Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


93.    BỎ LÔNG HẤP NHỪ

Trịnh Dư Khánh cực kỳ thanh liêm giản dị, một ngày nọ đột nhiên mời bạn bè thân quyến rất nhiều người ngày mai đến nhà dự tiệc.

Các bạn hữu thân quyến được mời đều cảm thấy kỳ quái nên ngày hôm sau đều vội vàng đến, đợi mặt trời lên cao thì thấy Trịnh Dư Khánh xuất hiện.

Trò chuyện chốc lát thì các bạn hữu được mời đều thấy trong bụng đánh “tùng tùng” vì đói, Trịnh Dư Khánh nói với các đầy tớ:

-      “Bảo nhà bếp, bỏ lông hấp nhừ, không được làm gãy cái cổ”.

Các bạn bè thân quyến đưa mắt nhìn nhau và cho rằng nhất định đang chưng hấp thịt ngỗng và vịt, nếu không thì sao lại nói “bỏ lông”, “không làm gãy cổ” chứ ?

Đợi rất lâu, mới thấy nhà bếp đem ra một dĩa tương nhỏ, cơm hạt kê một chén, bầu nậm một chạn.

Quan khách bạn bè giả làm vui, miễn cường ngồi ăn !

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 93 :

        Ai cũng thích đi dự tiệc vì có nhiều lý do: có người thích dự tiệc vì thích uống rượu ngon, có người thích dự tiệc để có thêm bạn bè, có người đi dự tiệc vì tình cảm bạn bè thân thiết.v.v... nhưng dù với lý do gì chăng nữa, thì bữa tiệc cũng là một dấu chỉ của sự thân tình và vui vẻ...

        Dự tiệc xong thì có nhiều lời phê bình: ăn ngon ăn dở, bởi vì con người ta quá chú trọng đến đời sống vật chất, nên không vui khi đồ ăn thức uống không được như ý mình muốn.

        Người Ki-tô hữu luôn nhìn thấy bữa tiệc “cuối cùng” của Đức Chúa Giê-su mỗi lần họ được mời đi dự tiệc, họ thấy Đức Chúa Giê-su nơi các thực khách nên họ chia vui với chủ nhà, thân tình hòa nhã với người ngồi bên cạnh, và luôn nở nụ cười tươi khi ăn phải món mà mình không thích, họ cũng không nhăn mặt khó chịu khi thấy người trong bàn tiệc uống rượu đến say phát biểu lung tung...

        Người đời miễn cưỡng ngồi ăn khi tiệc rượu quá xuề xòa, nhưng người có tâm tình yêu thương của Đức Chúa Giê-su thì dù tiệc dở hay tiệc ngon, tiệc xuề xòa hay nghiêm chỉnh, tiệc sang hay tiệc hèn thì cũng là bữa tiệc “a-ga-pe” bác ái của Đức Chúa Giê-su mà thôi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)