Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


59.          BÔI ĐEN CÁI MIỆNG

Có một người đi ăn tiệc và đem đầy tớ theo, mỗi lần như thế thì chỉ lo cho mình ăn uống mà không quan tâm đến đầy tớ.

Có một lần, đầy tớ lấy mực bôi đen cái miệng của mình và đứng bên cạnh ông chủ.

Ông ta nhìn thấy thì nói:

-         “Cái tên nô tài này, cái miệng mày sao lại đen như thế ?”

Đầy tớ trả lời:

-         “Lão gia chỉ lo cho miệng của lão gia mà không lo cho miệng của con”.

(Tiếu Hải Thiên Kim)

 

Suy tư 59:

        Quan tâm đến người khác, đó là lời mời gọi của Tin Mừng mà Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta, không quan tâm đến người khác dù họ là người đầy tớ của mình, thì không thể được gọi là môn đệ của Đức Chúa Giê-su.

        Có người bỏ tiền ra thuê người làm nhưng lại đối xử cách vô nhân đạo không có tình người với họ, vì lý lẽ của họ dựa trên tiền bạc; có người coi người làm công của mình còn thua con chó kiểng của họ, họ bỏ tiền ra thuê người làm công không phải để lo việc gia đình mà thôi, nhưng còn phải chăm sóc con chó kiểng của họ còn hơn chăm sóc con người, họ đã trở thành những chủ nhân ông của thời trung cổ.

        Đối xử công bằng với nhau không phải chỉ dựa trên tiền bạc, nhưng còn dựa vào nhân phẩm và nhân cách của con người, ai lấy sự công bằng tiền bạc vật chất làm tiêu chuẩn để đối xử bất công với người làm công thì không xứng đáng được Thiên Chúa chúc lành, bởi vì họ đã coi người anh em chị em như một dụng cụ làm việc cho họ...

        Ông chủ ăn no nê và để cho đầy tớ đói đó là một bất công và có khi là tội ác, bởi vì ông chủ không thể để cho con chó kiểng bị đói khi dắt nó đi chơi, thì huống chi là người đầy tớ của mình bởi vì họ cũng là một con người như chúng ta...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


58.          LÃO SỨ CHUYÊN QUYỀN

Có một quan và một sứ, tóc râu đều bạc trắng, sau đó ông sứ mời thợ nhuộm đến nhuộm đen.

Ông quan thấy bèn hỏi:

-         “Râu tóc của ông sao đen vậy ?”

Ông sứ nói:

-         “Hôm trước kêu thợ đến nhuộm”.

Ông quan ấy nói:

-         “Tôi cũng muốn nhuộm râu tóc của tôi”.

Ông sứ trả lời:

-         “Chỉ nhuộm được sứ, không thể nhuộm được quan”.

(Tiếu Hải Thiên Kim)

 

Suy tư 58:

        Thời nay việc nhuộm tóc là chuyện bình thường ai nhuộm cũng được, nhuộm xanh, nhuộm trắng, nhuộm đỏ, nhuộm đen.v.v..đều được, tùy ý thích của mỗi người.

Thời nay, có những người lấy tiền bạc để nhuộm tình cảm của mình thành màu đen phản bội khi họ coi đồng tiền là cùng đích; có người nhuộm cuộc sống vui tươi của mình bằng rượu và cần sa ma túy, nên đời họ như những bóng ma giữa xã hội; có người nhuộm lý tưởng cao thượng của mình bằng những đam mê xác thịt, khiến họ sống mà tâm hồn lúc nào cũng lo âu bối rối vì lương tâm lên án...

Cũng có những người Ki-tô hữu thích mô-đen nhuộm tóc xanh đỏ cho vui, điều này thì không có gì là tội, nhưng cái đáng tội là họ lấy cuộc sống tội lỗi vô ơn của mình nhuộm Lời Chúa theo ý nghĩa đen tối của họ, và để biện minh cho việc làm không phù hợp với điều dạy của Thiên Chúa và Giáo Hội.

        Lấy Lời Chúa mà nhuộm cuộc sống tội lỗi của mình thành người Ki-tô hữu đạo đức thì đẹp biết bao, hơn là lấy cuộc sống tội lỗi của mình để nhuộm Lời Chúa thành màu bi quan khiến người khác hiểu lầm niềm tin của chúng ta...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 57.          LỜI KHÔNG ĂN Ý

Ngày xưa, có một phú ông sinh được ba cô con gái, con gái lớn và con gái thứ hai đều gả cho tú tài, còn con gái út thì gả cho người thường dân.

Một ngày nọ sinh nhật của phú ông, các chàng rể đều đến để chúc thọ, con rể lớn và con rể thứ hai nói năng lịch sự, duy chỉ có con rể út là ăn nói thô tục mà thôi, nên trong lòng phú ông không vui vẻ.

Ông thiết tiệc khoản đãi các chàng rể, nói với họ:

-         “Trong bàn tiệc không được phép nói năng tầm bậy tầm bạ”.

Rượu uống qua tuần ba, phú ông cầm đũa gắp thức ăn cho con rể lớn, con rể lớn đứng dậy cung kính nói:

-         “Người quân tử mưu cầu đạo chứ không mưu cầu thực”[1].

Phú ông rất vui vẻ.

Lại mời con rể thứ hai uống rượu, con rể thứ hai đứng dậy cung kính nói:

-         “Chỉ rượu là vô lượng, không được loạn”[2].

Phú ông nghe thì cũng rất vui vẻ.

Nhạc mẫu thấy chồng mình lạnh nhạt với con rể thứ ba, bèn nâng ly rượu lên mời con rể thứ ba uống, con rể thứ ba ngẫng đầu lên nói với nhạc mẫu:

-         “Con với má có thể nói được là rượu lên đến đỉnh rồi mới biết ngàn ly vẫn còn thiếu”.

Phú ông lớn tiếng chửi:

-         “Mày là đồ súc sinh, đúng là thằng hung hăng, lại còn mạo nhận là lịch sự cái gì chứ ?!”

Con rể thứ ba quăng ly rượu, bỗng đứng dậy nói:

-         “Lời nói của con như của cha, chỉ là không ăn ý hơn một nửa mà thôi !”

(Tiếu Hải Thiên Kim)

 

Suy tư 57:

        Không ai thích người ăn nói thô lỗ cộc cằn dù người đó là linh mục tài ba lỗi lạc, nhưng ai cũng thích người ăn nói lịch sự nhẹ nhàng dù người đó là người nhà quê chân lấm tay bùn; không ai thích người làm bộ làm điệu bên ngoài dù người đó là bậc vị vọng trong Giáo Hội hay ngoài xã hội, nhưng ai cũng thích người hiền từ thật thà dù họ là người không biết chữ i chữ tờ.v.v...

        Lịch sự nho nhã không phải tự nhiên mà có nhưng cần phải tập luyện hằng ngày, cộc cằn thô lỗ thì không cần phải tập nhưng là phải sửa và điều chỉnh lại cho phù hợp với cuộc sống văn minh của mình.

        Người Ki-tô hữu thì cần phải có lời nói từ tốn thật thà, không phải để người khác thích, nhưng là để giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho mọi người; người Ki-tô hữu cần phải có thái độ lịch sự với tất cả mọi người, không phải để kiếm phiếu hay để được lời khen, nhưng là để cho mọi người biết đức ái của người Ki-tô hữu thì ở ngay trong thái độ lịch sự ấy.

        Ai có tai thì nghe, bởi vì ở đời có nhiều người nói chữ rất hay, nhưng lại cố tình không hiểu ý nghĩa của chữ.

        Đáng buồn thật !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chỉ nghĩ đến đạo nghĩa chứ không nghĩ đến việc ăn uống.

[2] Dù tửu lượng vô hạn, thì cũng không được tự tiện uống càn.

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


56.          DÂNG LÊN HUYẾT PHÂN

Có một quan mới nhậm chức, các lý trưởng ở thôn quê mỗi người phải dâng cho quan một trăm gánh phân để bón ruộng.

Có một lý trưởng dâng lên chín mươi chín gánh, còn thiếu một gánh, làm thế nào cũng không kịp nên ông ta nóng ruột quá chừng, bèn lấy rau dền đỏ nấu với nước, gom lại thành một gánh sung vào cho đủ số.

Quan sứ hỏi:

-         “Gánh phân này sao lại có màu đỏ vậy ?”

Lý trưởng trả lời:

-         “Phân trong hậu môn của bá tánh đều vét ra hết sạch, đây là do máu mới nặn ra đấy !”

(Tiếu Hải Thiên Kim)

 

Suy tư 56:

        Người tham ô thì không có gì mà không “ăn”, ngay cả phân cũng “ăn”, cho nên người ta nói người tham ô thường ăn bẩn là như vậy.

        Có những ông quan khi đến nhậm chức thì người ta vui mừng vì ông quan có tiếng là tận tâm với chức vụ, hết lòng lo cho dân; có ông quan chưa đến mà dân đã ngán ngẫm và lo lắng, vì ông ta nổi tiếng là tham ô và thích vơ vét của cải của dân chúng, bởi vì cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan. Thời nay mánh lới của các quan tham ô rất tinh vi, thay vì ăn cướp trắng trợn, thì mở ra đề án xây dựng công trình này công trình nọ để ăn cướp tiền bạc vật chất đất đai của bá tánh, mà bá tánh đó chính là những người nghèo làm lụng vất vả...

        Người Ki-tô hữu không những rất hiểu ý nghĩa của hai chữ công bằng, mà còn thêm hai chữ bác ái phía sau nữa đó là công bằng bác ái, bởi vì sống công bằng mà thôi thì cũng chưa đủ vì công bằng mới nói lên được sự liêm chính, nhưng công bằng bác ái thì lột tả được khuôn mặt đích thực của người môn đệ Đức Chúa Giê-su, hay nói cách khác, làm cho người khác thấy rõ khuôn mặt của Ngài hơn, khi chúng ta sống công bằng bác ái với tha nhân...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


55.          KHẢO NGHIỆM TÍNH NHẪN NẠI

Có một người đi nhậm chức quan, bạn bè đưa tiễn và dặn dò ông ta:

-         “Làm việc cho quốc gia, gặp bất cứ việc gì thì nên có tính nhẫn nại”.

Ông ta liên tục nói:

-         “Vâng, vâng, vâng !”

Tất cả bạn bè đều dặn dò ông ta hai lần như thế, ông ta vẫn gật đầu nói vâng vâng.

Đến lần dặn dò thứ tư, ông ta nổi giận nói:

-         “Có phải các anh coi tôi là thằng ngu đần không, chỉ có hai chữ ấy mà nói di nói lại bốn lần không nghỉ !”

Bạn bè thở dài nói:

-         “Có thể thấy rằng, người có tính nhẫn nại thật không dễ ! Ông coi, tôi mới nói ba bốn lần mà ông cũng không chịu đựng nổi !”

(Tuyết Đào tiểu thuyêt)

 

Suy tư 55:

        Trong cuộc sống của con người ta tính nhẫn nại rất là quan trọng, bởi vì người có tính nhẫn nại thì thường làm được nhiều việc to lớn hơn người có tính nóng nảy…

-         Có những người có tài nhưng làm việc luôn thất bại, vì không có tính nhẫn nại.

-         Có người được nhiều người cộng tác giúp việc nhưng vẫn thất bại, vì không có tính nhẫn nại.

-         Có người có đủ mọi điều kiện khách quan để tiến đến danh vọng nhưng rồi thất vọng, vì không có tính nhẫn nại.

-         Có người có quyền có tiền nhưng làm việc gì cũng không thành công, vì họ không có tính nhẫn nại.v.v…

Nhẫn nại là một đức tính không phải tự nhiên mà có, nhưng phải tập luyện hằng ngày, sự tập luyện này đòi hỏi phải có sự tu tâm dưỡng tính và tình yêu của Đức Chúa Giêsu nơi con người họ, bởi vì việc tu tâm dưỡng tính làm cho sự nhẫn nại có ý nghĩa hơn, đó là nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi người anh em chị em và nơi công việc trước khi nổi giận nóng tính…

        Càng có chức quyền lớn thì càng phải có nhẫn nại, càng làm việc quan trọng thì càng phải có tính nhẫn nại, đó cũng là một trong những bí quyết để thành công vậy.

        Ai cũng hiểu điều này, các linh mục của Giáo Hội càng hiểu rõ hơn mọi người.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

Chúa nhật 5 mùa chay

 


CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY

 

Tin mừng : Ga 8, 1-11

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”

 

Bạn thân mến,

Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau :

“Mọi người nhao nhao chế nhạo con giun đất:

-      Mày không có mắt, không thể thấy.

-      Mày không có tai, không thể nghe.

-      Mày không có chân, không thể đi.

-      Mày không có cánh, không thể bay.

-      Mày là một phế vật cái gì cũng không có...!

Giun đất khóc lớn tố khổ với Đấng Tạo Hóa:

-         “Tại sao Ngài dựng nên con thấp kém hèn mọn không có gì là có lợi...”

-         “Này con, bản thân của sinh mệnh là không phân biệt cao thấp quý tiện”- Đấng Tạo Hóa buồn thương nói tiếp: “Ta không coi thường con, tại sao con lại tự coi thường mình chứ ?...”[1]

Trong cuộc sống hàng ngày,

-      Có những lúc chúng ta chế nhạo người tội lỗi: Mày là đứa tội lỗi không xứng đáng đến nhà thờ.

-      Có những lúc chúng ta cười nhạo người mới theo đạo: Mày là đứa đạo theo, biết gì giáo lý mà nói.

-      Có những lúc chúng ta cười nhạo người anh em nghèo khó: Mày là đứa nghèo mạt rệp không xứng đáng làm bạn với tao.

-      Có những lúc chúng ta cười chế nhạo người dốt nát: Mày một chữ cắn đôi cũng không biết không được tham gia vào công tác nhà xứ.

-      Có những lúc chúng ta cười chế nhạo người tàn tật: Mày là thứ đui què không làm được gì cho ai.

-      Có những lúc chúng ta cười khinh chê cô gái đứng đường: Đồ thứ đĩ điếm dơ bẩn...

Bạn thân mến,

Chúng ta kết án tha nhân như những người Pha-ri-siêu và biệt phái kết án người phụ nữ ngoại tình, trong khi đó chúng ta là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Mỗi một người là một tạo vật có giá trị như nhau trước mặt Thiên Chúa, cho nên dù họ có xấu xí, thất học, nghèo nàn hay tội lỗi hoặc là người mới theo đạo, thì thái độ mà chúng ta nên có đối với họ chính là tôn trọng, cảm thông và cầu nguyện...

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”[2]. Vâng, nếu ai trong chúng ta tự cho mình là vô tội thì hãy lên án tha nhân trước đi !

Đúng là lời cảnh cáo nghiêm khắc với chúng ta là những người thích lên án tha nhân và anh chị em mình.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch Việt ngữ của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

[2] Ga 8, 7.

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


54.          TRẦN TRÍ NÓNG NẢY

Giữa năm Thiên Thuận, làm ở bộ hiến là Trần Trí có tính nóng nảy.

Một lần nọ, ông ta cầm cái khoan để đục bỏ những ch dơ, vì lơ đểnh nên cái khoan rơi xuống đất, ông ta rất giận d, bèn cầm cái khoan đến ch đất cứng và đập cho đến khi mũi khoan cùn mới thôi.

Lại có một lần, ông ta ở nơi phòng khách của văn phòng, có một con ruồi cứ bay vù vù trước mặt, ông ta rất tức giận ra lệnh cho người ở vây bắt nó, người ở cố ý chạy đông chạy tây, làm dáng dấp như bắt cầm thú, cho đến khi thấy ông ta nguôi giận mới thôi.

Có người khuyên ông Trần Trí nên thay đổi tính tình nóng nảy cộc cằn ấy, ông ta bèn viết trên cây thước gỗ ba chữ “cai tính nóng” và bỏ trên bàn tự răn mình.

Nhưng một ngày kia, có một đầy tớ phạm một lỗi nhỏ, ông ta lại dằn không được bèn cầm lấy cây thước gỗ ấy lăm le đánh nó.

Ái dà, cái khoan, con ruồi đều là vật không có trí khôn, chúng ta giận d với những thứ ấy, thì những thứ ấy có nhận được những tổn thất gì nào, nhưng chính bản thân mình lại chuốc thêm buồn bực mà thôi.

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

 

Suy tư 54:

        Có một vài người có tính nóng vội nên họ ít có bạn bè thân thiết, bởi vì tính nóng nảy vội vàng của họ làm cho bạn bè cảm thấy mình bị xúc phạm.

        Người nóng nảy vội vàng thì thường hay làm những chuyện vô lý theo tính nóng vội của mình để rồi sau đó lại hối hận; cấp trên mà có tính nóng nảy thì hay quát tháo dù đúng sai chưa biết, do đó mà thuộc hạ của họ không dám đến gần nên thường báo cáo sai, báo cáo bậy để khỏi bị cấp trên chửi và để họ khỏi đến gần cấp trên của mình...Có người khi nóng nảy thì đá con chó, có người khi nóng nảy thì đập bàn đập ghế, có người khi nóng nảy thì quăng đồ đạt trong nhà.v.v...tất cả các thái độ ấy đều bày tỏ một tâm hồn không ổn định, và có khi bày tỏ tính cách kiêu ngạo của mình trong tính nóng nảy vội vàng.

        Người Ki-tô hữu học theo gương của Đức Chúa Giê-su là lấy sự hiền lành và khiêm nhượng để kiềm chế tính nóng nảy vội vàng bất lợi cho mình, đ cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội nơi mình đang sống và làm việc đ ư ợc phát triển.

Nóng nảy thì phá đổ, nhưng hiền lành thì xây dựng và hàn gắn ...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


53.          CỐ TÔ LÃO TRÙNG

Ở đất Sở[1] người ta gọi con hổ là lão trùng.

Một lần nọ, có người đất Sở đi đến Lâu Đông[2] và qua đêm ở quán trọ, vừa mới thổi tắt đèn muốn đi ngủ thì nghe tiếng lá khô xào xạt, người đất Sở mới hỏi tiếng gì vậy, người gác cổng nói:

-         “Đó là lão trùng”.

Người đất Sở hoảng hồn chuẩn bị đường chạy, vội vàng hỏi:

-         “Ở trong thành sao lại có mãnh thú như thế ?”

Người gác cổng nói:

-         “Không mãnh thú nào cả, đó là con chuột đấy”.

Người đất Sở trong bụng chưa hết sợ, hỏi:

-         “Tại sao gọi con chuột là lão trùng ?”
Người gác cổng trả lời:

-         “Đây là cách gọi quen thuộc của người Cô Tô[3] đấy”.

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

 

Suy tư 53:

        Người nước Sở gọi con hổ là lão trùng, người Cô Tô gọi con chuột cũng là lão trùng, cả hai lão trùng đều không giống nhau về hình dáng, nhưng giống nhau một điểm là hại người và hại mùa màng.

