KHỔNG TỬ ĂN CƠM
Khổng tử bị vây khốn ở giữa nước
Trần và nước Tề, suốt mười ngày không có cơm ăn, có lúc ngay cả canh rau rừng
cũng không có, đói chịu không nổi.
Học trò là Tử Lộ lén đi ăn trộm
một con lợn nhỏ đã nấu còn nóng, Khổng tử không hỏi thịt đâu mà có, bèn cầm lên
ăn. Tử Lộ lại trộm của người khác một cái áo để đổi rượu, Khổng tử cũng không hỏi
rượu đâu mà có, bèn bưng lên uống.
Nhưng, đợi đến khi Lỗ Ai công
tiếp đón ông, Khổng tử lại tỏ ra phong độ của một chính nhân quân tử, chiếu trải
không ngay ngắn thì không ngồi, thịt cắt không đều thì không ăn.
Tử Lộ bèn hỏi: “Tại sao bây giờ và lúc trước bị vây khốn
giữa nước Trần và nước Tề, thầy lại xử sự không giống nhau vậy?”
Khổng tử đáp: “Trước đây ta làm như vậy là lần lữa để sống
qua ngày, bây giờ ta làm như thế là để dạy dỗ đó mà.”
(Mặc tử)
Suy tư:
Đã là quân tử, thì trong hoàn
cảnh nào cũng luôn tỏ ra phong độ quân tử. Nghèo đói, giàu có, vui buồn, bị sỉ
nhục hay được vinh quang, thất bại hay chiến thắng đều phải luôn có phong cách
quân tử.
Người Ki-tô hữu đã có một
phong cách rất anh hùng, đó là yêu thương và tha thứ người bách hại mình. Phong
cách anh hùng này được khởi đầu bằng sự tha thứ của Chúa Giê-su trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết
việc họ làm”(Lc 23,24). Theo gương Thầy chí thánh, các thánh tử đạo cũng đã
sẵn lòng tha thứ cho người giết hại mình, bởi vì các ngài đã thâm tín rằng tha
thứ để được thứ tha.
Không phải đợi khi người ta
xin lỗi mới tha thứ, nhưng tình yêu đòi hỏi phải tha thứ trước khi anh em chị
em xin lỗi, đó là phong cách anh hùng của người Ki-tô hữu. Dù cho bị vu oan giá
họa, dù cho được tôn vinh trên cao, thì người Ki-tô hữu vẫn luôn luôn có thái độ
và phong cách: yêu thương và tha thứ.
Trong đời sống, tôi đã gặp quá
nhiều đau khổ, mà đau khổ nhất chính là sự ích kỷ và ghen ghét của ngưởi anh
em, chị em trong cộng đoàn của mình.
Đã có lúc nào tôi tỏ ra có
phong cách tha thứ và yêu thương họ chưa ?
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư