Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Nho sinh đào mả trộm

NHO SINH ĐÀO MẢ TRỘM
 

Đêm nọ, có hai nhà nho đi đào mả trộm.
Nho sinh lớn nói: “Phía đông sáng rồi, làm sao đây?”
Nho sinh nhỏ nói: “Còn chưa cởi áo người chết ra, trong miệng nó ngậm viên ngọc đấy”.
Nho sinh lớn nói:”Ttrong thư kinh cổ có viết: “Lúa mì xanh xanh mọc trên đất dốc”, lúc nó sống thì không thi ân cho người; chết đi, tại sao lại ngậm viên ngọc trong miệng chứ ? Không nên để ý đến người chết, chúng ta mau mau kéo mớ tóc dài và đen của nó, nhổ râu nó, dù thế nào chăng nữa, thì cũng đừng làm hỏng viên ngọc trong miệng nó.”
( Trang tử )

Suy tư:

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong thời chiến đã có sáng tác bài hát: “… người chết hai lần, thịt da nát tan…” chết hai lần vì người chết sau khi chôn xong lại bị bom đạn cày lên, gọi là chết hai lần. Chết hai lần thì thời xưa hay thời nay đều có, chỉ khác nhau là hoàn cảnh: thời nay là vì chiến tranh, thời xưa la vì lòng tham (đào mả trộm để lấy vàng bạc), hoặc vì lòng tham và thù hận ( như Bá vương Hạng Võ quật mộ Tần Thủy Hoàng), người đời cho nó là quả báo, vì khi còn sống họ (người chết) đã làm nhiều chuyện tàn ác.
Đó là chuyện của thân xác, dù chết mấy lần cũng chẳng sao, vì chết rồi thì thân xác ra tro bụi, nhưng cái đáng sợ nhất là linh hồn phải “ chết” hai lần, chết ở đây không phải như cái chết của thân xác, bởi vì linh hồn thì bất tử, làm sao chết được. Chết hai lần của linh hồn là chịu phán xét hai lần (phán xét chung và phán xét riêng), nếu linh hồn chúng ta còn mắc tội trọng, thì mỗi lần bị phán xét là mỗi lần bị xấu hổ và nhục nhã, vì tội của chúng ta sẽ được bàn dân thiên hạ từ ông Adong cho đến người sống sau cùng đều biết, chúng ta nghĩ xem, nếu chúng ta phạm một tội nặng, như tội giết người hoặc tội hiếp dâm, dù chỉ là một người biết thôi, thì chúng ta cũng mắc cỡ, xấu hổ suốt đời, huống chi là cả bàn dân thiên hạ đều biết. Một lần phán xét riêng cũng đủ làm ta xấu hổ trước mặt Thiên Chúa, huống chi là phán xét trước mặt mọi người.
Chết hai lần là chuyện may rủi của người chết, nhưng phán xét chung và phán xét riêng thi mọi người đều phải chịu không trừ một ai.
Tôi phải sống thế nào để trong hai lần phán xét, tôi được mừng rỡ hân hoan cùng với những người lành thánh vui hưởng hạnh phúc vĩnh cữu trên thiên đàng.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư