HỌC ĂN TRỘM
Một người nghèo khổ ở nước Tống
đến nhà của một người giàu có ở nước Tề để học cách làm giàu.
Người giàu có nói: “Trước đây tôi rất nghèo khó, bây giờ thì sống
qua những ngày no đủ, bởi vì mỗi ngày, tôi chịu khó đi ăn trộm, ăn cướp. Năm đầu
liền có thể duy trì được cuộc sống, năm thứ hai đã không lo chuyện ăn mặc, năm
thứ ba thì nhà tôi đã có kê đầy vựa, gạo đầy kho rồi.”
Người nghèo nghe xong, cũng
không hoỉ lại cho rõ ràng là ông ta ăn trộm như thế nào, liền trở về quê nhà ra
tay hành động. Mỗi buổi tối, anh ta trèo tường khoét hang, mặc sức ăn trộm,
trong nhà rõ ràng đầy đủ hẳn lên.
Không ngờ quan phủ nắm được
tang vật và khép tội anh ta, ngay cả những đồ vật cũ trước kia trong nhà cũng tịch
thu tuốt luốt.
Tên trộm này sau khi mãn hạn
tù và được phóng thích, liền chạy đến nước Tề tìm người giàu có nhưng thật thà ấy
oán trách một hồi.
Người giàu có cười nói: “Ai dà! Anh hiểu lầm ý của tôi rồi. Tôi ăn
trộm thời vụ của trời, ăn cắp nguồn của cải của đất, trồng trọt hoa màu, xây dựng
nhà cửa, bắt thú hoang, bắt tôm cá, tôi ăn trộm chúng từ trong thiên nhiên, đó
là việc làm quang minh chính đại! Mấy tài vật của tư nhân là do con người lao lực
mà có được, nó thuộc về của riêng họ. Anh đi ăn trộm ăn cướp, đương nhiên là phạm
tội, anh còn oán hờn ai chứ?”
(Liệt tử )
Suy tư:
Cái tai hại nhất chính là nghe
không rõ mà lập tức đi hành động, không những làm sai mà con gây tai họa không
thể lường được.
Lời Chúa đương nhiên là một sức
mạnh vô song, đủ sức làm cho con người yếu đuối trở thành mạnh mẽ, làm cho người
bệnh hoạn trở nên cường tráng, vì sức mạnh vô địch của nó mà chúng ta phải cẩn
thận khi ứng dụng nó trong cuộc sống, nếu không lời Chúa sẽ trở thành quan tòa
xét xử chúng ta, sẽ trở thanh con dao săc bén để tru diệt linh hồn chúng ta.
Có người đem lời Chúa để giải
thích theo ý mình, nên cuộc sống của họ “chọi” lại với Tin Mừng.
Có người học giáo lý “ba chớp
ba nhoáng” nên không ai biết họ là người Ki-tô hữu chân chính, bởi vì họ sống
Phúc Âm nửa mùa.
Tôi có diễm phúc được học giáo
lý căn bản, được tham dự thánh lễ mỗi ngày, hoặc ít nữa là mỗi ngày Chúa nhật đều
có tham dự thánh lễ, nhưng tôi đã thật sự sống tin mừng cho ra hồn chưa? Hay nửa
nạc nửa mỡ, nửa nóng nửa lạnh, để rồi bị Thiên Chúa mửa ra khỏi miệng?(Kh 3,
15-17)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư