MỘT NGỌN NÚI HAI CON CHÓ
Tống Ngôn nguyên gọi là Tống
Nhạc﹝嶽﹞[1]. Anh ta đã tham
gia qua mười lần khoa bảng thi cử mà vẫn không trúng tuyển, năm thứ mười một đời
Đường Thái Tông, họ Tống lại chuẩn bị tham gia thi cử.
Một ngày nọ, khi anh ta ngủ
trưa thì nằm mộng, đột nhiên thấy có người đến báo:“Tống thứ lang tú tài, nếu trên đầu mang ngọn núi, thì không cách gì
thành danh, chỉ có bỏ đi ngọn núi, mới có thể tự mình thăng đạt”.
Sau khi tỉnh dậy, họ Tống bèn
theo y lời báo trong mộng mà xóa đi chữ núi﹝山﹞, nhưng nhìn phải nhìn trái, trong một chữ có hai con
chó﹝犬﹞, thế là anh ta lại
xóa đi hai con chó﹝犬﹞thành chữ ngôn﹝言﹞, và đổi tên là Ngôn.
(Vân Khê hữu nghị)
Suy tư:
Đi học, dù học phổ thông, học
đại học, học võ nghệ, học nhạc, học buôn bán.v.v... hoặc bất kỳ học cái gì, thì
cũng đòi buộc chúng ta phải nhớ, phải học thuộc lòng những bài mình đã học.
Những công thức toán học rắc rối
nếu không học thuộc lòng, anh sẽ không làm bài được; những nguyên tắc làm thơ
phú căn bản, nếu anh không thuộc lòng, thì vần thơ của anh sai điệu; những bài
quyền, bài thảo trong võ thuật, nếu anh không luyện tập tinh thục thì anh không
thể nào xử dụng khi lâm trận...Trước hết là phải thuộc lòng, nhớ như in trong đầu
óc, tiếp đến là suy tư những điều mình đã thuộc đã nhớ và sau cùng là thực
hành.
Trong việc học hỏi Lời Chúa
cũng thế, ngoại trừ những người được ơn lạ cách đặc biệt, ngoài ra không ai tự
nhiên mà thông hiểu Lời Chúa nếu không được học hỏi, nghĩa là phải nhớ thuộc
lòng nằm trong đầu, suy tư và cầu nguyện, rồi đem ra thực hành trong cuộc sống.
Đức Mẹ Ma-ri-a cũng như thế, Mẹ nghe Lời Chúa, ghi sâu trong lòng và đem thực
hành.
Anh không thể suy tư và chia sẻ
Lời Chúa cho mọi người nếu trong đầu óc anh không có một câu Lời Chúa nào; hoặc
anh có thể thuộc làu làu quyển sách giáo lý do nhà xuất bản Tân Định ấn hành,
nhưng nếu anh không suy tư, chia sẻ, thực hành thì không ai nói anh là mẫu người
công giáo lý tưởng.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư
[1] 嶽 đọc là “yuè”
nghĩa là nhạc. 山đọc là “shan” nghĩa là núi. 犬 đọc là “quàn” nghĩa là
khuyển (chó). 言 đọc là “yán” nghĩa là ngôn.