        Có người coi cơn cám dỗ như là ác thú nên tránh, có người coi cơn cám dỗ như là một dịp để tôi luyện tâm hồn thêm mạnh mẽ, nhưng dù muốn dù không thì cám dỗ cũng vẫn cứ là công cụ của ma quỷ, và người khôn ngoan thì không nên đùa với cơn cám dỗ khi “nội công tu đức” của mình chưa thành tựu...

        Con hổ thì ăn thịt người và thịt động vật khác, con chuột thì phá hoại mùa màng và vật dụng trong nhà của con người, cả hai con vật đều bị con người kiêng kỵ vì sự nguy hiểm của nó.

Cũng vậy, cám dỗ nào cũng có nguy cơ làm cho linh hồn mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, cho nên đừng có đem cái bản lãnh của xác thịt ra để thử thách với cám dỗ, nhưng phải luôn cậy nhờ ơn Thiên Chúa giúp để tránh nó, mà nếu không tránh được thì cần phải anh hùng chiến đấu với lời cầu nguyện và làm các việc hy sinh hãm mình cũng như đón nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Nay là dãy đất Hồ Bắc-Trung quốc.

[2] Nay là Thái Thương-Trung quốc.

[3] Nay là Tô Châu-Trung quốc.

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


52.          TỰ CHE CÁI XẤU CỦA MÌNH

Có người miền bắc từ trước đến nay không biết loại nấm lúa mì, sau đó thì được vào miền nam làm quan.

Có lần trên bàn tiệc có món ăn làm từ nấm lúa mì, bèn đem cả vỏ bỏ vào trong miệng mà ăn, có người nói:

-         “Ăn nấm lúa mì thì bỏ vỏ nó đi”.

Ông ta che giấu, nói:

-         “Không phải là tôi không biết phải bỏ vỏ, chẳng qua là muốn dùng nó để làm nhẹ cái nóng ở trong đó mà”.

Có người hỏi:

-         “Ở miền bắc có loại này không ?”

Ông ta trả lời:

-         “Trước núi, sau núi, khắp đồng nội đâu đâu cũng có, chỗ nào cũng đều có !”

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

 

Suy tư 52 :

        Trồng lúa mì không phải chỗ nào cũng trồng được, làm nấm từ lúa mì lại càng không phải ai cũng làm được, cho nên nói nấm lúa mì khắp đồng nội đều có, chỗ nào cũng có là nói tầm bậy và nói láo, chứng tỏ một tâm hồn đầy tự ái và sĩ diện...

        Ở đời có khối người vì để che giấu cái dốt của mình mà tuyên bố vung vít, tuyên bố vô tội vạ làm cho người nghe cảm thấy thương hại cho họ.

        Người Ki-tô hữu có một điều cần tuyên xưng là: chúng ta có một Thiên Chúa là Cha ở trên trời, có một niềm tin là tin Đức Chúa Giê-su Ki-tô là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, có một lời loan báo đó là loan báo tin mừng của Nước Trời cho tha nhân. Lời tuyên xưng, sự tin tưởng và lời loan báo ấy đều có cơ sở tinh thần cũng như trong lịch sử của con người, cho nên khi chúng ta -người Kitô hữu- lấy hành động bác ái phục vụ và dùng lời nói thành thật hòa nhã của mình để loan báo tin vui ấy, là chúng ta đã làm chứng cho điều mình đã và đang loan báo...

Người miền bắc vì sĩ diện địa phương và vì để che giấu cái dốt của mình bởi mình là quan lớn, mà nói dối khoa trương nên bị người ta coi thường, người Ki-tô hữu khi loan báo tin vui Nước Trời thì là loan báo điều mình biết, điều mình tin và điều mình đang sống và cảm nghiệm, thì ai lại không cảm phục và bắt chước chứ !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)