Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Chia sẻ mục vụ: Cha sở và Cha phó


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 

CHIA SẺ MỤC VỤ

CHA SỞ & CHA PHÓ

 
 

Lời ngỏ :

Cha sở, Cha Phó là hai chức vụ và cùng chia sẻ trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, do đức giám mục địa phương hay đấng bản quyền sở tại sai phái.

“Cha sở là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó...”[1] do đó mà ngài có toàn quyền trong giáo xứ của ngài với nhiêm vụ giảng dạy, thánh hóa và quản trị đối với cộng đoàn ấy...

Giáo luật điều 545 viết : “Mỗi khi xét thấy cần thiết hay thuận lợi cho việc chăm sóc mục vụ tốt đẹp của một giáo xứ, thì ngoài cha sở ra, có thể đặt một hoặc nhiều cha phó cũng như cộng sự viên của cha sở và san sẻ mọi nổi lo âu của cha sở, đồng tâm nhất trí và dưới quyền của cha sở để thi hành nhiệm vụ mục vụ”[2], như thế, cha phó chiếu theo chức vụ thì có nghĩa vụ giúp cha sở trong toàn thể tác vụ thuộc giáo xứ, ngoại trừ việc dâng thánh lễ cho giáo dân...[3]

Việc phân định đã rõ ràng, nhưng không phải là việc ai nấy làm mà thôi, nhưng cùng hổ tương để cùng chung sức rao truyền Lời Chúa và làm cho giáo dân của mình ngày càng yêu mến Thiên Chúa hơn.

Trong tâm tình là một linh mục trẻ, tôi xin chia sẻ với các anh em linh mục trẻ đang được làm cha sở hay cha phó, những ưu tư và cảm nghiệm của mình trong chủ đề “Cha Sở và Cha Phó”.

----------------------------------------------

 
CHA SỞ

Cha sở là người coi sóc một giáo xứ với nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và quản trị, cho nên, ngài có đầy đủ mọi thẩm quyền để đại diện đức giám mục giáo phận coi sóc đoàn dân mà Thiên Chúa –qua giáo hội- đã trao phó cho ngài.

Cha sở- ngài là một mục tử của đàn chiên, là cha của một đại gia đình bao gồm mọi thành phần giáo dân trong giáo xứ của ngài, chức vụ và trách nhiệm này rất lớn, cho nên đòi buộc các đấng bề trên phải chọn lựa kỷ các linh mục có năng lực để làm cha sở.

Ngài là mục tử của đàn chiên, có nghĩa là ngài luôn đứng mũi chịu sào, là người đi trước đàn chiên và dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, và ngài có bổn phận phải canh giữ đàn chiên cho khỏi thú dữ (ma quỷ) đến quấy phá và tha mất chiên của mình.

Ngài là cha của một đại gia đình, nên ngài phải có bổn phận chăm nom con cái của mình được mạnh khỏe, lo lắng từng đứa con khi chúng nó đau yếu bệnh hoạn, đi tìm những đứa con đi bụi trở về, chính ngài là người cha nhân hậu luôn thương yêu và tha thứ cho những đứa con ngỗ nghịch của mình, và cuộc sống của chính ngài là phản ảnh lại đời sống của Chúa Giêsu trong giáo xứ của mình.

CHA PHÓ

Ngài là người được đức giám mục hoặc bề trên sai phái đến giúp cha sở ở một họ đạo nào đó, hoặc vì quá to lớn để giúp cha sở làm công việc mục vụ, hoặc cha sở tuổi tác đã cao, bệnh hoạn để giúp đỡ ngài chia sẻ phần mục vụ với ngài.

Cha phó cũng có những quyền lợi như cha sở tùy theo giáo luật ban hành, nhưng xét cho cùng quyền lợi lớn nhất mà cha phó được hưởng, đó chính là được thực tập làm công tác mục vụ sau khi chịu chức linh mục với một cha sở đầy kinh nghiệm trong một họ đạo lớn.

Cha phó không những là cánh tay mặt của cha sở, mà còn là người cộng tác chia sẻ với cha sở những lo âu và khắc khoải cho sự sống còn của đoàn chiên, và sự phát triển của cộng đoàn dân Thiên Chúa trong giáo xứ, do đó mà chính ngài –cha phó- luôn tâm niệm rằng : tôi được sai đến đây là để giúp đỡ và cộng tác với cha sở để xây dựng Nước Trời ở trần gian, do đó, đây là giáo xứ của tôi nên tôi hết lòng vì nó.

I. CHA SỞ ĐỐI VỚI CHA PHÓ

Cha sở là người chịu chức linh mục trước cha phó, cho nên ngài cũng là người anh của cha phó, nơi ngài có nhiều kinh nghiệm trong công tác mục vụ như cách điều hành một giáo xứ, kinh nghiệm giải quyết các nố hôn nhân và những việc tế nhị trong giáo xứ giữa giáo dân với nhau, hoặc giữa hội đoàn này với hội đoàn nọ.v.v... cho nên sự tương quan giữa cha sở và cha phó rất là cần thiết và quan trọng.

Cần thiết là vì để xây dựng một giáo xứ hiệp nhất và phát triển; quan trọng là vì các ngài là những mục tử, nếu không hổ tương cho nhau thì giáo dân sẽ thấy ngay giữa cha sở và cha phó có cái gì đó không ổn.

1.   Cha sở là cha sở

Ngài chịu trách nhiệm tất cả những vấn đề trong giáo xứ của ngài trước mặt Thiên Chúa và giáo hội, cho nên quyền hạn của ngài cũng là lớn nhất trong phạm vi hành chánh của giáo xứ, vai trò này của ngài thì tất cả mọi giáo dân đều biết, nhất là cha phó.

Quyền hạn to lớn thì trách nhiệm cũng nặng nề trên đôi vai của cha sở, nhưng không phải vì thế mà cha sở cứ lấy quyền hạn cha sở mà coi cha phó của mình như một người giúp việc không hơn không kém. Các ngài suy gì nghĩ gì thì làm một mình rồi “phán” xuống cho cha phó, chứ không hề hỏi ý kiến của cha phó là có thể làm được không, cha phó vì nể cha sở và vì thấy mình “không có quyền hạn” nên cứ đè nén trong lòng, rồi sự đè nén này được bày ra nơi lời nói khi cha phó tiếp xúc với giáo dân, nơi việc vâng lời cách miễn cưỡng không vui vẻ, và lâu ngày sẽ vỡ ra và trở thành cái cảnh cha sở ăn một mâm và cha phó ăn một mâm, mạnh ai nấy sống trong một giáo xứ mà tất cả giáo dân đều hướng về coi cha sở và cha phó sống như thế nào...

Cha sở, dù với quyền hành gì chăng nữa thì ngài cũng phải thấy rằng, quyền hành mà mình có được không phải bởi một tổng giám đốc trao cho để điều hành một công ty trách nhiệm hữu hạn, với những quyền hành thét ra lửa, ăn trên ngồi trước hoặc đe người này phạt người nọ, nhưng là được Thiên Chúa ban cho –qua đức giám mục- để trở nên một người cha hết lòng yêu thương con cái trong gia đình và biết nâng đỡ những người cộng tác với mình, quyền hành ấy tự nó –trong phạm vi ân sủng- chính là trở nên người tôi tớ phục vụ mọi người như Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của Ngài.

Do đó, đối với các cha phó là người gần gủi nhất với mình, thì cha sở -theo kinh nghiệm của tôi- trước hết nên :

a.   Tôn trọng chức thánh của cha phó.

Tôi thường chia sẻ với các anh em linh mục trẻ trong dòng rằng : “Các anh em dù tuổi đời còn rất trẻ, thì anh em cũng đã là linh mục rồi, chính chức thánh này dần dần sẽ làm cho anh em trưởng thành hơn, và như thế, anh em cũng biết tự nhận lấy trách nhiệm về việc làm của mình hơn”.

Đừng nhìn cha phó tuổi quá trẻ mà coi thường các ngài, bởi vì chức thánh mà các ngài đã lãnh nhận cũng là thiên chức linh mục mà Chúa Giêsu cũng đã trao cho các cha sở, giống y chang trăm phần trăm không khác nhau tí nào, cho nên, dù cha phó của mình có trẻ tuổi đời và tuổi chịu chức, thì trước hết các cha sở nên nhìn thấy chức linh mục của Chúa Giêsu nơi các cha phó của mình, có như thế trong việc cộng tác để chu toàn mục vụ, hoặc trong cuộc sống đời thường các ngài mới thông cảm và yêu thương nhau hơn.

Giáo dân kính trọng các linh mục cũng vì lý do đó : chức thánh, cho nên nếu người có chức thánh không tôn trọng chức thánh nơi người khác thì làm sao để giáo dân tôn trọng mình được. Chức thánh làm cho người linh mục trở nên người của mọi người và là con ngươi của Thiên Chúa, đó cũng là yêu tố chính đáng để các linh mục nhận được sự yêu thương kính trọng và đùm bọc của giáo dân.

Tôn trọng chức thánh nơi các cộng sự viên như cha phó và cha phụ tá của mình, thì cha sở đã làm một việc hết sức đẹp đẽ, đó là ngài trở nên một người cha đúng nghĩa của nó và một mục tử đúng với nhiệm vụ của mình.

Có nhiều giáo dân than thở rẳng : cũng là linh mục với nhau, cũng là có chức thánh như nhau, thì tại sao phải “đì” cha phó như vậy, họ nói vậy là vì họ tận mắt thấy được cha sở đối xử không mấy tốt đẹp với cha phó của mình, họ thấy cha sở quá khắt khe với cha phó như khắc khe với một đứa bé chưa trưởng thành : to tiếng, chỉ huy, nạt nộ.v.v...mặc dù đó là chuyện của các “đấng bậc”, nhưng giáo dân vẫn cứ to nhỏ với nhau là hai ông cha sở cha phó của giáo xứ mình cơm không lành canh không ngọt.

Không phải các đấng bề trên chọn một em bé để cho chịu chức linh mục, không phải giám mục chọn một người cù bất cù bơ để phong chức linh mục, lại càng không phải các ngài chọn một người học lực quá kém[4] và tính tình ngang bướng phóng đãng để phong chức linh mục[5], nhưng các ngài chọn một người đã qua các thử thách, qua các môn học của giáo hội trong đại chủng viện với mức độ hạnh kiểm tốt và đã trưởng thành để phong chức linh mục, và cha sở chắc chắn sẽ hiểu hơn ai hết rằng, ân sủng bởi thiên chức linh mục có thừa sức mạnh để biến đổi một con người tầm thường trở thành một linh mục xuất sắc tài ba lỗi lạc, nếu các ngài hiểu trọn vẹn bổn phận và trách nhiệm linh mục của mình.

b.   Cha sở phải là người anh của cha phó.

Cha sở là người coi sóc một hay nhiều giáo xứ nên ngài là một mục tử của cộng đoàn dân Thiên Chúa trong giáo xứ của ngài, và ngài phải được mọi thành phần dân Thiên Chúa tôn trọng, nhưng với cha phó của mình, ngài cần phải trở nên là một người anh của đứa em hơn là một cấp trên đối với thuộc hạ.

Không có gì vui cho bằng sau một ngày làm công tác mục vụ vất vả, tối lại cha sở và cha phó như hai anh em cùng ngồi trò chuyện vui vẻ, coi truyền hình, bàn luận việc giáo xứ, và vui vẻ hơn nữa khi cha sở trổ tài pha cà phê cho cha phó uống, và cha phó trổ tài làm thức ăn để hai anh em cùng nhâm nhi và bàn chuyện giáo xứ. Trong những lúc như thế, cha sở với tâm tình là người anh sẽ chỉ bảo cho cha phó rất nhiều điều và kinh nghiệm mục vụ của mình, và cha phó cũng sẽ rất phấn khởi tiếp thu những góp ý và chỉ bảo thân tình của một người anh hơn là một cấp trên dạy bảo.

Cha sở phải là người anh của cha phó vì chính các ngài cũng được đào tạo từ trong chủng viện như nhau, và hơn thế nữa, qua thiên chức linh mục của các ngài –cha sở và cha phó- trở nên người anh em trong Chúa Giêsu Kitô, cho nên cứ hành xử với nhau như anh em trong một nhà thì giáo xứ của các ngài sẽ là một cộng đoàn yêu thương từ cha sở đến cha phó, và đến mỗi thành phần tín hữu trong giáo xứ của các ngài.

Ai đã làm anh thì hiểu rất rõ tâm trạng của một người anh biết lo lắng cho em mình như thế nào, cũng vậy, tâm tình của một người anh nơi cha sở đối với cha phó sẽ là chất xúc tác làm cho cha phó vui vẻ hơn, yêu đời hơn và làm việc hăng say hơn, và cũng chính tình cảm anh em này làm cho cha phó ngày càng trưởng thành và kinh nghiệm hơn trong công tác mục vụ giáo xứ của mình.

Giáo dân –thỉnh thoảng- hỏi tôi về cha phó của mình rằng : “Cha phó còn trẻ quá, cha có thấy mệt không ?” Tôi nói với họ rằng, đối với các anh chị em thì ngài là cha phó, nhưng đối với tôi ngài là một người em cho nên không có gì phải mệt cả, và chính tôi cũng chưa bao giờ đối xử với ngài như một cha phó mà là như một người em. Và quả thật như vậy, cha phó là một người em của cha sở vì tuổi đời và tuổi chịu chức đều nhỏ hơn cha sở, kinh nghiệm mục vụ cũng ít, các ngài cần có một cha sở nhiều kinh nghiệm và một người anh đầy yêu thương chăm sóc và chỉ bảo, hơn là cần một cha sở nhiều tham vọng chỉ huy và ra lệnh, đó là bí quyết đơn giản để cha sở và cha phó ngồi lại với nhau chung sức chăm lo giáo xứ mà Thiên Chúa đã trao cho các ngài.

Thực tế cho thấy rằng, rất ít các cha sở và cha phó chung lòng chung ý với nhau và có khi gây gương mù cho giáo dân, có nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhưng lý do cốt lõi nhất là các ngài –cha sở- không coi cha phó như người em của mình để thật sự yêu thương và chăm lo đời sống tinh thần cũng như vật chất cho các ngài.

c.   Cha sở phải tỏa sáng để giáo dân nhìn thấy rõ cha phó.

Cha sở, đương nhiên là người sắp đặt và quyết định mọi việc trong giáo xứ, từ các hội đoàn cho đến những việc như chia phiên làm lễ, đi xức dầu bệnh nhân, đi thăm người bệnh, làm tuyên úy hội Legio Maria.v.v...và có khi sắp xếp lại những công việc hành chánh của giáo xứ, tất cả đều là trách nhiệm của cha sở, do đó mà khi kế hoạch được đưa ra, phần nào của cha phó thì để cho ngài tự làm lấy và nên chia quyền hành cho ngài để ngài có uy tín trước mặt giáo dân, cũng như để phát huy khả năng lãnh đạo của ngài. Các cha sở đừng sợ cha phó của mình không có tài lãnh đạo, nhưng chỉ sợ mình có can đảm để phân chia quyền hành cho cha phó không mà thôi, bởi vì có những cha sở ôm đồm rất nhiều việc mà cha phó thì ngồi chơi xơi nước không có việc gì làm, ngoài việc dâng thánh lễ hay làm những chuyện lặt vặt như một thầy giúp xứ.

Cha sở phải tỏa sáng tức là ngài phải là người lãnh đạo có tài, và với uy tín này, ngài đưa cha phó của mình một vài trách nhiệm lớn trong giáo xứ, chẳng hạn như trao toàn quyền cho ngài phụ trách các lớp giáo lý, trao toàn quyền cho ngài phụ trách việc đối nội, tức là có nhiệm vụ giải quyết những việc trong giáo xứ, dù ai có đến với cha sở để bàn về việc giáo lý thì -cha sở- xin mời họ đến cha phó để làm việc, có như thế giáo dân mới thấy rõ được cha phó của mình hơn, và cha sở cũng thấy rõ khả năng làm việc của cha phó hơn.

Cha sở đừng sợ và đừng ghen tị cha phó giỏi hơn mình -dù cha phó có giỏi mấy chăng nữa thì ngài vẫn là cha phó- nhưng cần phải khiêm tốn và nhận ra rằng, các linh mục trẻ bây giờ có những khả năng chuyên môn đặc biệt như cách giảng thu hút, cách lôi kéo các bạn trẻ, cũng như các cha trẻ ngày nay giỏi về vi tính cũng như các môn học khác mà các cha sở thời các ngài chưa có hoặc có nhưng rất hạn chế. Tất cả những cái hay ấy của cha phó thì cha sở nên vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho mình một cha phó, một cộng sự viên giỏi để bù đắp những thiếu hụt của mình.

Có một vài cha sở vì cha phó giỏi giang hơn mình, năng nổ hoạt bát hơn mình mà “đì” các ngài, cho các ngài ngồi chơi xơi nước, hoặc đem chuyện cha phó của mình đi nói với những giáo dân thân tín với mình, mà giáo dân thì không phải là thánh sống, nên những lời nói mà cha sở nói về cha phó với họ sẽ bay khắp cùng ngõ hẽm của giáo dân, làm cho cha phó mất vui và xuống tinh thần làm việc, đây cũng là một việc làm thiếu tình yêu huynh đệ nơi cha sở, và bày tỏ cho mọi biết cha sở có một tâm hồn ích kỷ, câu nệ và đặt danh vọng cá nhân trên sự phát triển của giáo xứ mà mình coi sóc. Tinh thần tu đức và sự hàm dưỡng tính tình của cha sở sẽ được dịp phát triển hơn khi có cha phó cùng làm việc với mình, đó chính là sự cọ xát và giao lưu giữa hai tính cách nơi hai con người cùng nhau làm việc truyền giáo trong giáo xứ, qua sự cọ xát này, tài năng lãnh đạo của cha sở sẽ nổi bật tỏa sáng và giáo dân của ngài sẽ thấy rõ ràng địa vị cha phó của mình hơn trong công tác mục vụ giáo xứ.

d.   Cha sở phân chia công việc cho cha phó.

Giáo luật điều 545 tiết 1 nói rằng, “cha phó như một cộng sự viên của cha sở, chia sẻ mọi nổi lo âu với cha sở, đồng tâm nhất trí và dưới quyền của cha sở để thi hành nhiệm vụ mục vụ.

Giáo luật điều 545 tiết 2 nói rằng, “một cha phó có thể được đặt để lo toàn thể các tác vụ mục vụ trong giáo xứ hay một phần nhất định của giáo xứ...”

Giáo luật dạy rõ ràng như thế, và có những cha sở rất vui lòng chia việc cho cha phó của mình và vui vẻ để cha phó chia sẻ trách nhiệm với mình.

Nhưng trong thực tế có một vài nơi cha phó không có việc làm, có nơi cha phó làm việc như ông thầy giúp xứ, có nơi cha phó giống như người xa lạ với giáo dân vì tất cả mọi việc cha sở làm một mình, giáo dân có đến nhà xứ lo chuyện thiêng liêng thì cũng chỉ đến với cha sở mà thôi, bởi vì cha sở không phân chia công việc cụ thể cho cha phó làm.

Chia việc cho cha phó làm thì cha sở sẽ được nhiều cái lợi, mà cái lợi trước mắt là gánh nặng giáo xứ trên vai cha sở nhẹ bớt khi có người kê vai gánh giùm, cái lợi thứ hai là cha sở có nhiều thời giờ hơn để lo cho đời sống tâm linh của mình như đọc kinh nhật tụng đúng giờ hơn, nguyện ngắm nhiều hơn và có thời giờ đọc sách đọc báo hơn, tóm lại là cha sở sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng khi chia việc cho cha phó của mình làm.

Hồi tôi còn làm thầy giúp xứ ở một giáo xứ tại Sài-gòn, tôi thấy cha sở (và là cha bố) của tôi rất rành mạch trong vấn đề chia việc cho cha phụ tá của ngài (không có cha phó), ngài nói với cha phụ tá : “Cha có toàn quyền giải quyết mọi vấn đề mục vụ trong giáo xứ, tức là vấn đề đối nội, còn vấn đề đối ngoại cha để tôi lo”. Thế là cha phụ tá đem hết sức mình ra làm việc, đem hết tài năng của mình ra làm việc mục vụ mà không lo âu, không sợ cha sở hạch sách -vì cái hay nhất nơi cha sở của tôi là ngài đã giao việc cho ai thì ngài không kè kè một bên, không chỉ thị và cũng không xen vào nếu cha phụ tá hay người cộng sự gặp trở ngại trầm trọng- đây là một điểm son mà tôi thấy được và hứa sau này làm linh mục thì cũng sẽ làm như cha bố của mình vậy : chia việc cho cha phó cách tin tưởng.

Có những cha sở không muốn chia việc cho cha phó vì sợ ngài có ảnh hưởng trên giáo dân hơn mình, có cha sở thì chia những việc nho nhỏ cho cha phó như ngồi tòa, đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và thế là cha phó hết sức rỗi rảnh và rất uổng phí thời giờ. Phân chia công việc cho cha phó làm tức là cha sở tạo điều kiện cho cha phó học tập kinh nghiệm mục vụ, chính trong công việc được phân chia làm, cha phó sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm để trở nên cha sở tốt lành của giáo hội và của một xứ đạo sau này.

Theo kinh nghiệm thì nên giao cho cha phó toàn quyền về các lớp giáo lý trong giáo xứ, ban lễ sinh và một vài hội đoàn trẻ, để tùy ý ngài chọn người cộng tác, đương nhiên cha phó cũng khôn ngoan bàn hỏi với cha sở trước khi chọn người cộng tác với mình. Cha sở với sự khôn ngoan và kinh nghiệm sẵn có của mình, sẽ cố vấn và thêm ý kiến cho cha phó khi ngài muốn mình giúp đỡ.

Cha sở nên củng cố vị thế của cha phó trong giáo xứ để ngài có uy tín hơn với các thành phần giáo dân trong xứ đạo, đừng chia việc cho cha phó rồi nói với giáo dân rằng tất cả mọi vấn đề đều phải đến với cha sở, nếu như thế thì đừng chia việc thì hơn. Cha sở, thông qua ban đại diện giáo xứ, công bố phần việc và trách nhiệm của cha phó cho họ biết, và việc gì của cha phó thì đến với ngài để ngài giải quyết, nếu ngài không giải quyết được thì lúc đó mới đến cha sở, rõ ràng minh bạch như thế không những cha phó mà ngay cả giáo dân cũng rất thích và nhiệt thành cộng tác với các ngài để xây dựng và phát triển giáo xứ của mình.

Giáo dân đa phần đều muốn đến với cha sở để xin giải quyết một vài nố như hôn nhân, lễ tang, hội họp.v.v...vì họ biết cha sở là người có toàn quyền trong giáo xứ, đó là việc làm đúng của họ, nhưng cũng có những lúc họ làm cho cha phó phải lúng túng vì cái gì họ cũng đến với cha sở, dù việc đó cha sở đã giao cho ngài làm, do đó, cha sở cần phải tế nhị giữa cha phó và giáo dân, làm sao cho cha phó của mình không lúng túng, mà giáo dân cũng biết vai trò của cha phó cũng rất quan trọng trong giáo xứ của họ, và với cung cách làm việc như thế, giáo dân sẽ ngày càng trưởng thành hơn và cha sở cũng thoải mái dễ chịu hơn...

e. Cha sở biết thông cảm cha phó.

Thông cảm, chỉ hai chữ thôi nhưng nói lên được hết cả tấm lòng bao dung của con người, có thông cảm mới dễ tha thứ, có thông cảm mới dễ cộng tác với nhau, có thông cảm mới hiểu được nhau...

Cha sở là người luôn biết thông cảm cho cha phó khi ngài đi quá xa trong công việc được giao phó, hoặc làm một việc gì đó mà có lẽ cha sở thấy là không mấy hợp tình hợp lý, bởi vì khi nhìn thấy những khuyết điểm của cha phó thì đồng thời cha sở cũng sẽ nhớ lại hồi mình còn trẻ làm cha phó cũng như thế mà thôi...Cha phó còn trẻ, sức làm việc còn “xung”, năng nổ hết mình và có khi hăng hái quá đà, thế là khuyết điểm vướng vào, giáo dân nói to nói nhỏ và cuối cùng thì đến tai cha sở...

Thông cảm không có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ để cho cha phó cứ đà đi quá trớn mà không ngăn lại, nhưng thông cảm chính là hiền từ, bao dung, yêu thương chỉ ra cái sai cái quá đà cho cha phó biết trong tinh thần yêu thương huynh đệ chân thành. Thông cảm cũng có nghĩa là không vội vàng giận dữ chỉ trích và kết tội rồi hăm dọa trả cha phó lại cho giám mục, bởi vì như thế chỉ phơi bày ra cái ích kỷ và cái tôi sân si của mình mà thôi, chứ không giải quyết được việc gì cả.

Con người ta ai cũng có khuyết điểm, ai cũng có những tất xấu của mình khó mà một sớm một chiều sửa sai được, nhưng cần phải có thời gian và có sự thông cảm của người khác. Cũng vậy, cha phó không phải là một vị thánh sống, ngài là một con người yếu đuối tội lỗi và nhiều khuyết điểm như mọi người, nhưng được Thiên Chúa chọn làm linh mục như Ngài đã chọn cha sở vậy, cho nên như thánh Giacôbê tông đồ đã dạy : “Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết ? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng : những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan”[6]. Ai là người khôn ngoan và hiền hậu nếu không phải là cha sở, ai là người khôn ngoan biết dùng lối sống tốt đẹp của mình để dạy dỗ, đó không phải là cha sở sao, ai là người hiền hậu biết thông cảm cho người lầm lỗi, nhất là những người cộng tác và làm việc với mình, đó không phải là cha sở sao ?

Thông cảm, đó chính là chiếc cầu được nối từ tâm hồn của cha sở qua tâm hồn của cha phó, để giáo dân vững vàng tin tưởng và hãnh diện đi trên cây cầu ấy mà đến cùng Thiên Chúa, vì cây cầu ấy được xây bằng chất liệu của sự cảm thông và yêu thương.

2. Đời sống tinh thần và vật chất

 Cha sở, nói theo cách quản lý hành chánh thì ngài là chủ nhà, nói theo tình huynh đệ tu đức thì ngài là người anh của cha phó và là mục tử của giáo dân, cho nên ngài cũng có bổn phận lo lắng chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho cha phó của mình. Đây là việc làm hết sức quan trọng mà –theo kinh nghiệm cho thấy- nó là yếu tố dễ dàng gây đổ vỡ tình cảm giữa cha sở và cha phó, cũng như gây sự hiểu lầm cho giáo dân trong giáo xứ của các ngài.

a.   Chăm lo đời sống tinh thần

Linh mục, công việc quan trọng trước tiên của ngài là cầu nguyện, nguyện ngắm và suy tư, sau đó mới đến những việc khác như giải trí vui chơi mà chúng ta gọi đó là của ăn tinh thần.

Đôi lúc vì công việc của giáo xứ bề bộn mà cả cha sở lẫn cha phó đều không có thời gian để nguyện ngắm, do đó mà các ngài cần phải có sự quan tâm ưu tiên cho đời sống tâm linh của mình, nhất là khi cha sở và cha phó nếu biết tìm thời giờ để nguyện ngắm, đọc kinh cầu nguyện thì chắc chắn giáo xứ ấy ngày càng tốt đep hơn. Cha sở thích nguyện ngắm thì cha phó nhứt định sẽ thích cầu nguyện, và giáo dân sẽ trở thành những người con ngoan ngoãn, biết sống đạo theo cung cách giảng dạy của cha sở và cha phó là biết yêu thương nhau, sự thánh thiện của cha sở sẽ ảnh hưởng rất nhiều trên cha phó qua tính cách khiêm tốn và làm việc cần cù của mình, bởi vì không một cha phó nào ngồi nhìn cha sở của mình làm việc mà không kiếm việc làm.

Nguyện ngắm là việc trước tiên mà cha sở phải làm, dù cha phó là người đã trưởng thành, dù cha phó là người thích sống độc lập, thì việc nguyện ngắm của cha sở theo đúng thời khắc quy định của mình cũng làm cho cha phó cảm thấy cha sở của mình là người nên noi theo. Dù cha sở và cha phó không cùng đọc kinh nhật tụng sáng chiều với nhau, nhưng tinh thần nguyện ngắm của cha sở phải luôn là mẫu mực để cha phó có thể an tâm tin tưởng và yêu mến cha sở, bởi vì không một cha sở nào thích nguyện ngắm mà lại hay giận dữ, không một cha sở nào thích nguyện ngắm mà lại không có lòng thương yêu và không có đời sống bác ái, cho nên cha sở phải tạo mọi điều kiện để cha phó cũng có thời giờ suy tư nguyện ngắm như mình.

Cha phó, nhất định là người trẻ trung nên cũng cần có những nhu cầu giải trí tinh thần như đọc sách, coi phim, du lịch và thỉnh thoảng tham gia các buổi hội hè cùng lớp cùng các bạn, cho nên cha sở cần phải khuyến khích cha phó nên sắp xếp công việc để đi tham gia những dịp như thế, không những rất bổ ích cho trí óc, mở rộng tầm nhìn và kết giao tình bằng hữu với những người khác, bởi vì cha phó là người đã trưởng thành -ít nữa là trong tư cách linh mục- nên cha sở đừng sợ ngài bị nhiễm những thói xấu của bạn bè.

Nếu được thì một hai tuần hoặc một tháng một lần, cha sở và cha phó hoặc thêm một vài linh mục bạn nữa cùng nhau đi chơi, đi đến thăm một khu di tích nào đó để vừa mở mang kiến thức vừa được thấy cuộc sống của người địa phương như thế nào, đây là kinh nghiệm nho nhỏ của tôi : Ở nước ngoài mỗi tuần các linh mục được nghỉ một ngày, tùy theo giáo phận, ở Taiwan thì các linh mục ở giáo xứ được nghỉ ngày thứ hai trong tuần, tôi thường cùng với cha phó và thêm một linh mục phó ở họ đạo kề bên cùng nhau lái xe đi chổ này chổ nọ trong vùng, trước là để biết danh lam thắng cảnh của địa phương, sau nữa là để anh em có dịp giải trí cách thoải mái mà không nghĩ ngợi về việc giáo xứ, và trong những dịp như vậy cha sở đem những kinh nghiệm cá nhân nói lại cho cha phó nghe về các vấn đề mục vụ cũng như cách xử thế với các tình huống trong giáo xứ mà cha sở thấy nhưng chưa nói cho cha phó biết, những lần cùng đi như thế thì chúng tôi cảm thấy tình anh em thêm gắn bó...

Khi gặp được những quyển sách hay có giá trị thì cha sở nên mua tặng cho cha phó đọc, hoặc giới thiệu cho ngài, bởi vì nhu cầu đọc sách trong xã hội ngày nay rất cần thiết, các linh mục cũng phải cần cập nhật hóa kiến thức của mình, nhất là các cha phó là những linh mục trẻ càng cần phải đọc sách nhiều hơn cha sở, viết lách nhiều hơn cha sở, để sau này khi ra làm cha sở thì có đủ vốn liếng căn bản để làm công tác mục vụ, bởi vì khi gởi một cha phó đến cho cha sở, thì đồng thời đức giám mục hoặc bề trên cũng gián tiếp nhắn nhủ cha sở tiếp tục huấn luyện cho các cha phó trở thành cha sở tốt sau này.

b.   Chăm lo đời sống vật chất.

Khi đón cha phó về trong giáo xứ của mình, thì cha sở đương nhiên có bổn phận lo chổ ăn chổ ở cho cha phó của mình tùy theo hoàn cảnh của giáo xứ. Chuyện phòng ốc cho cha phó thì nên tùy theo hoàn cảnh của giáo xứ, nhưng thường thì cha sở luôn dành cho cha phó những tiện nghi xứng hợp để cha phó khỏi lo lắng trong vấn để ăn ở, mà chuyên tâm làm công tác mục vụ.

Có một vài cha sở mà tôi biết được, các ngài sửa chữa phòng ngủ của cha phó tốt hơn phòng ngủ của mình, các ngài sắm sửa những vật dụng cần thiết như truyền hình, máy quạt, và có khi gắn cả máy lạnh cho phòng ngủ cha phó, còn mình thì sao cũng được, việc làm này bày tỏ cho thấy cha sở rất quý cha phó của mình. Ở nước ngoài chuyện máy lạnh là chuyện bình thường, nhà của cha sở cha phó ở phần nhiều là do ban công trình của giáo phận thiết kế, nên thường thì cũng như nhau không có vấn đề gì, nhưng ở Việt Nam thì mọi việc đều do cha sở làm, nên vấn đề chổ ở của cha phó là vấn đề tế nhị để giáo dân khỏi nói phòng cha sở thì to lớn còn phòng của cha phó thì nhỏ như chuồng cu...

Cha phó cũng là một linh mục nên đáng được cha sở tôn trọng, không những trong sinh hoạt mà thôi, nhưng còn biểu hiện ngay trong cách bố trí phòng ốc cho xứng với chức vị linh mục của ngài.

Các cha sở và cha phó ở nước ngoài đều lãnh lương từ tòa giám mục, nên vấn đề tiền bạc không có gì phải nói. Nhưng ở Việt Nam thì tất cả mọi sinh hoạt phí của cha sở và cha phó đều dựa vào tiền xin lễ (bỗng lễ) của giáo dân, cho nên thường xảy ra chuyện lễ béo (lễ nhiều tiền) thì của cha sở, lễ ốm (lễ ít tiền) thì của cha phó !

Cha phó là người giúp đỡ và cộng tác với cha sở để điều hành giáo xứ, mọi quyền hạn đều ở cha sở, cho nên cha sở nên khôn khéo tế nhị với cha phó trong việc nhận bỗng lễ của giáo dân.

Có một vài cha sở khôn khéo tổ chức việc xin lễ của giáo dân, tất cả những ai xin lễ đều phải đến văn phòng giáo xứ mà xin, ở đây có thư ký, thư ký nhận tiền ghi vào sổ và chia lịch làm lễ, sau đó trình lại cho cha sở, cha sở phân chia cho mình và cha phó làm lễ trong tuần, việc này vừa công bằng vừa nói lên tính khoa học trong cách làm việc của cha sở, và giáo dân muốn xin lễ thì cứ việc đến văn phòng giáo xứ, vừa tiện vừa khỏi phải chạy tìm cha sở cha phó để xin lễ. Ở Việt Nam, đa phần các cha sở làm không hết lễ đương nhiên cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nhiều, nếu không vì cuộc sống sang trọng quá mức với nhiều tiện nghi, thì như vậy là quá đủ.

Cũng có một vài cha sở “chơi đẹp” hơn, tất cả các tiền xin lễ đều xin ở văn phòng giáo xứ, ngài ấn định mỗi tháng dù tiền giáo dân xin lễ ít hay nhiều, thì ngài cũng đều cấp cho cha phó của mình một số tiền lớn gấp đôi tiền lễ mỗi ngày[7], và tiền ăn thì ngài hoàn toàn chu cấp rất đầy đủ mà cha phó không đóng góp khoảng nào. Đây là cách cư xử rất tình cảm và rất tâm lý của cha sở đối với cha phó, cha phó khỏi lo tiền xin lễ nhiều hay ít, nhưng chỉ lo là mình có đem hết tài năng ra để phục vụ giáo xứ của mình không mà thôi.

Ngoài ra, thông thường các lễ hôn phối và lễ an táng giáo dân của mình thì cha sở chủ lễ, và giáo dân đều muốn như vậy, đó là điều chính đáng vì cha sở là gia trưởng trong họ đạo ngài chủ lễ hôn phối và lễ an táng là hợp tình hợp lý. Giáo dân Việt Nam rất tình cảm và kính trọng các cha sở của mình, nên vào những dịp cưới hỏi cho con cái, họ đều xin lễ với một số tiền lớn hơn gấp ba gấp bốn lễ Misa bình thường lại còn quà cáp nữa, tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì tuy là cha sở chủ tế nhưng tiền bỗng lễ thì đừng lấy, lý do mà tôi thường chia sẻ với các anh em linh mục trẻ của tôi rằng, giáo dân của mình một đời chỉ có hai lần quan trọng là hôn phối và an táng, mình nên dâng lễ cầu nguyện cho họ trong hai dịp này, nếu là hôn phối thì chia vui với họ và nếu là lễ an táng thì chia buồn với họ[8], cho nên dù cha sở hay cha phó chủ tế trong hai dịp này thì cũng như nhau mà thôi, mọi người đều vui vẻ và không còn chuyện “lễ béo” “lễ ốm” giữa cha sở và cha phó nữa.

Tiền bạc vật chất, nó không phải là cứu cánh của các linh mục, và các linh mục cũng không phải đi tu để được làm giàu, nhưng không phải vì thế mà coi thường vấn đề tiền bạc, bởi vì nó là một trong các nguyên nhân lớn gây bất hòa giữa cha sở và cha phó, làm cho giáo dân hiểu lầm là hai cha sở cha phó của mình vì chuyện tiền bạc mà mếch lòng nhau.

Thiên Chúa là Đấng làm chủ mọi loài và Ngài luôn gìn giữ những gì mà Ngài đã tạo dựng, từ chim bay trên bầu trời, từ sợi tóc trên đầu rơi xuống thì Ngài cũng không nằm trong ý của Ngài, huống chi là con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, mà linh mục thì lại càng giống Thiên Chúa hơn nhờ đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong chức vụ tư tế linh mục của Tân Ước, do đó, việc “cầu xin Cha cho lương thực hằng ngày dùng đủ...” nơi linh mục phải trở nên mẫu mực và gương sáng cho giáo dân của mình, bởi vì từ trước đến nay chưa ai từng nghe linh mục bị đói ăn, chỉ nghe linh mục sống nghèo và sống đơn sơ đạm bạc mà thôi. Cuộc sống của các cha phó của thời đại hôm nay khác với cuộc sống của cha phó vào các thể kỷ trước, theo nhịp sống của thời đại, các ngài có những nhu cầu riêng tư cho mình trong lãnh vực sinh hoạt cá nhân như nhu cầu có computer, nhu cầu lên mạng, và cả nhu cầu được hưởng thụ các tiện nghi, cho nên cha sở cần phải tế nhị và sống yêu thương hơn nữa, để như là một người cha ân cần lo lắng cho con cái trong từng cái nhỏ nhặt, để từ đó dạy bảo con cái sống hết mình vì Thiên Chúa và vì bổn phận hơn.

c.   Chia sẻ kinh nghiệm mục vụ

Cha sở, nhất định là người có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề mục vụ giáo xứ, và biết rất rõ từng giáo dân của mình, do đó, nếu ngài đem kinh nghiệm mục vụ của ngài truyền lại cho cha phó để cha phó có thêm những kinh nghiệm mới, thì đó là một hồng phúc không những cho cha phó mà còn cho cả giáo xứ, bởi vì một cha phó biết lắng nghe và tiếp thu những chỉ dẫn của cha sở, thì giáo xứ phát triển rất rõ rệt với một tinh thần mới hơn.

Có rất nhiều việc mà cha sở nên truyền kinh nghiệm cho cha phó của mình, nhưng thiết tưởng có ba việc xem ra thực tế và quan trọng trong giáo xứ :

1.   Cách quản trị giáo xứ

 Cha phó chỉ ở với cha sở khoảng một hai năm thì sẽ được đi nhiệm sở mới để làm cha sở hoặc làm một công việc nào đó mà giáo hội cần đến ngài, cho nên trong khi đang còn ở với cha sở trong giáo xứ của ngài, thì cha sở trực tiếp chỉ bảo những kinh nghiệm mục vụ của mình cho cha phó.

Giáo xứ càng lớn thì càng phức tạp, do đó mà cách quản lý rất là quan trọng, có những giáo xứ lớn nhưng đâu ra đó, có nề nếp căn bản, có các hội đoàn và các lớp sinh hoạt giáo lý, cũng như những công tác hoạt động trong giáo xứ mà tất cả mọi phần tử giáo dân trong giáo xứ đều có tham gia, đó là do tài lãnh đạo khéo léo và giỏi của linh mục chánh xứ, những kinh nghiệm này cha sở nên truyền lại cho cha phó để ngài có vốn liếng cơ bản mà dùng sau khi thôi làm cha phó.

Một cha sở không có óc tổ chức và sáng tạo thì giáo xứ không thể phát triển, và tinh thần tông đồ của ngài sẽ không đến được với giáo dân, bởi vì ngài không nhạy bén với những vấn đề của xã hội cũng như những vấn đề của giáo hội, nếu ngài cứ quan niệm giáo dân chỉ cần đi xem lễ đọc kinh là được rồi, mà không làm gì thêm để giúp cho tâm hồn họ ngày càng nhiệt thành gắn bó với nhà thờ và sống đạo cách cụ thể hơn, thì chính ngài đã lãng phí ơn của Thiên Chúa ban cho ngài, và làm mất sự tin tưởng của các đấng bề trên sai phái ngài làm cha sở một họ đạo...

Nhìn một cha phó năng nổ làm việc mục vụ, biết xoay trở trong các công tác, thì người ta sẽ nghĩ ngay đến một cha sở giỏi giang biết cách điều hành giáo xứ và biết cách hướng dẫn cha phó làm việc, đó cũng làm niềm vui của cha phó khi được làm việc và cộng tác với một đàn anh có đầu óc tổ chức, sáng tạo và nhạy bén với các vấn đề của thời đại, và đó cũng là niềm vui của cha sở khi thấy cha phó của mình biết vận dụng những kinh nghiệm của mình đề phát huy khả năng sẵn có của ngài, và đương nhiên giáo dân sẽ vui mừng vì cha phó biết và bắt kịp đường lối làm việc của cha sở.

2.   Cách ứng xử với giáo dân khi gặp những nố khó

Cha sở thì biết rành về giáo dân của mình, vì đa phần họ ở quy tụ chung quanh địa bàn của giáo xứ, có thể nói cha sở biết rõ từng gia đình và con cái của họ, và có khi biết luôn cả tính tình và của họ, những cái biết này rất là quan trọng cho việc mục vụ của ngài, cho nên khi có việc bất hòa giữa giáo dân với nhau thì cha sở sẽ biết ngay lý do hoặc biết ngay tình trạng của sự việc.

Việc đem những kinh nghiệm đối nhân xử thế này cho cha phó của mình là điều rất cần thiết, bởi vì cha phó còn trẻ, năng động và có khi chưa quên...lý thuyết những gì mình đang học ở chủng viện, nên lắm việc ngài giải quyết không ổn hoặc không biết cách giải quyết cho hợp với thực tế. Cha sở cần đem những nố, những việc cần lưu ý nói lại cho cha phó, chẳng hạn như giáo dân này tính tình ra sao, cuộc sống của họ như thế nào, giáo dân kia đối với nhà thờ có mặn mà không, tại sao rất lâu mà họ không đi nhà thờ.v.v...để cha phó biết mà thi hành việc mục vụ cách tự tin hơn, để khi tiếp xúc với giáo dân các ngài càng thấy rõ và tự nhiên có cách giải quyết khôn ngoan hơn.

Có những nố khó khăn về hôn nhân mà cha phó mới ra xứ chưa có kinh nghiệm để giải quyết, thì chính cha sở sẽ giúp và truyền đạt kinh nghiệm cho ngài. Mặc dù trong chủng viện các ngài đã được học qua, nhưng trong thực tế các ngài chưa hề gặp các trường hợp ấy để giải quyết, thì đây, các ngài sẽ gặp khi ra xứ làm cha phó và sau này làm cha sở, từ việc dạy giáo lý cho đôi tân hôn cho đến việc rao hôn phối trong nhà thờ, cũng như viết thư xin điều tra hôn phối.v.v...từng việc xem ra nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng mà cha sở đừng nói rằng cha phó biết rồi chỉ vẻ làm chi !

Chỉ vẻ ra một kinh nghiệm thì sự hối hận sẽ bớt đi cho người khác, nhất là người cộng sự với mình.

3.   Quan hệ với các hội đoàn

Trong giáo xứ, cái làm cho cha sở nhức óc mệt trí nhất có lẽ là các hội đoàn, từ hội đoàn Mẹ gia đình, Cha gia đình, Thiếu Nhi Thánh Thể, ban lễ sinh, ban hát.v.v...tất cả mỗi hội đoàn đều có cái “chướng kỳ” của nó mà cha sở lắm lúc mệt trí vì phải dạy dỗ và giải quyết vì sự so đo phân bì giữa đoàn thể này với đoàn thể nọ, cho nên việc truyền đạt kinh nghiệm điều hành các đoàn thể cho cha phó của mình là điều cần thiết.

Đoàn thể nào cũng muốn đoàn thể của mình phải có vai trò quan trọng trong giáo xứ, mà họ đâu biết rằng tất cả mọi đoàn thể đều là quan trọng như nhau, thế là có sự so đo phân bì gây xích mích với nhau.

Thông thường cha phó thì “quản” luôn các hội đoàn trẻ như Thiếu Nhi Thánh Thể, ban lễ sinh, ca đoàn, nhưng có lẽ “gay cấn” nhất là ca đoàn. Có một cha sở nói với tôi : “Cha có ấn tượng về ban hát khi còn làm cha phó ở một giáo xứ lớn, nó (ca đoàn) thích làm eo, nủng nịu, với các cha, thích thì đi tập hát không thích thì viện đủ thứ lý do...” nó có nhiều phức tạp mà cha phó nhiều khi còn trẻ chưa thấm nổi cái ý nhị của nó, nên dễ nhức đầu hoa mắt vì những đòi hỏi cho được cái này cái nọ với cha sở cũng như cha phó.

Kinh nghiệm “đối phó” trong những tình huống này của cha sở rất cần thiết cho cha phó, vì ngài đã từng trãi qua trong những tình huống như thế.

Quan hệ giữa hội đoàn với nhau mà cha phó có trách nhiệm giúp cho cha sở, là một thử thách “bản lãnh” của cha phó, không những ngài cần phải có sự khôn ngoan của con rắn mà phải có luôn cả sự hiền lành như chim bồ câu, muốn được như vậy thì cha sở cần phải đem hết kinh nghiệm ứng xử truyền lại cho cha phó của mình, để ngài tùy theo từng trường hợp cụ thể mà đối nhân xử thế cho phù hợp với từng nhu cầu của các đoàn thể trong giáo xứ của mình.

Có cha phó bây giờ đang làm cha sở đã chia sẻ với tôi : “Giáo xứ của mình hôm nay được như vậy là nhờ mình làm phó cho cha Z...đấy, ngài tổ chức giáo xứ rất hay và khoa học, mình học nơi ngài nhiều lắm”, đó cũng là lời khen ngợi và cám ơn cha sở cũ của mình của cha sở mới vậy.

4.   Mẹ chồng con dâu

Có nhiều giáo dân nhìn thấy cảnh cha sở không mặn mà với cha phó của mình, cũng như không mấy yêu thương cha phó của mình vì cha sở cứ chỉ tay năm ngón với cha phó, và có khi còn “đì” ngài làm việc đến phờ người mà còn bị cha sở to tiếng nói nặng nói nhẹ...

Tại sao có cảnh “mẹ chồng con dâu” ? Bởi vì mẹ chồng thì có quan hệ máu mủ gì với nàng dâu, tất cả tình cảm mà con trai dành cho bà, thì bị nàng dâu đến “cướp” mất rồi, cho nên bà tìm cách để hành hạ, nói xấu nàng dâu ấy mà.

Cũng vậy, nếu xét theo kiểu người thế gian và nói theo kiểu giáo xứ là một công ty, thì cha phó đối với cha sở thì đâu có quan hệ máu mủ ruột rà gì mà biểu cha sở yêu thương, nhưng trong Chúa Giêsu Kitô thì cha sở và cha phó vừa là anh em vừa là người đang cùng sống chung một mái nhà là giáo xứ, đây là mối giây liên kết hai ngài lại trong Chúa Giêsu, do đó mà cha sở -hơn ai hết- cần tạo mọi điều kiện để cha phó của mình phát triển nhân cách và các nhân đức, nhất là nhân đức yêu thương mà ngài học được từ nơi cha sở của mình.

Giám mục giáo phận (hoặc bề trên) sai phái cha phó đến với cha sở -trước hết- là để chia sẻ công tác mục vụ nặng nề mà cha sở đang gánh vác –sau nữa- là học tập kinh nghiệm mục vụ nơi cha sở là bậc đàn anh đi trước, chứ không phải các ngài đưa cha phó đến để làm người giúp việc cho cha sở sai vặt hoặc không đoái hoài gì đến cha phó của mình.

Có một vài cha sở khi làm cha phó bị các cha sở trước của mình “đì” phát ớn, cho nên bây giờ cũng bổn cũ soạn lại như thế với cha phó của mình, các ngài thường nói với giáo dân : “Trước đây mình làm cha phó khổ sở hơn nhiều”. Nếu trước đây làm cha phó khổ hơn nhiều, thì bây giờ cần phải tạo mọi sự cho cha phó của mình được sung sướng để làm việc, như vậy sẽ không có cảnh “mẹ chồng nàng dâu” nữa, nhưng chỉ có tình anh em thân thiết giữa cha sở và cha phó mà thôi.

II. CHA PHÓ ĐỐI VỚI CHA SỞ

Cha phó là người được bài sai của giám mục đi làm phó xứ cho một cha sở, và để chia sẻ những lo âu đời mục vụ trong giáo xứ với cha sở, đồng tâm nhất trí và dưới quyền cha sở để thi hành nhiệm vụ mục vụ[9].

Dó đó mà khi nhận bài sai từ tay đức giám mục hoặc bề trên của mình, các linh mục trẻ cần phải mau mắn vâng lời và thi hành lệnh của các ngài với tinh thần yêu thương và phó thác cho Thiên Chúa quan phòng và Mẹ Maria, bởi vì kinh nghiệm cho thấy, một linh mục không muốn vâng lời giám mục hoặc bề trên, thì đồng thời cũng sẽ không biết nghe lời của cha sở khi nhận nhiệm vụ làm việc chung với ngài.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung của giáo hội Việt Nam, việc tuyển sinh vào chủng viện khó khăn, cho nên những ai được chọn vào chủng viện học cách chính thức thì đã có sự đồng thuận của giáo hội và của nhà nước, cho nên –một cách khách quan- là điều vui mừng cho mọi người, nhưng cũng có những hạt sạn trong khi tuyển chọn, vì không hoàn toàn thuộc thẩm quyền của giáo hội, cho nên, thực tế mà nói, có những linh mục mới ra trường đã ra vẻ ta đây có bề thế, không muốn nhận bài sai của giám mục đi đến những họ đạo nhỏ, hoặc những họ đạo nghèo không có những tiện nghi như máy lạnh, điện thoại, phòng ốc chật hẹp.v.v...

Khi chọn cho mình đời sống tu trì làm linh mục, tức là người linh mục hy sinh từ bỏ con đường danh vọng tiền tài của thế gian, để đi theo làm môn đệ của Chúa Giêsu và theo Ngài đi rao giảng tin mừng của Nước Trời cho mọi người, đó chính là mục đích của linh mục và của người làm linh mục, tức là các linh mục dòng cũng như các linh mục triều, vậy thì việc đến một họ đạo nhỏ nghèo thì đâu có ảnh hưởng gì đến mục đích của đời linh mục, trái lại nó rất có ích cho đời mục vụ của các ngài, vì sống trong cảnh nghèo khó mới biết thông cảm với người nghèo khổ, mới thấy đời linh mục của mình cao quý và thánh thiện, và để tôi luyện con người và làm cho khả năng của mình ngày càng phát triển thêm.

Nhận bài sai đi làm cha phó (hay cha sở) của một họ đạo lớn hay nhỏ, thì cũng chính là nhận một hồng ân và phần thưởng từ nơi Thiên Chúa ban cho, để như người thợ được kêu mời vào làm trong vườn nho ông chủ, dù làm đầu giờ hay làm cuối giờ, thì ân huệ của Thiên Chúa ban cho –qua bí tích linh mục- cũng vẫn như nhau[10], có điều mỗi người –các linh mục- có biết tích cực làm việc theo bổn phận và trách nhiệm của mình hay không mà thôi.

Có một linh mục trẻ khi nhận bài sai đi làm cha phó cho một giáo xứ nọ, thì đòi cha sở phải lo chổ ở đầy đủ tiện nghi, tội nghiệp cha sở, giáo xứ đâu có tiền mà ngài thì sống cũng như những người khác với những tiện nghi bình thường, nhưng cũng vẫn sửa sang phòng ốc gắn máy lạnh cho cha phó sắp đến của mình, bởi vì ngài yêu mến ơn gọi, bởi vì ngài yêu mến và thông cảm cho cha phó còn trẻ của mình.

Khi đến một giáo xứ để nhận trách nhiệm làm cha phó của cha sở, thì cha phó với tinh thần trẻ trung và năng nổ hoạt động, nhất định sẽ đem lại cho giáo xứ một bộ mặt trẻ trung và làm cho cha sở hãnh diện về cha phó của mình.

1.   Cha phó khiêm tốn

Đi làm cha phó thì giống như cô dâu về nhà chồng, tất cả công việc đều mới lạ và bỡ ngỡ, và đều phải cậy nhờ vào cha sở của mình để học hỏi và làm việc, muốn được gặt nhiều thành quả khi còn làm cha phó thì cần phải có sự khiêm tốn, khiêm tốn để phục vụ và học hỏi, chứ không phải khiêm tốn để rồi khoán trắng đùa cho cha sở và nói : con không biết làm.

 Có một vài cha phó còn trẻ, biết vi tính, biết sinh hoạt thanh thiếu niên nhưng làm việc gì cũng không hỏi ý kiến của cha sở, muốn đi dạy vi tính cho các thanh thiếu niên trong giáo xứ nhưng không hỏi ý kiến của cha sở nên mang tiếng mang tăm, biết sinh hoạt với các thanh thiếu niên nhưng không hỏi qua ý kiến của cha sở, đến khi có sự việc ngoài ý muốn xảy ra cha sở không biết đâu mà gỡ rối cho.

Khiêm tốn bàn hỏi với cha sở dù việc đó ngài đã giao hẳn cho mình chịu trách nhiệm, bàn hỏi không có nghĩa là xin xỏ, nhưng là để xin ý kiến và kinh nghiệm của ngài, và đồng thời cũng gián tiếp báo cho ngài biết là mình đang làm việc mà ngài giao cho, để khi có gì xảy ra ngoài ý muốn thì ngài can thiệp kịp thời, đó chính là sự khôn ngoan của cha phó và là hoa quả của sự khiêm tốn ấy chính là được lòng tin của cha sở và giáo dân trong xứ đạo của mình.

Khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức, nó cũng là cửa ngõ để cho người khác nhìn thấy tâm hồn phục vụ của mình trong khi làm việc. Có những linh mục trẻ khi làm được việc thì khoe khoang thành quả của mình, có khi chê cha sở già cả lù khù hết xí quách chỉ dựa vào mình mà thôi, đó là thái độ khoe khoang mà Thiên Chúa cũng như con người ta không ai thích cả, bởi vì cha sở có già yếu hết xí quách cũng là cha sở của mình, nếu không có ngài, hoặc ngài không tín nhiệm yêu thương mà giao công tác cho mình, thì thử hỏi mình có làm việc được không để mà khoe khoang và chê cha sở già yếu ! Khiêm tốn, bởi vì người biết học hỏi trong khiêm tốn là người mở rộng tâm hồn và trí óc để cho Chúa Thánh Thần làm việc trong con người của họ, và như thế họ cảm thấy việc học hỏi làm việc mục vụ nơi một linh mục lớn tuổi thì gặt hái nhiều thành công hơn về tu đức lẫn kinh nghiệm.

Một cha phó khiêm tốn thì luôn quy những thành công của mình về cho Thiên Chúa và cho cha sở, bởi vì không khách sáo, ngài biết rất rõ những việc làm thành công của mình ngày hôm nay cũng như ngày mai khi làm cha sở, đều bởi Thiên Chúa ban cho và sự ân cần chăm sóc của cha sở.

Hoa quả của nhân đức khiêm tốn thì như thế nào chắc cha phó hiểu rõ hơn bất cứ người giáo dân nào, chính nó (đức khiêm tốn) có một sức mạnh vô song kéo ân sủng xuống trên người biết sử dụng nó và chính ơn Thiên Chúa –qua đức khiêm nhường- sẽ làm cho những ai thực hành nó càng ngày càng lớn lên trong đức ái cùng với những hoa quả khác của Chúa Thánh Thần như : hiền lành, vui tươi, vâng phục, bao dung, phục vụ.v.v...

Sự khiêm tốn này nó trở nên đòi hỏi mạnh hơn khi cha phó chính thức nhận bài sai đi làm phó cho một họ đạo, mà cha sở ở đây có tiếng là khó tánh khó chịu, bởi vì có những cha sở không thích cha phó “nổi” hơn mình dù cha phó có tài thực sự. Khiêm tốn không có nghĩa là cứ cúi đầu nghe theo và làm còn miệng thì lẩm bẩm, khiêm tốn cũng không có nghĩa là nhu nhược ai nói gì nghe nấy rồi làm không được việc, nhưng khiêm tốn đối thoại khi thấy công việc được cha sở giao cho quá khả năng của mình, và khiêm tốn chỉ ra cái bất hợp lý của việc làm để cha sở thấy rõ được khả năng và những nhiệt thành của mình trong công tác mục vụ, khiêm tốn đối thoại là cánh cửa mở ra để cho yêu thương tràn vào tâm hồn của cha sở và cha phó.

2.   Cha phó vâng lời

“Vâng lời trọng hơn của lễ”, câu này các cha thường dùng cho giáo dân, các bề trên dùng cho bề dưới, nhưng ít khi các linh mục dùng câu này với nhau, bởi vì ai cũng có “chức thánh”, bởi vì cũng có những lúc cha phó nghĩ như thề này : “làm phó ở đây không được thì đi chổ khác, có gì mà phải sợ”, đi chổ khác thì dễ thôi, nhưng nó bày tỏ cho mọi người biết, cho bề trên biết cha phó là người ngang bướng không mốn nghe lời cha sở, và cũng phơi bày cho giáo dân thấy cha phó của mình không có tinh thần tu đạo, chỉ làm theo ý riêng của mình đang khi còn làm cha phó !

Vâng lời cha sở không phải là hạ chức thánh và giá trị nhân cách của mình xuống thấp, trái lại, nó nâng cha phó lên đến bậc cao của đường trọn lành, như thánh Phaolô tông đồ nói về sự vâng phục của Chúa Giêsu trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê :

“Đức Giêsu Kitô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lởi cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự.

Chính vì thế, nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người

và tặng ban danh hiệu

trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu...”[11].

Có những cha phó thích làm theo ý mình hơn là theo ý cha sở, bởi vì các ngài muốn chứng tỏ cho giáo dân biết mình cũng có trình độ như cha sở và có khi hơn cả cha sở nữa, cho nên không nghe theo lời chỉ dẫn của cha sở là người có kinh nghiệm trong vấn đề mục vụ và hiểu rõ giáo dân trong giáo xứ hơn cha phó của mình, do đó đức vâng lời chính là sự bỏ đi cái tôi háo thắng của mình, bắt ép cái tôi háo thắng ấy như kềm chế con ngựa bất kham phải thuần phục ý muốn của mình, tức là vâng lời cha sở vậy.

Sự vâng lời trưởng thành chính là thực hiện ý của bề trên cách mau lẹ và vui vẻ, cha phó cũng không ngoài lệ này.

1.   Vâng lời giám mục địa phận

Có những cha trẻ, khi còn là một đại chủng sinh thì vâng lời bề trên hết mức, có thể nói là vâng lời cách triệt để như...một người máy, hể bề trên bấm remote control là đi là đứng, rất mực dễ thương, giáo dân thấy thầy đi giúp xứ ăn nói nhỏ nhẹ, có khi lại còn biết vâng lời giáo dân nữa nên càng mến càng có cảm tình hơn, ai nhìn thấy thầy cũng đều khen ngợi thầy quả xứng đáng là linh mục thánh thiện sau này... Nhưng con người ta ai mà biết được, chính những thầy đó mới hôm qua còn khúm núm dạ dạ vâng vâng với đức giám mục của mình, nhưng khi nhận được bài sai thì buồn bả nhăn nhó, lại còn đòi điều kiện với giám mục phải như thế này như thế nọ mới đi làm cha phó, có khi nhờ các cha quen biết có uy tín xin xỏ để được về chổ ở tốt hơn, lý do đơn giản là các thầy đã làm linh mục, đã lãnh chức thánh “linh mục đời đời theo phẩm hàm Melkicheđê”, cho nên không còn sợ ai nữa, không còn muốn vâng lời ai nữa, mặc dù –các thầy- trong ngày chịu chức linh mục, đức giám mục đã công khai hỏi thầy trước mặt cộng đoàn dân Thiên Chúa đang hiện diện : “Con có hứa tôn kính và vâng phục cha cùng các đấng kế vị cha không ?”,  và thầy sẽ công khai lớn tiếng trả lời : “Thưa, con xin hứa”. Lời hứa tôn kính và vâng lời này sẽ đi hết cuộc đời của tân linh mục, chứ không phải hứa tôn kính và vâng lời đức giám mục lúc cử hành nghi thức truyền chức linh mục mà thôi.

Đức vâng lời này, nếu không có ơn của Thiên Chúa giúp đỡ thì không một linh mục nào tuân giữ trọn vẹn, nếu không có một sự khiêm tốn thì không một linh mục nào có thể vui vẻ vâng lời giám mục của mình cách mau mắn.

2.   Vâng lời cha sở

Các linh mục giáo phận chỉ hứa tôn kính và vâng lời đức giám mục của mình mà thôi, đó là điều chính đáng và phải đạo, nhưng càng phải đạo hơn khi vâng lời cha sở của mình, bởi vì giám đốc thì phải nghe lời tổng giám đốc, phó giám đốc thì phải nghe lời và dưới quyền giám đốc đó là chuyện “phải đạo” của thế gian, cho nên chuyện cha phó vâng lời cha sở cũng là chuyện đương nhiên, nhưng siêu nhiên hơn là cha phó nhìn thấy Chúa Giêsu nơi cha sở của mình khi vâng lời ngài mà làm việc mục vụ.

Cha sở là người chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và đức giám mục của mình về giáo xứ mà ngài coi sóc, cũng như về cha phó đang ở và làm việc với ngài, cho nên trách nhiệm của ngài rất lớn, vì trách nhiệm lớn này mà có một vài cha sở không muốn cha phó chen chân vào sợ hư việc của các ngài, đó là sự vâng lời của cha phó vậy.

Giáo xứ có những cái phức tạp của nó mà cha phó cần phải tế nhị khi làm công tác mục vụ, sự tế nhị này đòi hỏi cha phó phải thỉnh ý của cha sở và cố gắng nghe lời ngài nhắc nhở với tâm hồn thành thật và khiêm tốn, đừng cho đó là vấn đề nhỏ rồi làm theo ý của mình mà hư chuyện, bởi vì sự thông cảm của cha sở thì có hạn mà sự việc xảy ra thì quá lớn, đến khi sự việc xảy ra thì quả là đáng tiếc, cho nên, đức vâng lời của cha phó khi làm mục vụ với cha sở thì rất cần thiết.

Cha sở, bởi chức vụ mà giáo hội trao cho thì cũng để cho giáo dân kinh trọng và vâng lời ngài, cha phó với tư cách là được sai đến để giúp cha sở và thuộc quyền của ngài thì lại có trách nhiệm và bổn phận hơn nữa, cho nên việc vâng lời cha sở -như đã nói- là không làm mất đi sự thánh thiêng và giá trị của thiên chức linh mục nơi cha phó, trái lại nó làm cho cha phó trở nên người có bản lĩnh hơn trong đường tu đức, giáo dân cũng sẽ rất hân hoan và khen ngợi khi biết được rằng, cha phó của mình biết vâng lời cha sở.

3.   Cha phó làm việc.

Cha phó được bài sai đi làm phó xứ không phải đến đó để ngồi chơi xơi nước, nhưng là đến để làm việc mục vụ phụ giúp với cha sở trong việc truyền giáo tại giáo xứ.

Có một vài cha phó khi đến xứ thì năng nổ làm việc rất tích cực, được sự hài lòng của cha sở và sự khen ngợi của giáo dân trong giáo xứ, bởi vì các cha trẻ này luôn mang trong mình một sự tích cực vươn lên, một tấm lòng nhiệt thành vì việc tông đồ, và nhất là vì tình yêu của Thiên Chúa thúc bách các ngài làm việc, dù các ngài –đôi lúc- cũng gặp những thử thách khó khăn khách quan từ phía cha sở, nhưng các ngài vẫn cứ làm việc cách hăng say vì các linh hồn.

Cha Vincent Lebbe[12] đã dạy các con cái ngài rằng : “Anh em hãy tìm công việc mà làm, đừng để công việc tìm anh em”[13] thật đúng như vậy, tìm công việc mà làm của một cha phó là, ngoài những việc mà cha sở giao cho, thì chính các cha phó phải tự mình sáng tạo chủ động đi tìm công việc mà làm, để thăng tiến mình và không để cho mình rỗi rảnh thời gian phát sinh ra nhiều sự không tốt cho tâm hồn, bởi vì “ở dưng là cội rễ mọi sự dữ”.

Tìm công việc mà làm cũng có nghĩa là suy tư làm thế nào để cho đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ngày càng có nhiều em tham gia, làm sao để hội Con Đức Mẹ có chương trình hành động cụ thể trong tháng Mân Côi này, làm sao để các em trong ban lễ sinh vui vẻ và hăng say đến giúp lễ ngày thường.v.v...  tất cả những việc làm đó đều nói lên tính sáng tạo và chủ động nơi các cha phó, ngoài ra, tìm việc mà làm cũng có nghĩa là tìm tòi những tài liệu có liên quan đến công tác mục vụ mà đọc, những tài liệu này nằm sẵn đợi cha phó mở computer ra và click con chuột vào là thấy ngay, tha hồ mà nghiên cứu học hỏi và đọc các tài liệu bổ ích trong đó...

Có một vài cha phó vì cha sở không chia việc cho làm, hoặc chia quá ít không thấm vào đâu so với tài năng của ngài, nên các ngài ít xuất hiện ở nhà xứ, các ngài đi đâu không ai biết, kể cả cha sở...

Người ta thường đánh giá một con người có năng lực hay không là do cách làm việc của họ, cũng vậy, cha sở có cách đánh giá năng lực của cha phó theo cách riêng của ngài, để khi giám mục địa phận muốn cất nhắc cha phó của ngài lên làm cha sở ở một họ đạo khác thì ngài sẽ thành thật thẳng thắn trình bày ý kiến mình về cha phó cho đức giám mục nghe để tùy ngài quyết định, bởi vì cha phó được sai đi để tập sự làm việc chứ không sai đi để thành gánh nặng cho cha sở và giáo xứ của ngài, cho nên cha phó hăng hái làm việc, biết sáng tạo kiếm việc để làm thì chính đó là điều mà đức giám mục cũng như các bề trên mong muốn nơi các cha phó.

4.   Việc tu đức của cha phó.

Đây là những kinh nghiệm của tôi và dùng phương pháp ba câu vè của linh mục Vincent Lebbe để chia sẻ với các cha phó. Ba câu vè thực hành tu đức của cha Vincent Lebbe là : Đánh tôi, Đánh ngã tôi và Đánh chết tôi.

Làm linh mục, tu sĩ thì chắc chắn phải có tinh thần tu đức, tu đức là những nhân đức để sửa đổi mình cho ngày càng hoàn thiện theo ý muốn của Thiên Chúa hơn, hay nói cách khác, tu đức là phương pháp sống hiệp thông với Thiên Chúa theo tinh thần Phúc Âm, điều này thì tất cả các linh mục và những người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa đều biết và đều hiểu, bởi vì đã học và không ít nhiều có thực hành trong cuộc sống thường ngày của mình.

a.   Đánh tôi.

Tiết chế tình cảm hỉ nộ sân si của mình, nhất là chế ngự cá tính nóng nảy háo thắng của mình để khỏi trở thành cái mốc đàm tiếu của giáo dân, và gây sự buồn bực cho cha sở.

Có một vài linh mục trẻ khi còn học trong chủng viện, tất cả các thầy đều náo nức mau cho đến ngày làm linh mục, và khi chịu chức Phó Tế thì sự nôn nóng này lại càng bộc lộ mạnh mẽ hơn trong cung cách trò chuyện và thái độ làm việc với giáo dân khi đi thực tập làm mục vụ, tất cả những nôn nóng này cứ dồn ứ lại trong tâm hồn của các thầy để rồi khi được chịu chức linh mục thì các linh mục trẻ này như con chim sổ lồng tung cánh bay cao bay thấp,  ngang dọc vẫy vùng vì đã “thoát” ra khỏi khuôn khổ kỷ luật của chủng viện, “thoát” ra khỏi sự kiểm soát của các bề trên và giáo sư chủng viện, cái dáng vẻ hiền lành dễ thương của một đại chủng sinh một sớm một chiều bay mất, thay vào đó là cung cách bệ vệ khi đi đứng, kẻ cả khi ăn nói và giáo dân bắt đầu sợ sệt không dám đến gần vì ngài quá hách.

Do đó, khi được sai đi làm cha phó thì cũng có nghĩa là từ đây mình được tự do hoàn toàn, nên cá tính bị dồn nén lâu nay trong chủng viện được dịp ngốc đầu lên, tính nóng nảy được bộc lộ ra qua công tác mục vụ hoặc thường không đồng ý với cha sở một vài vấn đề, thế là cha sở và cha phó to tiếng với nhau và tình huynh đệ bị sức mẻ nếu không kềm chế và hàn gắn thì sự chia rẻ ngày càng trầm trọng hơn.

Đánh tôi là đánh cái tôi của mình, cái tôi nóng giận, cái tôi sân si, cái tôi ích kỷ, cái tôi dục vọng, khi cái tôi nóng nảy ngóc đầu lên muốn “ăn thua” đủ với cha sở thì đánh nó ngay, lấy sự hiền lành và cầu nguyện để đánh nó. Đánh tôi là bước đầu để đi tiếp đàng nhân đức, cho nên có thể nói là các cha phó đã đi qua chặng đường này rồi, vì không một linh mục nào mà không biết kềm chế tính tình của mình, không một linh mục nào mà khi còn ở trong chủng viện hay tập viện mà không luyện tập việc đánh tôi này.

Việc đánh tôi này cũng là giúp cho các cha phó tìm ra những khuyết điểm của mình thường gặp trong cuộc sống để sửa đổi, để hạn chế cá tính và những khuyết điểm đã bám rể sâu vào trong thịt máu của mình.

b.   Đánh ngã tôi .

“Cái tôi” của con người ta như “con lật đật”[14], lấy tay đè nó xuống đến khi cất tay ra là nó lại đứng lên, cái tôi cũng vậy, khi chúng ta kiềm chế nó thì nó nằm im, nhưng đến khi chúng ta lơ là không để ý thì nó lại ngóc đầu lên lại, do đó cần phải đánh ngã nó, đây là bước thứ hai của tinh thần tu đức, trong bước thư hai cái mà chúng ta –các cha phó- cần đánh ngã là :

-Nói nhiều : Có một vài cha phó nói rất nhiều, nói huyên thuyên, gặp ai cũng nói chuyện được, hể thấy giáo dân đến là bắt chuyện nói, nói chuyện nhà thờ nhà xứ, hết chuyện nhà xứ thì nói chuyện đoàn thể, hết chuyện đoàn thể thì nói chuyện cha sở, chuyện ông này bà nọ.v.v...và như thế trở thành một thói quen không mấy tốt cho cha phó, bởi vì một linh mục mà thích nói nhiều thì tự nhiên không được người khác tin tưởng, một linh mục nói nhiều thì trong lòng không có gì cả bởi vì có gì thì nói ra hết rồi.

Thói quen nói nhiều không phải là hoàn toàn xấu nhưng là một khuyết điểm nên sửa đổi, nhất là một linh mục, nói nhiều là bày tỏ một tâm hồn kiêu ngạo vì đang phê bình và đang nói chuyện của người này ngừơi khác; nói nhiều là bày tỏ một tâm hồn bất an vì đang tìm đồng minh; nói nhiều là bày tỏ một tâm hồn không tự tin, vì khi nói nhiều là để che bớt những khuyết điểm của mình.

Cha sở là người có kinh nghiệm mục vụ và cách xử thế trong giáo xứ của ngài, ngài biết lúc nào thì nên nói và lúc nào thì không nên, cho nên chắc chắn là ngài không thích cha phó của mình nói nhiều chuyện với giáo dân, và có khi cha phó đừng ngạc nhiên khi thấy cha sở không chia sẻ cho mình biết những điều mà ngài làm trong giáo xứ, bởi vì cái tính hay nói và nói nhiều của mình đã làm cho cha sở thấy không ổn khi đem một vài chuyện có tính quan trọng, hoặc kế hoạch của nhà xứ nói với cha phó, đây là điều bất đắc dĩ của cha sở vì ngài biết tính tình của cha phó, và có khi ngài hy sinh chấp nhận cha phó nghĩ không tốt về mình, cái mà cha sở muốn nơi cha phó là hãy dành nhiều thời gian cho việc đọc sách đọc báo, soạn bài giảng và suy tư nhiều hơn khi rảnh rỗi vì đó là điều có lợi cho cha phó hơn.

-Than vãn : Không phải cha sở nào cũng dễ dàng thông cảm cha phó, không phải cha sở nào cũng tin tưởng vào cha phó, cho nên trong việc hợp tác để làm mục vụ tại giáo xứ thì có khi cha sở và cha phó bất đồng ý kiến với nhau, đây là chuyện đương nhiên phải có và  cha phó phải chấp nhận cái thực tế này để kinh nghiệm phong phú thêm.

Vì bất đồng ý kiến hoặc vì cha sở không đồng ý một công việc nào đó mà cha phó đang làm, thay vì đối thoại và hỏi nguyên do nơi cha sở, thì cha phó lại đem chuyện này đi than vãn với giáo dân, có cha phó hể gặp giáo dân là than vãn chuyện cha sở ngăn cản không cho mình làm chuyện này chuyện nọ, than vãn riết thì giáo dân có ấn tượng không hay giữa cha sở và cha phó, rồi từ miệng giáo dân này truyền đến giáo dân kia làm cho sự việc rất nhỏ ấy thành chuyện lớn trong giáo dân.

Than vãn là cái tôi vốn có của con người, nhất là khi quyền lợi của mình bị tước đoạt hay bị xâm phạm, vợ đem chuyện chồng con gia đình đi than vãn với người khác thì nhất định là không phải đạo, gây ảnh hưởng không tốt trong gia đình, cũng vậy, cha phó vì bất mãn cha sở ngăn cản công việc mình làm vì lý do –cha sở thấy- không có lợi cho cha phó, hoặc bất đồng ý kiến với ngài mà đem chuyện cha sở đi than vãn với giáo dân, không những không tốt đẹp mà còn là phương hại đến uy tín cha sở nói riêng và cả cha phó nữa.

Đánh ngã tôi đối với người muốn nên thánh thì có rất nhiều cái tôi cần phải đánh cho ngã không để nó ngóc đầu lên, và đối với cha phó, là người mới bắt đầu làm việc của một linh mục mới chịu chức, thì nói nhiều và than vãn là hai yếu tố gây mất hòa giữa cha phó và cha sở, cho nên nói ít suy tư nhiều và thay vì than vãn thì phó thác trong tay quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa là Đấng sai phái mình đến giáo xứ để học hỏi, làm việc và tôi luyện các nhân đức của mình ngày càng sinh hoa kết trái nhiều hơn.

c.    Đánh chết tôi

Đánh ngã tôi thì chỉ mới bị thương chứ chưa chết, cho nên khi khỏe lại thì cái tôi lại ngóc đầu lên, mà lại càng hung bạo hơn trước khi chưa đánh ngã nó, như Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm : “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói :”Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi”. Khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ tợn hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước...”[15] cũng vậy, có khi chúng ta đã kiềm chế cái tôi được vài lần thì cứ ngỡ là mình đã thắng nên không đề phòng, thế là khi cơ hội đến thì cái tôi vùng lên rất mãnh liệt chúng ta khó mà kiềm chế được, do đó, lời cảnh cáo nơi câu kết luận của Chúa Giêsu mới dể sợ hơn : “Thế hệ gian ác này rồi cũng như vậy”[16].

Đánh chết tôi chính là đòn quyết định để cái tôi vĩnh viễn không còn ngóc đầu nữa, điều này không phải dễ dàng, vì không ai dám đánh chết cái tôi của mình cả, ngay cả những bậc tu hành đức độ hằng ngày đều đánh ngã cái tôi của mình, nhưng cái tôi cũng vẫn cứ vùng lên khi có cơ hội thuận tiện, cho nên đánh chết tôi là bước thứ ba và là bước cao nhất của tinh thần tu đức để nên thánh.

Trong một giáo xứ mà cha phó “hủy mình ra không” tức là sống khiêm tốn với mọi người cách chân thực, thì ngài là niềm vui cho giáo xứ và cho cha sở, ngài khiêm tốn như hạt lúa nằm trong lòng đất nhưng vẫn âm thầm phát triển nhân cách và tài năng của mình trong các công việc, đó là vì ngài đang khiêu chiến với cái tôi kiêu ngạo và sân si của mình, ngài phải đánh chết nó bằng cách vâng lời cha sở trong các công việc mà không kêu ca, không than vãn, vì ngài biết rằng đây là cơ hội tốt nhất để mình học tập cho công cuộc truyền giáo sau này của mình...

5.   Cha phó là cánh tay nối dài của cha sở.

Cha sở, vì công việc quá nhiều khi coi sóc một giáo xứ lớn và có khi kiêm luôn nhiều họ đạo nhỏ, cho nên đức giám mục phái đến cho ngài một cha phó để giúp ngài làm việc mục vụ trong giáo xứ, mà người ta thường gọi là giúp “một tay”, “giúp một tay” chính là làm cho cánh tay của cha sở thêm “dài” ra để ngài có thể vươn tới gần giáo dân, nắm bắt được tình trạng sống đạo của giáo dân trong giáo xứ của mình qua việc chia quyền hành cho cha phó để ngài làm việc.

Cha phó phải ý thức rằng giáo dân của cha sở cũng là giáo dân của mình, chứ không phải chỉ là giáo dân của cha sở mà thôi, bởi vì có một vài cha phó trẻ chưa hiểu được điều ấy, nên khi cha sở phân công làm việc thì làm cách miễn cưỡng vì quan niệm rằng đó là giáo dân của cha sở mình cần gì phải tận lực ! Cha phó chứ không phải là người làm thuê, cũng không phải là người đứng bàng quan mà nhìn, càng không phải là kẻ ở nhờ ở đậu, nhưng cha phó là người gánh vác và chia sẻ công việc nhà xứ với cha sở, ngài là cánh tay nối dài của cha sở khi cha sở vắng nhà hoặc ở nhà, việc làm của cha phó cũng là việc làm của cha sở, lời nói của cha phó cũng là lời nói của cha sở, nó quan trọng như thế, cho nên các cha phó phải hằng ngày tâm niệm rằng tôi là một linh mục phó đang coi sóc họ đạo với cha sở, chứ không phải là người làm thuê.

Cha phó là cánh tay nối dài của cha sở khi ngài nhân danh cha sở để khai mạc buổi họp ban hành giáo trong giáo xứ, khi ngài triệu tập các đoàn thể, khi ngài giáo huấn các đoàn thể mà cha sở đã ủy quyền cho ngài chăm sóc.

Cha sở, cũng có lúc vì mưa gió trở trời mà sinh bệnh không được khỏe, thì việc nhà xứ chắc chắn là do cha phó đảm nhiệm chứ không phải cha phụ tá, càng không phải là ban hành giáo, trong trường hợp này cha phó có cơ hội phát huy tài năng của mình thay cha sở điều hành giáo xứ và cũng là dịp để cha phó nhìn thấy ân sủng mà Thiên Chúa dành cho mình qua việc phục vụ giáo xứ.

Có điều này các cha phó cần lưu ý : mình là cánh tay nối dài của cha sở chứ không phải là “cái đầu nối dài” của cha sở, có nghĩa là mình không phải là người chỉ huy cha sở, cũng không phải là người quản giáo xứ, cho nên khi cha sở vắng nhà hoặc khi ngài bệnh tạm thời giao cho mình coi sóc thì tiên vàn đừng có sửa đổi hay thêm bớt những gì mà cha sở đã và đang làm, bởi vì như thế là mình làm cha sở chứ không phải làm cha phó, bao lâu cha sở còn đó, dù ngài bị bệnh, thì ngài vẫn là cha sở của giáo xứ.

Có một vài cha phó khi cha sở bị bệnh tạm giao quyền hành cho mình coi sóc giáo xứ, thì đổi thì sửa lung tung làm giáo dân phải thốt lên : “Cha sở mới vắng nhà mà cha phó đã sửa đổi giờ lễ, sửa đổi các giờ họp hành...”, đó là tiếng còi báo hiệu rằng, dù cha sở bị bệnh không làm cha sở được nữa, thì cha phó cũng sẽ khó mà làm việc được khi tất cả tham vọng đều bộc lộ trong lúc này, khôn ngoan và khiêm tốn là ở chổ biết làm cho mình trở thành cánh tay nối dài của cha sở, chứ không làm cái đầu nối dài của ngài.

6.   Cha phó tập viết và học giảng.

Tập viết thì có nhiều cấp : cấp tiểu học từ lớp Một thì viết chữ a chữ b chữ c và một vài chữ cái ghép lại, cho đến lớp Năm thì viết được một bài tập làm văn ngắn; lên trung học thì tập viết nhiều hơn bởi các bài văn tả cảnh hoặc tập viết tập bình luận những bài văn của các tác giả văn học nổi tiếng trong nước và trên thế giới; lên đại học thì tập viết những đề tài nghiên cứu nho nhỏ gọi là tiểu luận, tức là tập tự mình moi óc sáng tạo để viết một đề tài nào đó mà mình ưa thích, đến khi mãn khóa thì viết luận án tốt nghiệp và được hội đồng giám khảo chấm thi, phê bình, đối chất.v.v...mới được gọi là tốt nghiệp, và sau đại học thì thạc sĩ và tiến sĩ cũng cần phải...tập viết nhiều hơn nữa.

a. Tập viết.

Các cha phó cũng thế, không phải “đỗ cụ” rồi thì không cấn tập viết nữa, nhưng trái lại càng phải tập viết nhiều hơn, không phải viết luận án tốt nghiệp, cũng chẳng phải viết luận án tiến sĩ, nhưng cha phó tập viết những bài suy tư suy niệm là những bài cần tập viết nhất cho đời linh mục, bởi vì ngài đang tập viết về một đề tài tổng hợp bao gồm tâm lý, luân lý, nhân bản và thần học có khi cả triết lý trong một bài suy niệm ngắn ngủi nhưng rất có ích cho mọi người.

Các đề tài nghiên cứu của các tiến sĩ, các nhà khoa học thường thì có ích cho sự phát triển của xã hội hay trong một lãnh vực khoa học nào đó, nhưng bài viết của các linh mục thì có ích và có lợi cho phần xác cũng như phần hồn của người nghe nói chung và của các giáo hữu nói riêng, cho nên có một vài linh mục đã chuẩn bị viết ngay khi còn học trong chủng viện, nhưng đa số thì các linh mục bắt đầu tập viết sau khi chịu chức linh mục, nhưng phần nhiều các ngài chỉ tập viết có một...bài giảng mà thôi, thật đáng tiếc. Có một vài linh mục không còn cầm đến sách báo nữa sau khi làm linh mục, có một vài linh mục không cần tập viết nữa sau khi làm linh mục bởi vì các ngài cho là không cần thiết nữa, cho nên trong bài giảng của các ngài không có chất xúc tác làm cho giáo dân mệt mỏi và chán khi nghe giảng, cho nên trong đời sống của các ngài không có “tấm gương” để soi mình và sửa chữa mình.

Hồi tôi còn làm thầy, thì có cha sở một nhà thờ lớn nọ khen cha phó cũ của ngài với chúng tôi (các thầy dòng) rằng : “Cha có nhiều cha làm phó, nhưng chỉ có cha Th...là người mà cha hài lòng nhất, vì sau khi làm mục vụ xong thì ngài ngồi viết bài suy tư, bài giảng, ngài không đi đâu cả, nên bài giảng của ngài rất có sức thu hút”. Rất hiếm cha sở khen cha phó giảng hay, vậy mà cha sở này đã công khai khen ngợi cha phó của mình trước mât các thầy, và chúng tôi đều công nhận ngài nói đúng, vì cha Th...rất giỏi và năng động, ngài giảng thuộc loại thu hút giáo dân và rất có đầu óc tổ chức, hiện tại ngài đang làm cha sở một họ đạo lớn ở Tân Bình, thuộc giáo phận Sài-gòn.

Cha phó tập viết những bài suy niệm, những bài suy tư của mình mỗi ngày, thì đến một tháng các ngài đã có những tài liệu để chia sẻ cho giáo dân nghe khi giảng, tập viết ngay đừng đợi đến tối thứ bảy rồi mở Phúc Âm bài ngày chủ nhật ra đọc qua loa, suy nghĩ một chút rồi...xếp sách lại và ngày mai giảng lễ, bảo đảm bài giảng của chủ nhật hôm ấy là một bữa ăn tồi tệ nhất của cha phó dành cho giáo dân của mình, bởi vì ngài không chuẩn bị gì cả, có gì trong tủ của chủ nhật tuần trước bây giờ lại lấy ra cho giáo dân ăn lại, thật tội nghiệp.

Tập viết bài suy tư cũng là một cách xét mình hằng ngày trước mặt Thiên Chúa của cha phó, bởi vì khi viết xuống những bài suy tư dựa trên Lời Chúa được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, thì cha phó sẽ thấy rằng lời mình viết đây là tự thâm tâm của mình và đối chiếu trực tiếp trong cuộc sống hằng ngày của mình mà ra, cho nên có thể nói rằng tập viết những bài suy tư ngắn mỗi ngày chính là mình nói với Thiên Chúa trước và nói với chính mình sau vậy.

Có một vài cha sở than rằng cha phó của ngài rất ít khi ngồi ở nhà, buổi sáng làm lễ xong mới thấy ngài đó, quay lưng lại thì chẳng thấy ngài đâu cả, có khi đến giờ cơm cũng chẳng thấy ngài. Có lẽ cha phó có việc riêng tư của ngài, nhưng chuyện cha phó đi “cả ngày” là có thật nơi một vài cha phó không có việc làm, hoặc bất mãn với cha sở về việc gì đó mà không giải quyết được nên xách xe chạy đi đây đi đó, đây là việc làm nguy hiểm cho đời sống linh mục, bởi vì ma quỷ luôn lợi dụng sơ hở của chúng ta là tấn công phá hoại mất ơn gọi của mình.

Cha phó nào tập viết ngay từ bây giờ thì khi được phái đi làm cha sở sẽ rất nhẹ nhàng trong việc soạn bài giảng hoặc chia sẻ những kinh nghiệm tu đức cho mọi người.

b. Học giảng

Cha phó giảng không hay thì giáo dân vẫn cứ thông cảm cho ngài, vì giáo dân biết ngài mới “ra trường” làm linh mục, nhưng nếu ra làm phó cả năm trời rồi mà ngài vẫn cứ giảng như là gì ấy, thì chắc chắn giáo dân sẽ nói : “Cha phó của mình giảng dở quá, sao ngài không soạn bài trước ?” đến lúc này thì cha phó phải để ý và coi lại bài giảng của mình.

Học giảng tức là học cách nói, cách diễn đạt, cách truyền cái mà mình xác tín qua cho người khác, cho nên nó đòi hỏi người giảng không những phải có sự suy tư, có kiến thức, mà còn phải có phương pháp diễn đạt nữa, phương pháp này các cha phó chỉ cần đọc sách báo, chỉ cần mở computer ra là biết ngay, những phương pháp giảng đều có ở trên đó. Linh mục mỗi ngày đều có giảng, mỗi năm ngài giảng ba trăm sáu mươi lăm ngày, vậy mà có những vị khi giảng giáo dân vẫn cứ cho là giảng không hay, giảng không hay là vì chúng ta không suy tư đủ, là vì chúng ta không đọc sách đọc báo nhiều, nhất là chúng ta chưa sống những điều chúng ta đã suy tư và đã giảng...

Học giảng khi còn làm cha phó là việc cần thiết, vì cha phó làm việc ít hơn cha sở nên ngài có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, dùng thời gian này để suy tư và học giảng thì bài giảng của cha phó dù không như các nhà hùng biện, thì cũng làm cho tâm hồn người tín hữu thấy được lửa yêu mến Chúa Giêsu trong tâm hồn của các ngài, để họ sống theo lời các ngài đã giảng.

Tôi có thói quen như thế này : để cho bài giảng của mình giáo dân có thể nghe được và hiểu được (dù khi làm cha phó hoặc bây giờ làm cha sở) tôi chọn một giáo dân thân thiết có trình độ ở trong giáo xứ thường đi lễ ngày chủ nhật, nói với họ cách chân tình rằng, khi tôi giảng nếu thấy có chỗ nào không hợp với bài giảng, câu cú, văn phạm (tiếng Phúc Kiến và tiếng quan thoại), cách phát âm, nội dung hay hoặc chưa hay, thì sau khi lễ xong nhớ góp ý cho tôi, cứ thành thật góp ý đừng ngại gì cả, và tôi thường được họ góp ý và nói lên quan điểm của giáo dân muốn các linh mục giảng gì trong bài giảng, và cho đến hôm nay họ vẫn cứ góp ý giúp tôi sau mỗi thánh lễ chủ nhật...

Học giảng khi làm cha phó thì sẽ trở thành cha sở giảng hay sau này, ngoại trừ những người được trời phú cho cái thiên tài giảng hay (rất ít) thì tất cả mọi linh mục đều cần phải học giảng, mà thời gian làm cha phó là thời gian học giảng cách tốt đẹp nhất vậy.

Mà cách giảng hay, thu hút và đánh động giáo dân nhất chính là mình sống sao giảng vậy.

7.   Cha phó với giáo dân.

Làm cha sở hoặc làm cha phó một giáo xứ thì đều phải có những cuộc tiếp xúc với giáo dân, những cuộc tiếp xúc này có khi thì tại tòa giài tội, có khi tại phòng khách, có khi luôn tiện đứng ở sân nhà thờ.v.v...Việc tiếp xúc với giáo dân thì cha phó nên coi là chuyện bình thường không có gì đáng phải ngại, cứ đường đường chính chính mà tiếp xúc trò chuyện với họ khi công việc mục vụ đòi hỏi hoặc khi họ đến bàn chuyện thiêng liêng với mình.

Có những giáo dân thích đến gặp cha phó vì ngài trẻ trung, vui vẻ, hoạt bát, mà thường là các bạn trẻ ở trong giáo xứ hoặc các giáo xứ khác, đó cũng là một điểm mừng cho cha phó vì ngài đã có sức thu hút giới trẻ đến với nhà thờ (không phải đến với cha phó) qua những lần mà cha phó sinh hoạt với họ. Tuy nhiên đây là chuyện cần phải tế nhị, và cha phó cần biết những người đến tiếp xúc trò chuyện với mình thuộc đối tượng nào : có người đến gặp cha phó vì đoàn thể của họ, có người gặp cha phó vì chuyện hôn phối hoặc giải quyết một nố hôn phố dị giáo nào đó, hoặc đến gặp cha phó để trò chuyện uống cà phê, hoặc là cò khi tỏ tình cảm với cha phó.v.v...tất cả đều là việc mà cha phó cần phải để ý suy xét và...đề phòng, bằng không sẽ xảy ra những việc đáng tiếc làm phiền lòng cha sở của mình...

Trong giáo xứ, có người thích cha phó có người thích cha sở, thích không có nghĩa là ngày ngày đến nhà thờ tìm cha sở cha phó để nói chuyện, nhưng cái thích của giáo dân là cha sở vui tính dễ gần gủi, cha phó hoạt bát dễ tâm sự, cho nên việc làm của cha phó khi tiếp xúc với giáo dân trong giáo xứ, chính là làm cho giáo dân thấy được ưu tư cha sở cũng như của ngài là muốn giáo dân trong giáo xứ đạo biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương nhau, đoàn kết để làm cho giáo xứ thăng tiến, chứ không phải đem chuyện cha sở hôm qua trách mình vì chuyện này, to tiếng với mình vì chuyện kia ra nói cho giáo dân nghe.

Tiếp xúc với giáo dân có hai hệ quả : một là tích cực hai là tiêu cực.

1.   Tích cực

Hướng tích cực là cha phó đã làm cho giáo dân trở nên gần gủi với nhà thờ hơn, hiểu rõ các linh mục hơn qua những lần tiếp xúc với họ, và từ đó có thể hưởng dẫn họ trở nên những người biết cộng tác với giáo xứ hơn, tóm lại là họ không còn khép kín với cha sở hay cha phó nữa, cũng như không còn coi chuyện nhà thờ là chuyện của cha sở cha phó nữa, nhưng sẵn sàng chia sẻ với cha sở và cha phó của mình.

2.   Tiêu cực

Tuy nhiên việc tiếp xúc nhiều với giáo dân cũng gây ra những hiệu quả ngược lại mà cha phó cần phải để ý, đó là có khi làm mất đoàn kết giữa giáo dân với nhau nếu cha phó cứ tiếp xúc chỉ với một vài người quen biết, và do đó họ có rất nhiều chuyện để “báo cáo” cùng cha phó, từ chuyện người này nói cha phó ra sao, người kia nói cha sở như thế nào, và vô hình chung cha phó đơn sơ thật thà đem chuyện nhà xứ ra kể cho họ nghe, và thế là cả giáo xứ đều biết chuyện cha sở độc tài độc đoán, biết chuyện “hai cha ăn hai nồi” không hạp tính nhau...

Có một vài giáo dân “moi” chuyện của nhà xứ từ nơi cha phó để có cớ mà chê cha sở, bởi vì có một vài cha sở không mấy mặn mà với cha phó làm cho cha phó không được vui, thế là những giáo dân nầy lợi dụng tình thế không tốt đẹp của cha phó để “moi” chuyện nhà xứ, và cha phó thì bức xúc với cha sở nên khi nghe giáo dân hỏi chuyện thì như “rà được đài”, đem mọi chuyện ra nói cho họ nghe, thế là lâu dần cha sở cũng biết được và sự việc càng trầm trọng hơn.

Tiếp xúc với giáo dân là điều cần, nhưng không cần thiết phải đem chuyện nhà xứ ra nói cho họ nghe, và cũng không cần thiết hể gặp giáo dân là bắt chuyện để nói, bởi vì –theo kinh nghiệm- khi hết chuyện để nói thì đem chuyện người khác ra mà nói, nhất là chuyện cha sở của mình.

III. SỐNG LÀ RAO GIẢNG

 Cha sở và cha phó cùng sống trong một nhà xứ, cùng gánh vác một trách nhiệm và cùng chia sẻ những niềm vui nổi buồn của giáo xứ cũng như của bản thân.

Rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ của cha sở và cha phó cũng như của tất cả các linh mục, mà trong tất cả các bài giảng của các ngài thì vấn đề bác ái và yêu thương là vấn đề hàng đầu không thể thiếu được, bởi vì đó chính là điều căn bản cốt lõi của đạo Công Giáo mà cha sở và cha phó là những người đi đầu trong vấn đề này, cho nên cha sở và cha phó sống hiệp nhất với nhau là một bài giảng hùng hồn và sống động nhất vậy.

Có giáo dân thấy cha sở và cha phó không hợp nhau, lục đục với nhau thì nói rằng : chỉ có hai ông cha thôi mà cũng không biết thương yêu nhau thì dạy với dỗ gì ? Mà đúng như vậy, đó là một thực tại đáng tiếc thường xảy ra nơi cha sở và cha phó khi giữa các ngài không có sự thông cảm và tôn trọng nhau, nguyên nhân cũng vì tính kiêu căng nóng giận và ích kỷ mà ra, đó là sự sơ hở của các ngài làm cho ma quỷ lợi dụng để đánh phá đoàn chiên mà các ngài đang coi sóc, nó chỉ cần đánh chủ chiên bằng cách chia rẻ họ với nhau thì đoàn chiên nhứt định là hoang mang, hoặc ít nữa là không còn tin vào lời giảng dạy của cha sở và cha phó nữa.

Cuộc sống của người linh mục là luôn cố gắng phản ảnh lại cuộc sống của Chúa Giêsu –vì linh mục là alter Christus- Chúa Kitô thứ hai- nhất là trong lãnh vực yêu thương và tinh thần phục vụ, không ai tin được một linh mục là Chúa Kitô thứ hai nếu người linh mục không sống như Chúa Giêsu đã sống, cũng không ai tin tưởng linh mục là người đại diện Chúa Giêsu khi cử hành thánh lễ và các bí tích, nếu người linh mục không có sự hiền lành và khiêm tốn.

Sống là sống cho Thiên Chúa tức là sống theo Thần Khí, thánh Phaolô tông đồ đã quả quyết : “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí”[17]. Quả vậy, cha sở và cha phó là những con người xác thịt, nhưng là những người luôn sống theo Thần Khí của Thiên Chúa, bởi vì các ngài đã được thánh hóa, được xức dầu để thuộc về Thần Khí và làm cho người khác cũng thuộc về Thần Khí trong bí tích Rửa Tội, do đó, các ngài –cha sở và cha phó- luôn là những người cha trong giáo xứ của mình, lấy đời sống thánh thiện làm thành bài giảng để không những cảm hóa người tội lỗi, mà còn làm cho họ trở nên con cái của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

a. Sống hiệp nhất là rao giảng

Chúa Giêsu vẫn thường cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các tông đồ[18], cũng như cho giáo hội được xây trên nền tảng thánh Phêrô được trở nên một, bởi vì Ngài biết rất rõ quyền lực của âm phủ nó sẽ bị thua bại dưới sức mạnh của sự hiệp nhất.

Cũng vậy, cha sở và cha phó là những người được Thiên Chúa sai đến để sống Lời của Ngài, để cho mọi người trong giáo xứ của các ngài coi sóc được thấy để bắt chước noi theo, các ngài là những người mang sự hiệp nhất đến cho giáo dân của mình khi họ sống trong chia rẻ, mang bình an của sự hiệp nhất đến cho giáo dân của mình, khi mà sự chia rẻ do ma quỷ đem đến làm họ bất an và cảm thấy cuộc sống như là một hỏa ngục đắng cay, cho nên họ cần có một tấm gương sáng của sự hiệp nhất nơi cha sở và cha phó của mình, họ không cần cha sở hay cha phó giảng những điều cao siêu trên trời, nhưng họ chỉ cần các ngài chia sẻ những sự dưới đất bằng chính cuộc sống hiệp nhất giữa các ngài với nhau, như thế là quá đủ cho họ hơn cả trăm bài giảng lý thuyết cao siêu mầu nhiệm...

b.   Sống yêu thương là rao giảng


Sống yêu thương là lời rao giảng có hiệu quả nhất của cha sở và cha phó, cả hàng trăm con mắt của giáo dân đều nhìn vào các ngài khi các ngài giảng, họ nhìn coi mặt của các ngài có đỏ gượng không khi giảng yêu thương mà các ngài lại chia rẻ với nhau, họ nhìn coi miệng của các ngài khi giảng có bị méo không[19], giáo dân chăm nhìn cha sở cha phó giảng là điều rất tốt nếu các ngài sống như lời các ngài đã giảng.

Ngày chủ nhật gần tết nguyên đán, tôi được cha sở họ đạo nọ mời đến dâng lễ, nhưng tôi chỉ xin ngồi tòa giùm cho ngài vì lý do riêng không thể dâng thánh lễ được, sau khi thánh lễ xong thì có một giáo dân mà tôi quen biết đã ngao ngán lắc đầu sau khi dự thánh lễ chủ nhật ấy đã nói với tôi : “Cha sở nói hay lắm nhưng ngài là người gây chia rẻ trong giáo xứ”, hỏi ra mới biết là cha sở của giáo xứ này đang có chiến tranh lạnh với giáo dân của mình. Trong giáo xứ nhất cử nhất động của cha sở hay cha phó đều được giáo dân để ý, chuyện giữa hai cha sống đối xử với nhau như thế nào họ cũng biết, cho nên lời giảng của các ngài cần phải như việc các ngài đã sống, đó là bài giảng hay nhất mà giáo dân mong mỏi nơi cha sở và cha phó của họ.

Sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương các tông đồ là bằng chứng để các tông đồ yêu thương nhau, cha sở và cha phó là hai tông đồ trên đường Emmau đã nhận ra được Chúa Giêsu khi các ngài bẻ Bánh Thánh trên bàn thờ và lập lại lời của Chúa Giêsu : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. “Làm việc này” chính là việc cử hành Thánh Thể -bí tích tình yêu- với tình yêu tha thiết dành cho Chúa Giêsu và cho anh chị em, do đó mà cha sở và cha phó hằng ngày cần cố gắng phá tan những bất hòa gây chia rẻ giữa hai người với nhau, bằng cách luôn nhớ đến việc cử hành Thánh Thể trong đời sống hằng ngày của mình. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của mình rằng : “Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây : Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”[20], cũng có nghĩa là Ngài đã biết những ai phản bội Ngài khi cùng nhau cử hành việc bẻ bánh, nhưng Ngài vẫn cứ chọn họ, bởi vì tình yêu của Ngài thì lớn hơn tất cả những khuyết điểm của chúng ta, nếu chúng ta -những người được chọn- biết trở nên tấm bánh cho anh em.

Khi cha sở và cha phó biết sống yêu thương, thì dù cho các ngài không có tài lợi khẩu khi giảng, thì dù cho các ngài vì bận bịu quá nhiều việc mà chưa chuẩn bị kịp bài giảng, thì giáo dân vẫn cứ thấy bài giảng của cha sở và cha phó mình rất hay và thu hút, bởi vì họ đã được tâm hồn kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân nơi các ngài đánh động, cho nên có thể nói được là : sống yêu thương chính là lời của bài giảng hay nhất và sống động nhất của cha sở và cha phó vậy.

Đức cố giáo hoàng Phaolô VI trong tông thứ “Rao giảng Tin Mừng” đã nhấn mạnh : “Con người thời nay cần những chứng nhân hơn thầy dạy...” và quả thật là như vậy, bởi vì cha sở và cha phó không những là thầy dạy đức tin và luân lý, nhưng các ngài còn sống đức tin và trở thành những chứng nhân về sự hiệp nhất và yêu mến nhau giữa các ngài và giáo dân trong xứ đạo mà các ngài được gởi đến để giảng dạy, thánh hóa và coi sóc.

IV. GIÁO XỨ LÀ ĐẠI GIA ĐÌNH

Chúa Giêsu nói với ông Phêrô : “Thầy bảo thật anh em : chẳng hề có ai từ bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa , mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cữu ở đời sau”[21]. Từ bỏ tất cả để được lời gấp trăm ngàn lần thì ai lại không thích, nhưng thế gian có mấy người từ bỏ tất cả để được lợi như lời Chúa Giêsu đã hứa ?

Các linh mục (và các tu sĩ nam nữ) là những người đã từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Giêsu làm môn đệ của Ngài, các ngài đã từ chối những mời mọc giàu sang vinh hoa phú quý của thế gian để được Nước Trời làm gia nghiệp, mà gia nghiệp Nứơc Trời ở trần gian này của các linh mục chính là Chúa Giêsu Thánh Thể và những linh hồn mà Chúa Giêsu đã chuộc lại bằng giá máu của Ngài đã đổ ra trên thập giá, và giờ đây trao lại cho các linh mục chăm sóc dạy dỗ, để họ -nhờ các linh mục- mà được thông phần vào vinh phúc Nước Trời, đó là các giáo dân trong giáo xứ của các ngài đang có nhiệm vụ chăm nom và dạy dỗ.

Giáo xứ là phần gia nghiệp Nước Trời mà Chúa Giêsu đã trao cho các cha sở và cha phó, là năm nén bạc trao cho cha sở và hai nén bạc trao cho cha phó, và tùy khả năng sức lực tài trí của mình để sinh lợi thêm nhiều cho Thiên Chúa, cho nên việc trước tiên mà cha sở và cha phó luôn tâm niệm rằng : giáo xứ là đại gia đình của chúng ta, trong đại gia đình này, mỗi người –cha sở và cha phó- tùy theo bổn phận và trách nhiệm của mình mà chu toàn bổn phận. Trong giáo xứ cha sở cha phó như người cha người mẹ hết lòng thương yêu và đùm bọc con cái mình, dù cho con cái có sai lỗi, có đi hoang đàng thì cũng vẫn cứ ân cần chăm lo với tất cả tình thương mến.

Giáo xứ là một đại gia đình hòa thuận thương yêu của cha sở và cha phó, trong giáo xứ này, các ngài cùng chia sẻ những niềm vui nổi buồn với giáo dân, có những giáo dân mà chính tay cha sở Rửa Tội khi mới sinh ra, làm phép hôn phối khi đã thành nhân, và –có khi- dâng thánh lễ cuối cùng cho họ, tất cả những điều đó không phải là hạnh phúc mà Thiên Chúa dành cho cha sở cà cha phó sao ? Chính những suy nghĩ đầy đức tin và yêu thương ấy đã làm cho giáo dân và cha sở cha phó của mình gắn bó với nhau, đồng tâm nhất trí xây dựng và phát triển những nén bạc mà Thiên Chúa đã trao cho các ngài, thật hạnh phúc biết bao.

Giáo xứ là một đại gia đình thật đúng nghĩa khi mà cha sở và cha phó đồng tâm nhất trí trong mọi công việc của giáo xứ, từ những việc nhỏ cho đến việc lớn, từ việc giáo huấn cho đến các lễ nghi đều được bàn hỏi với nhau trước khi dạy cho giáo dân thực hành, bởi vì có những lúc -nhất là việc lễ nghi- cha sở dạy làm một đường thì cha phó lại dạy làm cách khác, cho nên có những lúc “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” làm cho giáo dân cảm thấy cha sở và cha phó không hợp nhau.

Cha mẹ nào cũng mong muốn gia đình của mình thật yên vui hòa thuận và hạnh phúc, nhất là con cái biết sống yêu thương nhau và biết giúp đỡ nhau hơn. Giáo xứ cũng như thế mà thôi, cha sở cha phó nào cũng mong muốn giáo xứ của mình ngày càng phát triển, giáo dân trong giáo xứ đối xử với nhau chân thành, tương thân tương ái, biết cùng nhau kính Chúa yêu người, thế là cha sở cha phó mãn nguyện rồi.

Có nhiều cha sở khi đổi đến một giáo xứ thì tóc ngài vẫn còn đen, nhưng chỉ một năm sau thì tóc đã có nhiều sợi trắng, vài ba năm sau nữa thì tóc đã bạc nhiều lắm so với tuổi của ngài, đó là vì ngài lo lắng cho họ đạo, ngài thương yêu họ đạo mà ngài được sai đến như một người cha người mẹ để chăm sóc phần linh hồn (và có khi phần xác) cho giáo dân trong giáo xứ, nhất là những họ đạo nghèo thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, nhưng các ngài không than thở với giáo dân, như một người cha người mẹ, ngài hy sinh tất cả và chỉ “than thở” với Chúa Giêsu Thánh Thể rồi phó thác tất cả cho Ngài. Tinh thần khiêm cung phục vụ của các ngài chắc chắn Thiên Chúa sẽ trả công bội hậu, và giáo xứ của các ngài sẽ thay đổi rất rõ rệt từng ngày, bởi vì các ngài đã coi giáo xứ như là một đại gia đình của mình, thì Thiên Chúa cũng sẽ yêu thương và ban ơn cho giáo xứ của các ngài; bởi vì giáo xứ của các ngài cũng là một chi thể nho nhỏ trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, cho nên Thiên Chúa cũng sẽ không làm ngơ trước những nổ lực rao giảng Tin Mừng Nước Trời của cha sở và cha phó trong giáo xứ của các ngài.

Tiên tri Isaia đã nói về Đấng Messia như sau :

“Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,

Vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi

Sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,

Băng bó những tấm lòng tan nát,

Công bố lệnh ân xá cho những kẻ bị giam cầm,

Ngày phóng thích cho những tù nhân,

Công bố một năm hồng ân của Đức Chúa...”[22]

Chúng ta –các linh mục nói chung và các cha sở và cha phó nói riêng - cũng thấy lời loan báo đây trên của tiên tri Isaia là đang nói với chúng ta, bởi vì chúng ta đã được Thiên Chúa xức dầu thánh và tấn phong làm tư tế rồi sai đi như một tiên tri, sai đi đến nơi một giáo xứ để loan báo tin mừng bằng lời giảng dạy và đời sống của mình, và qua qua bí tích hòa giải chúng ta ân xá cho những giáo dân bị giam cầm, bị trói buộc trong xiềng xích tội lỗi của sa tan, và dẫn họ đến nơi nguồn ân sủng của Thiên Chúa đó là được tham dự vào tiệc Nước Trời là Mình và Máu thánh của Chúa Giêsu...
 
Lời kết

Như đã nói ở phần lời ngõ, bài chia sẻ “Cha Sở & Cha Phó” này là để chia sẻ kinh nghiệm mục vụ với các linh mục trẻ -bạn bè và các anh em của tôi- đang làm cha sở hoặc cha phó, tức là các linh mục tuổi đời còn trẻ và tuổi chịu chức cũng còn trẻ.

Còn những linh mục chịu chức vào tuổi xế chiều (khoảng 45 tuổi trở lên) thì đã có rất nhiều kinh nghiệm mục vụ, cũng như kinh nghiệm cuộc sống ở ngoài xã hội khi đang làm thầy giúp xứ, cho nên khi chịu chức linh mục và được sai đi làm cha sở hay làm cha phó, thì kinh nghiệm đã có đầy mình, nên bài chia sẻ này coi như là thừa thải với các ngài, bởi vì không một thầy giúp xứ lớn tuổi nào mà không có có con mắt để thấy, lỗ tai để nghe chuyện giữa cha sở và cha phó, rồi có một quyết tâm, một kinh nghiệm cho mình làm linh mục sau này !

Còn có những cha phó lớn tuổi hơn cha sở thì coi như chẳng có chuyện gì xảy ra, giáo dân sẽ thấy các ngài rất đoàn kết, bởi vì cha sở sẽ tôn trọng tuổi tác và –có khi- nhân cách lớn nơi cha phó, và cha phó cũng vậy, sẽ tôn trọng cha sở của mình không những vì ngài chịu chức trước mình, mà còn vì ngài là cha sở của một giáo xứ với nhiều kinh nghiệm mục vụ giáo xứ nơi ngài, cũng có nghĩa là các ngài là những người rất khiêm tốn và ý thức về bổn phận phải làm của mình trong cuộc sống hằng ngày.

Cha sở và cha phó đều là linh mục của Chúa Giêsu, nhưng đồng thời các ngài cũng là những con người với những tính cách không giống nhau, do đó mà khi làm việc mục vụ chung với nhau thì chắc chắn là sẽ có những lần to tiếng với nhau vì bất đồng ý kiến hoặc vì cá tính mỗi người, nhưng dù thế nào chăng nữa, thì các ngài vẫn luôn thấy một điểm chung phải đạt cho bằng được, đó là xây dựng một giáo xứ đầy tinh huynh đệ chân thành, và làm cho giáo xứ ngày càng phát triển hơn như lòng mong muốn của Cha trên trời.

Có một vài linh mục trẻ nói với tôi : “chuyện “Cha sở và Cha phó” là chuyện dài nhiều tập”, nhưng theo cách suy nghĩ của riêng tôi thì nó không phải là chuyện dài nhiều tập, nhưng dài hay ngắn thì đều do nơi tác giả, mà tác giả không ngoài ai khác mà chính là cha sở và cha phó, nếu các ngài muốn viết dài thì nó dài, nếu các ngài muốn viết ngắn hay chấm dứt thì cũng tùy thuộc các ngài mà thôi...
 
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta là những người bất xứng mà Ngài đã chọn vào hàng linh mục đời đời, biết luôn tìm thấy thánh ý của Ngài trong cuộc sống, nhất là biết sống bổn phận của một cha sở và cha phó trong xã hội với nhiều cám dỗ và nguy hiểm bởi vật chất xa hoa và tục hóa...


Taiwan, ngày lễ thánh nữ Têrêxa Hài Đồng

1.10.2005

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. aiwan, ngày lễa và tục hóa...

à cha phó trong xã hội với nhiều cám dỗ và nguy hiểm bởiỉánh ý của Ngài trong cuộc sống, nhất là




[1] Điều 519, bộ Giáo luật, trang 176 ấn bản Việt ngữ xuất bản năm 1983.
[2] Bộ Giáo luật điều 548, sách đã dẫn.
[3] Bộ Giáo Luật điều 548, 2.
[4] Trường hợp học kém chỉ có thánh Gioan Maria Vienney là ngoại lệ, ngài là tác phẩm đặc biệt của Thánh Thần.
[5] Ngoại trừ trường hợp vì hoàn cảnh như bị áp lực bởi một thế lực nào đó, mà giáo hội bị ép buộc phải phong chức cho người không xứng đáng làm linh mục, hoặc là các đấng có trách nhiệm bị lừa do hành cảnh...
[6] Gc 3, 13.
[7] Mỗi linh mục chỉ nhận một bỗng lễ một ngày, nếu ở Việt Nam mỗi lễ là 50 ngàn đồng, thì mỗi tháng trên dưới 1.500.000$.
[8] Xin đọc : “Chia sẻ công tác mục vụ trong thời đại ngày nay” cùng một tác giả., đã xuất bản và có bán tại các nhà sách công giáo Saigon. Trang web http://www.vietcatholic.net/nhantai
[9] Xem giáo luật điều 545 tiết 1.
[10] Mt 20, 1-16a.
[11] Pl 2, 4-9.
[12] Đấng sáng lập 4 hội dòng và tu hội : Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả (CSJB), hội dòng Tiểu Muội thánh Têrêxa (CST), hội trợ tá truyền giáo (SAM) và hội Phục Vụ quốc tế Vincent Lebbe (ICA).
[13] Xem “Cương lĩnh tinh thần tu đức của cha Vincent Lebbe”, bản dịch Việt ngữ của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
[14] Người Hoa gọi là “ông không đổ”.
[15] Mt 12, 43-45.
[16] Mt 12, 45b.
[17] Rm 8, 5.
[18] Ga 17, 11b.
[19] Theo tướng học hể ai mà noi dối nhìn cái miệng là biết ngay : bị méo khi nói dối.
[20] Ga 13, 18.
[21] Lc 18, 29-30.
[22] Is 61, 1-2a.