BUỘC UỐNG NƯỚC KHÙNG
Ngày xưa, ở một nước nọ có một
nguồn nước, tên là “nước khùng”.
Người trong nước uống nguồn nước
này, nên không một ai là không phát khùng, chỉ có nhà vua vì uống nước giếng
nên không bị bệnh khùng.
Tất cả người dân trong nước đều
bị khùng, do đó mà họ lại cho rằng nhà vua mới thật là người điên, thế là họ hợp
lại bắt giữ nhà vua, và bắt vua phải trị bệnh điên của mình.
Họ vừa dùng ngải để đốt vua, vừa
châm cứu bằng kim châm bạc, vừa sắc thuốc
rót vào, có phương pháp gì cũng đều đem ra dùng.
Nhà vua chịu không nổi sự dày
vò ấy nên cũng đành phải uống “nước khùng”, và cũng bắt đầu nổi khùng như mọi
người.
Đợi đến khi quần thần lớn nhỏ,
ai ai cũng phát khùng lên như thế, thì mọi người mới vui mừng hớn hở.
(Tống
thư)
Suy tư:
Lúa mì và cỏ lùng cùng nhau
phát triển trong một đám ruộng, nếu không chú ý thì ta khó mà phân biệt được
đám lúa non và cỏ lùng, vì chúng nó tương tự giống nhau, do đó mà ông chủ không
cho đầy tớ đi nhổ cỏ lùng, vì sợ lầm, sơ ý mà nhổ luôn cả lúa, nhưng để một thời
gian dài (đến mùa gặt) cả hai cùng lớn lên, thì rất dể dàng phân biệt lúa và cỏ
lùng.
Người xấu thời buổi này có khi
diện mạo bên ngoài “bảnh” hơn người tốt, khó mà phân biệt được, họ cũng đi lễ
nhà thờ, cũng đi rước lễ, cùng làm vài ba việc phúc đức, nhưng trong lòng thì đầy
ăm ắp mưu kế hại người. Cũng có khi họ vung tay trái lên án người xấu, nhưng
tay phải thì bắt tay ủng hộ việc làm của người bất chính, và thế là chúng ta
khó mà phân biệt được ai là người xấu và ai là người tốt !
Nếu tôi không có lập trường vững
chắc được bám sâu vào trong nền tảng của đức tin, thì tôi cũng sẽ bị bắt buộc uống
“nước khùng” là a dua vào đám đông vui buồn theo “thời tiết” nóng lạnh, là đồng
hóa với những trào lưu của thời đại nghịch cùng đức tin “nhìn gà hóa cuốc”, và
lúc đó tôi cũng sẽ rất dễ dàng lầm tưởng người xấu thành người tốt và người tốt
thành kẻ xấu.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư