Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


76.   HOÀNG CÔNG TRỘM ĐAO

An Kỳ Sinh (theo truyền thuyết là người thần) đã học được pháp thuật tại núi Chi Phù, tay cầm xích đao, đứng trước mặt con hổ phải trái chỉ huy, con hổ đã thuần chủng như một em bé biết nghe lời. Đông hải Hoàng Công nhìn thấy rất là ngưỡng mộ, cho rằng tất cả thần kỳ ảo diệu đều ở nơi thanh xích đao, thế là ăn cắp thanh xích đao và mang trên người.

Một hôm ông đi ra ngoài và gặp một con hổ đang đi trên đường, ông ta rút đao ra và nhắm vào con hổ mà đi tới chứ không muốn tranh thắng lợi với nó, thế là ông ta bị hổ vồ ăn mất tiêu.

                                                                                (Úc Ly tử)

Suy tư 76:

        Có người cầm hai ba thanh xích đao nhưng vẫn cứ bị hổ vồ ăn thịt, vì không biết cách sử dụng đao, vì không biết pháp thuật hoặc võ thuật, nhưng An Kỳ Sinh sai khiến hổ bằng cách dạy cho con hổ biết nghe lời và những hiệu lệnh do người nuôi nó đặt ra, chứ không phải bằng thanh xích đao.

        Có những người Ki-tô hữu đọc kinh lần chuỗi rất nhiều nhưng vẫn cứ phạm tội; có những người Ki-tô hữu tham gia lớp kinh thành này, lớp giáo lý nọ, nhưng đời sống đạo đức của họ vẫn cứ không thấy “khá hơn” người khác chút nào..!!

Tại sao vậy ?

Thưa, vì họ đọc kinh lần chuỗi nhiều, tham dự nhiều lớp kinh thánh mà tâm hồn họ không chịu thay đổi, không có quyết tâm sửa đổi tính hư tật xấu.

Chuỗi Mân Côi, các lớp giáo lý kinh thánh hay tu đức chỉ là phương tiện giúp chúng ta tìm ra phương pháp để đi đến gần Chúa hơn, sống tốt hơn mà thôi, chứ nó không thể giúp ích gì cho chúng ta nếu chúng ta không có một tâm hồn quyết tâm sống đạo và cải thiện cuộc sống.

Đông hải Hoàng Công đã bị hổ ăn thịt mặc dù trong tay có cầm thanh xích đao, bởi vì ông ta không biết cách dạy hổ và cũng chưa lần nào tiếp xúc với hổ.

Người Ki-tô hữu cũng sẽ bị ma quỷ vồ ăn thịt (mất linh hồn) nếu chúng ta lần chuỗi cho nhiều, học tu đức học kinh thánh cho nhiều mà một chút tâm tình hối cải cũng không có.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)