỷ rồi suy tư xem sao ? Bạn sẽ thấy một gia đình thánh thiện và rất hạnh phúc đang ở giữa thế gian, trong máng cỏ nghèo hèn ấy, dù được trang hoàng lộng lẫy bởi những ánh đèn màu, hay chỉ là một vài cọng rơm khô rồi đặt tượng Chúa Hài Nhi lên đó, bạn cũng sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc rất gần gủi bên bạn.
Gia đình Na-da-rét là gương mẫu hạnh phúc của các gia đình công giáo cách riêng và cho mọi gia đình nhân loại trên thế giới, chính nơi gia đình thánh thiện này, mà tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ dồi dào xuống cho nhân loại. Qua bài Phúc Âm hôm nay, bạn sẽ thấy điều hạnh phúc ấy nơi thánh cả Giu-se, Đức Mẹ Maria và Chúa Giê-su Hài Đồng.
3. Gia đình là nơi học tập phục vụ.
Phục vụ không có nghĩa là làm nô lệ, nhưng là chăm sóc người khác với tâm tình yêu thương và khiêm tốn. Nhìn vào Thánh Gia Thất bạn có thấy điều đó không? Thánh cả Giu-se đã đem hết tài năng sức lực của mình để chăm sóc gia đình và phục vụ Đức Mẹ Ma-ri-a và Giê-su Hài Đồng; Đức Mẹ Ma-ri-a đã hết lòng chăm sóc gia đình và dạy dỗ Đức Chúa Giê-su; và Đức Chúa Giê-su đã vâng lời và giúp đỡ cha mẹ trong những công việc của gia đình..
Phục vụ người khác trong yêu thương và khiêm tốn thì không bao giờ hạ giá nhân cách của mình, trái lại, nhờ phục vụ mà nhân cách của mình được trưởng thành hơn.

Bạn thân mến,
Dù bạn đã lập gia đình hoặc còn độc thân, thì mục tiêu của bạn vẫn cứ là muốn có một gia đình hạnh phúc, muốn được như thế, bạn hãy quỳ thật lâu trước máng cỏ, bạn sẽ tìm được ý nghĩa của tình yêu đích thực, hạnh phúc và sự phục vụ trong gia đình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


90.   VẤN ĐÁP ĐỂ Ở NHỜ

        Có một tú tài đi đến một căn hộ bên đường để xin ở nhờ, mà nhà ấy chỉ có một nữ nhân, cô ta đứng dựa cửa nói:

-      “Trong nhà tôi không có người”.

        Tú tài hỏi:

-      “Cô không phải là người sao ?”

        Nữ nhân nói:

-      “Trong nhà tôi không có đàn ông”.

        Tú tài hỏi:

-      “Tôi không phải là đàn ông sao ?”

                                                                (Tiếu niệm lục)

 

Suy tư 90:

        Người tế nhị là người chỉ nghe một lời nói hay một hành động khác thường của người đối diện là biết cách rút lui hay tiến tới, chứ không cần phải hỏi cho cặn kẻ...

        Sự tế nhị trong giao tiếp hằng ngày rất quan trọng, vì nó có thể làm cho chúng ta thêm bạn bớt thù, hoặc làm cho người khác nể phục ta hơn.

        Có một vài linh mục thường không tế nhị khi trò chuyện với giáo dân của mình, các ngài cứ oang oang hỏi vấn đề gia đình của một giáo dân nào đó trước mặt mọi người, mà không nhìn thấy khuôn mặt đang nhăn nhó của họ; các ngài –đôi lúc- vì quá lo lắng cho phần hồn của con chiên bổn đạo mà không thấy bổn đạo đang bực mình vì ông cha sở cứ đem chuyện thằng con hay uống rượu, đứa con gái đi bán cà phê ôm của mình ra mà “hỏi” giữa đám đông giáo dân...

        Ai cũng cảm động khi có người quan tâm đến mình, nhất là người ấy chính là cha sở của mình, nhưng quan tâm mà không tế nhị thì làm cho người được quan tâm bực mình và có khi phản tác dụng: họ sẽ không đi lễ nữa, vì cứ sợ cha sở hỏi chuyện riêng tư của gia đình trước mặt mọi người; hoặc khi đi lễ thì ngồi tuốt ghế đằng sau vì sợ ông cha sở mỗi lần giảng là cứ hỏi giáo dân giữa nhà thờ về giáo lý hoặc kinh thánh, mà có khi học không biết không thuộc...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


89.   MÙA ĐÔNG KHÔNG CÓ QUẦN

        Trời rơi nhiều tuyết, lão hoà thượng mặc áo da muốn cưỡii ngựa ra khỏi nhà.

