Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


46. PHONG CÁCH CỦA CON MỌT SÁCH

        Có một tú tài ngày tết thanh minh và tết đoan ngọ vì bận nên không đi tết cho quan học, mãi đến tối mồng bảy tháng bảy[1] anh ta mới đi biếu với lễ vật rất phong phú, quan học hỏi:

-         “Hai tết trước sao không biếu, tết này sao lại biếu nhiều quá vậy ?”

        Tú tài nói:

-         “Tết này là tổng kết ý nghĩa đoạn văn trên của hai tết trước.”

                        (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

 

Suy tư 46:

        Người Việt Nam chúng ta dồi dào tình cảm và sống rất có đạo lý xóm giềng.

        Tôn sư trọng đạo lại càng nổi bật hơn nữa, không những nơi các học sinh mà ngay cả nơi những bậc làm cha mẹ cũng luôn tôn trọng các thầy cô giáo.

        Thời nay cũng có những thầy cô giáo đứng thẳng như cây cao trước gió, thà bị gảy chứ không chịu cúi đầu trước đồng tiền; thời nay cũng có những học sinh rất kính trọng thầy cô giáo như cha mẹ của mình.

Thời nay vàng thau lẫn lộn, kim tiền và tình nghĩa lẫn vào nhau cho nên có những học trò “mua” luôn cả lương tâm của thầy cô giáo trong những dịp thi cử; có những phụ huynh “chỉ đạo” thầy cô chăm sóc đặc biệt con cái họ những lúc con cái phạm nội quy nhà trường hay trốn học hoặc dưới điểm trung bình...

Thiên Chúa không ban thêm điều răn...thứ mười một là phải kính trọng thầy cô giáo, nhưng đã  là người Ki-tô hữu thì ai cũng biết rằng kính trọng và biết ơn thầy cô giáo không những là bổn phận và trách nhiệm của học trò, mà còn là của các  bậc phụ huynh, bởi vì các thầy cô là những khí cụ mà Thiên Chúa dùng để thông truyền tri thức cho chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Ngày 7 tháng 7 âm lịch, là ngày ông ngâu bà ngâu.