Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


63.          CÙNG NHAU PHA TRÒ

Giữa năm Tống Thần Nguyên Phong, nước Cao Ly phái một tăng nhân đi cống.

Một ngày nọ, cùng với Dương Thứ Công ra câu đối trên bàn tiệc, lấy tên họ của hai người xưa tranh nhau một vật làm chủ đề. Tăng nhân nói:

-         “Người xưa có Trương Lương và Trịnh Vũ cùng tranh nhau một cái dù, Lương nói “dù của lương[1]”, Vũ nói “dù của vũ[2]”.

Dương Thứ Công nói:

-         “Người xưa có Hứa Do và Sào Thố tranh nhau một cái hồ lô. Do nói: “hồ lô của do[3]”, Thố nói: “hồ lô của thố[4]”.

(Chử Ký Thất)

 

Suy tư 63 :

        Con người ta từ thuở xa xưa đã tự cho mình có quyền sở hữu của tôi và của anh, của cá nhân và của tập thể, của gia đình và của xã hội, của bên này và của bên kia.v.v...vì thế cho nên thường xảy ra những bất hòa và bất đồng trong cuộc sống, rồi hậu quả là chiến tranh lớn nhỏ xảy ra, chiến tranh nhỏ thì trong phạm vi gia đình, hàng xóm, lớn thì trong phạm vi xã hội và giữa các quốc gia...

        Quyền sở hữu là quyền tự do cao nhất mà Thiên Chúa ban cho con người, để con người dùng cái sở hữu ấy mà thăng tiến mình và làm đẹp xã hội, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với tập thể, chứ không phải là để thống trị nhau.

        Người Ki-tô hữu cũng có quyền sở hữu như những người khác, bởi vì họ cũng làm lụng đổ mồ hôi mới có của cải vật chất, nhưng họ biết dùng quyền sở hữu những cái mà mình có ấy để thăng tiến đời mình và thay mặt Thiên Chúa giúp đỡ những người nghèo khác, đó là quyền sở hữu có ý nghĩa nhất.

        Có tranh chấp là vì lòng tham lam đã xâm nhập vào quyền sở hữu, nó làm cho con người ta trở thành nô lệ cho cái mình có hơn là làm chủ nhân của nó. Chỉ có những ai biết hằng ngày cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho mình lương thực hằng ngày mới không biết tranh chấp mà thôi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] đọc là “liang” nghĩa là lương thiện, cũng đọc là “liang” nghĩa là mát, là ngã lòng, đồng âm khác nghĩa.

[2] đọc là “yu” nghĩa là vũ, cũng đọc là “yu” nghĩa là vũ (mưa), đồng âm khác nghĩa.

[3] đọc là “you” nghĩa là do, cũng đọc là “you” nghĩa là du (dầu), đồng âm khác nghĩa.

[4] đọc là “cuo” nghĩa là thố, đọc là “cu” nghĩa cũng là thố (giấm).