Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


89.   THAY NHAU ĂN CƠM

        Có một người rất thích đánh cờ, thường hay qua nhà hàng xóm để đấu cờ.

        Một hôm, anh em người hàng xóm luân phiên nhau đại chiến với ông ta, giết nhau cả nữa ngày mà cũng khó phân khó giải. Đến giờ ngọ, hai anh em chủ nhân thay đổi nhau đi vào ăn cơm.

        Sau giờ ngọ, người mê đánh cờ cảm thấy đói trong bụng, tinh thần mệt mỏi, nhìn thấy khí sắc của hai đối thủ vẫn như cũ, thì tỉnh ngộ hẳn lên, bèn cười nói:

-      “Hôm qua tôi đi du ngoạn nơi chùa nhìn thấy cái nồi khí (nồi để chưng đồ ăn) trong nhà bếp, bề cao một trượng có thừa”.

        Chủ nhân kinh ngạc hỏi:

-      “Cái nồi quá cao làm sao xới cơm ra để ăn được ?”

        Người mê đánh cờ trả lời:

-      “Tốp hoà thường này rất là giảo hoạt, trên cái nồi chưng họ bắt lên cái thang dài, một người chui vào ăn, ăn xong thì chui ra kêu người khác vào ăn...”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 89:

        “Xa luân chiến” là một trận pháp lợi hại khiến cho đối phương từ hăng hái đến rã rời và cuối cùng thì bị thua,  nhưng đó là trận pháp đại quy mô không nên dùng khi đánh cờ bởi vì như thế là không công bằng.

        Ma quỷ vốn là tên đại bịp và không công bằng cho nên nó thường hay dùng chiến thuật “xa luân chiến” để tấn công những người đạo đức, tức là những người muốn sống theo Lời Chúa dạy. “Xa luân chiến” của ma quỷ là từ từ đưa ra những cám dỗ xem ra không thiệt hại gì cho lắm, tức là nó làm cho chúng ta đi vào sự tội cách nhẹ nhàng êm ái mà chúng ta cứ ngỡ là mình làm đúng, cho đến khi sực tỉnh thì đã thấy mình đang tắm trong bùn nhơ tội lỗi...

        Ma quỷ là loài quỷ quyệt, nó không bao giờ làm cho chúng ta có cảm giác phạm tội khi làm sai, do đó mà Đức Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ là ý đó vậy.

        “Xa luân chiến” của người Ki-tô hữu là cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện, thử hỏi ma quỷ nào dám chiến thắng người luôn cầu nguyện chứ ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)