Chia sẻ :
NGẰM ĐÀNG THÁNH GIÁ
Các Sơ Nhỏ thân mến,
Mùa
Chay năm nay, khi cùng với cộng đoàn giáo xứ ngắm Đàng Thánh Giá vào mỗi tối thứ
sáu trong mùa chay, Bác Tài có mấy suy tư sau đây về việc ngắm Đàng Thánh Giá,
suy tư này Bác Tài đã chia sẻ với cộng đoàn giáo xứ, vừa là giúp họ hiểu được ý
nghĩa thật của việc ngắm Đàng Thánh Giá vừa biết chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa
Giêsu trong cuộc sống của mình.
CÙNG CHIA SẺ ĐÀNG THÁNH GIÁ VÓI ĐỨC CHÚA GIÊ-SU
Đàng
Thánh Giá là chặng đường mà Đức Chúa Giê-su đã vác cây thập giá từ dinh Phi-la-tô
đến núi Sọ, để chịu quân lính đóng đinh vào trên cây thập giá, là chặng đường với
biết bao là khổ cực mà Đức Chúa Giêsu phải chịu: bị đánh đòn, bị sỉ nhục, bị nhạo
báng.v.v...
Cho
nên, khi ngắm Đàng Thánh Giá trong nhà thờ, trước mười bốn chặng với mười bốn bức
ảnh họa lại những mốc lịch sử mà Đức Chúa Giê-su phải chịu: từ khi bị kết án
nơi dinh Phi-la-tô cho đến khi chết trên thập giá, tất cả những hình ảnh ấy đập
vào con mắt chúng ta và làm cho trí hồn chúng ta suy nghĩ đến những gì mà Đức Chúa
Giê-su đã chịu trước khi chết.
Chặng thứ Nhất :
Đức Chúa Giêsu bị xử án
Nơi
chặng này, chúng ta suy đến việc Đức Chúa Giê-su bị xét xử cách oan ức vì tội lỗi
của nhân loại và tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người,
là Đấng xét xử nhân loại, vì yêu thương nhân loại, giờ đây lại bị những con người
tội lỗi kết án tử cách bất công...
Qua
việc Đức Chúa Giêsu bị xử án bất công này, chúng ta cầu xin cho mỗi người trong
chúng ta đừng xét đoán tha nhân cách bất công, bởi vì chúng ta cũng chỉ là những
tội nhân, bất toàn...
Chặng thứ Hai :
Đức Chúa Giê-su vác thập giá
Nơi
chặng này, chúng ta suy đến Đức Chúa Giê-su vác cây thập giá, thập giá ấy chính
là những tội lỗi của nhân loại và của chúng ta, chúng ta thấy Ngài khom lưng chân
bước khó khăn bởi sức nặng của cây gỗ; chúng ta cũng thấy chính mình cũng đã có
những lúc đem tội lỗi và trách nhiệm của mình, trút lên đầu người anh em chị em
vì tính ích kỷ và hèn nhát của mình.
Qua
việc Đức Chúa Giê-su vác cây thập giá nặng nề này, chúng ta cầu xin Chúa ban
cho chúng ta biết can đảm gánh vác trách nhiệm của mình, để tha nhân được nhẹ
nhàng hơn khi cộng tác với chúng ta.
Chặng thứ Ba :
Đức Chúa Giê-su ngã lần thứ nhất
Nơi
chặng này, chúng ta chia sẻ những đau khổ của Đức Chúa Giê-su: Ngài bị té ngã,
có lẽ sức nặng của cây gỗ giá thì ít, nhưng tội lỗi của nhân loại quá nặng làm Ngài
quá đau buồn nên ngã xuống đất thì nhiều; chúng ta cũng thấy Đức Chúa Giê-su cố
gắng đứng lên để đi đến nơi núi Sọ, sự cố gắng này dạy cho chúng ta biết nhanh
chóng đứng lên sau khi phạm tội.
Suy
đến việc Đức Chúa Giê-su bị ngã lần thứ nhất, chúng ta cầu xin Chúa ban cho
chúng ta sức mạnh và chí khí, để chúng ta cũng biết đứng lên sau khi ngã xuống
vì những cơn cám dỗ của ma quỷ và thế gian.
Chặng thứ Bốn :
Đức Chúa Giê-su gặp Đức Mẹ
Không
có cảnh nào xúc động đầy nước mắt cho bằng cảnh mẹ con gặp nhau trên đường khổ
nạn; không có gì đau khổ đứt ruột xé lòng người mẹ cho bằng khi thấy con vác thập
giá để đi chịu chết. Đức Mẹ Ma-ri-a đã chen lấn giữa đám đông quân lính và những
người hiếu kỳ bên đường để nhìn cho được con của mình, mẹ con nhìn nhau không
nói nên lời, nhưng trong tâm hồn Mẹ và Đức Chúa Giê-su đã nói rất nhiều, chia sẻ,
cảm thông, an ủi và yêu thương...
Suy
đến việc Đức Mẹ Ma-ri-a đã gặp được Đức Chúa Giê-su trên đường khổ giá, chúng
ta cầu xin cho chúng ta đang trên đường lữ thứ trần gian, những lúc nguy hiểm
vì cám dỗ, cũng được gặp Mẹ đến an ủi, nâng đỡ và cứu giúp...
Chặng thứ Năm :
Ông Si-mon vác đỡ thập giá
Đường
lên núi Sọ vẫn còn dài, nhưng sức lực thì đã kiệt quệ, những người lính sợ Đức Chúa
Giê-su chết giữa đường nên đã bắt ép ông Si-mon vác đỡ thập giá với Ngài. Suy đến
chặng này, chúng ta nghĩ đến những người nghèo khổ chung quanh mình, họ đang cần
chúng ta giúp họ một mảnh áo che thân, một bát cơm lót dạ, một chút tình người...
Xin
Chúa ban cho chúng ta biết nhìn thấy những nổi bất hạnh của anh em chị em mà ra
tay giúp đỡ, đó là chúng ta đã vác đỡ thập giá cho Đức Chúa Giê-su vậy.
Chặng thứ Sáu :
Bà Vê-rô-ni-ca lau mặt Đức Chúa Giê-su
Nơi
chặng này, chúng ta nhìn thấy những người hiếu kỳ đi theo để coi Đức Chúa Giê-su
vác thập giá : có người vì hiếu kỳ, có người thương hại, có người chê mắng, có
người chửi rủa... Bà Vê-rô-ni-ca xúc động trước cảnh này, bà thấy Chúa Giêsu thật
là người công chính vì Ngài không oán trách chửi rủa những kẻ hành hạ Ngài, nên
bà đã làm một việc mà không ai dám làm: lao vào lau mặt đầy máu và mồ hôi của Đức
Chúa Giê-su.
Chung
quanh chúng ta vẫn còn nhiều người đang bị lãnh án bất công của người đời, vẫn
còn có những anh chị em bị khinh bỉ, bị hiểu lầm. Xin cho Chúa ban cho chúng ta
biết can đảm lên tiếng bênh vực họ, để họ vẫn còn thấy tình người trong xã hội
hôm nay.
Chặng thứ Bảy :
Đức Chúa Giê-su ngã lần thứ hai
Nơi
chặng này, chúng ta suy niệm về những lần ngã gục trong tội lỗi của chúng ta. Đức
Chúa Giê-su vác thập giá gần đến núi Sọ, nhưng máu đổ ra đã nhiều, sức lực đã cạn
vì những đau đớn thể xác lẫn tinh thần nên lại ngã xuống đất lần thứ hai, nhưng
cũng như lần trước, Đức Chúa Giê-su đã đứng lên để vác thập giá tiếp tục đi đến
nơi để chịu chết.
Xã
hội đầy những cám dỗ, thế giới ngày càng sống trong tội lỗi vì vắng bóng Thiên
Chúa, cuộc sống của chúng ta cũng đã nhiều lần ngã gục bởi sức nặng của danh vọng,
xác thịt và thế gian...
Có
nhiều người ngã xuống trong tội, nhưng có người đứng lên, có người gượng dậy đầy
thương tích, có người không đứng dậy nổi. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sủng của
Ngài, để chúng ta biết chổi dậy sau khi nhiều lần ngã xuống trong tội lỗi của
chúng ta.
Chặng thứ Tám :
Đức Chúa Giê-su an ủi các phụ nữ
Ở
đâu cũng có những người phụ nữ tốt lành hiền hậu biết yêu thương mọi người, những
người phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem cũng vậy, họ đã khóc thương khi thấy Đức Chúa
Giê-su vác cây thập giá mệt nhọc lê lết trên đường lên núi Sọ, tấm lòng những
người phụ nữ này chắc chắn được Thiên Chúa trả công bội hậu. Và có thể nói họ
là những người may mắn nhất được Đức Chúa Giê-su nhắn nhủ rằng: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc
thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em” [1].
Khi
suy niệm đến chặng này, chúng ta nhìn thấy giá trị gia đình ngày hôm nay đang bị
phá hoại, xã hội hưởng thụ làm băng hoại thanh thiếu niên, và chính những lớp
trẻ này nếu không được giáo dục của gia đình, thì sẽ là những thánh giá nặng nề
trên vai của Đức Chúa Giê-su...
Xin
Chúa ban cho chúng ta hiểu biết giá trị của gia đình chính là căn bản để xây dựng
một xã hội công bằng, yêu thương và bác ái.
Chặng thứ Chín :
Đức Chúa Giê-su ngã lần thứ ba
Đây
là lần thứ ba Đức Chúa Giê-su ngã xuống đất khi vác thập giá lên núi Sọ, ba lần
ngã xuống là nói lên ý nghĩa sâu xa của ba chước cám dỗ : cám dỗ của thế gian,
cám dỗ của xác thịt, cám dỗ của danh vọng. Ba chước cám dỗ này mỗi người trong
chúng ta đều gặp phải trong cuộc sống, và đã nhiều lần ngã gục, mỗi một chước
cám dỗ đều đánh trúng tâm can trí não của con người, và không một ai đứng vững
nếu không có quyết tâm và không cậy vào ơn Thiên Chúa ban cho.
Suy
niệm đến chặng đường thánh giá này, chúng ta cầu xin Chúa ban cho mỗi người
trong chúng ta, mỗi lần ngã gục vì tội lỗi, thì biết nhớ đến Đức Chúa Giê-su đã
ngã xuống đất ba lần vì tội lỗi của chúng ta, để chúng ta biết hăng hái đứng
lên và quyết tâm chừa bỏ tội của mình...
Chặng thứ Mười :
Đức Chúa Giê-su bị lột áo ra
Cuối
cùng thì Đức Chúa Giê-su cũng đã vác thập giá đến nơi phải đến: núi Sọ; nơi đây
Đức Chúa Giê-su bị quân lính lột áo ra, Chúa trần truồng, tủi nhục và khổ đau.
Đức
Chúa Giê-su bị lột áo để cho chúng ta thấy rằng mình cũng đã trần truồng sinh
ra từ lòng mẹ; Đức Chúa Giê-su bị lột áo để chúng ta thấy rằng bản thân mình chẳng
có gì ngoài tội lỗi; Đức Chúa Giê-su bị lột áo để cho chúng ta biết mình nếu
không có Chúa thì chúng ta sẽ trở thành cát bụi hư vô...
Lạy Đức Chúa Giê-su, Chúa đã đi hết đoạn đường khổ
giá, nhưng phút cuối vẫn còn chịu khổ nhục khi những người bất chính lột áo
Chúa ra, Chúa đã chịu lấy tất cả những nhục nhã của chúng con. Xin Chúa ban cho
chúng con biết cởi bỏ cái vẻ kiêu ngạo bên ngoài của mình, biết cởi bỏ những
ghét ghen của mình, biết cởi bỏ những hợm hỉnh của mình, để chúng con được chia
sẻ những trần truồng, bất tài của mình với Chúa trong cuộc sống. Xin cho chúng
con biết lột bỏ cuộc sống cũ để mặc lên tấm áo mới là tinh thần khiêm hạ và yêu
thương của Chúa. Amen.
Chặng thứ Mười Một :
Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh vào thập giá
Bản
án bất công của Phi-la-tô dành cho Đức Chúa Giê-su đã hoàn tất khi quân lính
đóng đinh Ngài
vào thập giá, quằn quại đau thương bởi những đinh nhọn đóng thâu vào tay chân của
Đức Chúa Giê-su, tất cả cũng chỉ vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta. Mỗi
cái đinh đóng vào thân thể của Đức Chúa Giê-su là dấu ấn của thứ tha và cứu chuộc
của Thiên Chúa dành cho con người tội lỗi : dấu ấn của bí tích Rửa Tội, dấu ấn
của bí tích Giải Tội và dấu ấn của bí tích Thánh Thể, thế nhưng nhân loại vẫn cứ
tự cho mình là người không cần đến ơn cứu chuộc của Thiên Chúa.
Suy
đến chặng đường khổ giá này, chúng ta cảm nghiệm được rằng : mỗi tội của chúng
ta phạm là mỗi cái đinh nhọn tiếp tục đóng vào thân thể của Đức Chúa Giê-su,
làm cho Ngài –cho đến hôm nay- vẫn cứ bị chúng ta đóng đinh, không phải vào thập
giá, nhưng vào bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự mỗi ngày.
Lạy Đức Chúa Giê-su, chỉ có những tên ác ôn côn đồ là
chúng con đây mới đáng bị đóng đinh vào thập giá, chứ không phải Chúa; chỉ có
chúng con là những linh mục, tu sĩ mới
đáng bị đóng đinh vào thập giá vì những bất xứng của chúng con đã phạm khi cử
hành bí tích Thánh Thể và trong cuộc sống hằng ngày của chúng con : kiêu ngạo,
tham lam, dục vọng là ba cái đinh mà chúng con đóng Chúa vào thập giá mỗi ngày.
Chúa đã bị đóng đinh để nhân loại được sống trong tự do của ân sủng, xin cho
chúng con cũng biết đóng đinh mình, để giáo dân được vui vẻ, tự do và yêu mến
khi đến lãnh các bí tích cứu độ qua tay chúng con. Amen
Chặng thứ Mười Hai :
Đức Chúa Giê-su chết trên thập giá
Mọi
sự đã hoàn tất, đừơng khổ giá đã hoàn tất, không còn đau khổ, không còn nghe những
lời chửi rủa của quân lính, không còn nghe tiếng khóc của những người phụ nữ đạo
đức, nhưng vẫn còn đó những nhạo báng của những kẻ qua đường.
Đức
Chúa Giê-su đã chết trên thập giá, một cái chết như một tội nhân để cho các tội
nhân là nhân loại được ơn tha thứ của Thiên Chúa; một cái chết đắng cay và tủi
nhục, để cho nhân loại được hạnh phúc làm con của Thiên Chúa; một cái chết cô
đơn giữa trời đất lồng lộng để cho nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa và được
hạnh phúc trong tình yêu của Ngài khi từ giã cõi đời này.
Nơi
chặng đường khổ giá này, chúng ta suy đến tình yêu của Đức Chúa Giê-su, một
tình yêu mạnh hơn sự chết. Xin Chúa ban cho chúng ta biết chết cho tội lỗi của
mình, biết chết cho cái tôi tham lam, cái tôi ích kỷ, cái tôi phản loạn của
mình, để được sống lại với Đức Chúa Giê-su trong ngày quang lâm của Ngài.
Chặng thứ Mười Ba :
Hạ xác Đức Chúa Giê-su xuống
Một
ân huệ mà Phi-la-tô đã dành cho Đức Chúa Giê-su sau khi chết, là cho phép các
môn đệ hạ xác Ngài xuống khỏi thập giá vì là ngày hưu lễ.
Dưới
chân thập giá đã có Đức Mẹ Ma-ri-a, thánh Gioan tông đồ, bà Ma-ri-a Mag-da-la
và những người thân yêu đợi sẵn, để đón nhận món quà quý báu nhất mà Thiên Chúa
đã tặng ban cho nhân loại, đó là thân thể của Đức Chúa Giê-su. Bị treo lên cao
để đưa mọi người lên với tình yêu của Chúa Cha, giờ đây được hạ xuống nằm trong
vòng tay của mẹ yêu dấu, Đức Chúa Giê-su thực sự đã trở nên nguồn sống và cứu độ
của thế gian.
Lạy Đức Mẹ Ma-ri-a, khi ẳm thân xác lạnh lẽo đầy vết
thương của Đức Chúa Giê-su vào lòng, Mẹ đã ôm cả nhân loại tội lỗi vào trong
trái tim yêu thương của Mẹ, không một lời oán trời trách người, không một lời
than van, nhưng Mẹ đã âm thầm cầu xin Chúa Cha –qua cái chết của Đức Chúa Giê-su–
thứ tha cho nhân loại tội lỗi. Xin Mẹ ban cho chúng con có tấm lòng rộng mở, biết
bao dung và thứ tha cho những ai đã nhiều lần xúc phạm đến chúng con, để chúng
con trở thành người con hiếu thảo của Mẹ, biết rộng tay ôm những khuyết điểm của
anh em chị em mình.
Chặng thứ Mười Bốn :
Táng xác Đức Chúa Giê-su vào huyệt đá
Giai
đoạn cuối của sứ mệnh cứu thế của Đức Chúa Giê-su ở trần gian đã hoàn tất, sau
khi các môn đệ đem xác Ngài an táng trong mồ đá. Huyệt đá ấy được diễm phúc làm
nơi an nghĩ tạm thời của Đức Chúa Giê-su để rồi sẽ ba ngày sau sẽ sống lại vinh
hiển, chói lọi vinh quang của vị Thiên Chúa.
Tội
lỗi là nấm mồ chôn sự sống thần thiêng của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta,
chính tội lỗi là nguyên nhân đưa đến sự chết, nhưng tội lỗi sẽ không cản trở được
ân sủng của Thiên Chúa nếu chúng ta biết khước từ cám dỗ.
Suy
đến chặng đường khổ giá này, chúng ta tưởng nhớ đến con người của mình một ngày
nào đó chết đi khi còn đang trong tình trạng mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, thì nấm
mồ sẽ là nơi đáng sợ vô cùng, nhưng nấm mồ sẽ trở nên nơi an nghĩ hạnh phúc nếu
chúng ta chết trong ân sủng của Thiên Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta cũng được
an táng trong nấm mồ hạnh phúc sau khi từ giã cõi đời này. Amen.
CUỘC SỐNG LÀ ĐÀNG THÁNH GIÁ
Các
Sơ Nhỏ thân mến,
Qua
suy niệm Mười Bốn chặng Đàng Thánh Giá trên, Bác Tài có suy tư như thế này :
Không
phải chỉ có mỗi ngày thứ sáu trong tuần chúng ta mới ngắm đàng Thánh Giá, không
phải chỉ đợi đến mùa chay hay tuần thánh chúng ta mới ngắm Đàng Thánh Giá, nhưng
mỗi ngày chúng ta đều có thể đi và ngắm Đàng Thánh Giá để chia sẻ những đau khổ
của Đức Chúa Giê-su vẫn chịu từng giây từng phút vì tội lỗi của nhân loại và của
chúng ta.
Từ
nhà ra chợ,
từ
nhà đến công sở,
từ
nhà đến nhà thờ,
từ
nhà đến trường học,
từ
nhà đến công xưởng.v.v...
trên
đường đi chúng ta gặp nhiều hạng người đang cùng đi trên đường, trong đó có người
mình không mấy cảm tình, có người không thích mình và có người mình không quen,
nhưng tất cả họ đều là những người mà Thiên Chúa muốn chúng ta đem tin mừng Nước
Trời cho họ. Một cái vẫy tay chào hỏi người không thích mình, một nụ cười thân
thiện với người vừa tranh luận với mình ngày hôm qua trong buổi họp, một cái bắt
tay thân tình với người hàng xóm mình mới gặp.v.v... tất cả những hành vi thái
độ ấy đều bày tỏ sự hy sinh quên đi cái tôi giận hờn ghen ghét của mình, bày tỏ
sự thân thiện chân thành của mình, đó chính là đường Thập Giá mà chúng ta đang
đi...
Đường
Thập Giá không chỉ là ngày thứ sáu mỗi tuần, nhưng là mỗi ngày trong cuộc đời, ở
đâu và bất cứ lúc nào, chúng ta cũng đều có thể hy sinh quên mình, vui vẻ thân
thiện, để chia sẻ những hy sinh của Đức Chúa Giê-su đã chịu vì tội lỗi của
chúng ta.
Đường
Thập Giá chính là cuộc sống và là đường đưa
chúng ta đến sự sống vĩnh cửu với Đức Chúa Giê-su trong Nước Trời, không
muốn đi hoặc khước từ đường Thánh Giá là chúng ta không muốn và khước từ cuộc sống
hạnh phúc với Thiên Chúa mai sau trên thiên đàng.
Cuộc
sống của một nữ tu là chặng đường khổ giá, trên đường khổ giá này các chị gặp sự
nghiêm khắc đến khó tính của bề trên, các chị gặp và làm việc với những người
có lòng ghen ghét hơn là yêu thương, các chị cũng gặp những chê bai tị hiềm,
phê bình và chỉ trích, tất cả những điều ấy làm cho đời sống tận hiến của các
chị có ý nghĩa vá giá trị rất nhiều trước mặt Thiên Chúa và nhân loại. Có nhiều
nữ tu muốn đường thập giá của mình phải được lót bằng thảm nhung êm dịu, trang
trí nhiều hoa thơm cỏ lạ, cho nên họ không thể chia sẻ những hy sinh với Đức Chúa
Giê-su, và càng không thể cảm thông với những đau khổ của tha nhân...
Các
Sơ Nhỏ thân mến,
Mùa
chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta chia sẻ những đau khổ với Chúa Giêsu đã
chịu vì tội lỗi của chúng ta, ý thức mình là người môn đệ thân tín của Ngài,
các chị và Bác Tài cũng như tất cả những người đã được rửa và cứu chuộc bằng
Máu Thánh của Ngài đã đổ ra, chúng ta cố gắng sống xứng đáng hơn, để khuôn mặt
của Đức Chúa Giê-su phục sinh được sáng ngời trong tâm hồn của tha nhân.
Xin
Thiên Chúa chúc lành cho các Sơ Nhỏ trong mùa chay thánh này.
Bác Tài, csjb.