GIÁO DỤC
CÔNG VIỆC TRĂM NĂM TRỒNG NGƯỜI
Giáo dục là công việc không riêng gì của các thầy cô giáo, nhưng còn là công
việc của mọi người; không riêng gì công việc của những người có trách nhiệm, mà
là công việc của tất cả những người có một quả tim bằng xương bằng thịt, đó
cũng chính là sứ mạng của tất cả những ai có lương tâm chân chính.
A. ĐỜI
Vì không ai là một hòn đảo, nên con người cần có sự hổ tương vời nhau
qua cuộc sống hằng ngày, sự hổ tương này trở thành một dây xích nối kết con người
lại với nhau, và trong lao động học tập hằng ngày đã có ảnh hưởng với nhau gây
nên những tác hại lớn lao, hoặc tạo thành những tập quán tốt đẹp để từ từ xây dựng
một xã hội trong một thế giới to lớn ngày càng hoàn thiện hon. Do đó, việc giáo
dục thế hệ này nối tiếp thế hệ kia là việc rất cần thiết và quan trọng, nên cần
phải kết hợp giữa ba môi trường lớn mà cần thiết nhất trong xã hội lại với
nhau, ba môi trường lớn đó là GIA ĐÌNH, HỌC ĐƯỜNG VÀ XÃ HỘI.
1.
GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH
Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII đã nói gia đình là trường học đầu tiên
của ngài, cha mẹ là những vị thầy cô giáo đầu tiên của ngài. Lời nói này không
phải là không có căn cứ, nhưng dựa vào những kinh nghiệm từ thời thơ ấu, và sự
thành đạt của mình mà ngài đã nhận ra
căn bản của nền giáo dục trước tiên chính là gia đình của mình, và chính
nơi khung cảnh giáo dục gia đình này đã sản sinh cho Giáo Hội một vị giáo hàng
vĩ đại, một vị thánh đầy can đảm trong một thế giới đầy những khó khăn chính trị
và tôn giáo.
Gia đình là tổ ấm của trẻ thơ, nơi đây, con cái được sự chăm sóc dạy dỗ
của cha mẹ cách đặc biệt, vai trò này không một ai có thể thay thế được, bởi vì
sự dạy dỗ này chỉ cần sai một ly thì hậu quả sẽ đi sai ngàn dặm ảnh hưởng đến cả
các thế hệ sau. Cha mẹ là những thầy cô giáo đầu tiên của con cái mình, từ khi
con cái bập bẹ biết nói thì những ngôn hành của cha mẹ sẽ được con trẻ tiếp thu
trước hết.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, có những bậc phụ huynh quên mất thiên
chức cao cả của mình, là thay mặt Thiên Chúa để nuôi nấng và dạy dỗ con cái của
mình, họ bỏ mặc con cái cho trường học, bỏ mặc con cái cho xã hội để theo đuổi
công ăn việc làm, và có khi không hề để ý đến cuộc sống của con cái như thế
nào, cho đến khi nghe tin con mình phạm pháp thì cha mẹ đổ lỗi cho nhau là tại
ông tại bà không chịu chăm nom chú ý đến con cái...
Gia đình không phải chỉ là nơi con cái ăn ngủ mà thôi, nhưng còn là nơi
mà mỗi khi đi xa chúng đều thấy nhớ da diết đến mái nhà thân yêu của mình, nơi
mái ấm gia đình ấy, chúng nó nhớ đến cha mẹ và các anh chị em của chúng nó, nhớ
đến bàn tay chăm sóc của mẹ, nhớ đến lời dạy nghiêm khắc đầy tình thương của
cha, nhớ đến cuộc sống vui tươi đầm ấm với các anh chị em của mình. Muốn được
như thế, thì chính cha mẹ phải là những người –như nhạc trưởng- điều khiển ban
nhạc yêu thương trong gia đình mình, để khúc nhạc yêu thương này mãi mãi vang dội
đến trong tâm hồn của các con cái mình.
Gia đình là trường học đầu tiên và cha mẹ chính là những thầy cô giáo thứ
nhất của con cái mình.
2.
