Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


47.      VỪA CHỬI VỪA ÔM

Có người nọ làm Kinh Tây lộ đề điểm hình ngục[1].

Một hôm người nọ đi tuần tra đến một thành nọ, nhìn thấy huyện úy Trương Bá Hào không thuận mắt bèn chửi ông ấy để ông ấy xuống ngựa mà đi bộ, ông ta chửi ông ấy là người vô tài bất tướng.

Qua lúc sau, đề điểm hình ngục đến ở nơi lữ xá trong thành, có người vào báo:

-      “Người mà ngài chửi hồi nảy chính là con rể của quan ngự sứ đài trưởng Đào Mỗ đó”.

Đề điểm hình sự kinh hoàng nhảy xổm lên nói:

-      “Tại sao mày không nói sớm cho ta biết.”

Bèn tất tật đi chào huyện ủy, ngồi cùng một chiếu với ông ta. Uống trà xong, cùng cười nói:

-      “Trước khi tôi đến thành này, thì đã nghe nói ngài có nhiều tài cán, vừa rồi mới thấy ngài tôi cố ý nói mấy câu khiến cho ngài nhụt chí, nhưng ngài tài nhiều sức lớn, ngôn ngữ sắc mặt đều giống như không có nghe tôi nói, thật là kỳ tài, tiền đồ vô lượng đấy nhé !”

 Và ra lệnh cho quan thư ký đưa bản tiến cử đưa cho huyện úy.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 47 :

        Vừa chửi vừa ôm thì có hai loại: một là những người thân thiết nhất với nhau, vừa góp ý cho nhau nhưng vẫn yêu thương nhau; hai là những người nịnh hót muốn lấy lòng người khác, hoặc là cấp trên muốn lấy lòng cấp dưới.

        Những người thân thiết với nhau thì họ góp ý cho nhau rất thân tình, dù cho lời góp ý ấy có khi làm đau nhói tâm can của họ, nhưng họ vẫn không lấy làm khó chịu vì họ biết rằng vì yêu thương mình nên mới góp ý, đó là những người có cái tâm thành thật muốn trở nên người tốt, nên sẵn sàng chấp nhận lởi góp ý chân thành của người thân; trái lại những người nịnh nọt thì vừa tâng bốc vừa nói xấu người khác khi ý đồ của mình chưa toại ý, họ trước mặt thì ôm nhưng sau lưng thì chửi, hoặc là những cấp trên khi thấy nhiệm kỳ làm việc của mình sắp hết thì lấy lòng cấp dưới, chiều chuộng hết mình khi cấp dưới yêu cầu, “ôm thắm thiết” cấp dưới khi có lễ lạt nhưng trong lòng thì chẳng có chút gì gọi là yêu thương...

        Người Ki-tô hữu thì luôn có một tâm hồn biết cầu tiến và hoàn thiện mình, cho nên họ vui lòng chấp nhận những góp ý rất chân thật của những người khác, dù lời góp ý có khi rất đau, bởi vì họ biết rằng : Thiên Chúa dùng lời góp ý chua cay (hay nhẹ nhàng) của người khác để dạy cho mình một bài học mà vì lo bon chen, lo ham danh, lo kiếm tiền mà quên mất mình là ai...

        Vừa chửi vừa ôm chỉ đúng nghĩa của nó khi mà cả hai bên đều có tâm hồn yêu thương thông cảm và lo lắng cho nhau, đó chính là tâm tình của người Ki-tô hữu vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tên quan coi tất cả các châu về tư pháp, hình ngục và kiểm tra.