LỄ
MÌNH MÁU THÁNH ĐỨC CHÚA KI-TÔ
Tin mừng : Lc
9, 11b-17.
“Mọi người đều ăn,
và được no nê”.
Bạn thân mến,
Hôm nay Giáo Hội
long trọng mừng lễ kính Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, đây là một sự
tôn vinh chúc tụng ngợi khen và cám tạ hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại
chúng ta, để khi chúng ta ăn và uống Máu Thịt Thánh này thì được sự sống đời đời.
Trong tâm tình cảm tạ sâu sắc hồng ân này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy điểm sau
đây :
- Lao động là cơm bánh
nuôi thân xác.
Khoa học ngày càng
phát triển, con người ngày càng hưởng thụ, và khi thân xác được no nê đầy đủ
thì linh hồn lại thiếu thốn, đó là “quy luật” của xã hội thời hiện đại. Con người
ta sống ở đời không ăn không uống thì thân xác chết dần mòn, do đó mà mọi người
cần phải nổ lực làm việc để có cơm bánh nuôi sống thân mình và gia đình. Khoa học
càng phát triển thì con người càng khó tìm việc làm cho mình, bởi vì khoa học
đã thay thế rất nhiều công việc trong các lãnh vực, tuy nhiên lao động vẫn là
nhân tố chính để khoa học tiến bộ.
Mồ hôi đổ xuống
trên ruộng đồng của bác nông phu để những mảnh đất trở thành hạt lúa thơm ngon
nuôi sống con người; mồ hôi đổ xuống trên những nhà máy của các anh chị công
nhân đã làm cho khoa học trở nên cơm bánh nuôi sống mọi người; mồ hôi đổ xuống
trên bục giảng với hơi thở bay màu bụi phấn của các thầy cô giáo, được biến
thành cơm bánh nuôi sống họ và gia đình...
Lao động là để có
cơm ăn áo mặc, lao động là để có của cải giúp người nghèo khó đó là ý muốn của
Thiên Chúa khi Ngài nói với nguyên tổ chúng ta: “Hãy cai quản vũ trụ...” Đó cũng là điều mà Thánh Phao-lô tông đồ
đã dạy: “Ai không làm thì đừng ăn”.
- Hy sinh tận hiến làm
nên Thánh Thể
Trước
khi lìa thế
gian để về ngự bên hữu Thiên Chúa, Đức Chúa
Giê-su
đã làm một cử chỉ yêu thương đầy khiêm tốn là rửa chân cho các môn đệ
của mình, hành vi khiêm tốn này lột tả được tất cả yêu thương và hy sinh của
Ngài với việc làm tiếp theo sau là lập bí tích Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể
là bí tích Yêu Thương, là bí tích của Hy Sinh và Tận Hiến: Hy sinh thân xác
mình làm giá cứu chuộc tội nhân là nhân loại chúng ta, Tận Hiến cho Đức Chúa
Cha với tất cả sự phục tùng tín thác, để thân xác hy sinh ấy trở nên tấm bánh
thiêng liêng nuôi sống linh hồn người tín hữu khi Đức Chúa Giê-su nói : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn
bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi
đây, để cho thế gian được sống”[1].
Và thật rõ ràng khi Đức Chúa Giê-su dạy các môn đệ: hãy yêu thương nhau như
Ngài đã yêu thương các ông.
Yêu thương nhau tức
là hy sinh và tận hiến cho nhau, mà cao đỉnh của tình yêu hy sinh tận hiến
chính là chết cho người mình yêu, cũng có nghĩa là trở nên tấm bánh cho người yêu hưởng dùng, đó chính là ý nghĩa đích
thực của ngày lễ Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su hôm nay.
Bạn thân mến,
Mỗi lần chúng ta đi
tham dự thánh lễ là chúng ta phải có tâm tình xác tín rằng: bánh miến và rượu
nho trên bàn thờ ấy, cũng có những công lao vất vả mồ hôi của chúng ta góp vào,
với tất cả những tâm tình hy sinh và yêu mến, nó sẽ trở nên Máu Thịt của Đức
Chúa Giê-su Ki-tô nuôi sống linh hồn và thân xác của chúng ta ở trần gian này.
Do đó mà mỗi người trong chúng ta phải hết sức kính trọng, yêu mến và khiêm
cung khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su nơi tay của linh mục
trao ban.
Trong tâm tình ngày
lễ hôm nay, tôi xin bạn hai điều :
-
Với sản phẩm thành quả của lao động mà chúng ta đã
làm ra, trước hết là để nuôi sống bản thân và gia đình, sau là xin anh chị em
thay mặt Đức Chúa Giê-su vươn cánh tay nối dài của Ngài nơi chúng ta đến với những
người nghèo khổ, đến các viện mồ côi, viện dưỡng lão.v.v.v... để giúp đỡ họ.
-
Mỗi lần đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, xin anh chị
em ý thức rằng: mình đang về nhà Cha để cùng với các anh chị em tín hữu khác
tham dự tiệc Nước Trời, do đó tôi xin anh chị em đem theo mình nụ cười tươi
vui, cái bắt tay thân thiện và lời hỏi thăm quan tâm nồng nhiệt đến với mọi người
mà chúng ta gặp trên đường đi, hoặc là tại nhà thờ nơi mà chúng ta đang tham dự
thánh lễ ...
Xin Thiên Chúa chúc
lành cho tất cả chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.