88. NHƯỢC THẠCH PHÒNG HỔ
Nhược Thạch ẩn cư ở phía bắc ngọn núi Mặc San, có một
con hổ thường ngồi xổm ở ngoài hàng rào ông ta ngấm ngầm đợi dịp.
Nhược Thạch chỉ huy người nhà ngày đêm cảnh giới, mặt
trời ló ra là đánh kẻng, mặt trời lặn thì thắp lửa, nửa đêm tuần phòng và trồng
cây gai chung quanh chỗ ở, xây dựng tường cao, ở bên khe núi thì đào một cái hố
để bắt hổ. Một năm trôi qua, con hổ không làm ăn gì được.
Một hôm, con hổ lăn đùng ra chết, Nhược Thạch rất phấn
khởi, thế là thu lại tất cả những cạm bẩy đã làm, phá bỏ những thiết bị phòng vệ,
tường bốn phía bị hư cũng không thèm sửa chữa.
Không bao lâu sau, có một con thú hình giống chó nhưng
lông thì giống cáo đuổi một con nai, dừng ngay bên góc nhà của ông ta, nghe có
tiếng heo, trâu, dê kêu trong nhà, thì xông vào ăn chúng nó. Nhược Thạch không
biết là con vật gì nên quát to lên, nhưng nó vẫn không chạy, lấy đất ném nó, nó
quay lại đứng lên như người, dùng móng nhọn vồ ngay Nhược Thạch, và cắn ông ta
chết tươi.
(Úc
Ly tử)
Suy
tư 88:
Nhược Thạch chỉ biết đề phòng con hổ mà
không đề phòng các con thú khác cũng nguy hiểm như hổ, cho nên bị cắn chết.
Có những cô gái sống đời rất đạo hạnh, đoan trang,
nhưng chỉ một phút nhẹ dạ mà ôm hận suốt đời, vì coi thường những chuyện nhỏ tưởng
như hợp tình hợp lý.
Có những người ở chỗ này bị cám dỗ gắt
gao về dục vọng, khi được đổi đi chỗ khác thì hí hửng vui mừng vì “thoát nạn”,
nhưng ở chỗ mới lại nảy sinh ra cám dỗ cũng như thế, nhưng tinh vi hơn và nặng
nề hơn, chỉ là khác hoàn cảnh và cách cám dỗ mà thôi, cho nên bị ngã nặng nề
hơn, khi thức tỉnh thì ôm hận cả đời.
Con hổ ăn thịt người thì con báo cũng ăn thịt người,
chỉ khác nhau ở chỗ là con hổ thì ngồi rình trước cổng nên ai cũng thấy, còn
con báo thì rình trên cây nên không ai thấy, nhưng tai hại thì giống nhau.
Người Ki-tô hữu luôn được Lời Chúa và Giáo Hội hướng dẫn, cho nên biết rất rõ chỗ nào là cạm bẩy của ma quỷ để tránh và chỗ nào là an toàn để ẩn núp. Mà an toàn nhất không phải là luôn tỉnh thức cầu nguyện và cậy trông vào Chúa hay sao ?
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)