79. THƠ ĐƯỢC MƯỜI ĐIỂM
Quách Công Phủ đi qua Hàng Châu cầm theo bài thơ viết nháp đưa cho Tô
Đông Pha coi, khi gặp Đông Pha thì cất tiếng ngâm thơ, tiếng ngâm sang sảng rõ
ràng, ngâm thơ xong thì hỏi Đông Pha:
- “Bài thơ này của
tôi có thể được mấy điểm ?”
Đông Pha
nói:
- “Mười điểm”.
Quách Công Phủ rất vui vẻ bèn hỏi lại Tô Đông Pha lý do tại sao cho mười
điểm, Đông Pha trả lời :
-
“Ngâm thơ hay cho bảy điểm, còn ba điểm thì cho bài
thơ, cả hai cộng lại không phải là mười điểm sao ?”
(Tô
Trường Công Ngoại kí)
Suy tư 79:
Giọng
ngâm thơ thì cho bảy điểm, còn nội dung bài thơ thì chỉ có ba điểm, đương nhiên
là bài thơ chưa đạt chất lượng.
Có những
người thích săn sóc dáng vẻ bên ngoài của mình mà không quan tâm đến “nội dung”
tức là đời sống nội tâm của mình; có những người thích đi lễ mỗi ngày chúa nhật
để “triển lãm” áo quần mới may, đầu tóc mới uốn cong, đôi giày thật láng cóng của
mình, mà không chú ý đến nội tâm của mình cần phải có khi diện kiến Thiên
Chúa...
Cuộc sống
mà cứ luôn suy nghĩ ngày mai mặc mốt gì, mang giày gì khi đi làm, ngày kia ăn
thứ gì, đi chơi đâu cho vui.v.v... thì quả là chán thật, chán vì tâm hồn trống
rỗng mà không bồi bổ bằng những tư tưởng nhân ái phục vụ, chán vì chỉ biết có
mình mà không biết đến tha nhân.
Người mà
dáng vẻ bên ngoài như “giọng ngâm sang sảng” thì cho bảy điểm, còn “nội dung
bài thơ” là cuộc sống nội tâm chỉ được ba điểm, thì cuộc sống của họ chưa đạt
“tiêu chuẩn” trở thành người tích cực, và nếu họ là người Ki-tô hữu thì chưa thật
đúng là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, bởi vì họ chỉ chú trọng cái nay còn mai mất,
nay được khen mai bị chê, mà không chú trọng đến cái có thể giữ được cái nay
còn mai mất ấy là đời sống nội tâm.
Người Ki-tô hữu biết sống nội tâm là người luôn kết hợp với Thiên Chúa
trong cuộc sống của mình.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)