Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 6)

 


1.     ÔNG GIÓ NỒM

Có một ông chủ nhà giàu nhưng keo kiết lạ thường, khi con trai đã lớn thì muốn mời một thầy giáo đến dạy học cho con, nhưng điều kiện để được nhận làm thầy giáo là phải không ăn không uống.

Có người giới thiệu với ông ta:

-         “Có một người không ăn uống, chỉ thích ăn mùi vị của gió nồm.”

Ông chủ nhà giàu nghe được bèn gấp gấp bàn hỏi với vợ, bà vợ suy lui nghĩ tới rồi lắc đầu liên tục nói:

-         “Nếu một ngày nào đó có gió bấc thổi đến thì ông lấy thứ gì để cho ông ta ăn ?”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 1:

Người keo kiết lạ thường thì cách suy nghĩ cũng lạ thường không như những người khác, cái lạ thường của người keo kiết là không muốn người làm việc cho mình ăn uống gì cả, chỉ lo làm mà thôi...

Có những người dáng vẻ bên ngoài không “keo kiết lạ thường” nhưng tâm hồn của họ thì luôn tràn đầy sóng gió, nghĩa là không được bình an, vì họ luôn “đâm bên này, thọt bên kia” khi thấy anh em chị em làm được việc hơn họ, bởi vì con mắt của họ không nhìn vào tâm hồn của mình để coi tốt hay xấu, mà cứ nhìn soi mói những khuyết điểm của anh em chị em mà phê bình, mặc dù anh em chị em có rất nhiều ưu điểm hơn họ...

Người có tính “keo kiết lạ thường” là vì sợ hết của cải, xét cho cùng thì cũng không trầm trọng lắm cho bằng người “keo kiết lạ thường” trong đời sống tu đức, bởi vì những người này không phải họ không muốn người khác không ăn không uống, nhưng chính họ đã khước từ tình anh em chị em khi họ cứ bất bình và thù hận trước những ưu điểm của người khác trỗi vượt hơn mình.

Chúng ta rất dễ dàng nhận ra người keo kiệt lạ thường trong tâm hồn, đó là khi họ keo kiết với mọi người một nụ cười thân thiện, khi họ keo kiết nói một lời cám ơn, khi họ keo kiết một lời tán thưởng người khác.v.v...những keo kiết lạ thường ấy thường làm cho họ gần gủi với ma quỷ và những nịnh bợ của thế gian, hơn là gần gủi với tha nhân và ơn sủng của Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)