VAI TRÒ CỦA NHÀ TRƯỜNG
Nhà trường là một xã hội thu nhỏ của các em học sinh, nơi đây, các em
không những được các thầy cô truyền thụ kiến thức, mà còn dạy bảo các em về
cách sống làm người tốt nữa, do đó, vai trò của các thầy cô giáo rất là quan trọng.
Nơi trường học, các em được làm quen, tiếp xúc rất nhiều bạn bè, trong
đó, bạn tốt và bạn xấu đều có, và ảnh hưởng của những người bạn này rất lớn
trên các em, bởi vì dù là ở bậc tiểu học hay trung học, thậm chí ngay cả đại học,
thì các em vẫn luôn là những miếng mồi ngon béo bở cho những cám dỗ hằng ngày
qua việc kết bạn, học nhóm, bởi vì không có gì “lây truyền” nhanh cho bằng những
thới hư tật xấu, mà dưới những cuộc “học nhóm” ngoài sự kiểm soát của nhà trường.
Thời nay người ta có một quan niệm rằng, thầy cô giáo là những người chỉ
đào tạo kiến thức cho học sinh mà thôi, ngoài ra họ không có trách nhiệm gì về
đời sống đạo đức của các học sinh. Ngoài giờ lên lớp ra, thì thầy cô vẫn cứ dửng
dưng trước những sai phạm của các học sinh của mình, thậm chí coi như việc đạo
đức xuống cấp của học trò không can hệ gì đến mình.
Sự liên kết giữa nhà trường (thầy cô giáo) và gia đình (phụ huynh học
sinh) cần phải có sự liên kết chặt chẻ, có thể nói như môi hở răng lạnh, bởi vì
cần biết thành tích học tập của một học sinh thì người ta chỉ cần một cú phone
đến văn phòng nhà trường, nhưng cần biết hạnh kiểm và đạo đức của các em thì
người ta cần phải tìm hiểu cuộc sống gia đình của các em.
3.
VAI TRÒ CỦA XÃ HỘI
Xã hội là ngôi trường lớn nhất của con người, là trường đời dạy con người
ta những điều mà trong nhà trường chưa hề dạy, đó chính là những kinh nghiệm của
thành công và thất bại, mà những thầy cô giáo không ai khác hơn là những người
và những công việc mà các em tiếp xúc hằng ngày.
Đành rằng xã hội có rất nhiều điều hay phải học và điều dở phải tránh,
nhưng nếu gia đình cha mẹ không dạy dỗ con cái mình thì xã hội sẽ dạy chúng nó,
và bài học đầu tiên mà xã hội dạy các em chính là bài học dối trá, và sự dối
trá này sẽ là bàn đạp để các em tiến nhanh hơn đến việc phạm những tội ác khác.
Bởi vì thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều ấy, trẻ em nào được sự
quan tâm chăm sóc của gia đình thì thường là những học sinh ngoan và lễ phép với
mọi người, ngược lại, những em nào mà cha mẹ cứ khoán trắng cho nhà trường thì
chắc chắn sớm muộn gì các em cũng sẽ trở thành những học sinh cá biệt...
Do chiều kích quan trọng của việc giáo dục con người mà gia đình, nhà
trường và xã hội cần phải liên kết chặt chẽ với nhau như thế chân vạc, cần phải
gồng gánh cân đối như kiềng ba chân, mà hể gãy mất một chân thì sẽ bị té nhào
và hậu quả thì khó mà lường được.
B. ĐẠO
Là người Ki-tô hữu, việc giáo dục con cái mình mang tầm vóc hết sức quan
trọng và độc đáo, bởi vì ngoài việc giáo dục các em những kiến thức bởi các môn
học, các em còn được dạy dỗ cách sống như thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa và
tha nhân, do đó mà Giáo Hội Công Giáo đã không ngừng nâng cao và coi trọng sự
giáo dục trẻ em trở nên người có ích cho xã hội, mà còn trở thành một chứng
nhân của Chúa Giê-su, tức là trở nên một người Ki-tô hữu tốt đẹp.
1.
NHÀ THỜ
Nhà thờ là nơi dạy dỗ các em sống đạo và sống làm người cách tốt đẹp nhất,
nơi nhà thờ các em sẽ được làm quen với vị thầy vĩ đại của nhân loại là Chúa
Giê-su. Nơi trường học nhà thờ này, các em được dạy dỗ cách khám phá ra Thiên
Chúa và tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, cho nên có thể nói được rằng, từ
nơi trường học nhà thờ các em đã được khám phá ra vũ trụ được tạo thành bởi Đấng
toàn năng, và hằng luôn được sự quan phòng chăm sóc của Ngài; từ nơi trường học
nhà thờ này, các em được dạy sống yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa
Giê-su; và từ nơi trường học nhà thờ này, các em được sống trong bầu khí yêu
thương của Giáo Hội qua những yêu thương của những người khác.
Giáo dục Ki-tô giáo là dạy cho các em biết sống và thực hành lời dạy của
Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình, để nhờ đó mà các em thấy được Chúa hiện
diện qua người khác.
2.
CÁC ĐOÀN THỂ
Để lôi kéo các bạn trẻ đến với mình, người ta thường tổ chức các cuộc hội
hè vui chơi và những cuộc thi hào hứng khác, hoặc người ta sẽ tổ chức những cuộc
liên hoan ca nhạc để hấp dẫn các bạn trẻ, bởi vì một khi tâm hồn con người ta
đã trống vắng Thiên Chúa, thì chính những cuộc vui chơi đua tài ấy sẽ là điểm
bám dựa của các bạn trẻ muốn thoát ra khỏi chính mình.
Giáo Hội, với mong muốn duy nhất cho con cái mình là được hưởng hạnh
phúc thiên đàng mai sau với Thiên Chúa, do đó mà Giáo Hội tìm mọi cách để cho
con cái mình có cơ hội tiếp xúc và thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống, do
đó mà các hội đoàn đã được thiết lập như lòng mong ước của con cái Ngài. Và qua
những đoàn thể hội đoàn này, mà người Ki-tô hữu được giáo dục sống đời Ki-tô hữu.
Các đoàn thể được thiết lập trong giáo xứ, không phải để hội hè đình đám cho
vui khi có các dịp lễ lớn trong giáo xứ, nhưng là nơi để các Ki-tô hữu học hỏi
Lời Chúa và tập tành sống đạo yêu thương qua hội đoàn của mình. Việc giáo dục
càng trở nên quan trọng và thúc bách hơn trong xã hội ngày nay, một xã hội mà nếu
lỡ sẩy một bước chân thì khó mà rút ra khỏi được...
Cho con cái tham gia một đoàn thể trong giáo xứ là góp phần tích cực vào
công việc dạy dỗ con em mình theo tinh thần của Phúc Âm.
C. KẾT LUẬN
“Vì lợi ích mười năm: trồng cây, vì lợi ích trăm năm: trồng người”, đó
là câu đúc kết những tinh hoa của việc giáo dục con người. Tuy nhiên, việc giáo
dục này cần phải đặt trên nền tảng của đức tin và yêu thương, bởi vì nếu không
có nền tảng đức tin thì việc giáo dục chỉ là như người xây nhà trên cát rất dễ
bị sụp đổ khi cơn bão cuộc đời xảy đến, bởi vì không có yêu thương thì việc
giáo dục chỉ là một hình thức bên ngoài mà thôi: người dạy dối trá và người học
cũng là kẻ làm biếng lừa lọc mà thôi.
Chúa Giê-su cũng đã được sự giáo dục của thánh cả Giu-se và Đức Mẹ
Maria, Ngài không được miễn trừ việc giáo dục này, bởi vì Ngài cũng là con người
như chúng ta, và qua những việc làm của Ngài trong ba năm công khai rao giảng
tin mừng Nước Trời, mà người ta phải thốt lên rằng, bởi đâu mà Ngài được sự
không ngoan thông thái như vậy ? Có phải là Ngài được sự giáo dục của cha mẹ
không ? Vâng, thật đúng như vậy, bởi vì Chúa Giê-su được sinh ra trong một gia
đình mà thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Maria là hai vị thầy cô giáo đầu tiên thật tuyệt
vời của Ngài.
Ước mong thay mỗi gia đình và mỗi người Ki-tô hữu đều biết học noi gương
giáo dục của gia đình Na-da-rét.
Ngày Tết năm Kỷ Sửu
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------------------------------------