        Hoà thượng trẻ đốt lò trong chùa không có quần để mặc, lạnh quá đến nỗi lưỡi cũng cóng lại, ông ta hỏi:

-         “Lão sư phụ, trời lạnh như thế này mà sư phụ còn muốn đi đâu ?”

        Lão hoà thượng nói đi thuyết giảng, hoà thượng trẻ đốt lò cũng muốn đi nghe giảng.

        Lão hoà thượng mắng:

-      “Nói càn, con hiểu cái gì mà đi chứ ?”

Hoà thượng trẻ đốt lò chỉ chỉ phần dưới eo lưng của mình nói:

-         “Con muốn nghe trong sách Phật mà sư phụ giảng đó có nói trong mùa đông giá lạnh của tháng chạp, người ta có nên mặc quần hay không ?”

                                                                (Tiếu niệm lục)

 

Suy tư 89:

        Có một vài linh mục không muốn “truyền đạt” những hiểu biết về lễ nghi phụng vụ của Giáo Hội cho giáo dân, bởi vì các ngài sợ giáo dân hiểu rồi phản đối các ngài, khi các ngài tuỳ tiện làm theo ý mình mà không giữ luật chữ đỏ cũng như những quy định khác của Giáo Hội; có một vài linh mục đã “trách” các linh mục khác, vì những linh mục này giảng giải rất rõ ràng mạch lạc về các quy định của Giáo Hội về lễ nghi cũng như những điều về phụng vụ, giáo luật, kinh thánh,  luân lý căn bản cho giáo dân, lý do mà các linh mục trách là: đừng cho giáo dân biết nhiều quá !!

        Giáo dân phản đối hay không là do cách sống của chính vị linh mục ấy chứ không phải vì sự hiểu biết nhiều về phụng vụ hay kinh thánh của họ, bởi vì có một vài linh mục giảng dạy giáo dân hãy bắt chước sự khó nghèo của Đức Chúa Giê-su, nhưng chính các ngài lại sống như ông hoàng trong một giáo xứ mà giáo dân đa phần cơm không đủ ngày hai bữa; Đức Chúa Giê-su niềm nở đón tiếp những người nghèo bất hạnh, bệnh tật và chữa lành cho họ, nhưng có một vài vị mục tử lại “giằng mặt” giáo dân khi họ xin lễ mà bổng lễ không đủ đúng như quy định...

        Tất cả mọi giáo dân đều có quyền được học hỏi và nghiên cứu giáo lý, luân lý hoặc các vấn đề của của Giáo Hội nếu họ muốn, bởi vì cũng có rất nhiều giáo dân muốn biết trong giáo lý có đoạn nào nói giữa một thế giới văn minh và phát triển như hôm nay, người giáo dân có nên “mặc quần” hay không, tức là có quyền được học hỏi về các vấn đề trong Giáo Hội hay không, bởi vì có những vị mục tử cứ nạt nộ giáo dân rằng mấy người biết gì về thần học mà nói !!

        Học để biết và biết để sống, biết để truyền giáo, biết để yêu mến Chúa và tha nhân chính là cái biết của giáo dân từ nơi cách sống của cha sở mình vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


88.   GÀ ĂN LỪA ĐEN

        Ở vùng quê ngoài thành Kim Long có một thầy giáo rất mê chọi dế.

        Nghe nói trong thành ở cổng tam quan có người bắt được một con dế to, đầu cao cẳng dài, dũng mãnh có lực, những con dế khác đều bị bại dưới tay của nó, cho nên ông ta ngày đêm đều mơ tưởng đến nó.

        Thế là, ông ta cởi con lừa màu đen đi vào trong thành tìm chủ nhân của con dế, không ngần ngại đem con lừa để đổi lấy con dế.

        Vừa về đến nhà, ông ta bèn đem dế ra chơi.

Đột nhiên con dế nhảy ra khỏi cái mâm, vừa đúng lúc con gà đi qua mổ lấy con dế ăn mất tiêu, thầy giáo giậm chân tức tối chửi to:

-         “Đồ con gà mắc dịch ! Con lừa đen của tao bị mày ăn mất tiêu rồi !”

                                                                (Phúc phàn lục)

 

Suy tư 88:

        Con dế, dù nó có đẹp, có cái đầu cao hay có cái cẳng dài thì nó vẫn không thể nào đáng giá như con lừa được, nó chỉ là một con dế nhưng đã bị đầu óc mê muội của ham muốn làm cho nó trở thành quý hơn con ngựa.

Cũng vậy mọi thú vui xác thịt, mọi ham mê của cải chỉ là những con dế tầm thường không thể nào quý giá như linh hồn của chúng ta, nhưng có người vì lòng tham mà nhìn những thú vui xác thịt ấy, những của cải thế gian ấy quý hơn linh hồn, nên đã đem linh hồn của mình đổi cho ma quỷ với giá “bèo” là một con dế đam mê...

Mê đá dế, mê cờ bạc, mê cá độ, mê bài bạc, mê gái, mê rượu chè, mê nhậu nhẹt là những cái mê rất...u mê, bởi vì chưa thấy ai mê cờ bạc mà được trở nên giàu có, mê rượu chè mà thân thể kiện khang, cũng như chưa thấy ai mê gái mà gia đình được hạnh phúc...

“Lạy Chúa,

xin dạy cho chúng con biết say mê thánh giá của Chúa,

xin dạy cho chúng con biết cách mê thực hành những hy sinh nho nhỏ,

xin dạy cho chúng con biết mau mắn thực hành đức ái...

bởi vì những mê say ấy sẽ đưa chúng con đến hạnh phúc thiên đàng ngay khi còn ở trần gian này. Amen”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


87.   CÕNG QUAN LÀM NÊN SỰ NGHIỆP                   

        Cháu của Tào Kiết Tường là Tào Khiêm tạo phản và giết hại rất nhiều quan viên của triều đình, lại còn lục bắt thượng thư Vương Ngao.

        Tình cảnh của Vương Ngao rất quẩn bách, có một tên giúp việc cho chủ thân hình to lớn có sức mạnh tên là Khổng Võ cõng ông ta chạy nạn.

        Về sau, tên giúp việc này được Vương Ngao đề bạt lên làm một chức quan quan trọng trong triều đình, người ta gọi ông ta là “quan cõng người”.

                                                                (Phún phàn lục)

 

Suy tư 87:

        Tên giúp việc được đề bạt làm quan to, bởi vì ông ta có một đức tính mà người khác không có, đó là lòng trung thành với chủ nhân của mình.

        Lòng trung thành vượt qua tất cả tri thức và học vị, vượt qua cả sinh mạng của bản thân để trung thành với người mà mình đã chịu ơn...

        Lòng trung thành không ở trong trí thức, bởi vì người có trí thức chưa chắc đã trung thành; lòng trung thành cũng không ở trong học vị, bởi vị học vị không thể là thước đo lòng trung thành của một con người, nhưng lòng trung thành ở trong một quả tim trung hậu, biết ơn và biết mến yêu.

        Được làm con của Thiên Chúa là một hạnh phúc và ân huệ lớn lao của người Ki-tô hữu, nhưng lòng trung thành của họ lại làm cho Thiên Chúa yêu thích hơn, bởi vì chính họ đã học sự trung thành nơi Đức Chúa Ki-tô –Con Một Thiên Chúa- và chia sẻ với Ngài về lòng mến yêu và biết ơn khi họ trung thành phục vụ Ngài qua tha nhân.

        Trung thành với ơn gọi làm con Chúa và trung tín với lời hứa ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chính là chìa khóa để mở cửa Nước Trời ngày trong cuộc sống đời thường.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


86.   VĂN HIẾN THẾ GIA

        Có một cử nhân làm quan ở kinh thành, vì để khoe khoang mình nên ông ta viết một bức hoành với hàng chữ “văn hiến thế gia文獻世家” treo ở trước cửa. Ban đêm có người đem giấy dán kín hai chữ đầu và cuối nên bức hoành thành chữ “hiến thế.”

        Ngày hôm sau, cử nhân nổi giận đùng đùng xé nát tờ giấy và sai người lên phố chửi trỏng người dán bít chữ.

Một đêm nọ, lại có người đem giấy dán bít một nét trên đầu chữ “văn ()” và dán bít chữ “gia ()”, nên bức hoành thành chữ “lại hiến thế又獻世”.

        Ngày hôm sau cử nhân lại giận dữ xé giấy chửi người.

        Tối lại, có người đem giấy dán bít chữ “văn” và dấu chấm trên chữ “gia”, cho nên bức hoành biến thành chữ “hiện thế trủng現世冢”, có nghĩa là “mộ kiếp này” !

                                                                (Phún phạn lục)

 

Suy tư 86:

        Con người ta ai cũng không thích người khoe khoang, ngay chính người thích khoe mình cũng không thích người khác khoe khoang, như vậy, xét cho cùng thì khoe khoang chính là một hành vi không phù hợp với tinh thần Phúc Âm.

        Người khoe chữ thì bị người hay chữ nhạo lại.

        Người khoe của thì bị người giàu có hơn chơi lại.

        Người hợm mình hơn người, thì có người chơi ngông hơn làm mất mặt mình...

        Có một linh mục trẻ chịu chức “chui” nọ, giảng trong một thánh lễ dành cho trẻ em khoe khoang rằng: “Các con hãy học cha đây, tiếng Anh cha rất giỏi, tiếng Pháp cha cũng rành, tiếng La tinh và tiếng Hi Lạp cha cũng thông...” nhưng ai cũng biết vị linh mục này học chưa xong thần học, và chỉ tốt nghiệp trung học mà thôi...

Không ai chơi trội với người khiêm tốn, không ai giận dữ với người biết lỗi, và cũng không ai chê trách người hiền lành, bởi vì họ không biết khoe khoang hợm mình...

Người ta ai cũng “khiếp” người khoe khoang, mà Đức Chúa Giê-su thì càng “khiếp” họ hơn, bởi vì chính Ngài đã bị những người khoe khoang ghen ghét kiêu ngạo (các tư tế, bè phái pha-ri-siêu, những người thông luật, các kinh sư...) đóng đinh Ngài vào thập giá.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

Lễ Giáng Sinh- (Lễ ban ngày)

 


LỄ CHÚA GIÁNG SINH

(Lễ ban ngày)

Tin mừng: Ga 1, 1-18.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”

Bạn thân mến,
Hôm nay là lễ Giáng Sinh, là ngày mà Giáo Hội Công Giáo hân hoan mừng ơn cứu độ đến giữa loài người, như lời của thánh Gioan tông đồ đã loan báo: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Bạn có thấy Ngài đang hiện diện giữa thế gian không, bạn đã có lần nào gặp Ngài chưa ?
Đức Chúa Giê-su đã trở nên người phàm chứ không phải trở nên một vi thiên thần sáng chói, Ngài trở nên người nghèo khó sinh hạ tại hang đá Bê-lem chứ không phải nơi hoàng cung sang trọng. Bây giờ thì bạn đã thấy Ngài rồi đó.Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người phàm, Đức Chúa Giê-su đã trở thành anh em của chúng ta, Ngài đang cùng bạn trò chuyện hằng ngày đó, Ngài đang co ro bên vệ đường đó, Ngài đang lạnh lẽo thiếu thốn vì những trận lụt kinh hoàng vừa qua đó, Ngài đang bị những người quyền thế áp bức đó.v.v...
Bạn thân mến,
Bạn phải làm thế nào để lễ Giáng Sinh năm nay thật có ý nghĩa, không những đối với bạn mà còn đối với người khác nữa, chẳng hạn như bạn đi thăm hỏi một Giê-su đang nằm trong bệnh viện, hoặc bạn có thể hy sinh số tiền vui chơi ngày giáng sinh của bạn, và dành cho những Giê-su nhỏ nghèo hèn đang lượm bao ny lon và rác bên những đống rác hôi thối của thành phố...
Đó là sự cảm nhận về Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta đó.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Lễ Vọng Giáng Sinh

 


LỄ GIÁNG SINH

(THÁNH LỄ ĐÊM )

 

Tin mừng: Lc 2, 1-14.

“Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em.”

 

Bạn thân mến,

Đêm nay cả thế giới hân hoan vui mừng vì Đức Chúa Giê-su đã sinh ra, đêm nay được gọi là đêm bình an, bình an cho những tâm hồn biết chờ đợi ngày giờ Chúa đến, bình an cho những người đang bị áp bức, bình an cho những người thành tâm thiện chí xây dựng một xã hội công bằng yêu thương.

Đêm bình an này, diễm phúc trước hết là các mục đồng, tức là thành phần nghèo khó trong xã hội, bởi vì Chúa đến để đem niềm an vui đến cho họ, chính những người chăn chiên nghèo hèn mộc mạc ấy được thiên thần loan báo tin vui: “Hôm nay. Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em.”

Đêm bình an này, bạn cũng sẽ hòa niềm vui chung với mọi người bằng những cuộc vui thâu đêm, hay bằng những cuộc đua xe nguy hiểm ? Tôi có kinh nghiệm nho nhỏ của đêm lễ giáng sinh như thế này, xin chia sẻ với bạn: Trước thánh lễ, bạn đi một vòng thành phố để ngắm sự nhộn nhịp của mọi người mừng lễ Giáng Sinh, sau đó bạn vào trong nhà thờ, kiếm một góc nhỏ nào đó để suy tư về mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, đó là mầu nhiệm của tình yêu, của tha thứ và của bình an...

Bạn thân mến,

Đêm bình an này, bạn đừng quên cầu nguyện cho những mảnh đời bất hạnh, họ là những người mà Đức Chúa Giê-su –qua bạn là sứ thần của Ngài- muốn bày tỏ tình yêu thương đối với họ, bạn hãy là người đầu tiên đến báo tin vui cứu độ này cho họ, bằng hành động bác ái đầy lòng nhân ái và cảm thông với mọi người.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 


Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


85.   BÁN ĐỀ THI

        Giữa năm Hoằng Trị Minh triều, Trình Mai Chính ra làm chủ khảo lễ bộ. Ông ta ăn hối lộ và bán đề thi làm cho triều đình và dân chúng phẫn nộ.

        Một hôm, Minh Hiếu Tôn Châu đang thiết yến đãi quần thần ở nội đình, các diễn viên biễu diễn một trò hề để giễu Trình Mai Chính như sau: một diễn viên cầm dĩa đùi lợn, vừa đi vừa la to:

-      “Bán đề đây, bán đề đây.”

        Có người hỏi anh ta bao nhiêu tiền, người bán nói:

-      “Một cái một ngàn lượng bạc.”

        Người hỏi giá nói:

-      “Sao lại mắc như thế ?”

        Anh ta đáp:

-      “Đề đều đã chín ạ.”

        Các đại thần nghe như thế đều hiểu được ý nên cười vang cả nhà. Té ra là chữ “giò heo đã chín (熟蹄)” là đồng âm với chữ “đề thi”.

                                                                (Viễn Tây tạp kí)

 

Suy tư 85:

        Bán đề thi, lộ đề thi và thi giùm là những việc xem ra khá phổ biến ở Việt Nam chúng ta.

        Có người bán tức là có người mua, mà bán đề thi là bán tương lai của học sinh cho giặc dốt, là tiếp tay cho những tên ngu làm nghèo đất nước bây giờ và mai sau, tội này xét ra thì cũng ngang hàng với tội tham nhũng đáng phạt nặng và có khi tử hình...

        Con người ta chỉ có một linh hồn cũng giống như chỉ có một đề thi, đem linh hồn bán cho ma quỷ và thế gian thì chẳng khác chi bán cuộc sống hạnh phúc đời đời mai sau của mình trong hoả ngục.

        Mua thì đắt mà bán lại thì rẻ.

        Linh hồn của chúng ta được Đức Chúa Giê-su chuộc lại với giá đắt vô cùng là bằng cái chết của Ngài, nhưng chúng ta bán linh hồn mình lại cho ma quỷ thì giá rẻ mạt tức là một vài thú vui trụy lạc chóng qua...

        Bán đề thi là một tội nặng ai cũng biết, còn tội bán linh hồn mình cho ma quỷ thì nặng hơn, nhưng nặng như thế nào thì người thế gian không hề biết, chỉ có người Ki-tô hữu mới biết vì Đức Chúa Giê-su đã nói, đó chính là hỏa ngục đời đời mất ơn nghĩa với Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


84.   NÓI BÓNG GIÓ

        Tống Thái Tổ đã hứa trước mặt mọi người là sẽ phong cho Trương Nhung làm Tư Đồ trưởng sứ, nhưng công văn lâu quá chưa thấy phát ra.

        Một hôm, Trương Nhung cưỡi trên một con ngựa gầy nhom, Tống Thái Tổ thấy bèn hỏi:

-         “Con ngựa của nhà ngươi sao gầy nhom như vậy, mỗi ngày cho nó ăn bao nhiêu hử ?”

Trương Nhung đáp: “Một thạch.”

        Hoàng đế lại hỏi:

-      “Ăn nhiều như thế tại sao lại gầy nhom ?”

        Trương Nhung nói:

-         “Thần hứa cho nó ăn một thạch, nhưng lại không cho.”

        Tống Thái Tổ hiểu lời nói bóng gió của Trương Nhung, ngày hôm sau bèn phát công văn bổ nhiệm ông ta làm Tư Đồ trưởng sứ.

                                                                        (Thiệt Hoa lục)

 

Suy tư 84:

        Lời hứa, tự nó đem lại hi vọng cho con người.

        Lời hứa, bất kỳ là của ai cũng đều có giá trị, cái giá trị này được cân đo bằng mức độ thực hiện lời hứa của họ, tuy nhiên lời hứa của người có thế giá thì luôn có thế giá hơn.

        “Có thế giá” và “đáng tin cậy” thì khác nhau xa.

        Người giàu có, quyền thế, có địa vị ngoài xã hội hay trong Giáo Hội thì lời hứa của họ “có thế giá”, nhưng chưa chắc đáng tin cậy, bởi vì có người hứa mà không giữ lời; người nghèo, bần cố nông, lao động lam lũ, thì lời hứa của họ xem ra không có thế giá, nhưng cũng đáng cho chúng ta tin cậy, bởi vì họ hứa là họ làm...

        Có rất nhiều người Ki-tô hữu thất hứa với Chúa, họ hứa từ bỏ ma quỷ và những cám dỗ của chúng nó, nhưng rồi họ vẫn phạm tội “hứa mà không giữ lời”, họ vẫn tham lam bon chen của cải thế gian, họ vẫn “hứa lèo” với Thiên Chúa khi sống trong đam mê thế gian...

        Có những tu sĩ nam nữ đã thất hứa với Chúa khi họ sống xa hoa lỗi đức khó nghèo khi họ đòi hỏi ăn uống phải có thức ăn ngon, cuộc sống thoải mái và tìm những tiện nghi quá mức cho phép, họ cũng không giữ lời hứa vâng phục cho nên họ gây gổ với bề trên gây mất hoà khí trong cộng đoàn...

        Có một vài linh mục đã thất hứa với Chúa khi họ làm bổn phận như một công chức nhà nước theo giờ hành chánh, mà không lo tìm kiếm băng bó chữa lành các con chiên lạc, các ngài đã không giữ lời hứa trong ngày lãnh nhận chức thánh là chăm sóc, dạy dỗ và thánh hoá đoàn chiên được giao phó cho mình.

        Thiên Chúa là Đấng luôn giữ lời hứa với nhân loại, lời hứa trong vườn địa đàng ngày xưa ấy, phải qua hàng ngàn năm tưởng chừng như Ngài đã quên, nhưng Ngài đã giữ đúng lời mình hứa mà ban Đấng Cứu Chuộc cho nhân loại là Đức Chúa Giê-su. Như vậy lời hứa của Thiên Chúa vừa có thế giá vừa đáng tin cậy, bởi vì Ngài là Thiên Chúa.

        Chúng ta không phải là Thiên Chúa, nhưng chúng ta là con của Ngài, bởi vì “con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh”, chúng ta hãy bắt chước Ngài luôn trung tín với lời mình đã hứa trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội là từ bỏ ma quỷ và mọi cám dỗ của chúng và tin vào Đức Chúa Giê-su, tin vào Hội thánh của Ngài...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


83.   LAO TÂM LAO LỰC

        Hậu Ngụy Cao Tổ đặt tên cho các con là Tuần (), Du(), Duyệt () và Dịch().

Đại thần là Thôi Quang đặt tên cho con là Lệ(), Húc() và Miễn().

Cao Tổ nói với Thôi Quang:

-         “Tên của con trai ta sát bên đều có bộ tâm () , còn con của khanh sát bên đều có bộ lực ().”

Thôi Quang cười nói:

-         “Đó chính là “Quân tử lao tâm, tiểu nhân lao lực” ạ !”

                                                                (Thiệt Hoa lục)

 

Suy tư 84:

        Lao động có hai loại: lao động trí óc và lao động bằng chân tay, tức là lao tâm và lao lực.

        Quan niệm của người đời thì cho rằng lao tâm tức là những người làm việc bằng cây bút, bằng đầu óc suy nghĩ, làm văn phòng; còn những dân nghèo lao động bằng cái cuốc tức là lao động chân tay, bán lưng cho trời bán mặt cho đất, thế là phân biệt giai cấp rất rõ ràng: giàu và nghèo, có học và không có học, sung sướng và vất vả...

        Thực ra, con người ta ai cũng lao tâm và lao lực, lao tâm và lao lực ngay trong cuộc sống của mình dù nhà nghèo hay nhà giàu, dù làm tướng hay làm lính, dù làm quan hay làm dân, bởi vì lao tâm cũng như lao lực đều là cái hạnh phúc và cái khổ của con người.

        Đức Chúa Giê-su lao lực ba mươi năm trong làng Na-gia-rét với nghề thợ mộc, và ba năm rảo khắp các nẻo đường Ga-li-lê và thập thành để lao tâm dạy dỗ dân chúng về Tin Mừng của Nước Trời, cho nên Ngài đã cảm thông được nỗi khổ cực vất vả của tha nhân, và đã để lại cho nhân loại một bài học quý báu là dù lao tâm hay lao lực, thì cũng vì tha nhân mà phục vụ.

        Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ giá trị của lao tâm và lao lực, vì đó chính là cơ hội để chúng ta làm việc đền tội và giúp ích cho mọi người qua thành quả lao động của chúng ta.

        Đã làm người thì khi làm việc gì cũng có lao tâm và lao lực, chỉ có người máy (rô bô) mới không biết lao tâm hay lao lực mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


82.   KHẨU QUYẾT HÀNG YÊU

Vương Quân Thiên viết sách về bí quyết gọi thần trừ các loại quỷ, nhất pháp hành thiên tâm chánh, tự cho mình là người có thể trừ bệnh đuổi tà giúp làng xóm.

Một hôm, Tô (Đông Pha) cười nhạo ông ta, nói:

-         “Tôi đến truyền lại cho ông một khẩu quyết trừ quỷ hàng yêu, đây là khẩu quyết: anh là tôi đã chết, tôi là anh chưa chết, nếu anh không để quỷ quái đến hại tôi, thì tôi cũng sẽ không để anh phải chịu khổ.”

                                                (Tô Trường Công Ngoại kí)

 

Suy tư 82:

        Ma quỷ là loài thiêng liêng, bởi vì nó chính là thiên thần phản nghịch với Thiên Chúa, và là tên mưu mô chuyên lừa dối con người làm những điều nghịch với sự thánh thiện của Thiên Chúa, cho nên chẳng có khẩu quyết nào của loài người có thể thu phục và thống trị được nó.

        Con người thì có thân xác và linh hồn, thân xác thì có hạn và phải chết, linh hồn thì bất tử, lấy cái xác có hạn mà thu phục cái thần thiêng của ma quỷ thì làm sao được chứ ? Nhưng nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa và là đền thờ của Thánh Thần, như thế thì không phải chúng ta thống trị ma quỷ, mà là Thiên Chúa Ba Ngôi ở trong tâm hồn chúng ta chế ngự ma quỷ và thống trị nó vậy.

        Khẩu quyết và hành động để chúng ta –những người Ki-tô hữu- hàng ma phục quỷ chính là cầu nguyện không ngừng và đón nhận các bí tích:

-      Cầu nguyện làm cho ma quỷ chạy dài,

-      Cầu nguyện làm cho ma quỷ khiếp sợ,

Cầu nguyện chính là cầu xin ơn sủng của Thiên Chúa, sự trợ giúp của Đức Mẹ, của các thiên thần và của các thánh...

Không một Ki-tô hữu nào mà không biết cầu nguyện, nhưng tại sao có nhiều Ki-tô hữu bị ma quỷ thống trị và sống trong tội lỗi ?

Thưa vì họ cầu nguyện mà không tin, cầu nguyện mà không yêu mến, cầu nguyện mà không có sự khiêm tốn.

Như vậy khẩu quyết và cũng là bí quyết để hàng ma phục quỷ chính là sự cầu nguyện liên lỉ và siêng năng đón nhận các bí tích vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)