Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Cát sỏi phía sau

CÁT SỎI PHÍA SAU
 
 

     Vương Văn Độ, Phan Vinh Kì hai người đều là thủ hạ làm việc dưới trướng Giản Văn Công.

     Họ Vương tuổi lớn mà địa vị nhỏ, họ Phan tuổi nhỏ mà địa vị lớn, về sau, chức vụ của Phan lại trao qua cho họ Vương.

     Vương Văn Độ giểu cợt Phan Vinh Kì, nói:“Sàng sảy bốc lên, rơm rác phía trước”.

     Phan Vĩnh Kì giểu cợt lại, nói:“Đào thải chọn lọc, cát sỏi phía sau”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Người đời thường lấy tước hiệu, chức vị để coi trọng và đánh giá lẫn nhau, cho nên mới nảy sinh phân biệt giai cấp, coi thường nhân phẩm của người nghèo và lẻ phải công bằng đều ở cả nơi người giàu có, người có tước vị, chức quyền...Nhưng tất cả những tước hiệu chức vị ấy đều không tồn tại, hôm nay nó được trao cho người này, thì ngày mai ngày mốt nó cũng sẽ được trao qua cho người khác, có gì là vênh vang lếu láo với anh em chứ ?

     Trên đời chỉ có một tước hiệu cao quý nhất và vĩnh viễn không mất đi, đó là thiên chức Linh Mục, bởi vì tước hiệu chức vụ này là do Chúa Giêsu lập ra, chứ không phải do con người, mà đã do Chúa lập ra thì làm sao mà mất mà hư được chứ ?

     “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-sê-đê”, “muôn thuở” tức là đời đời vĩnh viễn, đời đời vĩnh viễn là tư tế của Thiên Chúa.

Nhưng có những lúc người ta không nhận ra tôi là một linh mục đời đời của Chúa Giêsu, người ta chỉ biết tôi là một con người bon chen như họ, vẫn ham danh đoạt lợi như họ, vẫn chia bè kết phái để đấu đá nhau như người đời, vẫn muốn ăn trên ngồi trốc như những quan quyền trong xã hội... Các tín hữu của thời đại ngày nay rất hiểu và thông cảm cho tính yếu đuối của con người nơi các linh mục của họ, nhưng không phải vì thế mà họ chấp nhận những thái độ quá ư là không linh mục nơi tôi, đó là : kiêu căng, phách lối, hách dịch, kẻ cả...

“Muôn thuở, con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-sê-đê” chứ không phải là theo cơ chế phẩm trật của nhà vua, của chính quyền hay của một đoàn thể xã hội nào cả ở trần gian này.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư