Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Cũng là đào binh

CŨNG LÀ ĐÀO BINH.

 
Hai bên kẻ thù lâm trận, trống xung trận liên hồi, bắt đầu giao tranh đánh loạn.
Không bao lâu, binh sĩ một bên quăng mũ bỏ giáp quay đầu bỏ chạy, có binh sĩ chạy được trăm bước thi dừng lại, có binh sĩ chạy được năm mươi bước thì dừng.
Binh sĩ chạy được năm mươi bước lớn tiếng cười nhạo binh sĩ chạy được một trăm bước :
- “Hê hê! Sợ quái gì mà chạy nhanh hơn cả thỏ !”
( Mạnh tử )

Suy tư:
Đánh trận thua “chạy làng” là chuyện thường tình, bởi vì con người ai cũng sợ chết, đã gọi là “chạy làng” thì chạy nhanh hay chạy chậm, chạy gần hay chạy xa, hoặc ngồi máy bay mà “ chạy” qua Mỹ hay “ chạy” ở lại quê hương, thì cũng gọi là “ chạy làng”, là thua trận, không có gì phải cười nhạo nhau.
Chuyện đáng trách chính là mình thua và bỏ cuộc, trong đời sống tâm linh cũng như trong cuộc sống đời thường, chúng ta đã thua cơn cám dỗ, chúng ta đã chạy làng và bỏ cuộc không còn đứng trên trận điạ của đời sống thiêng liêng. Hôm nay tôi được trang bị vũ khí tối tân bằng Thánh Thể, bằng kinh nguyện, bằng chuỗi Mân Côi, nhưng tôi vẫn “chạy làng” vì tinh thần tôi yếu đuối và hoang mang. Ngày mai tôi lại được tái trang bị vũ khí và tinh thần là bí tích Giải Tội và rước Thánh Thể mỗi ngày, nhưng rồi cũng có lúc tôi bỏ cuộc, sa ngã và lại “chạy làng”.
Người chị em anh em của tôi cũng thế, họ cũng là những con người, cũng có những lúc yếu đuối như tôi, nên cũng có lúc họ vấp ngã và “chạy làng” như tôi, vậy thì hà cớ gì mà tôi cười nhạo họ chứ ? Hôm nay họ sa ngã, thì có lẽ ngày mai tôi còn ngã nặng hơn họ; hôm nay họ ngã mười lần, thì biết đâu ngày mai tôi lại ngã trăm lần, gấp họ mười lần thì sao! Câu triết lý bình dân của ông cha ta thật nhẹ nhàng nhưng rất đau: “cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước, hôm sau người cười”, đúng là một câu ca dao có tính giáo dục cao.
Nhìn sự sa ngã của anh chị em để cầu nguyện cho họ và cũng để răn đe mình, đó chính là người biết lo xa vậy.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư