“TRUNG THẦN” CỦA ĐẠI TỐNG
Cuối năm Nam Tống, ở Hồ châu
có quan phó châu, tên là Kiển Tài Vọng.
Năm nọ, quân Nguyên xâm phạm,
Hồ châu nguy đến nơi, ông ta mặt hướng về Lâm An khảng khái thề: “Thành còn ta còn, thành mất ta mất” và chuẩn
bị một tấm bảng thiếc khắc trên đó bảy chữ: “Kiển
Tài Vọng trung thần đại Tống”, ngoài ra trên hai thỏi bạc lớn khắc mấy hàng
chữ nhỏ như sau: “Người có nhiệt tình
giúp đỡ người khác, nếu thấy được thân xác của tôi, thì xin mai táng giùm”.
Sau đó ông ta đem bảng khắc và
thỏi bạc mang trước ngực và đi ra ngoài hẻm phố cùng bạn hữu và toàn dân khóc
lóc thảm thiết để bày tỏ ông ta thề quyết tâm chết vì tổ quốc, mọi người thấy
tình cảnh bi thương như vậy thì kích động, không thể không đau xót. Mấy ngày
sau thành bị hãm hại, người ta không nhìn thấy Kiển Tài Vọng đâu cả, thì cho rằng
ông ta bị mất tích, chỉ biết thương hại một vị trung thần chết đi mà ngay cả
thân xác tìm cũng không thấy !
Nhưng không quá hai ngày thì dân
trong thành thấy một vị quan châu mới, mình choàng áo Mông Cổ, cưỡi trên một
con ngựa to lớn được tiền hô hậu ủng đang tiến vào thành, người tinh mắt vừa thấy
thì nhận ra là ông ta. Nguyên là trước khi thành bị hãm hại, ông ta liền len
lén ra khỏi thành đầu hàng địch quân !
(Quý
Hạnh tạp thức)
Suy tư:
Có những cô gái khi yêu thì thề
thốt đủ điều, nhưng khi người yêu đi xa làm ăn, thì “len lén” lên xe hoa về nhà
chồng; có những chàng trai khi yêu nhau thì hăng hái thề hứa trọn đời chung thủy,
nhưng vì môn đăng hộ đối mà “bai bai” người yêu của mình...
Mọi thứ ở trên đời này không tồn
tại lâu được, ngay như quả đất hoặc như mặt trời, theo các nhà khoa học thì có
ngày chúng nó cũng sẽ tiêu tùng, cho nên một lời hứa khi yêu cuồng yêu vội
không nên tin theo, một chút bốc đồng nhất thời thì cũng không nên nghe theo.
Có những người Ki-tô hữu rất sốt
sắng kinh kệ sáng tối, nhưng vẫn sẵn sàng thóa mạ cha sở của mình không tiếc lời,
chỉ vì cha sở cho xây tường nhà thờ ngăn cách vườn nhà họ.
Thánh Gia-cô-bê Tông đồ đã nói
“Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”, không hành động trong việc
bác ái tức là chỉ nói “yêu người” suông mà không giúp đỡ tha nhân; không hành động
trong việc đạo đức thờ phượng tức là chỉ có đọc kinh kệ mà không có thực hành
kinh kệ trong cuộc sống; không hành động trong cách sống làm người Ki-tô hữu tức
là chỉ có cái mả bên ngoài, còn bên trong tâm hồn thì không có gì cả...
Viên quan Kiển Tài Vọng bên
ngoài thề hứa trung thành với tồ quốc mình cho đến chết, nhưng trong lòng thì
đã đầu hàng quân địch rồi, thế mới biết lòng người khó đo lường được !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư