NHẬT KÝ MỒNG MỘT TẾT
(QUÝ TỴ)
1.
Sáng nay Mồng Một Tết năm Quý Tỵ
(10/02/2013) nhằm ngày chúa nhật, nhà thờ chỉ có một thánh lễ Minh Niên. Theo
phong tục của người Hoa, màu đỏ là màu cát lợi, màu hên, màu may mắn, cho nên
chủ tế mặc áo đỏ trong thánh lễ đầu năm mới.
Đúng 9 giờ thánh lễ Minh Niên bắt đầu,
giáo dân chừng khoảng 250 người, đông hơn mọi năm, ai ai cũng mặc áo mới, đa số
là áo màu đỏ, ai cũng vui vẻ, gặp nhau đều chúc câu “năm mới vui vẻ”, “vạn sự
như ý”. Đứng trên bàn thờ nhìn xuống thấy giáo dân tham dự thánh lễ đông, trong
lòng mình rất vui, bởi vì giáo dân của mình (phần đông) có thói quen năm mới là
cả nhà đi du lịch ngay từ trước tết vài ngày, nhưng năm nay phần đông đều tham
dự thánh lễ Minh Niên. Tạ ơn Chúa.
2.
Bài giảng hôm nay mình thay đổi cách
giảng, thay vì kể câu chuyện ba người khách là thần tình yêu, thần tài và thần
thành công, thì mình chia giáo dân ngồi trong nhà thờ thành ba gia đình: trên lầu
gia đình một, ngồi dưới bên phải là gia đình hai, bên trái là gia đình ba, và
mình hỏi: nếu thần tài, thần tình yêu và thành thành công muốn vào nhà các ông
bà, thì ông bà mời thần nào ? Gia đình một trả lời chắc chắn là mời thần tình
yêu, gia đình hai cũng như thế, và gia đình ba cũng như thế, mời thần tình yêu.
Mình nói mọi người vỗ tràng pháo tay chúc mừng cả nhà thờ trả lời rất đúng...
Quả thật, nếu chúng ta mời thần tài
vào nhà thì khi có tiền của vật chất rồi thì dễ dàng sinh ra lắm chuyện: chồng
có vợ bé, cờ bạc tiêu xài hoang phí, vợ thì chưng diện làm đẹp và có thể đi đến
chuyện không muốn làm việc săn sóc gia đình; nếu chúng ta mời thần thành công
vào nhà, thì tiếng tăm vang dội bởi những thành công của mình, và khi đã nổi tiếng
rồi thì ít khi mà ở nhà để lo việc nhà, và thương đi chỗ này hội họp, chỗ kia
công tác, rồi chén tạc chén thù, và cuối cùng thì quên cả gia đình, thế là gia
đình hạnh phúc không cánh mà bay. Nhưng nếu chúng ta mời thần tình yêu vào nhà,
thì dù cho không có vật chất của cải, dù cho không có thành công trong cuộc sống
thì tình yêu vẫn có sức để làm cho gia đình có hạnh phúc và hòa thuận, bởi vì
tình yêu là kết nối hài hòa giữa những tâm hồn cha mẹ con cái với nhau, bởi vì
tình yêu là sức bật của cuộc sống, nhưng tình yêu ấy phải được bắt đầu từ tình
yêu của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu...
Cả nhà thờ vỗ tay vui vẻ khi mình
nói Tết chính là hồng ân của Thiên Chúa ban cho chúng ta, là tình yêu của Cha
nhân lành dành cho con cái, cho nên ba ngày tết đừng uống nhiều rượu, bởi vì uống
đến say thì mất cả tết và gia đình mất vui, đừng đánh bạc sát phạt nhau, vì như
thế sẽ lãng phí tiền bạc và có khi hối hận cả đời, nhất là phải làm cho ba ngày
tết trở thành những ngày vui vẻ cho cả nhà và mọi người...
3.
Cuối thánh lễ có nghi thức kính nhớ
tổ tiên, năm nay có đốt pháo, loại pháo nổ tiếng lớn mà không có khói, không có
xác pháo, rất tiện lợi và an toàn (không phải tiếng pháo thu băng). Tiếng pháo
nổ rền làm mình nhớ nhà, nhớ ba má đã qua đời, nhớ anh chị em ở nhà giờ đang
quây quần vui vẻ chúc tết cho nhau, phát tiền lì xì...
Nghi thức thờ kính tổ tiên xong là đến
phần hái lộc thánh, năm nay mình để trong bao đỏ một tấm hình chụp mặt tiền nhà
thờ trong đêm giáng sinh với địa chỉ và số điện thoại cũng như địa chỉ trang
blog của nhà thờ, phía mặt sau một câu Lời Chúa và hình Chúa Phục Sinh, trong
phong bao lộc thánh cũng có thêm 10 đồng tiền kẽm mới, có chữ “quốc thái dân
an”, ý nghĩa 10 đồng là như trong bài Phúc Âm thánh Mát-thêu ông chủ trao cho đầy
tớ 10 đồng và đi làm lợi thêm 10 đồng nữa, và thêm một ý nghĩa của số 10 là ”thập
toàn thập mỹ” tức là mười phân vẹn mười...
Mọi người xếp hàng lên hái lộc
thánh, năm nayso61 lượng người quá đông nên có khoảng hai mươi giáo dân không
hái được lộc thánh, thế là họ hái luôn cả chùm pháo giả trên cây lộc, hái luôn
cả chùm hoa đèn trên cây lộc, hái luôn cả chữ Phúc và chữ Xuân trên cây lộc để
lấy hên, ngày mai đem đến trả lại cho...cha, hahahahaha. Ngay cả mình cũng
không hái được lộc thánh vì đợi cho giáo dân hái xong thì mình mới hái, nhưng hết
mất tiêu...
4.
Tết nhất mình không đi đâu cả, ở nhà
viết lách, coi truyền hình, vì giáo dân Taiwan không có thói quen chúc tết
Chúa, chúc tết cha, nhưng lễ xong thì mọi người gặp nhau đều chúc tết nhau, rồi
ai về nhà nấy, mình thích như vậy, khỏi rườm rà...
Trưa nay mồng một tết, có ba gia
đình giáo dân cũ đến chúc tết mình, vì muốn trò chuyện với mình nên họ không muốn
đi ra ngoài tiệm ăn, nhưng nhà bếp mình chỉ có mì gói và trái cây (táo, cà
chua, trứng và một ít cá hộp), vì giáo dân biết mình là “ông cha mì gói” nên họ
vui vẻ nấu mì gói để ăn tết với mình, một nồi mì gói thơm phức, hahahaha, mì
gói “hão hão” của Việt Nam chính hiệu, cả mười người ăn sạch nồi mì gói rất vui
vẻ...
Họ nói, từ trước đến nay chưa bao giờ
ăn mì gói Việt Nam chứ đừng nói là ăn mì gói trong ngày mồng một tết, đúng là kỷ
niệm khó quên đối với họ, nhưng ăn mì gói không quan trọng bằng việc đến thăm
cha sở cũ và có thời gian trò chuyện lâu hơn, vì trong năm ai cũng bận công việc
làm ăn.
Mồng một Tết giáo dân cũ bỏ thời giờ
đến thăm cha sở cũ của họ là điều quý hóa, gặp nhau hàn huyên trò chuyện, nào
là chuyện nhà thờ, chuyện làm ăn, chuyện con cái, chuyện các đoàn thể, chúc
nhau năm mới tràn đầy phúc lành của Thiên Chúa và Đức Mẹ Ma-ri-a...
5.
Buổi chiều 3 giờ rưỡi, mình với họ
đi dạo ở phố cổ nổi tiếng là Ying-co, ở đây người ta bán rất nhiều hàng cổ, từ
hàng trang trí đến những hàng gổ rất đẹp, người đi dạo phố rất đông, nhưng ít
người mua, quán ăn uống cũng nhiều, vì là điểm tham quan nên khách du lịch đến
rất đông, kiếm nơi gởi xe rất khó, vì các bãi giữ xe đã hết chỗ, đến nổi người
ta cho khách vào gởi trong vườn trong sân nhà của họ, mỗi lần là 60 đồng tiền
Taiwan.
Điều cảm động là đến thăm mình có một
bé trai, khi mình còn ở giáo xứ cũ thì em chỉ mới học mẫu giáo, mỗi lần đến nhà
thờ là đòi mình cho em kẹo chocolat. Bây giờ em học lớp bốn, đến thăm mình thì
dứt khoác mời mình uống cà phê, lúc đi dạo phố mọi người đều tìm kiếm em vì người
rất đông sợ em lạc đường, mọi người chia nhau đi tìm em, nhưng không ngờ, em
vào tiệm bán hàng nhanh seven eleven mua một lon cà phê lạnh mời mình uống, ai
cũng tức cười và cảm động quên mất sự mệt nhọc vì đi tìm em.
Đã 6 giờ rưỡi tối, giáo dân mời mình
cùng ăn cơm tối với họ ngay tại phố cổ, mọi người vui vẻ ăn uống, coi như là
ngày đầu năm vui vẻ hạnh phúc vì cùng với cha sở cũ ăn tết Mì Gói...
Taiwan,
mồng Một Tết Quý Tỵ
Lm.
Giuse Maria Nhân Tài, csjb.