NGƯỜI NƯỚC TỀ KHOE KHOANG
Có một người nước Tề mỗi khi
đi đâu đều có mang rượu thịt về.
Vợ lớn vợ nhỏ của ông ta lấy
làm lạ bèn hỏi:
- “Ông ăn cơm với ai vậy?”
Ông ta trả lời là ăn chung với
các quan to có tiền và quyền thế.
Vợ lớn và vợ nhỏ của ông ta rất
đổi hoài nghi.
Sáng sớm ngày hôm sau, bà vợ lớn
lén lút đi sau chồng để quan sát, thấy ông ta ra phía cửa đông và đi vào trong
nghĩa địa xin những đồ cúng của người ta vừa cúng xong để ăn, ăn không đủ lại đến
nơi khác để xin ăn. À ra là như thế!
Về đến nhà, bà tức giận nói với
bà vợ nhỏ, hai người còn đang to tiếng chửi bới ông chồng trong sân, thì ông chồng
nghiêng nghiêng ngã ngã đi về nhà, lại còn tâng bốc, khoác lác với họ nữa chứ.
( Mạnh tử )
Suy tư:
Hồi nhỏ tôi thường cùng bạn bè
nối khố trong làng thỉnh thoảng cũng đi ăn của cúng, không phải được mời, cũng
chẳng đi xin, mà là đi ăn cắp của cúng nơi các am miếu nho nhỏ ở làng bên cạnh
(vì làng tôi không có ai là người ngoại giáo), ăn xong thì thấy ghê ghê sao ấy,
vậy mà nghe bạn bè rủ là cứ đi, nhưng ra nghĩa địa ăn của cúng thì chưa bao giờ.
Tất cả những ơn lành mà chúng
ta có được, như: thông minh, tài năng xuất chúng, hiền lành, dễ thương, đẹp
trai đẹp gái, khoẻ mạnh… đều bởi Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhất là trong đời
sống thiêng liêng. Đức Chúa Giê-su đã lập ra bảy bí tích để cho chúng ta có một
đời sống thiêng liêng vững mạnh, đi lãnh nhận các bí tích là đi đón nhận ơn
lành của Chúa, nói theo kiểu các cụ già (phần lớn là người miền bắc Việt Nam)
thì khi chúng ta đón nhận các bí tích là chúng ta “ăn mày các ơn thánh”, đúng
là một câu nói đầy khiêm nhường, và bày tỏ cung cách của một tôi tớ ăn ân huệ của
chủ mình.
Cho nên đã đi ăn mày các ơn
thánh thì không có gì phải khoe khoang khoác lác với ai cả, bởi vì ơn thánh, tự
nó đã đòi hỏi người lãnh nhận phải có tâm hồn khiêm tốn, tự nó sẽ là án phạt
cho người đón nhận cách bất xứng.
Tôi sẽ không khoe khoang khi
đón nhận ơn này đến ơn nọ của Thiên Chúa, nhưng tôi sẽ khiêm tốn hơn khi đón nhận,
bởi vì tôi chỉ là người đi ăn mày các ân huệ của Thiên Chúa, tự tôi chẳng có gì
để khoe khoang.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư